• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/03/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 07/09/2001
CHÍNH PHỦ
Số: 21/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 5 tháng 3 năm 1997
Nghị định

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về việc ban hành "Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng INTERNET ở Việt Nam"

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Nhằm thống nhất quản lý và kiểm soát mạng INTERNET và các dịch vụ INTERNET ở Việt Nam,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản "Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng INTERNET ở Việt Nam".

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ, THIẾT LẬP, SỬ DỤNG MẠNG INTERNET Ở VIỆT NAM

(Ban kèm theo Nghị định số 21/CP ngày 05 tháng 3 năm 1997)

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chính phủ thống nhất quản lý và kiểm soát mạng INTERNET ở Việt Nam cũng như các dịch vụ của mạng này; quản lý các cửa đi quốc tế để kết nối với mạng INTERNET; kiểm soát nội dung thông tin được đưa vào truyền tải trên mạng này.

Mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn kết nối mạng thông tin máy tính của mình với mạng INTERNET nhất thiết phải đặt máy chủ tại Việt Nam và nối qua cửa đi quốc tế đã quy định; phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung các thông tin được đưa vào, truyền đi và nhận đến.

Điều 2. Các dịch vụ do mạng INTERNET ở Việt Nam cung cấp bao gồm: như thư tín điện tử, truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa, truy nhập các cơ sở dữ liệu theo các phương thức khác nhau.

Điều 3. Mọi thông tin đưa vào, truyền đi và nhận đến mạng INTERNET qua cửa đi quốc tế tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định tại Điều 10 Luật Báo chí và Điều 22 Luật Xuất bản của Việt Nam như sau:

1. Không được kích động chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;

2. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, lối sống dâm ô, truỵ lạc, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

3. Không được tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của công dân và bí mật khác do pháp luật quy định;

4. Không được thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Cơ quan quản lý cửa đi quốc tế, các cơ quan và tổ chức có mạng thông tin máy tính kết nối với mạng INTERNET phải có các biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn những thông tin vi phạm các quy định trên. Nếu tổ chức hoặc cá nhân nhận được các thông tin loại trên phải xử lý và thông báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý theo quy định.

Điều 4. Quy chế này được áp dụng cho tất cả các máy tính, các mạng thông tin máy tính được thiết lập ở Việt Nam có kết nối mạng với INTERNET kể cả với mục đích để dùng riêng trong nội bộ tổ chức, cơ quan hoặc để kinh doanh.

Đối với các mạng thông tin máy tính của các cơ quan đại diện ngoại giao thì áp dụng các quy định của Công ước viên về quan hệ ngoại giao năm 1961 và các thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước hữu quan (nếu có) về các phương thức thông tin liên lạc.

 

CHƯƠNG II
CUNG CẤP, SỬ DỤNG MẠNG THÔNG TIN MÁY TÍNH KẾT NỐI VỚI MẠNG INTERNET

Điều 5. Mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam muốn kết nối máy tính, mạng thông tin máy tính chuyên dùng sử dụng trong nội bộ với mạng INTERNET phải làm đơn xin phép cam kết tuân thủ các quy định của bản quy chế này và được cơ quan quản lý Nhà nước do Chính phủ uỷ quyền cho phép với các điều kiện sau đây:

1. Có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam;

2. Có mục đích sử dụng rõ ràng;

3. Có thiết kế mạng thông tin máy tính với đầy đủ thiết bị phục vụ thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn, bí mật thông tin, bảo đảm an ninh quốc gia.

4. Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tương ứng với yêu cầu kỹ thuật của mạng.

Điều 6. Tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp chỉ được kết nối mạng thông tin máy tính với mạng INTERNET và đưa vào sử dụng sau khi có giấy phép.

Điều 7. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn sử dụng mạng thông tin máy tính để kinh doanh các dịch vụ mạng INTERNET hoặc làm đại lý cung cấp dịch vụ INTERNET phải làm đầy đủ theo luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Công ty và Điều lệ Bưu chính viễn thông và xin phép cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn thay đổi mục tiêu và nội dung hoạt động được ghi trong giấy phép phải làm lại hồ sơ gửi cơ quan cấp phép xin thay đổi giấp phép.

Điều 9. Khi tạm ngừng hoạt động vì bất cứ lý do gì, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép biết rõ lý do và thời gian tạm ngừng hoạt động.

Khi muốn hoạt động lại, phải thông báo kịp thời cho cơ quan cấp phép biết.

Điều 10. Đơn vị kinh doanh, cung cấp các dịch vụ INTERNET phải xây dựng bảng cước phí cho các dịch vụ do mình cung cấp, trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và thông báo công khai cho người sử dụng biết.

Điều 11. Đơn vị kinh doanh, cung cấp các dịch vụ INTERNET phải có các trách nhiệm sau đây:

1. Chấp hành mọi quy định của Quy chế này;

2. Hoạt động theo đúng nội dung được quy định trong giấy phép;

3. Phổ biến, hướng dẫn cho người sử dụng chấp hành nghiêm chỉnh các quy định tại điều 3 của Quy chế này;

4. Chấp hành Pháp lệnh kế toán, thống kê, chế độ báo cáo và các nghĩa vụ theo luật định;

5. Chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 12. Cá nhân muốn sử dụng các dịch vụ INTERNET phải đăng ký và ký hợp đồng thuê bao với đơn vị kinh doanh, cung cấp dịch vụ INTERNET và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin được đưa vào, truyền đi hoặc nhận đến trên hệ thống của mình.

