• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2014
BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 11/2013/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 16 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập

___________

 

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập (sau đây gọi là bảo tàng).

2. Thông tư này áp dụng đối với bảo tàng và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sưu tầm hiện vật của bảo tàng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hiện vật là bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được bảo tàng sưu tầm, hoàn thiện hồ sơ về khoa học và pháp lý để trở thành hiện vật bảo tàng.

Trong Thông tư này, từ ngữ “Di vật khảo cổ” theo quy định tại Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ được gọi chung là “hiện vật”.

2. Sưu tầm hiện vật là việc bảo tàng thông qua các phương thức khác nhau để đưa hiện vật về bảo tàng, phục vụ hoạt động của bảo tàng.

3. Hồ sơ sưu tầm hiện vật là tập hợp các tài liệu khoa học và pháp lý về hiện vật, được hình thành trong quá trình nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc đưa hiện vật về bảo tàng.

4. Đề cương sưu tầm hiện vật là văn bản thể hiện những vấn đề chủ yếu về mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng dự kiến sưu tầm, thời gian thực hiện và những vấn đề khác có liên quan đến việc triển khai sưu tầm hiện vật cho bảo tàng.

5. Hiến tặng hiện vật là việc tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao cho bảo tàng sử dụng vĩnh viễn hiện vật thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, không kèm theo điều kiện về chi phí cho việc chuyển giao đó, để bảo tàng quản lý và phát huy giá trị hiện vật.

6. Chuyển giao hiện vật là việc một cơ quan, đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ hoạt động bảo tàng chuyển giao cho bảo tàng quản lý và sử dụng vĩnh viễn những hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng do cơ quan, đơn vị thu giữ được trong quá trình thực thi công vụ.

Điều 3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện việc sưu tầm hiện vật

1. Thực hiện việc sưu tầm hiện vật theo trình tự sau:

a) Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin và nghiên cứu về hiện vật; xác định các hiện vật có đủ tiêu chí là đối tượng sưu tầm của bảo tàng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này để lập đề cương, kế hoạch sưu tầm trình người có thẩm quyền phê duyệt;

b) Lập hồ sơ hiện vật dự kiến sưu tầm theo quy định tại Thông tư này và quy định của bảo tàng;

c) Thực hiện việc sưu tầm hiện vật theo đề cương, kế hoạch sưu tầm đã được phê duyệt;

d) Bàn giao hiện vật và các tài liệu được hình thành trong quá trình sưu tầm theo quy định tại Thông tư này cho bảo tàng.

2. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân được bảo tàng giao thực hiện sưu tầm hiện vật lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ để tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được Giám đốc bảo tàng và chủ sở hữu hiện vật đồng ý.

Điều 4. Hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm

Hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng phải có đủ các tiêu chí sau:

1. Là hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.

2. Có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp và đang không có tranh chấp, khiếu kiện liên quan.

3. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng.

Điều 5. Phương thức sưu tầm

Việc sưu tầm hiện vật được thực hiện theo các phương thức sau:

1. Thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc thu thập hiện vật tại thực địa.

2. Mua hiện vật của tổ chức, cá nhân.

3. Tiếp nhận hiện vật từ tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao.

4. Các phương thức sưu tầm khác.

Điều 6. Kinh phí sưu tầm hiện vật

1. Nguồn kinh phí sưu tầm hiện vật bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Nguồn vốn viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước;

c) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để sưu tầm hiện vật.

2. Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có bảo tàng thực hiện việc sưu tầm hiện vật quyết định mức kinh phí tối đa mà Giám đốc bảo tàng được quyết định để mua 01 (một) hiện vật.

3. Việc sử dụng kinh phí sưu tầm hiện vật thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và quy định của pháp luật về tài chính.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

Các phương thức sưu tầm

Điều 7. Thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc thu thập hiện vật tại thực địa

1. Việc bảo tàng tổ chức hoặc phối hợp tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ (sau đây gọi là khai quật khảo cổ) để sưu tầm hiện vật thực hiện theo các bước sau:

a) Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng hiện vật tại địa điểm dự kiến khai quật khảo cổ;

b) Xin giấy phép khai quật khảo cổ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

c) Tổ chức khai quật khảo cổ;

d) Chỉnh lý hiện vật và lập phiếu hiện vật cho các hiện vật khai quật được theo quy định tại Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ;

