• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2010
CHÍNH PHỦ
Số: 184/2004/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 2 tháng 11 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Dân quân tự vệ ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ

1. Ngày 28 tháng 3 năm 1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết về Đội tự vệ, là ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.

2. Hàng năm, ủy ban nhân dân các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể nhân dân có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.

3. Việc tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ năm tròn 5 và năm chẵn 10 thực hiện theo quy định của Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về nghi thức trong việc tổ chức các ngày lễ, ngày truyền thống.

Điều 2. Đăng ký, quản lý và tuyển chọn dân quân tự vệ

1. Cơ quan quân sự cấp trên chỉ đạo cho cấp dưới việc đăng ký, quản lý công dân đủ tiêu chuẩn dân quân tự vệ để tuyển chọn và sẵn sàng mở rộng lực lượng dân quân tự vệ khi cần thiết; đồng thời xác định chỉ tiêu tuyển chọn dân quân tự vệ phù hợp với tình hình dân cư, địa bàn, điều kiện kinh tế, yêu cầu quốc phòng - an ninh ở từng địa phương, cơ sở.

2. Xã đội, Phường đội, Thị đội thuộc huyện (sau đây gọi chung là Xã đội), Ban Chỉ huy quân sự cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức) tham mưu giúp ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp xã) người đứng đầu cơ quan, tổ chức lập các kế hoạch và triển khai thực hiện việc đăng ký, tuyển chọn công dân đủ tiêu chuẩn vào lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt, tổ chức chặt chẽ việc quản lý lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt và lực lượng dân quân tự vệ rộng rãi.

Điều 3. Tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp không phải doanh nghiệp nhà nước

1. Doanh nghiệp có tổ chức đảng phải tổ chức lực lượng tự vệ.

2. Doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng được tổ chức tự vệ khi Tỉnh đội trưởng, Thành đội trưởng trực thuộc quân khu (sau đây gọi chung là tỉnh đội trưởng) yêu cầu hoặc đề nghị của doanh nghiệp được cơ quan quân sự có thẩm quyền đồng ý; riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức tự vệ phải có sự chỉ đạo của ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc đề nghị của doanh nghiệp được cơ quan quân sự có thẩm quyền đồng ý.

3. Những doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ, người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong độ tuổi đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia dân quân ở địa phương nơi họ cư trú.

Điều 4. Phù hiệu và trang phục của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ nòng cốt

1. Phù hiệu dân quân tự vệ hình vuông, cạnh dài 30 mm, nền đỏ, bốn cạnh viền vàng rộng 1,5 mm, giữa có ngôi sao 5 cánh nổi màu vàng, chiều dài hai cánh đối nhau là 10 mm, có hình tia ra xung quanh hai bên bông lúa dài 20 mm bao quanh ngôi sao vàng theo chiều chéo của hình vuông, dưới hai bông lúa là 1/2 bánh răng màu vàng, có chữ DQTV (dân quân tự vệ). Phù hiệu dân quân tự vệ được gắn trên các loại mũ trang bị cho dân quân tự vệ.

2. Trang phục của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ nòng cốt:

a) Cán bộ dân quân tự vệ:

- Mũ cứng, mũ mềm: kiểu ba múi, lưỡi trai dài, hai bên cạnh có ô dê thoát khí, phía sau mũ có khoá tăng giảm;

- Áo trang bị cho cán bộ nam: kiểu ký giả công chức, cổ bẻ, có 3 túi nổi, nẹp miệng túi rộng 30 mm, không nắp, cài cúc loại to màu nâu sẫm; quần sơ mi kiểu K82; giầy vải hoặc giầy da đen thấp cổ buộc dây, tất chân sợi vải pha ni lon.

- Áo trang bị cho cán bộ nữ: kiểu ký giả công chức, cổ bẻ, có 2 túi nổi dưới hai vạt áo, nẹp miệng túi rộng 30 mm, không nắp, cài cúc loại to màu nâu xẫm, chiết ly hai bên sườn; quần sơ mi kiểu K82; giầy vải hoặc giầy da đen thấp cổ buộc dây, tất chân sợi vải pha ni lon.

b) Chiến sỹ dân quân tự vệ:

- Mũ cứng, mũ mềm: kiểu ba múi, lưỡi trai dài, hai bên cạnh có ô dê thoát khí, phía sau mũ có khoá tăng giảm;

- Áo kiểu sơ mi chít gấu, cổ bẻ, dài tay, có hai túi ngực ốp nổi, nắp túi hình cánh dơi nổi ngoài, có đai xẻ sườn cài cúc; quần sơ mi kiểu K82;

- Giầy vải thấp cổ buộc dây, tất chân sợi vải pha ni lon.

c) Trang phục dùng chung của dân quân tự vệ thường trực sẵn sàng chiến đấu: áo bông kiểu K82 của chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.

d) Mũ mềm, quần áo, giầy vải, tất chân của cán bộ, chiến sỹ dân quân màu xanh rêu; của cán bộ, chiến sĩ tự vệ màu xanh công nhân.

