• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/06/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 22/08/2008
BỘ TƯ PHÁP-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 43/2006/TTLT-BTC-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 19 tháng 5 năm 2006

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án

_________________

 

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án, như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản hoặc số tiền mà người đó thực nhận theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Không thu phí thi hành án đối với trường hợp thi hành các khoản sau đây:

a) Tiền cấp dưỡng;

b) Tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm;

c) Tiền lương, tiền công lao động;

d) Tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Người được thi hành án nhận hiện vật chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi và không tính được giá trị vật chất;

- Tiền được thi hành án là khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước, như: xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ, giáo dục của nhân dân mà không vì mục đích kinh doanh, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của Nhà nước.

II. MỨC THU, VIỆC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

1. Mức thu

Mức thu phí thi hành án được tính trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận, như sau:

Stt

Số tiền hoặc giá trị

tài sản thực nhận

Mức thu

1

Từ trên 1.000.000 đến 100.000.000 đồng

5% của số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận

2

Từ trên 100.000.000 đến 200.000.000 đồng

5.000.000 đồng + 4% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 100.000.000 đồng

3

Từ trên 200.000.000 đến 500.000.000 đồng

9.000.000 đồng + 3% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 200.000.000 đồng

4

Từ trên 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng

18.000.000 đồng + 2% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 500.000.000 đồng

5

Từ trên 1.000.000.000 đồng

28.000.000 đồng + 0,1% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 1.000.000.000 đồng

2. Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án

a) Cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc là cơ quan thu phí thi hành án (dưới đây gọi là cơ quan thu phí).

b) Khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án chưa phải nộp phí thi hành án. Cơ quan thu phí chỉ được thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản được thi hành án cho người được thi hành án, cụ thể như sau:

- Trường hợp chi trả tiền: Khi chi trả, cơ quan thu phí được trích lại số tiền phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp vào số tiền mà người thi hành án thực nhận.

- Trường hợp giao tài sản: Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày dự kiến giao trả tài sản, cơ quan thu phí có trách nhiệm ra thông báo thu phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp bản án, quyết định của Toà án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thu phí lập Hội đồng định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Trong trường hợp khi giao tài sản mà người được thi hành án chưa nộp phí thi hành án, cơ quan thu phí có thể kê biên, phong toả tài sản đã giao cho người được thi hành án và ấn định thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày giao trả tài sản để người được thi hành án nộp phí thi hành án. Nếu quá thời hạn trên, người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Việc định giá, định giá lại tài sản và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án.

- Khi thu phí, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.

c) Đối với các vụ án chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên.

Thí dụ cụ thể như sau: Có 3 người được chia thừa kế một tài sản có giá trị 1 tỷ đồng. Người thứ nhất được nhận 20% giá trị tài sản. Người thứ hai được nhận 30% giá trị tài sản. Người thứ ba được nhận 50% giá trị tài sản. Số phí thi hành án phải nộp của từng người theo quy định trên được xác định như sau:

- Xác định tổng số phí thi hành án phải nộp của các bên:

                        = 18 triệu đồng + 2% x 500 triệu đồng.

                        = 18 triệu đồng + 10 triệu đồng.

                        = 28 triệu đồng.

- Xác định số phí thi hành án phải nộp của từng người:

+ Người thứ nhất phải nộp = 20% x 28 triệu đồng = 5,6 triệu đồng.

+ Người thứ hai phải nộp   = 30% x 28 triệu đồng = 8,4 triệu đồng.

+ Người thứ ba phải nộp    = 50% x 28 triệu đồng =  14 triệu đồng.

d) Đối với những vụ việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các bên đương sự tự nguyện thi hành án thì thực hiện như sau:

- Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

- Nếu người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án thì thực hiện như sau:

+ Nếu người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án;

+ Nếu người được thi hành án không từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì người được thi hành án phải nộp 1/3 (một phần ba) số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn;

+ Nếu người được thi hành án không từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế, đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

đ) Đối với những vụ việc mà theo bản án, quyết định của Toà án, người được thi hành án được thi hành số tiền hoặc tài sản có giá trị từ trên 1.000.000 đồng trở lên nhưng người được thi hành án có yêu cầu thi hành án khác với số tiền hoặc giá trị tài sản được thi hành án thì thực hiện như sau:

- Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu thi hành án với số tiền hoặc tài sản có giá trị từ 1.000.000 đồng trở xuống, thì không phải nộp phí thi hành án.

