• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 27/10/2012
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Số: 34/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH-UBTDTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 9 tháng 4 năm 2007

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của

Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao

________________________________________

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Căn cứ Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao;

Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao quy định tại Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg) như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ tiền công; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chế độ bồi thường tai nạn lao động; chế độ tiền thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao quy định tại Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg. Các chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg có hiệu lực.

2. Đối tượng áp dụng là các huấn luyện viên, vận động viên thể thao thuộc đội tuyển quốc gia; đội tuyển trẻ quốc gia; đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể:

a) Uỷ ban Thể dục thể thao quyết định danh sách, thời gian triệu tập tập huấn và thi đấu đối với các huấn luyện viên, vận động viên thuộc đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia;

b) Các bộ, ngành ở trung ương quyết định danh sách, thời gian triệu tập tập huấn và thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ của ngành mình;

c) Sở Thể dục thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định danh sách, thời gian triệu tập tập huấn và thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên vào các đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Công tác xây dựng, chấp hành dự toán kinh phí thực hiện chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Uỷ ban Thể dục thể thao, các Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đúng chế độ, đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả.

4. Một số từ ngữ sử dụng tại Thông tư này được hiểu như sau:

a) Cơ quan, tổ chức quản lý huấn luyện viên, vận động viên là cơ quan, tổ chức nơi huấn luyện viên, vận động viên được tuyển vào làm việc hoặc luyện tập thi đấu thường xuyên trước khi được triệu tập vào đội tuyển thể thao các cấp;

b) Cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên là cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập huấn, thi đấu tại các đội tuyển thể thao các cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức quản lý huấn luyện viên, vận động viên có thể đồng thời là cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên.

II. CHẾ ĐỘ TIỀN CÔNG

1. Huấn luyện viên, vận động viên thể thao là người có quốc tịch Việt Nam không hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Được cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trả tiền công theo ngày trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu theo mức quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg.

2. Huấn luyện viên, vận động viên thể thao hưởng lương từ ngân sách nhà nước:

a) Trong thời gian tập huấn, thi đấu được hưởng nguyên lương tại cơ quan, tổ chức quản lý huấn luyện viên, vận động viên. Trường hợp mức tiền lương theo ngày của huấn luyện viên, vận động viên thấp hơn mức tiền công quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg thì cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chi trả thêm phần chênh lệch để đảm bảo bằng mức tiền công tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg. Mức tiền lương theo ngày của huấn luyện viên, vận động viên được xác định bằng tiền lương tháng chia cho 22 ngày (số ngày làm việc tiêu chuẩn trong một tháng);

b) Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên thể thao có thời gian thực tế tập huấn và thi đấu cao hơn số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng (nhiều hơn 22 ngày/tháng) thì cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trả tiền công bằng mức quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg cho số ngày cao hơn ngày làm việc tiêu chuẩn;

c) Khoản bù chênh lệch giữa tiền lương và tiền công trả cho số ngày làm việc cao hơn số ngày làm việc tiêu chuẩn quy định tại điểm a, b khoản 2, mục II Thông tư này không được dùng để tính đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 1: Huấn luyện viên A là viên chức thuộc Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh T, được xếp lương ngạch huấn luyện viên (mã số 18.181) với hệ số lương hiện hưởng là 3,66. Huấn luyện viên A được Uỷ ban Thể dục thể thao quyết định triệu tập đến tập trung tập huấn thi đấu cho đội tuyển quốc gia tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I. Huấn luyện viên A được hưởng nguyên lương trong thời gian tập trung, do Trung tâm thể dục Thể thao tỉnh T trả. Ngoài ra, huấn luyện viên A được trả phần chênh lệch giữa tiền lương so với mức tiền công quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg. Cụ thể như sau:

- Mức tiền lương ngày của huấn luyện viên A là:

(3,66 x 450.000 đồng)/22 ngày = 74.863 đồng/ngày

- Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I thực hiện chi trả phần chênh lệch là:

100.000 đồng/ngày - 74.863 đồng/ngày = 25.137 đồng/ngày

Nếu huấn luyện viên A thực hiện chế độ luyện tập 26 ngày/tháng thì được Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I chi trả tiền bù chênh lệch và tiền công trong một tháng tập huấn là:

25.137 đồng x 22 ngày + 100.000 đồng x 4 ngày = 935.014 đồng.

III. CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ

1. Đối với huấn luyện viên, vận động viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, cơ quan, tổ chức quản lý huấn luyện viên, vận động viên chịu trách nhiệm trích nộp kinh phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho huấn luyện viên, vận động viên theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Huấn luyện viên, vận động viên được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo chế độ quy định.