đ) Trong trường hợp bảo tàng quốc gia hoặc bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, hoặc bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương (sau đây gọi là bảo tàng ở trung ương) tổ chức khai quật khảo cổ để sưu tầm hiện vật, bảo tàng ở trung ương có trách nhiệm phối hợp với bảo tàng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi khai quật khảo cổ (sau đây gọi là bảo tàng cấp tỉnh nơi khai quật) bảo quản hiện vật khai quật được, lập hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc giao hiện vật khai quật được cho bảo tàng ở trung ương và bảo tàng cấp tỉnh nơi khai quật (sau đây gọi là hồ sơ đề nghị giao hiện vật khai quật khảo cổ);

Việc lập hồ sơ đề nghị giao hiện vật khai quật khảo cổ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này;

e) Tiếp nhận hiện vật được giao và lập hồ sơ sưu tầm hiện vật theo quy định của bảo tàng.

2. Việc thu thập hiện vật tại thực địa thực hiện theo quy định sau:

a) Tổ chức, cá nhân thuộc bảo tàng được giao nhiệm vụ điều tra, khảo sát tại thực địa, khi phát hiện hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng, có trách nhiệm thu thập thông tin về hiện vật và đưa hiện vật đó về giao nộp cho bảo tàng;

b) Tổ chức, cá nhân thu thập hiện vật tại thực địa có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân phụ trách chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan của bảo tàng lập và bàn giao cho bảo tàng hồ sơ sưu tầm hiện vật theo quy định của bảo tàng.

Điều 8. Mua hiện vật cho bảo tàng

Việc bảo tàng mua hiện vật của tổ chức, cá nhân thực hiện theo các bước sau:

1. Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về hiện vật dự kiến mua.

2. Tiến hành thương thảo với chủ sở hữu hiện vật về giá bán hiện vật.

3. Lập Danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Lập dự án hoặc kế hoạch mua hiện vật trình Giám đốc bảo tàng hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Trình Hội đồng khoa học của bảo tàng (sau đây gọi là Hội đồng khoa học) hoặc trình Hội đồng thẩm định mua hiện vật (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định) để lựa chọn hiện vật có đủ tiêu chí quy định tại Điều 4 Thông tư này và xác định giá mua hiện vật theo quy định sau:

a) Trình Hội đồng khoa học thẩm định đối với hiện vật mà Giám đốc bảo tàng được quyết định việc mua theo thẩm quyền.

Khi tổ chức thẩm định hiện vật được quyết định việc mua theo thẩm quyền, Giám đốc bảo tàng mời đại diện cơ quan quản lý tài chính có thẩm quyền liên quan đến việc sử dụng kinh phí mua hiện vật tham gia Hội đồng khoa học;

Việc thành lập và nhiệm vụ của Hội đồng khoa học thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng;

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định mua hiện vật của Hội đồng khoa học thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư này;

b) Trình Hội đồng thẩm định để lựa chọn hiện vật có đủ tiêu chí theo quy định tại Điều 4 và xác định giá mua hiện vật theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 Thông tư này đối với hiện vật mà Giám đốc bảo tàng không có thẩm quyền quyết định việc mua.

6. Giám đốc bảo tàng quyết định việc mua hiện vật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc mua hiện vật.

7. Tổ chức mua hiện vật:

a) Ký Hợp đồng mua, bán hiện vật giữa bảo tàng và chủ sở hữu hiện vật theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tiếp nhận hiện vật, tài liệu có liên quan đến nguồn gốc hiện vật, quyền sở hữu và bản quyền đối với hiện vật (nếu có) từ chủ sở hữu hiện vật; lập Biên bản giao, nhận hiện vật theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Hoàn thành việc thanh toán, quyết toán với chủ sở hữu hiện vật theo quy định của pháp luật về tài chính.

8. Hoàn thiện hồ sơ sưu tầm hiện vật theo quy định của bảo tàng.

Điều 9. Tiếp nhận hiện vật do tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao cho bảo tàng

Việc tiếp nhận hiện vật do tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao cho bảo tàng thực hiện theo các bước sau:

1. Tổ chức khảo sát, nghiên cứu, thu thập thông tin về hiện vật của tổ chức, cá nhân có dự định hiến tặng hoặc chuyển giao hiện vật cho bảo tàng.

