• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/07/2006
UBND TỈNH PHÚ THỌ
Số: 2046/2006/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 19 tháng 7 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo

 đảm an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải

______________________

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 12/2006/CT-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2006 của thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký và không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành.

 

                                                                                   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM AN NINH

TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

(Ban hành kèm theo quyết định số 2046/2006/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7          

         năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)

 

CHƯƠNG I: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn giao thông vận tải và các công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh giữa các cơ quan liên quan, nhằm thống nhất hành động, huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp trong công tác này, góp phần xây dựng phát triển kinh kế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp.

1. Mọi hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Tỉnh ủy, sự điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, phát huy sức mạnh của toàn dân và của hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt.

2. Trong trường hợp xảy ra các vụ, việc đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn của ngành giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo và giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các ngành chức năng của tỉnh giải quyết.

3. Việc xử lý, giải quyết các vụ, việc liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải phải chủ động, kiên quyết, thận trọng, tích cực, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân và lấy phòng ngừa là chính.

CHƯƠNG II: PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP

Điều 3. Phối hợp trong công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

1. Sở Giao thông vận tải: Có trách nhiệm cung cấp, trao đổi với Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh những thông tin liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trong lĩnh vực ngành quản lý như công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, tình hình liên quan công tác phòng, chống các hành vi phá hoại trong quá trình thẩm định, phê duyệt và triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

2. Công an tỉnh: Có trách nhiệm trao đổi với Sở Giao thông vận tải những thông tin về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông vận tải, của cán bộ công nhân viên thuộc ngành giao thông vận tải quản lý. Tổ chức công tác phòng ngừa, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và chủ động đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại, khủng bố của các thế lực thù địch có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải.\

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Có trách nhiệm trao đổi với công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải về âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải mà đơn vị nắm được thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

4.Ủy ban nhân dân các huyện, thành thị: Chỉ đạo lực lượng công an, Quân sự, ngành giao thông vận tải địa phương tổ chức công tác nắm tình hình liên quan công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông vận tải; thường xuyên trao đổi phối hợp để chủ động công tác phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại của kẻ địch, bọn tội phạm và các phần tử xấu, không để xảy ra các tình huống phúc tạp, bất ngờ.

Điều 4. Phối hợp trong xây dựng và tổ chức diễn tập phương án phòng ngừa khủng bố, các hành vi phá hoại hoaawcj các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh vận tải.

1. Công an tỉnh: Chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng phương án cơ chế phối hợp để chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại đe dọa nghiêm trọng đến an ninh giao thông vận tải (theo chức năng của Bộ công an). Tổ chức diễn tập các phương án được duyệt, nhằm chủ động đối phó với các tình huống trên.

Trước mắt, tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án và đề xuất diễn tập  phương án phòng chống đối với tình huống “cướp phương tiện giao thông vận tải để khủng bố”.

Phối hợp Sở giao thông vận tải và các ngành liên quan, xây dựng, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các quy chế, văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, an toàn của các hoạt động giao thông vận tải. Quá trình thực hiện phải bảo đảm mọi hoạt động bình thường trong lĩnh vực này.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chủ trì, phối hợp với công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng phương án phòng, chống đối với các tình huống khủng bố, phá hoại đặc biệt nghiêm trọng (theo chức năng của Bộ Quốc phòng), đồng thời chủ trì tổ chức cho các lực lượng luyện tập, diễn tập các phương án đã được phân công, nhằm chủ động đối phó với các tình huống khủng bố, phá hoại.

Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ các công trình quốc phòng liên quan lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp, tham gia xây dựng các phương án chung về phòng, chống khủng bố, phá hoại, bảo đảm an ninh giao thông vận tải do công an tỉnh chủ trì.

3. Sở giao thông vân tải: Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống khủng bố, các hành vi phá hoại, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh giao thông vận tải.

Chủ trì, phối hợp với công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm các thiết bị chuyên dùng phục vụ việc phòng chống khủng bố và bảo vệ các công trình giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện,thành, thị có phương án đảm bảo điều kiện y tế tại các bến xe, nhà ga, bến cảng, các cơ sở trong lĩnh vực giao thông vận tải và các công trình trọng điểm khác khi có tình huống liên quan an ninh, trật tự xảy ra và khi tổ chức diễn tập các phương án.

Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý vũ khí sinh học, hóa học, các dịch bệnh tại các cơ sở, công trình trọng điểm giao thông vận tải hoặc trên các phương tiện vận tải khi có yêu cầu của UBND tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị: Xây dựng phương án và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương trong đó có cơ quan công an địa phương làm nòng cốt, triển khai các phương án đã được phê duyệt, bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực giao thông vận tải và các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Điều 5. Phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực bến xe, nhà ga, bến cảng, các cầu đường bộ và các công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

1. Sở giao thông vận tải: Phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự địa phương và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị trong tỉnh chấn chỉnh, tăng cường các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an ninh tại các khu vực bến xe, nhà ga, bến cảng, các cầu đường bộ và các công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

2. Công an tỉnh: Tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với ngành giao thông vận tải, những nơi tập trung đông người, các nhà ga, bến xe, bến cảng, cầu đường bộ trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các hoạt động phá hoại, khủng bố.