2. Đối với huấn luyện viên, vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc: Trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trích chuyển cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên nguồn kinh phí để nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Huấn luyện viên, vận động viên được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo chế độ quy định.

3. Huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu nếu bị ốm đau phải nghỉ luyện tập, nghỉ thi đấu; bị tai nạn hoặc chết thì được giải quyết trợ cấp như sau:

a) Trường hợp bị ốm đau hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình: Được chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh (theo mức viện phí làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế) và được hưởng trợ cấp ốm đau bằng 75% tiền công hiện hưởng trong những ngày nghỉ ốm hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình;

b) Trường hợp bị tai nạn lao động:

- Được chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu (theo mức viện phí làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế) đến khi điều trị ổn định thương tật và được hưởng trợ cấp bằng 100% tiền công hiện hưởng trong những ngày điều trị;

- Sau khi điều trị ổn định được giám định khả năng lao động, nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được trợ cấp một lần tính theo mức suy giảm khả năng lao động, cụ thể như sau: suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 tháng tiền lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng tiền lương tối thiểu chung; ngoài ra, còn được nhận khoản trợ cấp một lần tính theo thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên tập trung: từ 1 năm (12 tháng) trở xuống thì được hưởng bằng 0,5 tháng tiền công, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 0,3 tháng tiền công;

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện thì không được hưởng trợ cấp theo quy định tại điểm a, b khoản này.

c) Huấn luyện viên, vận động viên khi thôi làm huấn luyện viên, vận động viên được trợ cấp một lần. Cứ mỗi năm (12 tháng) làm huấn luyện viên, vận động viên tập trung (nếu có thời gian ngắt quãng thì được tính cộng dồn), được hưởng 1,5 tháng (26 ngày/tháng) tiền công trước khi thôi việc, nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng tiền công.

Khi tính cộng dồn thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên (kể cả thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên cấp tỉnh, ngành và cấp quốc gia) để tính huởng trợ cấp theo quy định tại khoản 3, mục III Thông tư này, nếu có tháng lẻ dưới 03 tháng thì không tính, nếu đủ từ 3 tháng trở lên đến đủ 06 tháng được tính là ½ năm, từ trên 06 tháng đến 12 tháng được tính tròn 01 năm.

Ví dụ 2:

Vận động viên Trần Văn E không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có thời gian được cơ quan có thẩm quyền triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu như sau: Ở đội tuyển cấp tỉnh 7 năm (mỗi năm được triệu tập 6 tháng); đội tuyển quốc gia 2 năm 3 tháng liên tục. Khi thôi làm vận động viên. Trần Văn E được tính hưởng trợ cấp một lần như sau:

- Thời gian được hưởng tính trợ cấp một lần:

7 năm x 6 tháng + 27 tháng = 69 tháng

Tương ứng với 5 năm, 9 tháng. Tính tròn là 6 năm.

- Được hưởng trợ cấp bằng 09 tháng tiền công (mức tiền công khi là vận động viên đội tuyển quốc gia là 70.000 đồng/người/ngày):

70.000 đồng x 26 ngày x 6 năm x 1,5 tháng = 16.380.000 đồng.

d) Nếu huấn luyện viên, vận động viên chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng như mức quy định đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo pháp luật bảo hiểm xã hội.

Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên chết do tai nạn lao động trong khi tập huấn, thi đấu hoặc chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn trong quá trình tập huấn, thi đấu thì ngoài trợ cấp mai táng, thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 24 tháng tiền lương tối thiểu chung, nếu chết trước ngày 01/01/2007; bằng 36 tháng tiền lương tối thiểu chung, nếu chết từ ngày 01/01/2007 trở đi.

IV. CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG TAI NẠN LAO ĐỘNG

1. Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quy định tại mục III trên đây, huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn hoặc chết trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu được bồi thường một lần theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Bộ Luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:

a) Bồi thường một lần bằng 30 tháng tiền công và phụ cấp (nếu có) cho huấn luyện viên, vận động viên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động chết do bị tai nạn mà không do lỗi của huấn luyện viên, vận động viên. Trong trường hợp do lỗi của huấn luyện viên, vận động viên thì được bồi thường bằng 12 tháng tiền công;

b) Bồi thường bằng 1,5 tháng tiền công (theo mức tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg) cho huấn luyện viên, vận động viên bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động trên 10% đến dưới 81% thì cứ 1% tăng thêm được bồi thường thêm 0,4 tháng tiền công nếu tại nạn không do lỗi trực tiếp của huấn luyện viên, vận động viên. Trường hợp tai nạn do lỗi trực tiếp của huấn luyện viên, vận động viên thì được bồi thường bằng 40% mức bồi thường tương ứng nêu trên.

