• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/04/2014
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 02/2005/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 4 tháng 1 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức

của Thanh tra Cục Đường sông Việt Nam

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Luật Thanh tra số 22/2004/QH11 ngày 15 tháng 06 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 06 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam và Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Vị trí, chức năng

Thanh tra Cục Đường sông Việt Nam (sau đây gọi là Thanh tra Cục Đường sông) là cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thanh tra giao thông vận tải, thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục Đường sông Việt Nam.

Thanh tra Cục Đường sông chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam (sau đây gọi là Cục trưởng) và sự chỉ đạo về công tác, tổ chức hoạt động nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.

Thanh tra Cục Đường sông có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu của Cục Đường sông Việt Nam khi Chánh Thanh tra Cục thừa lệnh Cục trưởng ký văn bản.

Thanh tra Cục Đường sông có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh là Viet Nam Inland Waterways Administration Inspectorate, viết tắt là IWAI.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Cục Đường sông

1. Tham gia xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa; chủ trì hoặc tham gia xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Thanh tra đường thuỷ nội địa theo phân công của Cục trưởng.

2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục trưởng.

3. Thanh tra đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc thực hiện pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập về:

a) Tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, bao gồm đường thuỷ nội địa; cảng, bến thuỷ nội địa, kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ khác;

b) Trách nhiệm bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

c) Tiêu chuẩn, quy trình kiểm định của cơ sở kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật phương tiện thuỷ nội địa; tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường của phương tiện, thiết bị giao thông vận tải đường thuỷ nội địa theo phân cấp;

d) Đảm bảo an toàn giao thông khi thi công công trình, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác trên đường thủy nội địa đang khai thác;

đ) Điều kiện, tiêu chuẩn đối với thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải đường thủy nội địa;

e) Đào tạo, sát hạch, thi, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa;

g) Hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường thủy nội địa theo phân cấp.

4. Phát hiện, lập biên bản, có biện pháp ngăn chặn, quyết định theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

5. Kiến nghị hoặc trình cơ quan có thẩm quyền kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý chuyên ngành giao thông vận tải đường thuỷ nội địa; kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra.

6. Giúp Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính).

7. Giúp Cục trưởng tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng ngừa và chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

8. Phối hợp với Thanh tra Cục khác thuộc Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến giao thông vận tải đường thủy nội địa; với cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

9. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc phạm vi trách nhiệm của Cục Đường sông Việt Nam.

10. Quản lý biên chế, tài sản, kinh phí hoạt động của Thanh tra Cục theo quy định.

11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của pháp luật và Cục trưởng, Chánh Thanh tra Bộ giao.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Cục

1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục Đường sông Việt Nam; trực tiếp quản lý, điều hành cơ quan Thanh tra Cục Đường sông thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định này và các quy định khác của pháp luật.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Cục trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Trình Cục trưởng quyết định thanh tra theo thẩm quyền.

4. Quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra hoặc phân công thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

5. Kiến nghị Cục trưởng xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của Cục trưởng; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

6. Kiến nghị Cục trưởng đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bãi bỏ những quyết định trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Cục trưởng; trường hợp kiến nghị đó không được chấp thuận thì báo cáo Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.

7. Quyết định đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành vi trái pháp luật chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có đủ căn cứ xác định hành vi đó gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc gây trở ngại cho quá trình thanh tra.

8. Kiến nghị Cục trưởng hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn giao thông vận tải đường thuỷ nội địa.

9. Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra để kết luận về nội dung thanh tra đối với trường hợp Chánh Thanh tra Cục ra quyết định thanh tra.

10. Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc trình Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Tổ chức và biên chế

1. Tổ chức giúp việc của Chánh Thanh tra Cục có Ban Thanh tra Đường sông phía Nam, trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và các Đội Thanh tra hoạt động theo khu vực.

Ban Thanh tra Đường sông do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thành lập, tổ chức lại, giải thể theo đề nghị của Cục trưởng và Chánh Thanh tra Bộ. Đội Thanh tra do Cục trưởng thành lập, tổ chức lại, giải thể. Cục trưởng quy định nhiệm vụ cụ thể, phạm vi hoạt động của Ban Thanh tra và Đội Thanh tra cho phù hợp với nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

Ban Thanh tra, Đội Thanh tra có trụ sở và con dấu để hoạt động nghiệp vụ. Ban Thanh tra và Đội Thanh tra ở xa trụ sở của Thanh tra Cục được mở tài khoản để nhận tiền chi cho hoạt động thường xuyên của Ban và Đội Thanh tra.

2. Thanh tra Cục có Chánh thanh tra, các Phó Chánh thanh tra, Trưởng Ban, Phó trưởng Ban, Đội trưởng, Đội phó, Thanh tra viên và chuyên viên, cán sự, nhân viên.

Chánh Thanh tra Cục do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có sự thống nhất của Chánh Thanh tra Bộ bằng văn bản. Phó Chánh Thanh tra Cục, Trưởng Ban, Phó trưởng Ban do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chánh Thanh tra Cục. Đội trưởng, Đội phó do Chánh Thanh tra Cục bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Thanh tra viên được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Biên chế của Thanh tra Cục thuộc biên chế hành chính của Cục Đường sông Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao hàng năm.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.