NGHỊ QUYẾT
Về Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng
giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
__________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam);
Sau khi xem xét Tờ trình số 17/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; qua báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân, ý kiến thảo luận đóng góp của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và phát biểu giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, với nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm chỉ đạo:
- Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
- Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu tổng quát:
- Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ, cải thiện tài nguyên-môi trường.
- Tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh phát triển công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; tiếp tục đầu tư chiều sâu hai thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế thủy sản, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.
- Tập trung đầu tư và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đặc biệt, tập trung xây dựng hạ tầng đô thị để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, phấn đấu sớm đưa thị xã Sóc Trăng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
- Tăng cường hợp tác đầu tư, tích cực mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nâng cao tiềm lực công nghệ thông tin của tỉnh.
- Phát triển văn hóa-xã hội và nguồn nhân lực đồng bộ với tăng trưởng kinh tế.
- Tích cực bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm và các sự cố môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
- Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước.
- Giải quyết các vấn đề công bằng xã hội (hạn chế chênh lệch về thu nhập, trình độ-nhận thức, hưởng thụ phúc lợi xã hội, sử dụng tài nguyên...) trong phạm vi một thế hệ và giữa thế hệ hiện tại với thế hệ mai sau.
- Giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội.
2.2 Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:
Phát triển toàn diện và bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường trong giai đoạn 2006 - 2010. Một số chỉ tiêu cụ thể:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức bình quân 13 - 14%/năm.
- GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành đạt trên 900 USD.
- Cơ cấu kinh tế khu vực I, II, III là 39-40% - 30-31% - 29-30%.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 26.000 tỷ đồng.
- Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD.
- Tổng thu ngân sách đạt 1.350 tỷ đồng.
- Hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,17%o.
- Tốc độ đô thị hóa đạt khoảng 40%.
- Phấn đấu đạt mức 4,5 bác sĩ/vạn dân và 20 giường bệnh/vạn dân.
- Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 17%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30%, trong đó đào tạo nghề là 25%.
- Hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15%.
- Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 5%, tỷ lệ thời gian làm việc của lao động ở nông thôn 85%.
- Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 2008.
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện trên 95%.
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 80%.
- Tỷ lệ rác thải ở thị xã, thị trấn được thu gom đạt 90%.
- Nâng tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt trên 20%.
- Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước đều đạt chuẩn ISO 9001:2000.
3. Giải pháp thực hiện:
- Phát triển nhanh và toàn diện các lĩnh vực kinh tế. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng thương hiệu các sản phẩm sản xuất, quảng bá và bảo vệ thương hiệu.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đặc biệt là y tế và giáo dục đào tạo.
- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, vốn huy động trong dân và các nguồn vốn nước ngoài để tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu.
- Quản lý chặt chẽ tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường của tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
- Từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển bền vững của tỉnh.
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực.
- Đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về phát triển bền vững.
4. Các chương trình mục tiêu về phát triển bền vững ưu tiên thực hiện:
Với tầm nhìn phát triển dài hạn và mục tiêu phát triển bền vững, các chương trình mục tiêu, dự án sẽ được xây dựng mang tính chất phát triển tổng thể và thể hiện tính liên ngành, đa vấn đề, chú trọng cả về lợi ích kinh tế - xã hội và luôn coi trọng tính bảo vệ và bền vững về môi trường.
Giai đoạn từ nay đến 2010 và tầm nhìn đến 2020, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các chương trình, dự án sau:
- Chương trình phát triển công nghiệp sạch;
- Chương trình phát triển nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn;
- Chương trình phát triển thủy sản bền vững;
- Chương trình đẩy mạnh hợp tác đầu tư và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế;
- Chương trình phát triển văn hóa - thương mại - du lịch;
- Chương trình phát triển và nâng cấp đô thị;
- Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội;
- Chương trình phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
- Chương trình hợp tác, quản lý và khai thác bền vững nguồn tài nguyên;
- Chương trình phát triển khoa học và công nghệ;
- Chương trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường;
- Chương trình giảm nghèo gắn với công bằng xã hội và bình đẳng giới;
- Chương trình phát triển toàn diện các dịch vụ y tế;
- Chương trình phát triển công nghệ thông tin.
Điều 2.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình Phát triển bền vững.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khoá VII, kỳ họp thứ 9 thông qua./.