• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/07/2024
BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 01/2024/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 17 tháng 5 năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DOPING TRONG HOẠT ĐỘNG THỂ THAO

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thể dục thể thao,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao, bao gồm:

a) Giáo dục, truyền thông;

b) Kiểm tra doping;

c) Quản lý kết quả;

d) Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping.

2. Công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao được thực hiện theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới và quy định phòng, chống doping của Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể thao, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thể thao tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động thể thao tại nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam là đơn vị được Cục Thể dục thể thao giao nhiệm vụ thực hiện công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể dục thể thao theo đúng các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và quy định của pháp luật Việt Nam.

WADA là tên viết tắt bằng tiếng Anh của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới.

Miễn trừ do điều trị là việc cho phép vận động viên khi điều trị bệnh được sử dụng chất cấm hoặc phương pháp cấm nhưng phải phù hợp với các điều khoản tương ứng của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và tiêu chuẩn quốc tế về Miễn trừ do điều trị.

Quản lý kết quả là thuật ngữ được mô tả trong Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

Khiếu nại, kháng cáo chuyên môn về phòng, chống doping là việc cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu xem xét lại quyền lợi của cá nhân hoặc tổ chức khi bị xử lý vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới do cá nhân hoặc tổ chức vi phạm. Trình tự và thủ tục xem xét xử lý khiếu nại, kháng cáo tuân theo các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống doping trong hoạt động thể thao

1. Hoạt động phòng, chống doping được tổ chức thường xuyên, bảo đảm vận động viên được tập luyện và thi đấu trong môi trường thể thao không doping.

2. Bảo đảm tuân thủ các quy định của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới, các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

3. Có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động thể thao trong nước và nước ngoài trong phòng, chống doping.

4. Bảo đảm vận động viên được giáo dục, truyền thông đầy đủ về kiến thức phòng, chống doping.

5. Tôn trọng tính độc lập, không can thiệp vào quyết định và hoạt động chuyên môn của Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam phù hợp với quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

Điều 5. Hành vi vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới

1. Có chất bị cấm, chất chuyển hóa hoặc chất đánh dấu của chất bị cấm trong mẫu xét nghiệm của vận động viên.

2. Sử dụng hay cố tình sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

3. Lảng tránh, từ chối hoặc bỏ lỡ việc lấy mẫu thử mà không phải vì lý do bất khả kháng sau khi có thông báo.

4. Vi phạm các yêu cầu liên quan đến sự có mặt của vận động viên để kiểm tra doping ngoài thi đấu.

5. Làm sai lệch hoặc gây cản trở đối với bất kỳ công đoạn nào của việc kiểm tra doping.

6. Sở hữu chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

7. Buôn bán chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.

8. Cho vận động viên uống, sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm trong thi đấu hoặc ngoài thi đấu; hỗ trợ, khuyến khích, giúp sức, sai khiến, bao che hoặc dính líu đến bất kỳ hành vi đồng lõa nào khác vi phạm quy định về phòng, chống doping.

9. Đồng lõa, bao che cho một hoặc nhiều hành vi quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này.

10. Vận động viên có liên hệ về chuyên môn thể dục thể thao với huấn luyện viên, người hướng dẫn, bác sĩ hoặc bất kỳ ai đang trong thời gian bị kỷ luật do vi phạm quy định về phòng, chống doping.

11. Kỳ thị, trù dập người tố cáo hành vi vi phạm doping.

Chương II

GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG

Điều 6. Mục tiêu giáo dục, truyền thông

1. Nâng cao nhận thức về phòng, chống doping, ngăn chặn việc vận động viên sử dụng các chất cấm và các phương pháp cấm trong hoạt động thể thao.

2. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của vận động viên.

