Chỉ thị
Về việc tăng cường công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước yêu cầu
hội nhập kinh tế quốc tế
Trong những năm gần đây, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tích cưc triển khai thực hiện và thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần đảm bảo đo lường, an toàn trong sản xuất, bảo vệ môi trường, hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dung, từng bước đưa công tác tiêu chuẩn hóa đi vào đời sống xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại: Thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng triển khai chưa được nhiều và thường xuyên; việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này chưa thật sự nghiêm túc ở một số doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp; tình trạng ngộ độc thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm Quy chế ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo không phù hợp với chất lượng hàng hóa, tai nạn do thiết bị, phương tiện, đường xá, công trình kém chất lượng đang trở thành vấn đề bức xúc.
Để tăng cường thực hiện Pháp lệnh Đo lường; Pháp lệnh chất lượng hàng hóa; Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Cính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác quản lý, thanh, kiểm tra chất lượng hàng hóa; tăng cường cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị, phương tiện đo lường; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị tăng cường quản lý, thanh, kiểm tra việc lưu thông trên thị trường các loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hoặc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu có điều kiện; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm Quy chế ghi nhãn và các loại hàng hóa không đảm bảo an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
3. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, thanh, kiểm tra chất lượng các loại dược phẩm, dược liệu, thiết bị, dụng cụ y tế, mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và chất lượng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, nước uống, rượu, thuốc lá...
4. Sở Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị tăng cường quản lý, thanh, kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng ở tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thi công đến nghiệm thu công trình.
5. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị tăng cường việc quản lý, thanh, kiểm tra chất lượng các phương tiện giao thông vận tải đường thủy, đường bộ, đường sắt, các bến xe, bến tàu nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.
6. Sở Văn hóa Thông tin và Thể Thao phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác quản lý, thanh, kiểm tra đối với các hoạt động thông tin, quảng cáo về sản phẩm hàng hóa trên các phương tiện thông tin theo quy định hiện hành.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị thực hiện việc quản lý, thanh, kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn gia súc và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp.
8. Sở Công nghiệp phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành, thị thực hiện việc quản lý, thanh, kiểm tra chất lượng theo quy định của pháp luật đối với các loại hàng hóa vật liệu nổ công nghiệp, các loại hóa chất công nghiệp, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị công nghiệp.
9. Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan tuyên truyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa tin kịp thời các tập thể, cá nhân chấp hành tốt và các hành vi vi phạm trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
10. UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường công tác phổ biến các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; chủ động tổ chức, thanh, kiểm tra trong phạm vi, quyền hạn được giao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh để thực hiện có hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.
11. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:
- Thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với hàng hóa thuộc danh mục bắt buộc phải công bố và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đã công bố;
- Đảm bảo chất lượng, vệ sinh, an toàn trong trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng phải công bố tiêu chuẩn chất lượng; cân, đo, đong, đếm chính xác hàng hóa do tổ chức, cá nhân mình sản xuất, kinh doanh;
- Thực hiện nghiêm túc Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Tạo điều kiện để người tiêu dùng thực hiện việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp và kèm theo các biện pháp bảo hành, sửa chữa theo đúng quy định của pháp luật.
- Chủ động lựa chọn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của hàng hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành, tăng cường vận động đoàn viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả với UBND tỉnh.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KT. CHỦ TỊCH
|