• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/06/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 14/07/2003
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 14/1999/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 18 tháng 5 năm 1999

THÔNG TƯ

Dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ và gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng

Thi hành Nghị định số 10/1999/NĐ-CP ngày 1/3/1999 của Chính phủ về việc bổ sung Nghị định số 195/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ "qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội qui định và hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ và gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Phạm vi áp dụng bao gồm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sau:

- Các doanh nghiệp Nhà nước;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

- Các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác và các tổ chức cá nhân có sử dụng lao động.

2. Đối tượng áp dụng bao gồm người có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 năm đến 3 năm và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm các công việc sau:

- Các công việc sản xuất có tính thời vụ như: thu hoạch, chế biến các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được;

- Các công việc gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng thường phụ thuộc vào thời điểm các chủ hàng yêu cầu.

II. THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

1. Thời giờ làm việc của các đối tượng trên được quy định như sau:

2.1. Xác định số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày như sau:

a) Tính quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm:

TQ = [365- ( Tt+ TP + TL )] x tn (giờ)

+ TQ: Quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm của người lao động;

+ Tt: Tổng số ngày nghỉ hàng tuần, được xác định theo quy định tại điều 72 của Bộ Luật Lao động;

+ TP: Số ngày nghỉ hàng năm, được xác định theo quy định tại điều 74, 75 của Bộ Luật Lao động; điểm 3, mục II của thông tư số 07/LĐTBXH-TT ngày 11/4/1995;

+ TL: Số ngày nghỉ lễ: 8 ngày;

+ tn: Số giờ làm việc trong một ngày: 8 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 6 giờ.

Ví dụ1: Công ty A có quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc năm 1999 như sau:

Số ngày tính theo dương lịch

:

 

365

Tổng số ngày nghỉ hàng tuần

:

Tt =

52

Số ngày nghỉ hàng năm

:

Tp =

15

Số ngày nghỉ lễ

:

TL =

8

Số giờ làm việc bình quân trong ngày

:

tn =

8 giờ

TQ =[365- (52+15+8)]x8 = 2320 giờ

 

b) Xác định số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày.

Căn cứ vào quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm (TQ) đã tính ở trên, người sử dụng lao động xác định số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày của người lao động theo các trường hợp sau:

b1) Ngày làm việc bình thường: 8 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 6 giờ;

b2) Ngày làm việc nhiều hơn 8 giờ nhưng không quá 12 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là nhiều hơn 6 giờ nhưng không quá 9 giờ. Thời giờ làm việc quá 8 giờ/ngày (hoặc 6 giờ/ngày đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) không tính là thời giờ làm thêm;

b3) Ngày làm việc ít hơn 8 giờ nhưng không ít hơn 4 giờ. Người sử dụng lao động không phải trả lương ngừng việc cho số giờ chênh lệch so với số giờ làm việc bình thường. Không bố trí lao động làm việc ít hơn 4 giờ;

b4) Cho nghỉ trọn ngày và không phải trả lương ngừng việc.

- Tổng số giờ làm việc nói ở điểm b này (gồm cả thời giờ được tính là thời giờ làm việc có hưởng lương theo quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động) không vượt quá quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm. Đối với từng người lao động cụ thể, người sử dụng lao động phải bố trí cho họ nghỉ về việc riêng có hưởng lương, nghỉ cho con bú và các chế độ nghỉ khác mà thực tế họ được hưởng theo đúng quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động.

Số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày đã được xác định mà không bố trí cho người lao động làm việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc.

