• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 30/07/1994
CHÍNH PHỦ
Số: 73-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 30 tháng 7 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 73-CP NGÀY 30-7-1994 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ QUYỀN ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ DÀNH CHO CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ NƯỚC NGOÀI VÀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

___________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ danh cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ LIÊN QUAN ĐẾN CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 1.- Phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh, trụ sở cơ quan Đại diện ngoại giao, trụ sở cơ quan Lãnh sự nước ngoài và nhà ở của viên chức ngoại giao không được sử dụng làm nơi tỵ nạn chính trị.

Điều 2.-

1- Cơ quan Đại diện ngoại giao và cơ quan Lãnh sự nước ngoài chi được phép lắp đặt và sử dụng thiết bị viễn thông, mạng viễn thông chuyên dụng, đài thu phát vô tuyến điện sau khi được Tổng cục Bưu điện Việt Nam cấp giấy phép. Trường hợp nhập khẩu các thiết bị thông tin nói trên để lắp đặt tại Việt Nam phải có giấy phép của Tổng cục Bưu điện và Bộ Thương mại.

2- Tổng cục Bưu điện Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá - Thông tin, và Bộ Nội vụ quy định chi tiết việc thực hiện Khoản 1 Điều này.

Điều 3.- Trong trường hợp có lý do chính đáng để mở túi Lãnh sự nói tại Khoản 4 Điều 25 của Pháp lệnh thì việc đó phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện cơ quan Lãnh sự nước ngoài. Nếu người đại diện cơ quan Lãnh sự nước ngoài từ chối mở thì túi Lãnh sự bị trả về nơi xuất phát.

Điều 4.- Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, quy định chi tiết về chủng loại, số lượng các đồ vật được nhập khẩu, và miễn nhập khẩu cũng như việc tái xuất và chuyển nhượng các đồ vật đó tại Việt Nam nói tại các Điều 6, 14, 15, 16, 17, 22, 26, 31 và 38 của Pháp lệnh cho tất cả các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ nêu trong Pháp lệnh.

Điều 5.-

1- Cơ quan Đại diện ngoại giao nước ngoài có nghĩa vụ thông báo cho Bộ ngoại giao Việt Nam họ, tên, chức vụ của những viên chức cơ quan đại diện ngoại giao được giao thực hiện chức năng Lãnh sự.

2- Phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 35 của Pháp lệnh, nước cử có thể uỷ nhiệm cho một viên chức Lãnh sự chuyên nghiệp của cơ quan Lãnh sự của nước này tại Việt Nam tiến hành một số hoạt động ngoại giao sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng ý.

Điều 6.-

1- Bộ Ngoại giao nước cử có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao Việt Nam việc nước cử tuyên bố từ bỏ quyền ưu đãi, miễn trừ của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, kể cả Đại diện lâm thời.

2- Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan Đại diện ngoại giao của nước cử có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao Việt Nam việc nước cử tuyên bố từ bỏ quyền ưu đãi, miễn trừ của các viên chức, nhân viên của cơ quan Đại diện ngoại giao, của người đứng đầu hoặc tạm thời đứng đầu cơ quan Lãnh sự và các viên chức, nhân viên của cơ quan Lãnh sự nếu pháp luật của nước cử quy định như vậy.

3- Trong trường hợp nước cử chỉ có cơ quan Lãnh sự tại Việt Nam và có thoả thuận trước với Việt Nam thì cơ quan Lãnh sự đó có thể thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao Việt Nam việc nước cử tuyên bố từ bỏ quyền ưu đãi, miễn trừ của các viên chức, nhân viên của cơ quan Lãnh sự.

Điều 7.-

1- Cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của nước cử có nghĩa vụ thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam thời điểm rời khỏi Việt Nam của các viên chức, nhân viên cơ quan sau khi họ kết thúc nhiệm vụ công tác.

2- Thời hạn để chuẩn bị rời khỏi Việt Nam quy định đối với thân nhân của viên chức hoặc nhân viên cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nói tại khoản 2 Điều 19 và khoản 2 Điều 34 của Pháp lệnh là 30 ngày kể từ khi Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận được thông báo chính thức của cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự về việc viên chức hoặc nhân viên của họ chết.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ LIÊN QUAN ĐẾN CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Điều 8.-

1- Các Tổ chức Quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc nói tại Điều 39 của Pháp lệnh gồm có Liên hợp quốc, các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc và cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.

2- Việt Nam áp dụng các quyền ưu đãi, miễn trừ đối với cơ quan Đại diện của các Tổ chức Quốc tế nói tại khoản 1 Điều này, cũng như viên chức, nhân viên của cơ quan và thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ và các viên chức, nhân viên của các Tổ chức quốc tế đó đến thăm, làm việc ở Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam phù hợp với các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và tập quán quốc tế được Việt Nam thừa nhận:

- Công ước năm 1946 về quyền ưu đãi, miễn trừ của Liên hợp quốc;

- Công ước năm 1947 về quyền ưu đãi, miễn trừ của các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc;

- Hiệp định năm 1959 về ưu đãi, miễn trừ của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế;

- Các hiệp ước giữa Chính phủ Việt Nam với mỗi tổ chức quốc tế cụ thể trong đó có quy định về những ưu đãi, miễn trừ.