3. Các trường hợp sử dụng trang phục:

Khi tập trung hội họp, học tập chính trị, huấn luyện quân sự, tuần tra canh gác, làm công tác dân vận, hội thi, hội thao, diễn tập, dự mít tinh, diễu duyệt trong các ngày lễ, lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt phải đeo phù hiệu dân quân tự vệ và mang mặc trang phục thống nhất.

Trang phục của dân quân tự vệ sử dụng diễu duyệt trong các ngày lễ lớn do Bộ Quốc phòng quy định.

4. Nghiêm cấm đơn vị và cá nhân lợi dụng phù hiệu, trang phục dân quân tự vệ để làm những việc trái với quy định của pháp luật.

Điều 5. Nội dung quản lý nhà nước về dân quân tự vệ

1. Ban hành, hướng dẫn, thông tin và tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về dân quân tự vệ.

2. Lập kế hoạch và chỉ đạo tổ chức xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.

3. Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dân quân tự vệ.

4. Quy định và hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách, lập kế hoạch dự toán kinh phí bảo đảm cho dân quân tự vệ.

5. Tổ chức chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự, tổng kết kinh nghiệm và lịch sử về dân quân tự vệ.

6. Sơ kết, tổng kết công tác dân quân tự vệ.

Điều 6. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Giúp Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về dân quân tự vệ.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thống nhất quy định ban hành nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân tự vệ, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

3. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật theo quy định tại Điều 12 Nghị định này cho lực lượng dân quân tự vệ trong các tình huống trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo kiện toàn ban chỉ huy quân sự của cơ quan, tổ chức; ban hành các quy định về chế độ kiểm tra, thanh tra, giao ban, sơ kết, tổng kết, thông báo, báo cáo tình hình thực hiện công tác quốc phòng, quân sự hàng năm và từng thời kỳ; kịp thời đưa công tác dân quân tự vệ, công tác quốc phòng, quân sự ở các cơ quan, tổ chức đi vào nền nếp.

Điều 7. Trách nhiệm của các Bộ liên quan

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương cân đối kế hoạch ngân sách hàng năm của địa phương thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng hàng năm xây dựng kế hoạch ngân sách bảo đảm thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ; có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các địa phương, cơ quan, tổ chức bảo đảm ngân sách theo Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

3. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, cơ quan, tổ chức việc nâng cao chất lượng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Xã đội và thực hiện các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ Xã đội, cán bộ quân sự của các cơ quan, tổ chức.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn các địa phương, cơ quan, tổ chức về chế độ chính sách xã hội, thương binh, liệt sỹ cho lực lượng dân quân tự vệ khi huấn luyện, hoạt động.

5. Các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lập kế hoach về tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền và có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các mặt bảo đảm có liên quan đến thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Nghị định này.

Điều 8. Trách nhiệm các địa phương

1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cụ thể hoá bằng văn bản pháp lý thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Nghị định này.

2. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác dân quân tự vệ theo Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

Chương II

TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ, VŨ KHÍ, TRANG BỊ, HUẤN LUYỆN, HOẠT ĐỘNG

CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

Mục 1

TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ, VŨ KHÍ, TRANG BỊ

Điều 9. Xã trọng điểm quốc phòng - an ninh

1. Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) trọng điểm về quốc phòng - an ninh là xã có đường biên giới; xã đảo; xã nội địa, ven biển có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh hoặc nơi tình hình an ninh chính trị thường có diễn biến phức tạp.

2. Việc xác định xã trọng điểm nội địa, ven biển do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị, Tư lệnh quân khu trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định. Hàng năm các địa phương, quân khu rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại các xã trọng điểm nội địa.

Điều 10. Cơ cấu, quy mô tổ chức lực lượng dân quân tự vệ

1. Căn cứ tình hình dân cư, địa bàn, yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của từng địa phương, xây dựng về số lượng dân quân tự vệ hợp lý, nâng cao chất lượng tổng hợp, tinh gọn tổ chức biên chế.

2. Lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức thành lực lượng cơ động, lực lượng chiến đấu tại chỗ gồm có phân đội bộ binh, phân đội binh chủng chiến đấu, binh chủng bảo đảm chiến đấu, dân quân tự vệ biển. ở xã biên giới, xã đảo và một số xã thuộc địa bàn trọng điểm nội địa, ven biển được tổ chức lực lượng dân quân thường trực.

Đối với cơ quan, tổ chức chủ yếu tổ chức lực lượng chiến đấu tại chỗ để bảo vệ cơ quan, đơn vị mình; cơ quan, tổ chức có quân số đông ngoài việc tổ chức lực lượng chiến đấu tại chỗ có thể tổ chức lực lượng cơ động, binh chủng chiến đấu, bảo đảm chiến đấu theo sự chỉ đạo của cơ quan quân sự cấp trên.