Ví dụ 2: Xác định số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày của công ty A:

Tháng

Số giờ tiêu chuẩn làm việc

hàng ngày

Số ngày làm việc

trong tháng

Tổng số giờ

làm việc

Ghi chú

1

2

3

4

5

1

8

25

200

Nghỉ 1 ngày tết dương lịch

2

8

20

160

Nghỉ 4 ngày tết âm lịch

3

8

27

216

 

4

12 giờ từ thứ hai đến thứ sáu của tuần thứ 2

11 giờ từ thứ hai đến thứ sáu của các tuần khác

8 giờ vào thứ bảy hàng tuần

25

268

Nghỉ ngày chiến thắng

5

9 giờ từ thứ hai đến thứ sáu

8 giờ vào thứ bảy

25

221

Nghỉ ngày Quốc tế lao động

6

8

15

120

11 ngày nghỉ hàng năm

7

7

23

161

4 ngày nghỉ hàng năm

8

7

17

119

Nghỉ trọn 9 ngày

9

6

25

150

Nghỉ ngày Quốc khánh

10

11 giờ từ thứ hai đến thứ sáu

8 giờ vào thứ bảy

26

271

 

11

9 giờ từ thứ hai đến thứ sáu của 2 tuần đầu tháng

8 giờ vào các ngày làm việc khác trong tháng

26

218

 

12

8

27

216

 

Tổng

 

 

2320

 

1.2. Thời giờ làm thêm

a) Số giờ làm việc của người lao động vượt quá số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày được xác định tại điểm b mục 1.1 ở trên thì được tính là giờ làm thêm.

b) Tổng số giờ tiêu chuẩn làm việc và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ hoặc không quá 9 giờ đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ví dụ 3: theo ví dụ 2 nói trên, do yêu cầu đột xuất, tháng 4 công ty A phải làm thêm giờ. Công ty A có thể tổ chức thực hiện như sau:

- Từ thứ hai đến thứ sáu của tuần thứ 2 không được tổ chức làm thêm giờ;

- Từ thứ hai đến thứ sáu của các tuần khác được tổ chức làm thêm tối đa 1 giờ;

- Thứ bảy hàng tuần được tổ chức làm thêm tối đa 4 giờ.

c) Tổng số giờ làm thêm trong một năm không quá 200 giờ/1người.

2. Thời giờ nghỉ ngơi:

2.1 Số giờ tiêu chuẩn làm việc hàng ngày quá 8 giờ được tính để nghỉ bù hoặc giảm giờ vào những ngày khi hết thời vụ hoặc khi chưa có đơn đặt hàng gia công xuất khẩu;

2.2 Trong những tháng thời vụ hay những tháng phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hàng tuần thì người sử dụng lao động phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động;

2.3 Chế độ nghỉ trong ca, nghỉ giữa ca, nghỉ chuyển tiếp giữa hai ca đối với người lao động thực hiện theo qui định hiện hành của Bộ Luật Lao động; trong trường hợp người lao động làm việc trong ngày trên 10 giờ, người sử dụng lao động phải bố trí cho nghỉ thêm ít nhất 30 phút được tính vào giờ làm việc;

2.4 Người sử dụng lao động tổ chức bố trí để người lao động được nghỉ hoặc nghỉ bù các ngày lễ, tết và tổ chức thực hiện những ngày nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng và các ngày nghỉ khác đối với người lao động theo qui định hiện hành của Bộ Luật Lao động.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Căn cứ vào quy định tại Thông tư này, người sử dụng lao động thống nhất với ban chấp hành công đoàn cơ sở về kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm và đưa vào thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động. Biểu thời giờ làm việc từng tháng phải được thông báo và niêm yết công khai tới các phân xưởng, tổ, đội sản xuất có liên quan; trường hợp doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn thì kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm phải được thông qua tại hội nghị công nhân viên chức của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm thỏa thuận với người lao động về phương thức trả lương theo thời vụ hoặc trả đều vào các tháng trong năm;

- Hàng năm, các doanh nghiệp có nhu cầu làm việc theo quy định của Thông tư này, phải đăng ký với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội địa phương theo mẫu kèm theo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thể uỷ quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận bản đăng ký kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và tổng hợp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Thông tư này đến các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; tiếp nhận đăng ký và tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.