3. Vì một nền thể thao lành mạnh, công bằng, không doping.

Điều 7. Nội dung giáo dục, truyền thông

1. Các nguyên tắc và giá trị liên quan đến thể thao trong sạch.

2. Quyền và trách nhiệm của vận động viên, người hỗ trợ vận động viên và các nhóm khác theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

3. Nguyên tắc về trách nhiệm nghiêm ngặt.

4. Hậu quả của việc sử dụng doping đến sức khỏe thể chất và tinh thần, ảnh hưởng xã hội, kinh tế và các biện pháp xử phạt.

5. Hành vi vi phạm quy định phòng, chống doping.

6. Các chất cấm và phương pháp cấm trong danh sách cấm.

7. Rủi ro khi sử dụng thực phẩm bổ sung.

8. Sử dụng thuốc và Miễn trừ do điều trị.

9. Quy trình kiểm tra doping, bao gồm nước tiểu, máu và hộ chiếu sinh học vận động viên.

10. Yêu cầu của nhóm đăng ký kiểm tra doping, bao gồm cả khai báo nơi ở, nơi tập luyện và việc sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống doping.

11. Lên tiếng để chia sẻ những lo ngại về doping.

Chương III

KIỂM TRA DOPING

Điều 8. Thẩm quyền kiểm tra doping

1. Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có quyền kiểm tra doping đối với mọi vận động viên theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

2. Cơ quan quản lý vận động viên, Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao đề nghị Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam kiểm tra doping vận động viên trong trường hợp cần thiết theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

3. Trong trường hợp các Liên đoàn thể thao quốc tế ủy quyền hoặc yêu cầu kiểm tra doping, Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam phối hợp với các Liên đoàn thể thao liên quan thực hiện kiểm tra doping theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, tiêu chuẩn quốc tế về Kiểm tra và Điều tra của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới.

Điều 9. Lấy mẫu kiểm tra doping

1. Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có trách nhiệm:

a) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping.

b) Bảo đảm quy trình lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu tuân thủ các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan.

2. Người lấy mẫu kiểm tra doping phải qua tập huấn và có chứng nhận theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và tiêu chuẩn quốc tế có liên quan.

Điều 10. Thông báo kết quả mẫu xét nghiệm kiểm tra doping

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xét nghiệm doping, Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam thông báo bằng văn bản kết quả xét nghiệm đến:

a) Cục Thể dục thể thao;

b) Cơ quan, tổ chức đề nghị kiểm tra doping, vận động viên, đơn vị quản lý vận động viên.

2. Đối với các vận động viên có kết quả phân tích mẫu nghi ngờ vi phạm doping, việc thông báo kết quả thực hiện theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế liên quan.

Điều 11. Miễn trừ do điều trị cho vận động viên

1. Vận động viên có hồ sơ bệnh án bắt buộc sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm để điều trị cần được chấp thuận đơn miễn trừ do điều trị theo quy định của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Miễn trừ do điều trị.

2. Vận động viên không vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới khi các chất cấm hoặc phương pháp cấm bị phát hiện trong mẫu thử hoặc sở hữu nếu họ có đơn miễn trừ do điều trị phù hợp cho phép sử dụng chất cấm hoặc phương pháp cấm như yêu cầu.

Điều 12. Hội đồng Miễn trừ do điều trị

1. Giám đốc Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam thành lập Hội đồng Miễn trừ do điều trị phù hợp với Tiêu chuẩn quốc tế về Miễn trừ do điều trị để xem xét tính hợp lý trong điều trị đối với hồ sơ miễn trừ do điều trị của vận động viên.

2. Hội đồng Miễn trừ do điều trị có từ 03 đến 09 thành viên, số lượng thành viên phải là số lẻ. Thành viên Hội đồng là các chuyên gia y tế và các cá nhân đủ điều kiện theo quy định tại Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Miễn trừ do điều trị.

3. Hội đồng Miễn trừ do điều trị làm việc theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết theo đa số và phù hợp với quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Miễn trừ do điều trị.

4. Hội đồng Miễn trừ do điều trị có trách nhiệm căn cứ vào các quy định tại Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Miễn trừ do điều trị để thực hiện quy trình xem xét, đánh giá, chấp thuận miễn trừ do điều trị cho vận động viên.

