• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/10/2021
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 17/2021/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 25 tháng 8 năm 2021

THÔNG TƯ

Quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai;

ứng phó sự cố và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt

___________________

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 6  tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; ứng phó sự cố và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt trên đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt trên đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt

1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai và Điều 4 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Khi thiên tai suy yếu hoặc sau khi thời tiết trở lại bình thường các tổ chức, cá nhân theo nhiệm vụ được giao phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiệt hại xảy ra đối với công trình đường sắt để khôi phục hoạt động giao thông đường sắt, bảo đảm giao thông đường sắt an toàn, thông suốt.

3. Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn, công trình đường sắt, phương tiện hoạt động trên phạm vi khu vực được ứng phó, cứu nạn và bảo vệ môi trường; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động ứng phó, cứu nạn gây ra.

Chương II

HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ CỨU NẠN ĐƯỜNG SẮT

Mục 1

PHÒNG NGỪA THIÊN TAI

Điều 4. Nội dung phòng ngừa thiên tai

1. Điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông vận tải đường sắt; ngăn chặn các nguy cơ gây hư hại hoặc hủy hoại các công trình khi thiên tai xảy ra, bao gồm các nội dung chủ yếu:

a) Hiện trạng về cơ cấu tổ chức, nhân lực, trang thiết bị của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong hoạt động phòng, chống thiên tai;

b) Tác động của thiên tai đối với kết cấu hạ tầng đường sắt, hoạt động đường sắt.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và pháp luật về đường sắt.

3. Tổ chức và tham gia tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về kỹ năng xử lý thông tin trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu nạn.

4. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai, dự kiến các cấp độ rủi ro thiên tai, loại thiên tai có thể xảy ra; mức độ ảnh hưởng đối với kết cấu hạ tầng đường sắt và phương tiện vận tải đường sắt; lập biện pháp và phương án xử lý phù hợp theo các nội dung sau:

a) Các biện pháp neo, buộc, chống, đỡ, chêm, chèn, hãm để bảo vệ công trình thiết bị, phương tiện, hàng hóa;

b) Có kế hoạch sơ tán các phương tiện, thiết bị, hàng hóa; phương án cứu hộ, cứu nạn, chuyển tải hành khách, hàng hóa;

c) Dự trữ vật tư, thiết bị dự phòng; dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng sự cố, thiên tai làm tắc đường cho những đoàn tàu chạy suốt trên trục Bắc – Nam hoặc tàu địa phương chạy quá 300 km;

d) Các biện pháp chống vật va trôi vào công trình khi có nước lũ;

đ) Thường xuyên theo dõi diễn biến của các loại hình thiên tai; quan trắc tình hình thực tế thiên tai đang diễn ra đối với công trình; theo dõi mức độ chịu sự cố, thiên tai của công trình và trang thiết bị;

e) Quy định chế độ thông tin trong thời gian có sự cố, thiên tai bảo đảm phù hợp với nguyên tắc hoạt động phòng, chống thiên tai. Dự kiến trước những tình huống xảy ra như mất điện, gián đoạn thông tin để chủ động khắc phục nhanh và hiệu quả.

5. Dự phòng vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn:

a) Vật tư chủ yếu bao gồm: Tà vẹt, đá hộc, đá dăm, rọ thép, ray, đinh đường, dầm tạm phục vụ thi công, pa lê, dây thừng, cột thông tin, xà đỡ, dây thép, nhiên liệu, xăng dầu và các loại vật tư cần thiết khác;

b) Trang thiết bị bao gồm: Đầu máy, toa xe, cần cẩu cứu hộ, cần cẩu thi công bốc xếp, goòng các loại, xe ô tô các loại, búa đóng cọc, máy xúc, máy phát điện, máy bơm, máy hàn, kích, phương tiện thiết bị thông tin liên lạc hữu tuyến, vô tuyến, phương tiện đường thủy đối với những khu vực chỉ có khả năng tiếp cận đường sắt bằng đường thủy và các dụng cụ, công cụ, trang thiết bị cần thiết khác;

c) Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh tại những nơi xung yếu, hiểm trở để sử dụng khi cần thiết.

6. Bảo đảm yêu cầu phòng ngừa thiên tai theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này.

Điều 5. Phòng ngừa thiên tai trong giai đoạn khảo sát, thiết kế sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình đường sắt

Ngay từ giai đoạn khảo sát, thiết kế phải bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng, quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định sau đây:

1. Nghiên cứu địa hình, địa mạo, địa chất, số liệu khí tượng, thủy văn của vùng, khu vực công trình; điều tra, khảo sát, thu thập đầy đủ số liệu, dữ liệu của khu vực công trình về: cấp động đất; lượng mưa lớn nhất; tần suất lũ, mức nước lịch sử; sự xâm thực của sóng, thủy triều đối với công trình; cấp gió, bão lớn nhất; lịch sử lụt, bão, sự cố, thiên tai.