2. Khi xảy ra tai nạn trong tập luyện, thi đấu, cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên phải lập biên bản ghi đầy đủ diễn biến của vụ tai nạn, thương tích, mức độ thiệt hại, nguyên nhân, trách nhiệm xẩy ra tai nạn; có chữ ký của đại diện cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên, ban tổ chức thi đấu (trong các giải thi đấu) hoặc những người chứng kiến.

V. CHẾ ĐỘ TIỀN THƯỞNG

1. Vận động viên lập thành tích tại các giải thi đấu quốc tế (Đại hội thể thao Đông Nam Á; Giải vô địch Đông Nam Á từng môn; Đại hội thể thao Châu Á; Đại hội thể thao trong nhà Châu Á; Giải vô địch Châu Á từng môn, Cúp, Giải vận động viên xuất sắc Châu Á; Giải vô định thế giới từng môn, Cúp, Giải vận động viên xuất sắc thế giới; Đại hội Olympic): Mức tiền thưởng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao quy định cụ thể các môn thể thao nhóm I, nhóm II trên cơ sở các môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu Đại hội Olympic Mùa hè và Mùa đông gần nhất.

2. Vận động viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu của giải vô địch trẻ Đông Nam Á, Châu Á và thế giới được thưởng theo mức sau:

a) Giải thể thao dành cho vận động viên đến dưới 12 tuổi: Mức thưởng bằng 20% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 1, mục V Thông tư này;

b) Giải thể thao dành cho vận động viên từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi: Mức thưởng bằng 30% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 1, mục V Thông tư này;

c) Giải thể thao dành cho vận động viên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mức thưởng bằng 40% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 1, mục V Thông tư này;

d) Giải thể thao dành cho vận động viên từ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi: Mức thưởng bằng 50% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 1, mục V Thông tư này.

3. Vận động viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu vô địch quốc gia hoặc Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, mức thưởng được quy định như sau:

a) Huy chương vàng: Không quá 5 triệu đồng;

b) Huy chương bạc: Không quá 3 triệu đồng;

c) Huy chương đồng: Không quá 2 triệu đồng.

Vận động viên phá kỷ lục quốc gia được thưởng không quá 5 triệu đồng.

4. Vận động viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu vô địch trẻ quốc gia được thưởng mức tối đa bằng 50% mức thưởng quy định tại khoản 3, mục V Thông tư này. Mức thưởng được quy định theo lứa tuổi, cụ thể như sau:

a) Giải thể thao vô địch trẻ quốc gia dành cho vận động viên đến dưới 12 tuổi: Mức thưởng tối đa bằng 20% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 3, mục V Thông tư này;

b) Giải thể thao vô địch trẻ quốc gia dành cho vận động viên từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi: Mức thưởng tối đa bằng 30% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 3, mục V Thông tư này;

c) Giải thể thao vô địch trẻ quốc gia dành cho vận động viên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mức thưởng tối đa bằng 40% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 3, mục V Thông tư này;

d) Giải thể thao vô địch trẻ quốc gia dành cho vận động viên từ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi: Mức thưởng tối đa bằng 50% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 3, mục V Thông tư này.

5. Mức thưởng cụ thể cho vận động viên khi phá kỷ lục, đạt huy chương vàng, bạc, đồng tại giải vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia do Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành quản lý vận động viên đó quyết định; nhưng không vượt quá mức thưởng tối đa quy định tại khoản 3, 4 mục V Thông tư này.

6. Đối với môn thể thao tập thể, mức thưởng chung bằng số lượng người tham gia môn thể thao tập thể nhân với mức thưởng tương ứng.

Ví dụ 4: Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam gồm 18 vận động viên đăng ký thi đấu tại Seagame 23, đạt huy chương bạc. Mức thưởng chung cho Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam là:

18 người x 15.000.000 đồng = 270.000.000 đồng.

Ví dụ 5: Đội tuyển đua thuyền Rowing gồm 4 vận động viên, đạt huy chương vàng ở nội dung đua thuyền 4 người tại giải vô địch đua thuyền Đông Nam Á. Mức thưởng chung cho đội đua thuyền này là:

25.000.000 đồng x 04 người = 100.000.000 đồng.

7. Đối với các môn thể thao có nội dung thi đấu đồng đội (mà thành tích thi đấu của từng cá nhân và đồng đội được xác định trong cùng một lần thi), số lượng vận động viên được thưởng khi lập thành tích theo quy định của điều lệ giải. Mức thưởng chung bằng số lượng vận động viên nhân với 50% mức thưởng tương ứng.

Ví dụ 6: 03 vận động viên: Đỗ Văn A, Nguyễn Văn B, Lê Văn C đạt huy chương vàng đồng đội ở nội dung súng trường 3 tư thế tại giải vô địch bắn súng Đông Nam Á. Mức thưởng chung cho các vận động viên này là:

25.000.000 đồng x 50% x 3 người = 37.500.000 đồng.