2. Lập Danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hội đồng khoa học tổ chức xem xét, lựa chọn hiện vật có đủ tiêu chí theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

4. Lập kế hoạch tiếp nhận hiện vật được hiến tặng hoặc chuyển giao trình Giám đốc bảo tàng hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5. Tiếp nhận hiện vật, tài liệu có liên quan đến nguồn gốc hiện vật, quyền sở hữu và bản quyền đối với hiện vật (nếu có) từ chủ sở hữu hiện vật; lập Biên bản giao, nhận hiện vật theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

6. Thực hiện việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hoặc chuyển giao hiện vật cho bảo tàng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về tài chính và pháp luật về thi đua, khen thưởng.

7. Hoàn thiện hồ sơ sưu tầm hiện vật theo quy định của bảo tàng.

Điều 10. Sưu tầm hiện vật theo các phương thức khác

1. Việc sưu tầm hiện vật theo phương thức trao đổi hiện vật giữa hai bảo tàng thực hiện theo quy định sau:

a) Thực hiện trao đổi hiện vật theo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận, được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ quản bảo tàng và tuân thủ quy định hiện hành về quản lý tài sản nhà nước;

b) Thực hiện việc tiếp nhận hiện vật theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

2. Việc sưu tầm hiện vật theo phương thức mua hiện vật tại các phiên đấu giá thực hiện theo quy định về việc mua hiện vật cho bảo tàng tại Thông tư này và các quy định của pháp luật về đấu giá.

Giám đốc bảo tàng hoặc người có thẩm quyền quyết định việc mua hiện vật quyết định giá tối đa tham gia trong phiên đấu giá nhưng không được vượt quá giá mua do Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng thẩm định đề xuất.

3. Trường hợp sưu tầm hiện vật đặc biệt:

a) Sưu tầm hiện vật trong các trường hợp sau đây được coi là trường hợp sưu tầm hiện vật đặc biệt: mua hiện vật có giá mua đặc biệt lớn; mua khẩn cấp hiện vật quý hiếm; được tiếp nhận từ tổ chức, cá nhân hiến tặng, chuyển giao hiện vật đặc biệt quý hiếm hoặc có giá trị kinh tế đặc biệt lớn;

b) Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có bảo tàng thực hiện việc sưu tầm hiện vật quyết định việc sưu tầm hiện vật đặc biệt theo đề nghị của Giám đốc bảo tàng hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Đối với hiện vật có giá mua đặc biệt lớn, người có thẩm quyền quyết định việc mua hiện vật cần xin ý kiến tham vấn bằng văn bản của chuyên gia am hiểu về hiện vật dự kiến mua trước khi quyết định việc mua.

Mục 2. Hồ sơ và trình tự thực hiện việc giao hiện vật khai quật khảo cổ

Điều 11. Hồ sơ đề nghị giao hiện vật khai quật khảo cổ

Hồ sơ đề nghị giao hiện vật khai quật khảo cổ bao gồm:

1. Tờ trình đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định giao hiện vật khai quật được cho bảo tàng ở trung ương và bảo tàng cấp tỉnh nơi khai quật, do bảo tàng ở trung ương là đơn vị tổ chức khai quật khảo cổ lập;

2. Danh sách hiện vật khảo cổ giao cho các bảo tàng theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này, do bảo tàng ở trung ương là đơn vị tổ chức khai quật khảo cổ phối hợp với bảo tàng cấp tỉnh nơi khai quật lập.

Điều 12. Trình tự thực hiện việc giao hiện vật khai quật khảo cổ cho bảo tàng ở trung ương và bảo tàng cấp tỉnh nơi khai quật

1. Bảo tàng ở trung ương gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ Hồ sơ đề nghị giao hiện vật khai quật khảo cổ về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa).

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc giao hiện vật khai quật được cho bảo tàng ở trung ương và bảo tàng cấp tỉnh nơi khai quật.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc giao hiện vật khai quật được, bảo tàng ở trung ương và bảo tàng cấp tỉnh nơi khai quật phải hoàn thành việc bàn giao hiện vật khai quật được.

Mục 3

Tổ chức thẩm định mua hiện vật

Điều 13. Hội đồng thẩm định

1. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định

a) Hội đồng thẩm định là tổ chức tư vấn cho Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có bảo tàng thực hiện việc mua hiện vật về việc lựa chọn hiện vật cần mua và xác định giá mua hiện vật;

b) Thời gian hoạt động của Hội đồng thẩm định được quy định tại Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định.

2. Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định:

a) Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, theo đề nghị của Giám đốc bảo tàng thực hiện việc mua hiện vật (đối với bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương) hoặc theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương (đối với bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương);

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với bảo tàng cấp tỉnh);

Quy chế làm việc của Hội đồng thẩm định do người quyết định thành lập Hội đồng thẩm định ban hành.

3. Thành phần Hội đồng thẩm định:

a) Chủ tịch Hội đồng thẩm định là người được Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có bảo tàng thực hiện việc mua hiện vật ủy quyền;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Giám đốc bảo tàng thực hiện việc mua hiện vật (đối với bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương), hoặc người đứng đầu đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương (đối với bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương), hoặc Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với bảo tàng cấp tỉnh);

c) Ủy viên Hội đồng thẩm định là những người có uy tín về các lĩnh vực khoa học, nghiệp vụ liên quan đến hiện vật dự kiến mua và đại diện cơ quan quản lý tài chính có liên quan đến việc sử dụng kinh phí mua hiện vật;

Đối với bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và bảo tàng cấp tỉnh, Giám đốc bảo tàng là ủy viên thường trực của Hội đồng thẩm định;

Số lượng ủy viên Hội đồng thẩm định do người quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quyết định;

d) Thư ký Hội đồng thẩm định được lựa chọn trong số ủy viên Hội đồng khoa học của bảo tàng thực hiện việc mua hiện vật.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định thuộc kinh phí hoạt động của bảo tàng.

Điều 14. Hồ sơ hiện vật dự kiến mua

Hồ sơ hiện vật dự kiến mua bao gồm:

a) Danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phiếu thẩm định hiện vật dự kiến mua theo Mẫu số 5A (trường hợp lập hồ sơ trình Hội đồng khoa học) hoặc Mẫu số 5B (trường hợp lập hồ sơ trình Hội đồng thẩm định) ban hành kèm theo Thông tư này và các tài liệu khác liên quan đến hiện vật dự kiến mua (nếu có).

Điều 15. Trình tự, thủ tục thẩm định mua hiện vật

1. Việc thẩm định mua hiện vật được thực hiện thông qua cuộc họp của Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng thẩm định.

Bảo tàng thực hiện việc mua hiện vật chịu trách nhiệm chuẩn bị cuộc họp của Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng thẩm định và hồ sơ hiện vật dự kiến mua.

Hồ sơ hiện vật dự kiến mua phải được gửi đến các thành viên Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng thẩm định trước thời gian tổ chức họp Hội đồng ít nhất 07 ngày.

2. Cuộc họp của Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng thẩm định phải có ít nhất 75% thành viên có tên trong Quyết định thành lập Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền.

Thành viên Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng thẩm định vắng mặt tại cuộc họp Hội đồng, phải gửi tới Hội đồng Phiếu thẩm định hiện vật dự kiến mua đã có ý kiến của mình theo Mẫu số 5A (đối với thành viên Hội đồng khoa học) hoặc Mẫu số 5B (đối với thành viên Hội đồng thẩm định) ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hội đồng khoa học, Hội đồng thẩm định chỉ lựa chọn và xác định giá mua đối với hiện vật có đầy đủ Hồ sơ hiện vật dự kiến mua theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

4. Hội đồng khoa học, Hội đồng thẩm định chỉ đề xuất với người có thẩm quyền quyết định việc mua hiện vật đối với những hiện vật được ít nhất 75% thành viên Hội đồng đồng ý lựa chọn và thống nhất về giá mua.

Ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng thẩm định được thể hiện trong Biên bản họp Hội đồng thẩm định mua hiện vật theo Mẫu số 6A (đối với Hội đồng khoa học) hoặc Mẫu số 6B (đối với Hội đồng thẩm định) ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Toàn bộ văn bản được hình thành qua cuộc họp của Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng thẩm định được tập hợp thành Hồ sơ kết quả thẩm định, do Thư ký Hội đồng thực hiện.

Hồ sơ kết quả thẩm định được lập thành nhiều bản để trình người có thẩm quyền quyết định việc mua hiện vật và các cơ quan liên quan, bản gốc lưu trữ tại bảo tàng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2014.

2. Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm tổ chức, theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét, bổ sung, sửa đổi./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Tuấn Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.