5. Thời gian hoạt động của Hội đồng Miễn trừ do điều trị thực hiện theo Quyết định thành lập Hội đồng.

Chương IV

QUẢN LÝ KẾT QUẢ

Điều 13. Hội đồng Quản lý kết quả

1. Giám đốc Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng Quản lý kết quả.

2. Thành viên của Hội đồng Quản lý kết quả là các chuyên gia độc lập, gồm: các chuyên gia pháp lý, thể thao, y tế và các cá nhân theo quy định tại Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý kết quả.

3. Hội đồng Quản lý kết quả có từ 03 đến 09 thành viên, số lượng thành viên phải là số lẻ, làm việc theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết theo đa số và phù hợp với quy định chuyên môn của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý kết quả.

4. Thời gian hoạt động của Hội đồng Quản lý kết quả thực hiện theo Quyết định thành lập Hội đồng.

Điều 14. Trách nhiệm của Hội đồng Quản lý kết quả

1. Đánh giá, xác định hành vi vi phạm của vận động viên và các cá nhân có liên quan quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Kết luận xử lý đối với vận động viên và các cá nhân có liên quan.

Điều 15. Thông báo kết luận xử lý

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết luận của Hội đồng Quản lý kết quả, Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam thông báo Kết luận của Hội đồng đến vận động viên, các hội thể thao quốc gia, đơn vị sử dụng vận động viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 16. Xử lý khiếu nại, kháng cáo chuyên môn về phòng, chống doping

1. Trong thời hạn 21 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận miễn trừ do điều trị, kết luận xử lý vi phạm, vận động viên, cá nhân và tổ chức có liên quan có quyền khiếu nại, kháng cáo chuyên môn đối với kết luận miễn trừ do điều trị, kết luận xử lý vi phạm. Đối với các kháng nghị của WADA, quyền kháng nghị và thời hạn kháng nghị được quy định trong Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

2. Cục Thể dục thể thao quyết định thành lập Hội đồng xử lý khiếu nại, kháng cáo chuyên môn về phòng, chống doping để xem xét, giải quyết khiếu nại, kháng cáo theo đúng các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới. Hội đồng được thành lập theo nguyên tắc tôn trọng các yêu cầu nêu tại định nghĩa về tính độc lập về tổ chức và hoạt động của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, Tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý kết quả và phù hợp với quy định của Luật Thể dục, thể thao.

3. Hội đồng xử lý khiếu nại, kháng cáo làm việc theo nguyên tắc d ân chủ, biểu quyết theo đa số và phù hợp với quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý kết quả.

4. Hội đồng xử lý khiếu nại, kháng cáo có từ 03 đến 09 thành viên, số lượng thành viên phải là số lẻ bao gồm Chủ tịch và các thành viên. Thành viên Hội đồng là các chuyên gia độc lập gồm: chuyên gia pháp lý, thể thao, y tế và các cá nhân đủ điều kiện theo quy định tại Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý kết quả.

5. Vận động viên quốc tế, vận động viên thi đấu tại các giải thể thao quốc tế hoặc trong các trường hợp khác được Bộ luật Phòng, chống doping thế giới quy định có quyền khiếu nại, kháng cáo trực tiếp lên Tòa án trọng tài thể thao (CAS).

6. Thời gian hoạt động của Hội đồng xử lý khiếu nại, kháng cáo chuyên môn về phòng, chống doping thực hiện theo Quyết định thành lập Hội đồng.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG DOPING

Điều 17. Trách nhiệm của Cục Thể dục thể thao

1. Trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo thẩm quyền văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

3. Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

4. Tổ chức bồi dưỡng và tăng cường nhân lực tham gia phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

5. Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, hỗ trợ kinh phí và trao đổi thông tin liên quan đến phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

Điều 18. Trách nhiệm của Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam

1. Tuân thủ vai trò và trách nhiệm được quy định tại Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế.

2. Chịu trách nhiệm chủ trì, thực hiện công tác phòng, chống doping tại Việt Nam.

3. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên về lấy mẫu kiểm tra doping, phát triển chương trình giáo dục, truyền thông, phòng, chống doping.