3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh: Chủ trì, tham gia kiểm tra, phát hiện, tháo gỡ bom mìn và các chất nổ, vũ khí sinh học, hóa học tại các công trình giao thông, bến xe, nhà ga hoặc trên các phương tiện giao thông khi cần thiết.

Điều 6. Phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

1. Sở Giao thông vận tải: Có trách nhiệm cung cấp, trao đổi với lực lượng công an những thông tin liên quan hoạt động tội phạm trong lĩnh vực ngành quản lý, chú ý những các bộ công nhân viên là người điều khiển các loại phương tiện.

2. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở giao thông vận tải và các cơ quan chức năng khác trong việc lập kế hoạch, tổ chức đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải (trừ các loại tội phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 4).

Tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và khẩn trương tiến hành các hoạt động điều tra đối với các loại tội phạm thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Điều 7. Phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự.

1. Sở giao thông vận tải: Chịu trách nhiệm công tác bảo vệ chính trị nội bộ ngành giao thông vận tải, bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là đội ngũ điều khiển phương tiện giao thông vận tải.

Tăng cường, củng cố hoạt động của lực lượng chuyên trách và các lực lượng bảo vệ khác thuộc thẩm quyền quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hành vi nguy hiểm, uy hiếp, đe dọa đến an ninh trong hoạt động của ngành, đặc biệt là việc vận chuyển các chất dễ gây cháy, nổ hoặc các vật, chất độc hại nguy hiểm khác, kịp thời trao đổi với ngành công an và các cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết.

Đánh giá, kiểm tra các biện pháp bảo đảm an ninh, phòng chống các hành vi phá hoại trong quá trình thẩm định, phê duyệt và triển khai xây dựng các công trình dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực giao thông vận tải, tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản này trên địa bàn tỉnh.

2. Công an tỉnh: Rà soát, bổ sung các quy chế hiện hành, đồng thời tăng cường chỉ đạo lực lượng công an giám sát, kiểm tra hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường các biện pháp công tác bảo vệ trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt; quản lý chặt chẽ việc đăng ký và cấp biển số các loại phương tiện giao thông đường bộ; thực hiện việc kiểm tra, giám sát và sử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt khi có những dấu hiệu không an toàn. Tổ chức điều tra, phòng ngừa và xử lý các vụ tai nạn giao thông; quy định tiêu chuẩn kĩ thuật và cấp giấy phép chuyên trở hàng độc hại, chất nổ, chất cháy…

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho các cán bộ,  nhân viên bảo vệ chuyên trách và các lực lượng bảo vệ khác trong lĩnh vực giao thông vận tải, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, nhằm phát hiện và đối phó với các hành vi mang tính chất phá hoại hoặc khủng bố.

Xây dựng kế hoạch, nội dung phát động quần chúng đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc trong lĩnh vực giao thông vận tải; phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công nhân viên ngành vận tải nhất là đội ngũ điều khiển phương tiện nhằm chấp hành đúng các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng.

3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh: Chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải quân sự và thực hiện cacsbieenj pháp an ninh, an toàn trong vận tải quân sự.

Chủ trì, phối hợp với coongan tỉnh, Sở giao thông vận tải tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các cán bộ, nhân viên bảo vệ chuyên trách và các lực lượng bảo vệ khác trong lĩnh vực giao thông vận tải, chú trọng cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, nhằm phát hiện và đối phó với các hành vi mang tính chất phá hoại hoặc khủng bố.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị: Chỉ đạo lực lượng công an, quân sự, Giao thông vận tải địa phương tăng cường các biện pháp nhằm duy trì trật tự an ninh, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, những nơi tập trung đông người, các nhà ga, bến xe, bến cảng, cầu đường bộ trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các hoạt động phá hoại, khủng bố.

CHƯƠNG III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Kinh phí hoạt động.

1.Kinh phí phục vụ cho hoạt động bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải được sử dụng từ nguồn thu phạt an toàn giao thông và ngân sách tỉnh bố trí hàng năm trong dự toán; theo khả năng ngân sách của địa phương.

2. Sở Giao thông vận tải: Lập kinh phí hoạt động, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông vận tải, công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quan sự tỉnh và các ngành liên quan xem xét, tổng hợp ngồn kinh phí về bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải trong dự toán chi ngân sách của tỉnh theo quy định của luật ngân sách Nhà nước; tổ chức cấp phát, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí phục vụ công tác bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải theo đúng yêu cầu và nhiệm vụ của các đơn vị.

Điều 9. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm các trang thiết bị cần thiết để phục vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, phá hoại và bảo vệ các công trình trọng điểm về giao thông vận tải thuộc thẩm quyền quản lý.

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng và hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện quy chế này; tổ chức sơ kết tổng kết và rút kinh nghiệm các cuộc diễn tập phòng chống khủng bố, phá hoại. Đối với những vụ, việc phức tạp ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự hoặc đe dọa nghiêm trọng đến an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải phải báo cáo và xin ý liến của Thường trực Tỉnh Ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp chỉ đạo cụ thể.

Điều 10. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoạt phát sinh những vấn đề phức tạp yêu cầu các sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; các tổ chức giao thông vận tải phản ánh về sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để thống nhất nội dung cần điều chỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung.

Điều 11. Trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai, thực hiện.

1. Sở giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiên Quy chế này.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

                                                                                     

 

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Doãn Khánh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.