Phần IICHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND
TỈNH PHÚ THỌ
Về việc phòng ngừa và đấu tranh chống nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên
Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết 06/CP ngày 29-6-1993 của Chính phủ, Quyết định số l037/QĐ-UB ngày 15-6-1995 của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ), công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện bước đầu đạt một số kết quả. Song tình hình nghiện hút, hít, tiêm chích, buôn bán và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy vẫn còn diễn ra phức tạp. Đặc biệt, nạn nghiện hút phát triển nhanh trong tầng lớp thanh thiếu niên, lây lan vào trong các trường học phổ thông, trung học, chuyên nghiệp dạy nghề, cao đẳng, đại học... bằng nhiều con đường khác nhau dưới nhiều hình thức tinh vi. Tình hình trên nếu không được ngăn chặn sẽ gây nhiều hậu quả rất xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội hiện tại và lâu dài về sau; ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, xói mòn phẩm chất đạo đức của thanh thiếu niên. Nhiều em từ nghiện ma túy đã phải bỏ học hoặc trở thành tội phạm. Giải quyết các tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng chống và kiểm soát ma túy trong trường học, thanh thiếu niên là một nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, là mối lo lắng của từng gia đình và toàn xã hội.
Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều nhưng trước hết là do các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở chưa làm tốt công tác giáo dục, chưa kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm nhất là những đối tượng chủ chứa, buôn bán và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy. Sự kết hợp giữa chính quyền các cấp và các ngành; giữa chính quyền với các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội; giữa nhà trường và gia đình chưa đồng bộ và chặt chẽ, chủ yếu giao phó cho ngành Công an và nhà trường. Công tác xét xử còn hữu khuynh, tác dụng giáo dục còn ít. Công tác chữa trị, cai nghiện còn hạn chế, chưa gắn với dạy nghề, tái hòa nhập với cộng đồng và chưa làm tốt công tác bàn giao cho chính quyền cơ sở và gia đình tiếp tục quản lý giáo dục. Công tác tuyên truyền giáo dục chưa thiết thực, chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chưa coi trọng giáo dục trực tiếp, giáo dục cá biệt, giáo dục cộng đồng. Do vậy, chưa tạo được dư luận xã hội mạnh mẽ, nhất là trong tập thể có người vi phạm; nhận thức của nhiều người đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên chưa đầy đủ, không thấy hết tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 33/CT-TW của Ban Bí thư; Nghị quyết 06/CP của Chính phủ, Kế hoạch liên ngành: Nội vụ - Giáo dục và Đào tạo - Lao động Thương binh Xã hội - Y tế - Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam số 1413/LN; Quyết định số 1037/QĐ-UB của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) kiên quyết hạn chế, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt nạn nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên. Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị:
1. Trên cơ sở Kế hoạch 1194/KH-UB của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) và Kế hoạch liên ngành số 1413/LN giao Công an tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch liên ngành Công an tỉnh - Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Sở Y tế - Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về phòng ngừa và đấu tranh chống nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên và thanh, thiếu niên trong tỉnh.
2. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ phù hợp với từng đối tượng để mọi người - nhất là học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên nhận thấy tác hại, hậu quả nặng nề của ma tuý và các tệ nạn xã hội. Đa dạng và linh hoạt trong các hình thức tuyên truyền, giáo dục: coi trọng giáo dục trực tiếp và cá biệt, giáo dục của gia đình, đoàn thể, cộng đồng và chính quyền cơ sở...vừa tuyên truyền pháp luật Nhà nước vừa nêu những vụ việc điển hình và kết quả xử lý của cơ quan chức năng, gắn với việc làm trong sạch địa phương, đoàn thể, nhà trường mình.
Các cơ quan thông tin: Báo Phú Thọ, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, các Đài truyền thanh huyện, thành, thị và cơ sở phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị không coi là dịch vụ để thu tiền.
3. Giao cho ngành Công an chủ trì phối hợp với các ngành tham mưu cho chính quyền các cấp tích cực điều tra, phát hiện phân loại để có giải pháp xử lý kịp thời. Tập trung phát hiện, xử lý bọn buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy trái phép trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên. Bằng mọi biện pháp ngăn chặn các nguồn ma túy đưa vào trường học. Lập hồ sơ đưa những đối tượng nghiện nặng vào các trung tâm chữa trị cai nghiện.
4. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, đôn đốc các Phòng giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn triển khai khẩn trương "Định hướng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục phòng chống tệ nạn ma túy ở trường học từ 1996 - 2000" của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phối hợp với các ngành có liên quan chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục các kiến thức phòng ngừa và tác hại của ma túy trong nhà trường thông qua các hoạt động nội khóa, ngoại khóa. Chỉ đạo các đơn vị giáo dục phối hợp với Công an và chính quyền cơ sở... làm trong sạch môi trường trong và xung quanh trường học; phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng sử dụng chất ma túy trong các nhà trường; tổ chức cho học sinh, sinh viên cam kết không sử dụng ma túy, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy ở địa phương; phối hợp làm tốt công tác quản lý, giáo dục học sinh giữa gia đình, nhà trường, chính quyền cơ sở.
5. Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành có 1iên quan chỉ đạo việc tổ chức chữa trị cai nghiện cho những thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đã mắc nghiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; nghiên cứu chế độ miễn giảm chi phí cai nghiện và ưu tiên đào tạo nghề và bố trí việc làm cho những đối tượng sau cai, học sinh bỏ học, thất học.
6. Giao Sở Y tế chỉ đạo việc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trên địa bàn định kỳ kiểm tra bằng biện pháp y học để phát hiện những sinh viên, học sinh nghiện ma túy (trước mắt tập trung những đối tượng có nguy cơ cao). Phối hợp với ngành Lao động Thương binh Xã hội chữa trị tại các trung tâm tập trung và tại cộng đồng. Đẩy mạnh TTGD, tư vấn HIV/AIDS.
7. UBND các cấp chỉ đạo các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống ma túy trong học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên bao gồm: Công tác tuyên truyền giáo dục, điều tra phân loại, xử lý, chữa trị cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai thuộc địa bàn quản lý. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trên các phương tiện thông tin, coi trọng công tác giáo dục trực tiếp ở nhà trường, xã, phường, gia đình. Phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội... thực hiện kế hoạch đã đề ra, tăng số xã, phường, tiểu khu hành chính có môi trường văn hóa lành mạnh; phối hợp với nhà trường làm trong sạch môi trường trong và xung quanh nhà trường.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội chỉ đạo và có kế hoạch phối hợp với chính quyền các cấp, tuyên truyền giáo dục cho các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội đặc biệt là phòng chống nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên.
Đấu tranh phòng chống ma túy nói chung - trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nói riêng - là công việc hết sức phức tạp, khó khăn, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các ngành trong phạm vi chức năng quyền hạn được giao phải coi đó là trách nhiệm thường xuyên, hàng ngày của cơ quan mình, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội kiên quyết hạn chế, đẩy lùi tiến tới chấm dứt nạn nghiện hút ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Chỉ thị này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.