 

CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Thành lập Ban điều phối quốc gia mạng INTERNET để điều hoà, phối hợp việc quản lý, phát triển mạng và hoạt động dịch vụ INTERNET ở Việt Nam.

Ban điều phối do Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện làm Phó trưởng ban và các Uỷ viên là lãnh đạo các cơ quan sau đây: Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia.

Điều 14. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm:

Là cơ quan thường trực của Ban điều phối quốc gia mạng INTERNET ở Việt Nam.

Nghiên cứu xây dựng các chủ trương, chính sách và biện pháp triển khai mạng INTERNET ở Việt Nam; phối hợp với Tổng cục Bưu điện xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và xác định thứ tự ưu tiên trong việc kết nối mạng thông tin máy tính trong nước với mạng INTERNET; lựa chọn công nghệ tiên tiến và đề xuất các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để bảo đảm sự hoạt động an toàn của mạng INTERNET thực nghiệm ở Việt Nam.

Điều 15. Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo tổ chức xây dựng mạng thông tin đường trục (cơ sở hạ tầng của mạng); quản lý các cửa đi quốc tế, các phương tiện kỹ thuật bảo vệ an toàn thông tin; quy định các phương thức đấu nối, liên kết, truy nhập cho tất cả các mạng thông tin máy tính của Việt Nam kết nối với mạng INTERNET để tập trung quản lý toàn bộ lưu lượng thông tin qua mạng đường trục quốc gia.

2. Phối hợp với Bộ Nội vụ để cấp phép cho các hoạt động kết nối với mạng INTERNET, kinh doanh và sử dụng các dịch vụ INTERNET.

3. Là đầu mối liên hệ với tổ chức INTERNET quốc tế.

Điều 16. Bộ Văn hoá - thông tin có trách nhiệm:

Đề ra và hướng dẫn các quy định quản lý nội dung thông tin trao đổi trên mạng INTERNET bảo đảm các yêu cầu ghi tại Điều 3 của Quy chế này.

Điều 17. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án kiểm soát thông tin trao đổi trên mạng thông tin máy tính kết nối mạng INTERNET.

2. Tổ chức ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, bí mật thông tin trên mạng INTERNET.

3. Tham gia với Tổng cục Bưu điện trong việc xét duyệt và cấp phép cho các mạng thông tin máy tính được kết nối với mạng INTERNET và các đối tượng được kinh doanh, sử dụng các dịch vụ INTERNET.

Điều 18. Các Bộ, Ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp là cơ quan chủ quản các mạng thông tin máy tính kết nối mạng INTERNET có trách nhiệm quản lý việc trao đổi thông tin và các nguồn thông tin đưa vào mạng INTERNET cũng như các thông tin nhận được từ mạng INTERNET theo đúng giấy phép về nội dung thông tin được trao đổi, bảo đảm an toàn, giữ gìn bí mật nội dung thông tin theo Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

Điều 19. Các tổ chức, cá nhân không được liên kết máy tính hoặc mạng máy tính trực tiếp hoặc gián tiếp quá đường dây điện thoại công cộng với mạng INTERNET.

Điều 20. Các mạng thông tin máy tính và các cơ sở dữ liệu của các cơ quan Đảng, Chính phủ, An ninh, Quốc phòng không được đấu nối với mạng INTERNET.

Các cơ quan nêu trên muốn kết nối với mạng INTERNET phải lập mạng (hoặc nút) riêng, phải mã hoá thông tin, có các biện pháp kỹ thuật hữu hiệu, chống lại sự lấy cắp thông tin từ bên ngoài, chống sự xâm nhập huỷ hoại hệ thống thông tin máy tính của mình, đồng thời phải kiểm soát được việc trao đổi thông tin.

Điều 21. Mọi tổ chức, cá nhân sử dụng máy tính và mạng máy tính có kết nối với mạng INTERNET phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước có thầm quyền về các mặt sau đây:

1. Giấy phép kết nối với mạng INTERNET hoặc kinh doanh sử dụng dịch vụ INTERNET;

2. Nội dung các thông tin truyền đi và nhận đến.

3. Biện pháp đảm bảo an toàn thông tin và bảo đảm an ninh quốc gia.

4. Danh sách người sử dụng mạng và dịch vụ INTERNET.

 

CHƯƠNG IV
CÁC ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Tổng cục Bưu điện ban hành thông tư hướng dẫn thủ tục xin cấp phép: kết nối với mạng INTERNET, đăng ký kinh doanh hoặc làm đại lý cung cấp các dịch vụ INTERNET, thuê bao sử dụng các dịch vụ INTERNET theo các quy định của Quy chế này.

Điều 23. Bộ Văn hoá - thông tin ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý nội dung thông tin trao đổi trên mạng INTERNET theo các quy định của Quy chế này.

Điều 24. Mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm các điều khoản trong quy chế này đều bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.