Điều 9.-

Những điều ước quốc tế áp dụng đối với các đối tượng nói tại Điều 40 của Pháp lệnh và các viên chức, nhân viên của các tổ chức đó đến thăm, làm việc ở Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam bao gồm:

1- Hiến chương (hoặc điều lệ, hoặc quy chế, hoặc hiệp định thành lập) của mỗi tổ chức liên Chính phủ mà Việt Nam là một bên tham gia.

2- Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam với mỗi tổ chức liên Chính phủ cụ thể trong đó có quy định về những ưu đãi, miễn trừ.

Điều 10.- Cơ quan đại diện của các tổ chức phi Chính phủ nói tại Điều 41 của Pháp lệnh, cũng như viên chức, nhân viên cơ quan và thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ và các viên chức, nhân viên của các tổ chức đó đến thăm, làm việc ở Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam được hưởng những ưu đãi, miễn trừ quy định trong các thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam với một tổ chức phí Chính phủ.

Chương 3:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ

Điều 11.- Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước như sau:

1- Chủ động đề xuất với Chính phủ việc đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế có liên quan đến quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự và quyền ưu đãi, miễn trừ đối với các tổ chức quốc tế.

2- Chủ trì chuẩn bị các dự án văn bản pháp luật và các dự án khác liên quan đến việc thực hiện, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh.

3- Giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài, cơ quan Đại diện của Tổ chức Quốc tế và thành viên của các cơ quan đó.

4- Quản lý các công dân Việt Nam làm việc trong các cơ quan đại diện nói tại khoản 3 Điều này.

5- Phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết và xử lý các hành vi vi phạm Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Điều 12.- Các Bộ, ngành khi trình Chính phủ dự án đàm phán, ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, trong đó có điều khoản liên quan đến quyền ưu đãi, miễn trừ nêu trong Pháp lệnh phải kèm theo văn bản tham gia ý kiến của Bộ Ngoại giao và của các Bộ, các ngành khác có liên quan.

Điều 13.- 1- Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ (hoặc Ban Ngoại vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm thủ tục cấp phép đăng ký cư trú cho nhưng người nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây không phân biệt mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ hay phổ thông:

a) Viên chức, nhân viên của các cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam.

b) Thành viên gia đình cùng sống chung thành một hộ với các viên chức, nhân viên của cơ quan và những người phục vụ cho các viên chức của cơ quan.

2- Những người nước ngoài sau đây không phân biệt mạng hộ chiếu ngoại giao, công vụ hay phổ thông khi nhập cảnh Việt Nam được miễn thủ tục đăng ký lưu trú tại Bộ Ngoại giao, chỉ cần công an cửa khẩu đóng dấu cấp phép lưu trú cho họ phù hợp với thời hạn của thị thực nhập, xuất cảnh đã được cấp trong hộ chiếu:

a) Thành viên của các Đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài và những người cùng đi trong Đoàn đến thăm, làm việc tại Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam.

b) Khách nước ngoài đến thăm, làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cũng như khách của các viên chức, nhân viên của những cơ quan này đến thăm họ.

3- Những đối tượng nói tại khoản 2 Điều này nếu cần và được phép kéo dài thời gian lưu trú tại Việt Nam thì:

a) Bộ Ngoại giao gia hạn thị thực nhập, xuất cảnh cho những người nói tại khoản 2 (a) trên đây và cho tất cả những người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, trừ những trường hợp có thoả thuận miễn thị thực nhập, xuất cảnh giữa Việt Nam và nước cử.

b) Bộ Nội vụ gia hạn thị thực nhập, xuất cảnh cho nhưng người mang hộ chiếu phổ thông.

4- Những người nói tại khoản 1 và 2 Điều này muốn đến khu vực có cắm biển "cấm" phải gửi đơn xin phép tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Điều 14.-

1- Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của người đứng đầu cơ quan Đại diện ngoại giao (hoặc người đứng đầu cơ quan Lãnh sự nếu nước cử chưa có cơ quan Đại diện ngoại giao) và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế, các cơ quan này có trách nhiệm thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam trước 72 giờ khi người đứng đầu cơ quan có nguyện vọng tiếp xúc với lãnh đạo địa phương.

2- Trong trường hợp cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế hoặc cơ quan Lãnh sự nước ngoài tổ chức những hoạt động mang tính chất chính thức như chiêu đãi, chiếu phim, họp báo, lễ hội truyền thống, hội thảo, gặp gỡ v.v... có mời khách là công dân Việt Nam hoặc cần sự giúp đỡ của phía Việt Nam thì các cơ quan đó có trách nhiệm thông báo cho Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ hữu quan chậm nhất trước 72 giờ.

Điều 15.-

1- Cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam có thể thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc trực tiếp yêu cầu các cơ quan hữu quan của Việt Nam giải quyết và cung ứng các dịch vụ liên quan đến trụ sở cơ quan, nhà ở, điện, nước, y tế và các dịch vụ tương tự khác.

2- Các cơ quan đại diện nói tại khoản 1 Điều này khi có nhu cầu tuyển dụng người Việt Nam vào làm việc phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về tuyển dụng lao động và phải thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 16.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 17.- Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Văn hoá - Thông tin, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Bưu điện trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình có nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam và Nghị định này.

Điều 18.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.