• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2016
BỘ CÔNG THƯƠNG-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 90/2016/TTLT-BTC-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 24 tháng 6 năm 2016

 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu

 

 

 
  1/01/clip_image001.png" width="242" />

 

 


Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật số 71/2014/QH13;

Căn cứ Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống;

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng sinh học thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Xăng dầu và các thuật ngữ có liên quan:

a) Xăng dầu quy định trong Thông tư này là các loại xăng, dầu thành phẩm bao gồm: các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hoả, các loại dầu madút, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ; không bao gồm: các loại khí hoá lỏng, nhiên liệu bay và khí nén thiên nhiên.

b) Nhiên liệu sinh học tại Thông tư này là xăng E5, E10 theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học (QCVN 1:2015/BKHCN) ban hành kèm theo Thông tư số 22/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 11 tháng 11 năm 2015 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

c) Xăng E5 là hỗn hợp của xăng không chì và etanol nhiên liệu, có hàm lượng etanol từ 4% đến 5% theo thể tích, ký hiệu là E5.

d) Xăng E10 là hỗn hợp của xăng không chì và etanol nhiên liệu, có hàm lượng etanol từ 9% đến 10% theo thể tích, ký hiệu là E10.

đ) Etanol nhiên liệu bao gồm etanol nhiên liệu biến tính và etanol nhiên liệu không biến tính. Etanol nhiên liệu không biến tính (gọi tắt là E100) là etanol có các tạp chất thông thường sản sinh ra trong quá trình sản xuất nhiên liệu (kể cả nước). Etanol nhiên liệu biến tính là etanol nhiên liệu không biến tính được pha thêm các chất biến tính như xăng, naphta với hàm lượng từ 1,96% đến 5,0% thể tích.”.

b) Bổ sung  khoản 6, khoản 7 như sau:

“6. Kê khai giá đối với mặt hàng xăng, dầu thành phẩm trong nước là việc các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu gửi văn bản thông báo mức giá bán xăng, dầu thành phẩm cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Liên Bộ Công Thương - Tài chính) khi thực hiện điều chỉnh giá đối với các mặt hàng này.

7. Đăng ký giá đối với mặt hàng xăng, dầu thành phẩm trong nước là việc các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu lập, phân tích việc hình thành mức giá và gửi biểu mẫu thông báo giá cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Liên Bộ Công Thương - Tài chính) trước khi thực hiện điều chỉnh giá đối với các mặt hàng này, trong thời gian Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá theo quy định.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:   

“1. Giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (trừ xăng E5, E10) bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó:

- Giá CIF được tính bằng (=) giá xăng dầu thế giới (giá Platt Singapore) cộng (+) các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam. Các yếu tố này được xác định ở nhiệt độ thực tế. Trong đó, giá xăng dầu thế giới được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam bao gồm: cộng (+) hoặc trừ (-) Premium cộng (+) phí bảo hiểm cộng (+) cước vận tải về đến cảng Việt Nam cộng (+) các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong khâu nhập khẩu (nếu có); trong đó phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam được căn cứ theo mức trung bình tiên tiến của các thương nhân đầu mối.

- Tỷ giá ngoại tệ để tính giá CIF là tỷ giá ngoại tệ bán ra cuối ngày của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

- Tỷ giá ngoại tệ tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt dùng để tính giá cơ sở là tỷ giá quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 08/2015/N%C4%90-CP&area=2&type=0&match=False&vc=True&lan=1" target="_blank">08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015, khoản 6 Điều 5 Nghị định số 12/2015/N%C4%90-CP&area=2&type=0&match=False&vc=True&lan=1" target="_blank">12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

- Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật.”.

 

b) Bổ sung khoản 2, khoản 3 như sau:

“2. Giá cơ sở xăng E5, E10 bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {tỷ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (x) (giá CIF xăng không chì cộng (+) Thuế nhập khẩu) nhân (x) tỷ giá ngoại tệ cộng (+) tỷ lệ phần trăm thể tích etanol nhiên liệu (%) nhân (x) giá etanol nhiên liệu} cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó:

- Giá CIF, tỷ giá, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo hướng dẫn tại Khoản 1.

- Xăng không chì áp dụng để tính giá cơ sở xăng E5, E10 tại Thông tư này là xăng RON 92.

- Etanol nhiên liệu áp dụng để tính giá cơ sở xăng E5, E10 tại Thông tư này là etanol nhiên liệu không biến tính (E100).