2. Tính toán, thiết kế quy mô sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình bảo đảm tính ổn định đối với tác động phá hoại của thiên tai khu vực công trình theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng. Phương án thiết kế sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình phải xét đến ảnh hưởng của các công trình thủy lợi, thủy điện, các công trình nhân tạo khác, tác động phá hủy môi trường sinh thái của vùng, khu vực xây dựng công trình, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

3. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, vật liệu mới, nghiên cứu những quy luật thủy văn, thủy lực của sông; quy luật thiên tai của vùng, khu vực công trình để có giải pháp cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình hợp lý, chống được tác động của thiên tai.

Điều 6. Phòng ngừa thiên tai trong giai đoạn thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình đường sắt

1. Khi thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình đường sắt có thời gian kéo dài qua mùa lụt bão, trong phương án tổ chức thi công phải xét đến công tác phòng, chống thiên tai cho người, công trình chưa hoàn thiện, các công trình phụ trợ và trang thiết bị thi công bảo đảm an toàn.

2. Phòng ngừa sự cố, thiên tai khi thiết kế tổ chức thi công và chuẩn bị thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình đường sắt:

a) Lán trại, nơi tập kết vật tư, thiết bị thi công phải có biện pháp gia cố; bảo đảm an toàn khi có sự cố, thiên tai xảy ra; hệ thống điện của công trường phải có biện pháp bảo đảm an toàn;

b) Tiến độ thi công phải được xây dựng hợp lý, đủ khả năng ứng phó khi sự cố, thiên tai xảy ra;

c) Phải có kế hoạch sơ tán người và tài sản; tổ chức lực lượng ứng cứu, thông tin liên lạc, dự phòng vật tư, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai xảy ra trong quá trình thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình đường sắt.

3. Phòng ngừa sự cố, thiên tai trong quá trình thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình đường sắt:

a) Thi công theo đúng hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, phương án tổ chức thi công và tiến độ thi công được phê duyệt;

b) Tuân thủ trình tự quản lý chất lượng thi công xây dựng theo quy định của pháp luật; bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình;

c) Thường xuyên khơi thông dòng chảy, hệ thống thoát nước công trình để hạn chế ảnh hưởng khi xảy ra sự cố, thiên tai;

d) Chất thải rắn từ hoạt động xây dựng phải được tập kết đúng nơi quy định và không được ảnh hưởng đến công tác phòng, chống sự cố, thiên tai của công trường thi công;

đ) Khi thiên tai sắp xảy ra trên khu vực công trình, phải bố trí người, phương tiện, thiết bị kiểm tra tình hình thực tế công trình; hạ thấp các máy móc, thiết bị trên cao; đưa các phương tiện, thiết bị dưới sông vào nơi khuất gió và neo chằng chắc chắn; thu dọn công trường gọn gàng, đưa máy móc, thiết bị thi công vào bãi tập kết; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để thực hiện phương án phòng chống thiên tai;

e) Phải thanh thải dòng chảy, dọn dẹp công trường trước khi nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Điều 7. Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường sắt đang khai thác, sử dụng

1. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các vị trí xung yếu, các công trình đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra thiên tai để chủ động, kịp thời khắc phục hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định biện pháp xử lý để bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt.

2. Đối với cống, hầm, cầu nhỏ hơn 25m (khoảng cách từ đuôi tường cánh hoặc đuôi máng ba lát của mố bên này đến đuôi tường cánh hoặc đuôi máng ba lát của mố bên kia):

a) Đối với cầu nhỏ hơn 25m: Khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện thoát nước tốt; kiểm tra thường xuyên, sửa chữa kịp thời các bộ phận của cầu gồm: Tứ nón, đường đầu cầu, chỗ tiếp giáp giữa đường đầu cầu và mố cầu. Trường hợp cầu có kết cấu móng nông phải kiểm tra mức độ xói của lòng sông và có biện pháp gia cố chống xói;

b) Đối với cống: Khơi thông lòng cống; kiểm tra thường xuyên, sửa chữa kịp thời các bộ phận kết cấu thượng lưu và hạ lưu của cống; gia cố chống xói dòng chảy của cống;

c) Đối với hầm: Khơi thông rãnh dọc, rãnh đỉnh của hầm; lát lại những đoạn rãnh hỏng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời đề xuất và thực hiện biện pháp gia cố kết cấu vỏ hầm bị xung yếu, dột; có biện pháp phòng, chống hiện tượng đá lăn, đá đổ xảy ra khu vực hầm.