- Trường hợp người được thi hành án yêu cầu thành nhiều lần với tổng số tiền hoặc giá trị tài sản yêu cầu có giá trị từ trên 1.000.000 đồng thì số phí thi hành án được tính trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản được nhận. Số phí thi hành án phải nộp của từng lần được thi hành án được xác định tương ứng với số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận từng lần, tương tự như cách tính phí thi hành án phải nộp trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn quy định tại điểm c, mục này.

e) Trường hợp cơ quan thi hành án đã thi hành được tiền, tài sản, nhưng phải chi trả cho người được thi hành án thành nhiều lần theo quy định của pháp luật thì số phí thi hành án phải nộp được tính trên tổng số tiền, giá trị tài sản thực nhận. Số phí thi hành án phải nộp của từng lần được thi hành án được xác định tương ứng với số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận từng lần, tương tự như cách tính phí thi hành án phải nộp trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn quy định tại điểm c, mục này.

g) Trường hợp có sự nhầm lẫn về số phí thi hành án phải nộp, thì phí thi hành án được tính toán lại theo quy định và người được thi hành án phải nộp thêm nếu số phí thi hành án đã nộp thấp hơn số phí thi hành án được xác định lại hoặc người thi hành án được trả lại phần còn thừa nếu số phí thi hành án đã nộp cao hơn số phí thi hành án được xác định lại.

Cơ quan thu phí có trách nhiệm thu bổ sung khoản phí mà người được thi hành án nộp còn thiếu hoặc làm thủ tục hoàn trả khoản phí thi hành án mà người được thi hành án nộp thừa. Nếu người được thi hành án không tự nguyện nộp khoản phí thi hành án còn thiếu, thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án để thu bổ sung khoản phí thi hành án còn thiếu.

h) Phí thi hành án là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

h.1) Cơ quan thu phí được trích 70% (bảy mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí hỗ trợ cho việc thi hành án và thu phí. Việc sử dụng cụ thể như sau:

- Cơ quan thu phí được sử dụng 50% (năm mươi phần trăm) số tiền phí thu được để chi theo các nội dung sau:

+ Chi trả các khoản tiền thù lao, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ hiện hành cho những người tham gia vào hoạt động thi hành án (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định); chi bồi dưỡng cho các cán bộ của các ngành, các cấp trong việc phối hợp để thi hành án;

+ Chi phí trực tiếp phục vụ cho việc thi hành án và thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

+ Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thi hành án và thu phí;

+ Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, hội nghị tổng kết, sơ kết, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thi hành án và thu phí;

+ Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức cơ quan thi hành án và thu phí theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước.

- Cơ quan thu phí được mở tài khoản “tạm giữ tiền phí” tại Kho bạc nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí thi hành án. Căn cứ vào tình hình thu phí (số tiền phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí xa hay gần Kho bạc nhà nước...) mà định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, cơ quan thu phí phải gửi số tiền phí thi hành án đã thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Cơ quan thu phí có trách nhiệm nộp 20% (hai mươi phần trăm) số tiền phí thu được vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với cơ quan thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) tại Kho bạc nhà nước cùng thời gian với việc nộp tiền phí thu được vào tài khoản tạm giữ tiền phí để Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) điều hoà cho các cơ quan thu phí ở những nơi tiền phí thu được không bảo đảm đủ kinh phí hoạt động theo những nội dung chi quy định tại điểm h.1 mục này. Cơ quan thực hiện việc điều hoà tiền phí thi hành án được phép chi phí quản lý điều hoà tiền phí thi hành án (như chi văn phòng phẩm, sổ sách kế toán, theo dõi, tổng hợp số liệu phân bổ tiền phí, thông tin liên lạc, kiểm tra, báo cáo... có liên quan trực tiếp đến việc quản lý điều hoà tiền phí thi hành án) nhưng số chi hàng năm không vượt quá 5% (năm phần trăm) tính trên tổng số tiền phí thi hành án do các đơn vị nộp về.

- Hàng năm, cơ quan thu phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. Tiền phí để lại cho cơ quan thu phí quy định tại điểm h.1 mục này không phản ánh vào ngân sách nhà nước.

h.2) Cơ quan thu phí có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí còn lại (30%) vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản tương ứng, mục 044, tiểu mục 14 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

i) Trường hợp người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

III. MIỄN, GIẢM PHÍ THI HÀNH ÁN

Người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án như sau:

1. Giảm 50% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế. Người có khó khăn về kinh tế được giảm phí thi hành án là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010.

2. Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.

4. Để được miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án theo mẫu 1 ban hành kèm theo Thông tư này (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) có xác nhận của một trong những cơ quan, đơn vị là Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, sinh sống, làm việc hoặc có xác nhận của bệnh viện, cơ quan y tế cấp huyện trở lên (đối với trường hợp ốm đau kéo dài). Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) được nộp cho cơ quan thu phí. Thủ trưởng cơ quan thu phí nơi nhận đơn xem xét, ra quyết định việc miễn hoặc giảm phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

5. Trường hợp người làm đơn không được miễn hoặc giảm phí thi hành án thì cơ quan thu phí phải có thông báo cho đương sự biết và nêu rõ lý do về việc không được miễn hoặc giảm phí thi hành án. Thời gian xem xét việc miễn hoặc giảm phí thi hành án không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các vấn đề khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí, quyết toán phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.

2. Đối với các trường hợp đã tạm thu trước đây với mức thu cao hơn mức thu quy định tại Thông tư này thì thực hiện thu, nộp phí theo mức thu quy định tại Thông tư này.

3. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về phí, lệ phí hiện hành.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tư pháp
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Thị Thu Ba

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.