8. Chế độ thưởng đối với huấn luyện viên:

a) Đối với thi đấu cá nhân: Những huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên lập thành tích trong các cuộc thi đấu thì mức thưởng chung được tính bằng mức thưởng đối với vận động viên. Tỷ lệ phân chia tiền thưởng được thực hiện theo nguyên tắc: Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện đội tuyển được 60%, huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên cơ sở trước khi tham gia đội tuyển được 40%;

b) Đối với thi đấu tập thể: Những huấn luyện viên trực tiếp đào tạo đội tuyển thi đấu lập thành tích thì được thưởng mức thưởng chung bằng số lượng huấn luyện viên theo quy định nhân với mức thưởng tương ứng đối với vận động viên đạt giải.

Số lượng huấn luyện viên của các đội được xét thưởng được quy định theo mức sau:

- Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 2 đến 5 vận động viên tham gia thi đấu: Mức thưởng chung tính cho 01 huấn luyện viên.

- Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 6 đến 12 vận động viên tham gia thi đấu: Mức thưởng chung tính cho 02 huấn luyện viên.

- Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 13 vận động viên trở lên: Mức thưởng chung tính cho 03 huấn luyện viên.

c) Đối với môn thể thao thi đấu đồng đội: Mức thưởng chung cho huấn luyện viên bằng số lượng huấn luyện viên quy định tại điểm b, khoản 8, mục V Thông tư này nhân với 50% mức thưởng tương ứng.

9. Huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các giải thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á, Châu Á, thế giới và các giải thuộc hệ thống thi đấu thể thao quần chúng cấp quốc gia được thưởng bằng 50% mức thưởng tương ứng quy định tại Thông tư này.

VI. TRÁCH NHIỆM VÀ NGUỒN KINH PHÍ CHI TRẢ

1. Ủy ban Thể dục thể thao chi trả tiền công, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền khám, chữa bệnh, tai nạn, tiền trợ cấp và tiền bồi thường theo quy định cho huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia; chi tiền thưởng cho các huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia đạt thành tích thi đấu tại các giải thể thao quốc tế theo quy định tại Thông tư này từ nguồn ngân sách thể dục thể thao được giao hàng năm của Uỷ ban Thể dục thể thao.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiền công, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền khám, chữa bệnh, tai nạn, tiền trợ cấp và tiền bồi thường theo quy định cho huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý; tiền thưởng cho các huấn luyện viên và vận động viên đạt thành tích thi đấu tại các giải thi đấu quốc gia và các giải thi đấu cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Thông tư này từ nguồn ngân sách sự nghiệp thể dục thể thao hàng năm của địa phương.

3. Các bộ, ngành ở trung ương chi tiền công, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền khám, chữa bệnh, tai nạn, tiền trợ cấp và tiền bồi thường theo quy định cho huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu do bộ, ngành mình quản lý; tiền thưởng cho các huấn luyện viên và vận động viên đạt thành tích thi đấu tại các giải thi đấu quốc gia và các giải thi đấu cấp ngành theo quy định tại Thông tư này.

4. Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ đối với các đối tượng quy định tại Thông tư này được bố trí trong dự toán ngân sách chi sự nghiệp thể dục thể thao hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Cơ quan ra quyết định triệu tập huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí thực hiện chế độ quy định tại Thông tư này đối với huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian triệu tập.

Riêng kinh phí thực hiện chế độ quy định đối với đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu thuộc các ngành sản xuất kinh doanh được cân đối từ nguồn chi phí sản xuất kinh doanh, nguồn lợi nhuận theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác để đảm bảo; ngân sách nhà nước không hỗ trợ. Căn cứ vào nguồn kinh phí hoạt động hợp pháp của đội tuyển, các ngành sản xuất kinh doanh có thể quyết định các mức chi cao hơn, hoặc thấp hơn mức chi quy định tại Thông tư này.

5. Nhà nước khuyến khích các liên đoàn, hiệp hội thể thao, các đơn vị quản lý, sử dụng huấn luyện viên, vận động viên khai thác các nguồn thu hợp pháp để bổ sung thêm tiền công, tiền thưởng, tiền trợ cấp khám, chữa bệnh, tai nạn lao động và các chế độ, chính sách khác đối với huấn luyện viên, vận động viên.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT/BTC-BTCCBCP-BLĐTBXH-UBTDTT ngày 30/12/1998 của Liên tịch Bộ Tài chính, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. CHỦ NHIỆM Uỷ ban Thể dục thể thao
Phó Chủ nhiệm

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Huỳnh Thị Nhân

Nguyễn Trọng Hỷ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.