3. Đối với cầu từ 25m trở lên (khoảng cách từ đuôi tường cánh hoặc đuôi máng ba lát của mố bên này đến đuôi tường cánh hoặc đuôi máng ba lát của mố bên kia):

a) Trước mùa mưa, bão phải tổ chức đo, cập nhật mặt cắt lòng sông trong phạm vi ảnh hưởng đến an toàn công trình cầu;

b) Thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa hư hỏng các bộ phận kết cấu của cầu, đặc biệt là các bộ phận trực tiếp chịu ảnh hưởng của thiên tai;

c) Thường xuyên kiểm tra mức độ xói lòng sông, xói mố trụ cầu để kịp thời có biện pháp gia cố, xử lý bảo đảm an toàn công trình khi mùa mưa bão đến;

d) Kiểm tra, kịp thời đề xuất và thực hiện biện pháp gia cố hoặc xây dựng mới trụ phòng chống va xô trụ cầu để ngăn ngừa các vật trôi có thể va đập gây mất an toàn cho cầu;

đ) Theo dõi, ghi chép và lưu trữ sự thay đổi thủy văn, thủy lực của dòng chảy và kịp thời đề xuất, thực hiện phương án xử lý thích hợp bảo đảm an toàn công trình cầu khi mùa mưa bão đến.

4. Đối với đường sắt:

a) Thường xuyên kiểm tra, chặt cây, dãy cỏ, nạo vét khơi thông, sửa chữa rãnh dọc, rãnh đỉnh, thoát nước ngầm, thoát nước nền đường bảo đảm khả năng thoát nước khi xảy ra mưa lũ;

b) Tạo độ dốc lề đường cho nước chảy vào rãnh hoặc xuống mái dốc phía dưới, tạo độ dốc liên tục cho rãnh đổ dồn nước vào hố thu và thoát ra khỏi phạm vi đường;

c) Xử lý ta luy, nền đường đào để chống sạt lở; bạt, san lấp tạo mặt phẳng độ bền vững và khả năng thoát nước cho bề mặt ta luy, chặt bỏ cây mọc trên đỉnh ta luy. Xử lý mạch nước ngầm thoát ra mặt ta luy (nếu có). Tại những vị trí nền đường xung yếu, thực hiện các biện pháp gia cố để tăng cường ổn định, bền vững.

5. Đối với công trình kiến trúc đường sắt, kho ga, bãi hàng:

a) Thường xuyên kiểm tra, nạo vét khơi thông hệ thống thoát nước công trình, bảo đảm khả năng thoát nước khi xảy ra mưa lũ;

b) Kiểm tra, kịp thời xử lý chống thấm, chống dột, chống sét của công trình;

c) Gia cố các vị trí xung yếu, bảo đảm tăng cường an toàn công trình trong mùa mưa bão.

6. Đối với công trình thông tin, tín hiệu:

a) Phát quang hành lang an toàn đường dây và tầm nhìn tín hiệu;

b) Thay các cột điện, xà đỡ hỏng, các dây điện rò rỉ, đứt. Bổ sung dây co đứt, thiếu. Đắp lại ụ cột bị xói lở;

c) Kiểm tra và xử lý hệ thống tiếp đất, chống sét cho máy móc thiết bị và các tổng đài bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão;

d) Kịp thời sửa chữa các thiết bị thông tin, tín hiệu bị hư hỏng, bảo đảm sử dụng tốt trong mùa lụt, bão;

đ) Có phương án xử lý chống cháy, chập thiết bị tín hiệu nơi bị úng ngập.

7. Công trình thiết yếu đã được xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt phải được kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình đường sắt, giao thông đường sắt khi có thiên tai xảy ra.

Điều 8. Phòng ngừa thiên tai trong hoạt động vận tải đường sắt

Trước mùa mưa bão hàng năm, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa thiên tai trong hoạt động vận tải đường sắt gồm:

1. Kế hoạch bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, hàng hóa khi có thiên tai xảy ra.

2. Phương án chuyển tải hành khách, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh đối với tàu khách, bảo quản hàng hóa ở những khu vực dễ xảy ra gián đoạn giao thông vận tải đường sắt do ảnh hưởng của thiên tai như: Nơi mà thiên tai thường xuyên gây hư hỏng công trình đường sắt; khu vực đèo, dốc, hầm; khu vực hẻo lánh.

3. Biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường khu vực xung yếu, có nguy cơ gián đoạn giao thông vận tải đường sắt khi xảy ra thiên tai.