- Tỷ lệ phần trăm theo thể tích của xăng không chì, tỷ lệ phần trăm theo thể tích của etanol nhiên liệu áp dụng để tính giá cơ sở xăng E5, E10 tại Thông tư này là tỷ lệ cao nhất được phép pha trộn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với từng chủng loại xăng E5, E10; tỷ lệ pha trộn thực tế nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Giá etanol nhiên liệu không biến tính (E100) áp dụng để tính giá cơ sở xăng E5, E10 tại Thông tư này là mức giá bán ở nhiệt độ thực tế, chưa có thuế giá trị gia tăng, được xác định là mức giá bình quân số học các mức giá E100 tại Việt Nam, giá CIF E100 nhập khẩu (nếu có) do các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu E100 hàng tháng báo cáo giá hoặc kê khai giá theo quy định của pháp luật (nếu có) với cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước)).

Giá E100 áp dụng để tính giá cơ sở xăng E5, E10 được xem xét theo chu kỳ 01 tháng. Giá E100 bình quân số học của tháng này sẽ áp dụng cho tháng sau liền kề.

Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu E100 có trách nhiệm gửi báo cáo giá và phân tích lý do điều chỉnh giá E100 kèm theo các hóa đơn, chứng từ có liên quan khi có điều chỉnh giá chậm nhất vào ngày 25 hàng tháng, chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu báo cáo; trường hợp ngày 25 trùng vào ngày nghỉ lễ theo quy định, thì báo cáo này được gửi vào ngày làm việc trước liền kề.

Trường hợp kê khai giá (nếu có) thì thực hiện theo các quy định của pháp luật về kê khai giá.

3. Bộ Tài chính chủ trì tính giá E100 bình quân số học theo nguyên tắc đã nêu tại khoản 2 Điều này để áp dụng tính giá cơ sở các mặt hàng xăng E5, E10.”.

c) Sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh khoản 2 thành khoản 4 như sau:

“4. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước): báo cáo kết quả rà soát biến động của các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam, chi phí phối trộn xăng E5, E10 (nếu có) chậm nhất trước ngày 31 tháng 3 của năm tài chính kế tiếp.

Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh E100, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) tổng hợp, đánh giá, kiểm tra, khảo sát thực tế (nếu cần thiết) để có điều chỉnh cho phù hợp.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b như sau:

“a) Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu; đã bao gồm chi phí phát sinh đặc thù của xăng E5, E10 như: chi phí khấu hao tài sản của hệ thống phối trộn xăng E5, E10, chi phí hao hụt trong quá trình phối trộn, chi phí vận hành, chi phí giám định cấp chứng chỉ hợp chuẩn, hợp quy, chi phí tài chính, chi phí vận chuyển phát sinh do cung đường vận chuyển hàng hóa thay đổi, chi phí cải tạo cửa hàng chuyển sang kinh doanh xăng E5, E10...) để tính giá cơ sở theo mức tối đa như sau:

- Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại xăng không chì là: 1.050 đồng/lít;

- Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại xăng E5, E10 là: 1.250 đồng/lít;

- Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu điêzen, dầu hỏa là: 950 đồng/lít;

- Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu madút là: 600 đồng/kg.

Trong đó, các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa bao gồm chi phí bán buôn, bán lẻ; riêng các loại dầu madút là chi phí bán buôn.

Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) hợp lý, hợp lệ (được kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập kiểm toán) cao hơn mức quy định trên, thương nhân đầu mối cân đối, xem xét quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; đồng thời, được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ phát sinh, nhưng giá bán không vượt quá 2% giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm.

b) Hàng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh kinh doanh xăng dầu; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí phối trộn xăng E5, E10 và rà soát, tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) chậm nhất trước ngày 31 tháng 3 của năm tài chính kế tiếp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ thị trường trong nước) yêu cầu thương nhân đầu mối báo cáo đột xuất.

Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) tổng hợp, đánh giá, kiểm tra, khảo sát thực tế (nếu cần thiết) để có điều chỉnh cho phù hợp.”.

b) Bổ sung điểm d như sau:

“d) Thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) thực tế tại địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu nhưng không vượt quá 2% giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm để bù đắp chi phí kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ phát sinh được kiểm toán độc lập kiểm toán khi đưa xăng dầu bán tại địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 như sau:

“1. Các thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng dầu phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật.

Quỹ Bình ổn giá được thương nhân đầu mối hạch toán và theo dõi riêng bằng một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Trường hợp thương nhân đầu mối có số dư Quỹ Bình ổn giá ở mức từ 300 tỷ đồng trở lên, thương nhân đầu mối phải hạch toán và theo dõi thêm Quỹ Bình ổn giá tại một tài khoản tiền gửi được mở tại một ngân hàng thương mại khác. Các ngân hàng do thương nhân đầu mối lựa chọn là ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có chất lượng hoạt động tốt, độ tín nhiệm cao và thương nhân đầu mối tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng để đảm bảo tính an toàn của tài khoản Quỹ Bình ổn giá.

Thương nhân đầu mối là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản, trích lập, thực hiện các nghiệp vụ thu, chi từ tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá; đồng thời, có trách nhiệm thông báo tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng thương mại nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ công thương
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đỗ Thắng Hải

Trần Văn Hiếu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.