• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 30/01/2009
CHÍNH PHỦ
Số: 32/2008/NQ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 31 tháng 12 năm 2008

NGHỊ QUYẾT

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2008

____________________

Trong hai ngày 23 và 24 tháng 12 năm 2008, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2008 và Chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2009, Báo cáo phương án sử dụng nguồn vốn kích cầu đầu tư; Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Báo cáo tình hình thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô tháng 12 và cả năm 2008, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2009, Báo cáo nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ và việc điều chỉnh mức thu phí xăng dầu; Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trình Báo cáo sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế; Tổng Thanh tra Chính phủ trình Báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 12 và cả năm 2008; Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2008 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2009.

Năm 2008, trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong từng thời điểm cụ thể, Chính phủ đã đánh giá đúng tình hình, xác định kịp thời mục tiêu, nhiệm vụ để chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đoàn kết nhất trí và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân, nỗ lực phấn đấu nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong tất cả các lĩnh vực.

Chính vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 đã đạt những kết quả toàn diện và tích cực. Lạm phát cơ bản được kiềm chế; kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ được ổn định; tăng trưởng GDP đạt 6,23%. Lĩnh vực an sinh xã hội được chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả. Các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, khoa học- công nghệ và bảo vệ môi trường được quan tâm nhiều hơn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí có những chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị xã hội ổn định. Công tác đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế phục vụ phát triển kinh tế- xã hội được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Những thành tựu trên đã góp phần tạo thế và lực mới cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2009 và các năm tiếp theo, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Sau một năm thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong mọi lĩnh vực công tác đã có nhiều đổi mới; đã phát huy tốt vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao đúng mức trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và mỗi thành viên Chính phủ; vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong quá trình chuẩn bị đề án trình Chính phủ được xác định rõ ràng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hội họp và quản lý được chú trọng hơn. Các quy trình, thủ tục xử lý công việc của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo hướng nhanh gọn.

Việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đã bám sát Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) của Đảng, triển khai thận trọng, chặt chẽ và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Các tập đoàn kinh tế đã giữ được vai trò nòng cốt, góp phần quan trọng để Nhà nước điều hành vĩ mô nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc phát triển theo mô hình tập đoàn kinh tế cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, vướng mắc để phát huy hiệu quả cao nhất của nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Chính phủ nghiêm túc phân tích, đánh giá về những hạn chế, yếu kém trong năm 2008 để rút ra những bài học kinh nghiệm cho năm 2009. Việc chỉ đạo, điều hành một số mặt công tác chưa đạt kế hoạch, chưa tận dụng, phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Công tác nghiên cứu, phân tích để dự báo tình hình kinh tế chưa tốt, dẫn đến có thời điểm dự báo chưa chính xác và kịp thời. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chậm, nhất là trong việc xử lý các vấn đề liên ngành. Tỷ lệ thực hiện các đề án trong chương trình công tác chưa cao; nhiều Bộ, cơ quan chuẩn bị đề án còn chậm tiến độ. Công tác cải cách hành chính chưa đạt kết quả như mong muốn; các thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp cần tiếp tục phải được rà soát, giảm bớt; việc phân cấp trong quản lý nhà nước còn chậm; hội họp vẫn còn nhiều. Việc cung cấp thông tin cho báo chí, người dân có lúc, có thời điểm chưa kịp thời, đầy đủ.

Năm 2009, dự báo tình hình kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi và cơ hội nhất định, đó là: môi trường chính trị- xã hội ổn định; các nguồn lực và tiềm năng tăng trưởng còn lớn; thị trường nội địa hơn 86 triệu dân; nguồn vốn trong dân còn nhiều; giá nguyên liệu, thiết bị trên thị trường thế giới đang xuống thấp trong khi chúng ta lại có nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn; vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta nhiều. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ tư thông qua, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong năm 2009 là phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực phấn đấu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý (khoảng 6,5%) và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 và sẽ ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; trong đó, tập trung chỉ đạo 5 nhóm giải pháp chủ yếu là: tháo gỡ khó khăn để kích cầu đầu tư và tiêu dùng; bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài chính tích cực, hiệu quả; tập trung điều hành quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với thực tế tình hình.

Để thực hiện các giải pháp trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo để chủ động và kịp thời điều chỉnh nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với thực tế tình hình; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh; có cách làm cụ thể, phù hợp với từng ngành, từng địa phương; tăng cường khâu phối hợp trong tổ chức thực hiện, xử lý công việc; đẩy mạnh việc phân cấp, nhất là phân cấp về đầu tư, cán bộ và kinh phí; thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách để cho nhân dân hiểu rõ và tạo ra sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, với tinh thần quyết liệt, tập trung, kịp thời, cụ thể, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP và Nghị quyết về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, phấn đấu hoàn thành đến mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được đề ra.

Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2008 và chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để ban hành.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh phương án sử dụng nguồn vốn kích cầu đầu tư theo hướng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Giao Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế để Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị.

Giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chính phủ nhất trí thông qua việc điều chỉnh mức thu phí xăng dầu theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Chính phủ nhất trí cho phép các doanh nghiệp được chậm nộp các khoản 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1% phí công đoàn của 6 tháng đầu năm 2009 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; doanh nghiệp phải nộp đầy đủ các khoản này trong 6 tháng cuối năm 2009.

Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo tình hình thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô tháng 12 và cả năm 2008, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2009, Báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 12 và cả năm 2008, Báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2008 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2009.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật.

Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý khuyến khích các hoạt động sáng tạo của nhân dân và hội nhập kinh tế quốc tế. Thời gian qua, so với thực tiễn, Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, chưa phù hợp với luật pháp quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Giao Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự án Luật, trình thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình dự án Luật Tần số vô tuyến điện; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật.

Sự phát triển mạnh mẽ của thông tin vô tuyến trên các mặt dịch vụ, công nghệ và đối tượng hoạt động khai thác và sử dụng tấn số vô tuyến điện trong thời gian qua đòi hỏi cần có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn để quản lý hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc ban hành Luật Tần số vô tuyến điện là cần thiết.

Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự án Luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội.

4. Chính phủ nghe Tổng Thanh tra Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật.

Thực hiện Luật Thanh tra năm 2008, công tác thanh tra trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ. Các cơ quan thanh tra đã góp phần phát hiện xử lý nhiều sai phạm, thu hồi khối lượng lớn tài sản thất thoát cho Nhà nước. Mặc dù vậy, qua 4 năm thực hiện, Luật bộc lộ những hạn chế, không phù hợp về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức. Hoạt động thanh tra còn trùng lặp, chồng chéo, gây ảnh hưởng đến các đối tượng thanh tra, đặc biệt là doanh nghiệp. Dự thảo lần này cần tập trung làm rõ các loại hình thanh tra, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thanh tra.

Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự án Luật, trình Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Quốc hội./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.