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong giai đoạn phòng ngừa thiên tai

1. Cục Đường sắt Việt Nam:

a) Tham gia chương trình thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống thiên tai; nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai theo kế hoạch, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

b) Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

c) Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và các đơn vị có liên quan trong việc cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định;

d) Tổng hợp kế hoạch phòng, chống thiên tai 05 năm và điều chỉnh, cập nhật hàng năm do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng để báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo quy định.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức và tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp;

b) Tổ chức thực hiện, thực hiện điều tra nội dung cơ bản phòng, chống thiên tai theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;

c) Tổ chức xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này gửi Cục Đường sắt Việt Nam tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải;

d) Trước mùa mưa, bão hàng năm, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cần được bảo vệ hoặc các công trình phòng, chống thiên tai. Nếu phát hiện công trình có dấu hiệu nguy hiểm không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm:

Chủ động kịp thời quyết định và tổ chức biện pháp bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt thuộc trách nhiệm của người quản lý, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật;

Trường hợp công trình hư hỏng làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành cần phải sửa chữa đột xuất công trình để bảo đảm an toàn, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tổ chức kiểm tra, đề xuất phương án sửa chữa gửi Cục Đường sắt Việt Nam để tổ chức thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

đ) Chủ động, chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương có đường sắt đi qua và các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai;

e) Tổ chức thực hiện các nội dung phòng ngừa thiên tai quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 4 và Điều 7 của Thông tư này;

g) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình đường sắt cần được bảo vệ hoặc các công trình có liên quan đến phòng, chống thiên tai;

h) Tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai;

i) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng, nhà thầu thi công công trình trên đường sắt đang khai thác và công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt để thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; ứng phó sự cố và cứu nạn đường sắt;

k) Thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải giao.

3. Chủ đầu tư xây dựng, các đơn vị thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình đường sắt và các công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt:

a) Chịu sự điều hành, chỉ huy của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

b) Thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3, điểm e khoản 4 Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này.

Mục 2

ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ CỨU NẠN

Điều 10. Nội dung ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn

1. Tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời để xử lý, thông báo đến các đối tượng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bảo đảm phù hợp với loại thiên tai, cường độ, cấp độ rủi ro, vị trí, tọa độ hiện tại, hướng đi và diễn biến.

2. Quyết định và thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai để bảo đảm an toàn đối với người, an toàn chạy tàu, phương tiện, thiết bị; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt.

3. Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai.

4. Tổ chức thực hiện huy động các nguồn lực để ứng phó sự cố, thiên tai:

a) Ứng phó sự cố, thiên tai khi kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng:

Tổ chức theo dõi, kiểm tra, tuần tra, chốt gác tại các vị trí mà kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng hoặc tiềm ẩn bị phá hoại do thiên tai gây ra như: Khu vực nền đường bị sạt lở, trôi vỡ nền đường, mất ổn định; nền đường bị ngập; khu vực bị đá lăn, đá đổ; khu vực hầm; các cầu có kết cấu cầu và công trình gia cố bị hư hỏng hoặc tiềm ẩn hư hỏng do thiên tai gây ra, đe dọa đến an toàn chạy tàu; khu vực đèo, dốc; cột thông tin, tín hiệu gãy, đổ; thiết bị thông tín hiệu bị ngập; khu vực tiềm ẩn ảnh hưởng do các công trình đập xả nước, đê điều tiềm ẩn khả năng gây ngập, gây hư hỏng công trình đường sắt; các vị trí khác tiềm ẩn gây mất an toàn cho người, công trình đường sắt, giao thông vận tải đường sắt, vệ sinh môi trường, nguy cơ cháy nổ do ảnh hưởng của thiên tai gây ra;

b) Ứng phó sự cố, thiên tai khi hoạt động vận tải đường sắt bị ngưng trệ:

Tổ chức giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ, nơi bố trí tạm trú, sơ tán hành khách; bảo vệ tính mạng, tài sản của hành khách; kịp thời di chuyển đoàn tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm bảo đảm an toàn.

5. Thực hiện các biện pháp trong ứng phó thiên tai theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Điều 11. Các biện pháp trong ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn

1. Khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

a) Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;

b) Tìm kiếm, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;

c) Khẩn trương có biện pháp bảo đảm an toàn đối với công trình đường sắt;

d) Thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn, ổn định, chống trôi, trượt phương tiện giao thông đường sắt trên đường hoặc trong ga;

đ) Khẩn trương di chuyển phương tiện giao thông đường sắt khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực ngập nước đến nơi an toàn;

e) Trường hợp mưa to kéo dài, gió bão mạnh, phải kiểm tra trạng thái kỹ thuật công trình đường sắt để quyết định biện pháp tổ chức chạy tàu bảo đảm an toàn.

