• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 08/01/2022
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 19/2021/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 24 tháng 11 năm 2021

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN

ngày 06/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển

tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá

 

          Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

          Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ;

          Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 như sau:

“1. Giao nhận tiền mặt theo bó tiền đủ 10 thếp nguyên niêm phong hoặc túi tiền nguyên niêm phong trong các trường hợp:

a) Giao nhận tiền mặt trong nội bộ Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đối với tiền đã qua lưu thông, trừ trường hợp quy định tại điểm c, g khoản 2 Điều này;

b) Giao nhận tiền mặt loại mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên theo lệnh điều chuyển giữa kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại; giữa các kho tiền Trung ương với nhau; giữa các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

c) Giao nhận tiền mặt giữa Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngược lại; giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố với nhau.”

2. Bổ sung điểm d, đ, e, g vào khoản 2 Điều 11 như sau:

“d) Giao nhận tiền mặt loại mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống theo lệnh điều chuyển giữa kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại; giữa các kho tiền Trung ương với nhau; giữa các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau;

đ) Giao nhận tiền mặt loại mệnh giá 50.000 đồng theo lệnh điều chuyển giữa kho tiền Trung ương với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long và ngược lại; giữa các kho tiền Trung ương với nhau; giữa các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long với nhau;

e) Giao nhận tiền mặt trong nội bộ kho tiền Trung ương;

g) Giao nhận tiền mặt trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long khi thực hiện lệnh điều chuyển.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 như sau:

“1. Kiểm đếm tiền mặt giao nhận theo lệnh điều chuyển của Ngân hàng Nhà nước đối với tiền đã qua lưu thông:

a) Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (trừ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản này) tổ chức kiểm đếm tờ (miếng) số tiền đã nhận phải thành lập Hội đồng kiểm đếm theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Thông tư này. Thời hạn kiểm đếm là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận tiền. Đơn vị giao cử người chứng kiến; trường hợp không cử người chứng kiến, đơn vị giao phải có thông báo bằng văn bản cho đơn vị nhận.

Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian kiểm đếm tiền mặt theo lệnh điều chuyển trong các trường hợp do nguyên nhân khách quan theo đề nghị của Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;

b) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long tổ chức kiểm đếm tờ (miếng) đối với số tiền dùng để chi cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố. Hội đồng kiểm đếm được thành lập theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Thông tư này và chịu trách nhiệm giám sát an toàn tài sản;

c) Đối với số tiền không tổ chức kiểm đếm tờ (miếng), Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có thể giao bó (túi) tiền nguyên niêm phong cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong cùng tỉnh, thành phố và phải cử người chứng kiến khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức kiểm đếm tờ (miếng).”

4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 26 như sau:

“b) Tại các địa điểm khác của Kho tiền I, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ được uỷ quyền bằng văn bản cho một Phó Cục trưởng hoặc Trưởng Kho tiền I thực hiện nhiệm vụ quản lý tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá và kho tiền trong một thời gian nhất định. Trường hợp người được uỷ quyền vắng mặt thì Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ được uỷ quyền từng lần bằng văn bản cho Phó Cục trưởng khác hoặc một Phó trưởng Kho tiền I;”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 48 như sau:

“1. Cục Phát hành và Kho quỹ có nhiệm vụ tổ chức vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá từ cơ sở in, đúc tiền, sân bay, bến cảng, nhà ga về kho tiền Trung ương; giữa các kho tiền Trung ương; từ kho tiền Trung ương đến kho tiền Sở Giao dịch, các kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại; giữa các kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

Trường hợp cần thiết, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cử người áp tải và giao, nhận tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá tại kho tiền Trung ương hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khác.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long có nhiệm vụ tổ chức vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá giữa chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long với kho tiền Trung ương; giữa các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trong khu vực với nhau (theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ).”

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày  08 tháng 01 năm 2021.

2. Thông tư này bãi bỏ khoản 1, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 12/2017/TT-NHNN ngày 31/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đào Minh Tú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.