4. Phối hợp với các cơ quan báo chí thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác giáo dục, truyền thông phòng, chống doping.

5. Hướng dẫn các vận động viên cung cấp thông tin chính xác và cập nhật về nơi ở và tập luyện, hồ sơ miễn trừ do điều trị và các biểu mẫu khác theo đúng Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu quốc tế có liên quan.

6. Quản lý và bảo vệ dữ liệu về phòng, chống doping theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân và quy định của pháp luật Việt Nam.

7. Phối hợp với các cơ quan phòng, chống doping và các tổ chức quốc tế tăng cường công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

8. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận xử lý vi phạm về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

9. Thực hiện các công việc khác được quy định tại Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

Điều 19. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao

1. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam tổ chức thực hiện, giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống doping đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân viên y tế thuộc phạm vi quản lý.

2. Xử lý theo thẩm quyền đối với vận động viên, huấn luyện viên, cá nhân có liên quan vi phạm quy định về phòng, chống doping.

3. Hàng năm báo cáo Cục Thể dục thể thao về công tác phòng, chống doping tại địa phương.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội

Paralympic Việt Nam và các Hội thể thao quốc gia

1. Xây dựng quy tắc hành nghề và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao gắn với việc phòng, chống doping.

2. Phối hợp với Tổ chức phòng chống doping tại Việt Nam tổ chức tập huấn tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về công tác phòng, chống doping cho cán bộ, nhân viên y tế, huấn luyện viên, vận động viên tham gia luyện tập và thi đấu thể thao.

3. Có hình thức xử lý bổ sung theo quy định tại Điều lệ của tổ chức nếu xét thấy cần thiết đối với vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống doping ngoài quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

4. Tôn trọng quyền tự chủ, không can thiệp vào quyết định và hoạt động của Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật phòng chống Doping thế giới.

5. Hàng năm, báo cáo kết quả công tác phòng, chống doping về Cục Thể dục thể thao.

6. Thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

7. Các Hội thể thao quốc gia có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam điều tra, cung cấp thông tin liên quan tới hành vi vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

Điều 21. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo vận động viên

1. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về vận động viên cho cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra doping theo quy định.

2. Phối hợp với Tổ chức phòng chống doping tại Việt Nam thực hiện các chương trình giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân viên y tế tại cơ sở đào tạo.

Điều 22. Trách nhiệm của nhân viên y tế, huấn luyện viên

1. Tuân thủ các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các quy định pháp luật về phòng, chống doping của Việt Nam.

2. Thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về các chất bị cấm và phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao và quy định về Miễn trừ do điều trị.

3. Tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn các hành vi vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

4. Hướng dẫn vận động viên hoàn thiện hồ sơ Miễn trừ do điều trị, hồ sơ nơi ở và tập luyện.

5. Phối hợp với Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam điều tra về các trường hợp vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

6. Thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

Điều 23. Trách nhiệm của vận động viên

1. Tuân thủ các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các quy định pháp luật về phòng, chống doping của Việt Nam.

2. Thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về các chất bị cấm và phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao và quy định về Miễn trừ do điều trị.

3. Chấp hành nghiêm kết luận xử lý vi phạm.

4. Phối hợp với Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam điều tra về vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 7 năm 2024.

2. Các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

b) Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này, Bộ luật Phòng, chống doping Thế giới, các tiêu chuẩn quốc tế được thay đổi hoặc bổ sung, thì sẽ áp dụng và thực hiện theo các quy định mới phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thể dục, thể thao.

Điều 25. Tổ chức thực hiện

1. Cục Thể dục thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các tổ chức và cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Thể dục thể thao) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

 

 

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.