2. Khi xảy ra động đất, sóng thần:

a) Chủ động trú, tránh, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông đường sắt;

b) Chủ động sơ tán người và phương tiện giao thông đường sắt ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của động đất, sóng thần;

c) Tổ chức cứu chữa người bị thương. Bố trí nơi ở tạm, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống, nhu yếu phẩm khác cho hành khách đi tàu, nhân viên đường sắt phục vụ chạy tàu bị ảnh hưởng;

d) Tham gia tìm kiếm và tổ chức cứu nạn theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

3. Bảo đảm duy trì và kịp thời xử lý thông tin liên lạc thông suốt giữa Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt với các phòng điều hành vận tải khu vực, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng tham gia ứng phó sự cố, thiên tai trong khu vực xảy ra thiên tai.

4. Chủ động điều chỉnh kế hoạch chạy tàu, tốc độ phù hợp trên các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai bảo đảm an toàn công trình, an toàn chạy tàu và an toàn cho hành khách; kịp thời cung cấp thông tin cho khách hàng về dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt và năng lực kết cấu hạ tầng khu vực công trình bị hư hỏng do thiên tai gây ra.

5. Tổ chức cắm biển hạn chế tốc độ, kết hợp tổ chức cảnh giới, phòng vệ tại các vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do thiên tai gây ra, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn chạy tàu.

6. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực xảy ra thiên tai, bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và tài sản của khách hàng.

7. Tổ chức chạy tàu, dồn tàu và sử dụng phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu giao thông đường sắt và quy định của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

Điều 12. Trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn

1. Cục Đường sắt Việt Nam:

a) Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải đến các doanh nghiệp đường sắt, đơn vị trực thuộc Cục Đường sắt Việt Nam là các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai theo quy định;

b) Phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để chỉ đạo các đơn vị tham gia ứng phó sự cố, thiên tai.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt:

a) Tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, sự chỉ đạo, chỉ huy của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam để chủ động tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt, giao thông vận tải đường sắt theo quy định;

b) Khi thiên tai xảy ra, chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị thi công xây dựng trên đường sắt đang khai thác và công trình xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt triển khai ngay theo kế hoạch đã chuẩn bị và chọn phương án thích hợp để xử lý sự cố hiệu quả nhất;

c) Thực hiện nội dung quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

3. Chủ đầu tư, các đơn vị thi công xây dựng trên đường sắt đang khai thác và công trình xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt thực hiện:

a) Các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 10; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 11 của Thông tư này;

b) Chủ động phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, các đơn vị có liên quan để giải quyết sự cố công trình hoặc có nguy cơ bị phá hoại.

4. Các tổ chức, cá nhận quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này khi tham gia ứng phó sự cố, thiên tai có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, các Phòng, Đội thanh tra – An toàn đường sắt khu vực giữ gìn trật tự, an ninh trong khu vực xảy ra sự cố, thiên tai và chấp hành mệnh lệnh chỉ huy, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, sẵn sàng ứng cứu các đơn vị khác khi được điều động để khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai.

Mục 3

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ CỨU NẠN

Điều 13. Nội dung khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn

1. Tiếp tục thực hiện các biện pháp trong ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn.

2. Chuyển tải hành khách, hành lý và tài sản của hành khách đi tàu ra khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố, thiên tai đến địa điểm an toàn; chuyển tải hoặc tiếp tục bảo vệ hàng hóa phù hợp với điều kiện thực tế.

3. Quyết định phương án và thực hiện sửa chữa, khôi phục các công trình đường sắt bị hư hỏng, bảo đảm giao thông vận tải được thông suốt, an toàn trong thời gian nhanh nhất.

4. Trục vớt, cứu chữa phương tiện giao thông đường sắt, trang thiết bị, phương tiện phục vụ thi công và chạy tàu để phục vụ sản xuất; sửa chữa các công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng.

5. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của sự cố, thiên tai.

6. Lập hồ sơ khắc phục sự cố, thiên tai và cứu nạn theo quy định tại Điều 17 của Thông tư này.

Điều 14. Trình tự thực hiện khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với: Đường sắt; cầu, cống, hầm đường sắt; kè, tường chắn ảnh hưởng trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu

Việc khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai được thực hiện theo hai bước như sau:

1. Bước 1: Tính từ thời điểm có công điện phong tỏa khu gian, cấm tàu chạy do lụt, bão, sự cố, thiên tai, tai nạn đến khi có công điện trả tốc độ từ  ≥15 km/h theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bị hư hỏng được duyệt. Bước này gồm hai giai đoạn:

a) Giai đoạn 1: Sửa chữa công trình để thông xe chạy tàu tốc độ 05 km/h bảo đảm ổn định, an toàn. Thời gian tính từ thời điểm sau khi có lệnh phong tỏa khu gian đến thời điểm thông xe chạy tàu tốc độ 05 km/h. Nội dung thực hiện giai đoạn này gồm:

Tổ chức sửa chữa công trình để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn này;

Tổ chức thử tải công trình (nếu thấy cần thiết) để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; an toàn, ổn định công trình khi thông xe chạy tàu giai đoạn này;

Lập biên bản xác định khối lượng công việc hoàn thành của giai đoạn;

Tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành của giai đoạn theo quy định;

b) Giai đoạn 2: Gia cố, khôi phục công trình để chạy tàu tốc độ ≥15 km/h theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bị hư hỏng được duyệt, bảo đảm ổn định, an toàn. Nội dung thực hiện giai đoạn này gồm:

Tổ chức khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình bị hư hỏng thuộc bước 1 để phục vụ sửa chữa, khắc phục ngay hậu quả sự cố, thiên tai và phục vụ công tác nâng cấp, kiên cố hóa; trừ công trình phức tạp phải khoan thăm dò, nghiên cứu địa chất thủy văn thì chuyển sang thực hiện bước 2;

Tổ chức khắc phục, sửa chữa, gia cố ổn định công trình để đáp ứng yêu cầu chạy tàu an toàn theo tải trọng và tốc độ ≥15 km/h;

Tiếp tục gia cố công trình, tổ chức chạy tàu an toàn với tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt;

Tổ chức chạy tàu, kiểm tra theo tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt, bảo đảm ổn định, an toàn công trình, an toàn chạy tàu;

Bố trí biển báo hướng dẫn chạy tàu theo quy định;

Thường xuyên theo dõi, đánh giá khả năng chịu tải của công trình để kịp thời có biện pháp gia cố bảo đảm an toàn chạy tàu của giai đoạn này;

Kiểm tra thông số kỹ thuật của công trình đối với từng chuyến tàu qua lại trong suốt quá trình thực hiện trong giai đoạn này;

Lập biên bản xác định khối lượng công việc hoàn thành của giai đoạn;

Tổ chức nghiệm thu theo quy định;

Thời gian gia cố, khôi phục công trình giai đoạn 2 không quá 45 ngày;

Sau khi chạy tàu với tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt, tổ chức triển khai ngay các nội dung để thực hiện bước 2.

2. Bước 2: Cải tạo, khôi phục, nâng cấp công trình để bảo đảm ổn định lâu dài và chạy tàu theo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ chạy tàu trong khu gian.

Điều 15. Trình tự thực hiện khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình thông tin, tín hiệu đường sắt

Việc khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai được thực hiện theo hai bước như sau:

1. Bước 1: Được tính từ thời điểm có điện báo về sự cố, gián đoạn thông tin tín hiệu đường sắt do sự cố, thiên tai đến khi khôi phục hệ thống thiết bị thông tin tín hiệu đủ điều kiện chạy tàu an toàn. Bước này gồm hai giai đoạn:

a) Giai đoạn 1: Giải phóng các chướng ngại ảnh hưởng đến hệ thống thông tin tín hiệu, nối thông đường dây thông tin; tháo dỡ, bảo dưỡng thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt bị ảnh hưởng bởi sự cố, thiên tai;

b) Giai đoạn 2: Chống đỡ cột thông tin, tín hiệu bị đổ, gẫy; lắp đặt lại thiết bị thông tin tín hiệu về vị trí ban đầu; khôi phục, thay thế, bổ sung hệ thống cột, thiết bị thông tin tín hiệu bảo đảm trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu đủ điều kiện hoạt động ổn định. Thời gian khôi phục giai đoạn này không quá 45 ngày.

2. Bước 2: Nâng cấp hệ thống thiết bị thông tin tín hiệu bảo đảm trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện hoạt động ổn định lâu dài.

Điều 16. Trình tự thực hiện khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình kiến trúc đường sắt

Việc khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai được thực hiện theo hai bước như sau:

1. Bước 1: Được tính từ thời điểm có điện báo về sự cố công trình kiến trúc đường sắt do sự cố, thiên tai làm gián đoạn hoạt động điều hành giao thông vận tải đường sắt đến khi gia cố khôi phục công trình bảo đảm điều kiện tác nghiệp điều hành hoạt động giao thông vận tải đường sắt an toàn. Bước này gồm hai giai đoạn:

a) Giai đoạn 1: Giải phóng các chướng ngại công trình kiến trúc bị sập, đổ, nối thông hệ thống thiết bị điều hành giao thông vận tải; tháo dỡ, bảo dưỡng thiết bị điều hành chạy tàu;

b) Giai đoạn 2: Lắp dựng công trình kiến trúc bị sập đổ, bảo đảm đủ điều kiện điều hành chạy tàu an toàn. Sửa chữa, lắp đặt lại hệ thống điều hành chạy tàu đủ điều kiện bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt; khôi phục, thay thế, bổ sung hệ thống điều hành chạy tàu và các công trình kiến trúc bảo đảm trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu đủ điều kiện hoạt động. Thời gian khôi phục giai đoạn này không quá 45 ngày.

2. Bước 2: Nâng cấp hệ thống điều hành chạy tàu và các công trình kiến trúc bảo đảm trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật đủ điều kiện hoạt động ổn định lâu dài.

 

Điều 17. Quy định về hồ sơ khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với các công trình đường sắt

1. Hồ sơ khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 1 phải đầy đủ thành phần sau:

a) Tờ trình đề nghị thẩm định, phê duyệt hồ sơ khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 1 của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

b) Tài liệu liên quan đến công tác khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai gồm:

Biên bản xác nhận thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra sự cố, thiên tai gây thiệt hại đối với công trình đường sắt;

Các văn bản, công điện chỉ huy, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền;

Hợp đồng đặt hàng, thanh lý hợp đồng khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai theo quy định;

Tài liệu xác định thời gian, địa điểm phong tỏa khu gian, hạn chế tốc độ, trả tốc độ chạy tàu; thời điểm gián đoạn, nối thông tuyến và khôi phục hệ thống thông tin tín hiệu; thời điểm sự cố công trình kiến trúc làm gián đoạn, khôi phục hoạt động của hệ thống điều hành giao thông vận tải đường sắt;

c) Hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, gia cố, khôi phục công trình đường sắt bước 1 đã được phê duyệt;

d) Hồ sơ quản lý chất lượng sửa chữa, gia cố, khôi phục công trình đường sắt gồm:

Quyết định phê duyệt phương án kỹ thuật sửa chữa, gia cố, khôi phục công trình đường sắt bước 1;

Bản vẽ hoàn công (có danh mục bản vẽ kèm theo);

Các tài liệu chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận chất lượng hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Các kết quả quan trắc (nếu có), đo đạc, thí nghiệm trong quá trình thi công;

Các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu bộ phận hoặc giai đoạn công trình (nếu có) trong quá trình thi công xây dựng;

Các kết quả thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng công trình, thí nghiệm khả năng chịu lực kết cấu xây dựng (nếu có);

Hồ sơ quản lý chất lượng của thiết bị lắp đặt vào công trình;

Phụ lục các tồn tại cần sửa chữa, khắc phục (nếu có) sau khi hoàn thành công tác khắc phục sự cố, thiên tai;

Biên bản nghiệm thu hoàn thành công tác khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai;

Các hồ sơ, văn bản, tài liệu khác có liên quan trong quá trình khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và nghiệm thu công trình.

đ) Hồ sơ dự toán theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về  phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên kèm theo tài liệu khác liên quan làm căn cứ xác định chi phí.

2. Hồ sơ khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 2 thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Điều 18. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn

1. Cục Đường sắt Việt Nam:

a) Kiểm tra, chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh khu vực ở khu vực bị tác động sự cố, thiên tai;

b) Thẩm định, phê duyệt hồ sơ khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình bước 1 quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 của Thông tư này. Thời gian thẩm định, phê duyệt trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Thông tư này;

c) Thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng đối với công trình khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình bước 2 quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 của Thông tư này.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt:

a) Khảo sát, thống kê, đánh giá thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra đối với kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;

b) Tổ chức trục vớt, sửa chữa tài sản, phương tiện phục vụ thi công bị thiệt hại do thiên tai gây ra;

c) Tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

d) Tổ chức khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 1 quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 của Thông tư này, bao gồm:

Tổ chức khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bước 1;

Tổ chức sửa chữa các công trình đường sắt bị hư hỏng phải bảo đảm giao thông vận tải an toàn trong thời gian nhanh nhất theo quy định;

Tổ chức sửa chữa, khôi phục các công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng;

đ) Trong thời gian từ 15 đến 30 ngày kể từ khi hoàn thành công tác cứu chữa bước 1, tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ về khắc phục sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 1 trình Cục Đường sắt Việt Nam phê duyệt theo quy định;

e) Thực hiện thanh, quyết toán chi phí khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện chế độ báo cáo cấp có thẩm quyền về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; ứng phó sự cố và cứu nạn theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền theo quy định của Thông tư này.

3. Chủ đầu tư, các đơn vị thi công xây dựng công trình đường sắt và các công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt:

a) Chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai thuộc trách nhiệm của mình, bảo đảm an toàn công trình đường sắt, an toàn chạy tàu;

b) Tổ chức, thực hiện sửa chữa, khôi phục các công trình, hạng mục công trình thuộc dự án bảo đảm thời gian thông tuyến nhanh nhất, an toàn chạy tàu, an toàn công trình, an toàn lao động và bảo vệ môi trường khu vực thi công.

Điều 19. Tổ chức thực hiện khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 2

1. Việc khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 2 quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 Thông tư này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.

2. Chủ đầu tư xây dựng có trách nhiệm tổ chức xây dựng công trình bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, an toàn giao thông.

Mục 4

TRỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 20. Công tác trực phòng, chống thiên tai

1. Căn cứ các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai thường xuyên xảy ra theo từng khu vực và chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của từng cơ quan, đơn vị xác định cụ thể thời gian trực, chế độ trực bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai được giao.

2. Thời gian làm việc, chế độ trực, nghỉ bù trực, thời gian nghỉ ngơi và chế độ được hưởng đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước:

a) Thời gian làm việc, chế độ trực, nghỉ bù trực, thời gian nghỉ ngơi và chế độ được hưởng đối với người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được cơ quan có thẩm quyền huy động trực phòng, chống thiên tai thực hiện theo quy định của Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Căn cứ tình hình thực tế, nhiệm vụ được giao, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm ban hành quy chế trực ban thường trực công tác phòng, chống thiên tai theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3. Thời gian làm việc, chế độ trực, nghỉ bù trực, thời gian nghỉ ngơi và chế độ được hưởng đối với những người không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này, thực hiện theo các quy định của pháp luật về lao động và quy định của tổ chức sử dụng người lao động.

4. Lịch trực do Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phân công.

Điều 21. Chế độ đối với người tham gia trực, người được huy động tham gia hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai

Người làm nhiệm vụ trực, người được huy động tham gia hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai được hưởng chế độ trực, trợ cấp, làm thêm giờ theo quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 22. Quy định về thời gian và chế độ thông tin, báo cáo

1. Về thời gian

a) Kế hoạch phòng, chống thiên tai theo chu kỳ 05 năm tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

b) Ngày 31 tháng 3 hàng năm, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tổ chức kiểm tra hiện trường để lập kế hoạch phòng, chống, thiên tai;

c) Trước ngày 15 tháng 6 hàng năm, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt dự kiến điều chỉnh kế hoạch năm về phòng, chống thiên tai gửi Cục Đường sắt Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai trên đường sắt quốc gia với các nội dung sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên đường sắt quốc gia;

b) Nội dung yêu cầu: Thông tin về danh sách và số điện thoại liên lạc của các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nhiệm vụ, địa chỉ của các chủ thể liên quan; tổng hợp kế hoạch phòng, chống thiên tai; kết quả theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống của các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt;

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, được gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính;

e) Thời hạn gửi báo cáo: Ngày 31 tháng 3 hàng năm;

g) Tần suất thực hiện báo cáo: Báo cáo định kỳ hàng năm;

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Tính từ ngày 31 tháng 3 năm trước đến ngày 30 tháng 3 năm báo cáo;

i) Đề cương báo cáo: Theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong vòng 48 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, thiên tai, các chủ thể có liên quan bị ảnh hưởng do sự cố, thiên tai phải kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam các nội dung về tình hình diễn biến thiên tai; sơ bộ mức độ thiệt hại; dự kiến phương án, tiến độ ứng phó và khắc phục.

Chương III

NGUỒN TÀI CHÍNH PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ CỨU NẠN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 23. Nguồn kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn

1. Nguồn kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn được hình thành từ các nguồn sau:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 24. Chi phí phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn

1. Nội dung các khoản mục chi phí được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Việc xác định chi phí cho công tác này thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, thay thế Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt; Thông tư số 28/2017/TT-BGTVT ngày 29 tháng 8 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt.

2. Bãi bỏ Điều 4, Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ, dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 26. Điều khoản chuyển tiếp

Sự cố, thiên tai xảy ra trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện như sau:

1. Trình tự, nội dung, hồ sơ, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình bước 1 thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt và Thông tư số 28/2017/TT-BGTVT ngày 29 tháng 8 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt.

2. Việc khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình bước 2 thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Điều 27. Tổ chức thực hiện

1. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, chủ đầu tư, các đơn vị thi công xây dựng công trình đường sắt và các công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt có trách nhiệm thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định tại Điều 30 của Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06  tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều để thực hiện trách nhiệm của mình.

2. Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được cho thuê hoặc được chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác, doanh nghiệp được nhận thuê, nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; ứng phó sự cố và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt theo quy định của Thông tư này và hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kiến nghị về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Đông

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.