3. Quy mô tổ chức:

a) Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), căn cứ tình hình cụ thể của các doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn có điều kiện tổ chức các tiểu đoàn tự vệ bộ binh và các đại đội tự vệ pháo phòng không, riêng các thành phố lớn tổ chức lực lượng pháo phòng không dân quân tự vệ nhiều hơn; các binh chủng dân quân tự vệ khác tổ chức cấp đại đội.

b) Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) tổ chức lực lượng dân quân tự vệ bộ binh cơ động từ trung đội đến đại đội bộ binh; lực lượng phòng không và các binh chủng khác tổ chức cấp trung đội.

c) Xã thuộc vùng đồng bằng, đô thị, ven biển, trung du tổ chức lực lượng dân quân cơ động, quy mô tổ chức một trung đội dân quân bộ binh và một số tiểu đội, khẩu đội binh chủng cần thiết; xã thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo tổ chức trung đội thiếu đến trung đội dân quân cơ động, một số tổ, tiểu đội binh chủng cần thiết khác.

Xã biên giới, xã đảo tổ chức lực lượng dân quân thường trực, một số xã thuộc địa bàn trọng điểm khác có thể tổ chức lực lượng dân quân thường trực, quy mô tổ chức tiểu đội, nơi có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và có điều kiện bảo đảm thì tổ chức đến trung đội dân quân thường trực.

d) Thôn, làng, ấp, khóm, bản, buôn, sóc, phum, tổ dân phố, cụm dân cư, khu phố (sau đây gọi chung là thôn) thuộc vùng đồng bằng, đô thị, ven biển, trung du tổ chức tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ, nơi có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và điều kiện bảo đảm thì tổ chức đến trung đội; thôn thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo tổ chức từ tổ đến tiểu đội dân quân tại chỗ.

đ) Cơ quan, tổ chức lấy đơn vị công tác, sản xuất để tổ chức lực lượng tự vệ, quy mô phổ biến là tiểu đội, trung đội chiến đấu tại chỗ; ở những doanh nghiệp nhà nước có quân số đông thì quy mô tổ chức đến cấp đại đội, tiểu đoàn tự vệ trong đó tổ chức một số phân đội binh chủng theo sự chỉ đạo của cơ quan quân sự cấp trên.

e) Đối với dân quân tự vệ biển, lấy số phương tiện hoạt động trên biển để tổ chức, quy mô tổ chức tiểu đội, trung đội, hải đội dân quân tự vệ (tương đương cấp đại đội), nơi có điều kiện thì tổ chức đến hải đoàn dân quân tự vệ (tương đương cấp tiểu đoàn).

f) Đối với doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước quy mô tổ chức tiểu đội đến trung đội.

4. Việc tổ chức, biên chế dân quân tự vệ cụ thể ở địa phương, cơ sở và mở rộng quy mô lực lượng dân quân tự vệ ở các tình huống do Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 11. Chức năng, nhiệm vụ của Xã đội

1. Chức năng, nhiệm vụ:

a) Tham mưu giúp cấp ủy, ủy ban nhân dân cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở; làm nòng cốt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng làng, xã chiến đấu gắn xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện những nhiệm vụ quản lý, tuyển quân, công tác dân quân tự vệ, dự bị động viên, giáo dục quốc phòng và phối hợp các lực lượng giữ vững sự ổn định chính trị ở địa phương.

b) Tổ chức xây dựng các kế hoạch về quốc phòng, quân sự ở cơ sở; xây dựng, huấn luyện và hoạt động chiến đấu trị an, phòng chống thiên tai, dịch hoạ và công tác vận động quần chúng của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên.

c) Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, ủy ban nhân dân cấp mình và chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch, hướng dẫn của cơ quan quân sự cấp trên.

d) Tổ chức đăng ký, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng công dân trong độ tuổi dân quân tự vệ, nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuyển chọn công dân nhập ngũ, quản lý huy động lực lượng dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật để sẵn sàng động viên thời chiến theo quy định của pháp luật; tổ chức xây dựng và giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân; lập kế hoạch huy động lực lượng dân quân làm nhiệm vụ theo thẩm quyền.

đ) Tổ chức phối hợp hiệp đồng với công an và các lực lượng khác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước, của tổ chức ở cơ sở, tính mạng và tài sản của cá nhân người nước ngoài, mục tiêu và công trình quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

e) Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục quốc phòng cho lực lượng vũ trang và nhân dân ở cơ cở, tổ chức lực lượng dân quân, dự bị động viên tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, tham gia thực hiện công tác hậu phương quân đội.

f) Đăng ký, quản lý chặt chẽ, bảo quản và sử dụng vũ khí trang bị của dân quân tự vệ.

g) Xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính, hậu cần, kỹ thuật tại chỗ để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

h) Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác quốc phòng, quân sự.

2. Xã đội được sử dụng con dấu riêng.

Điều 12. Chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ của Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức

1. Chức năng, nhiệm vụ:

a) Tham mưu giúp cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức mình.

b) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; phối hợp với cơ quan quân sự các cấp tham gia thẩm định các kế hoạch, quy hoạch và dự án kinh tế - xã hội của ngành có liên quan đến quốc phòng; lập kế hoạch động viên về người, phương tiện và cơ sở vật chất theo chỉ tiêu của nhà nước giao; lập kế hoạch tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự tại địa phương nơi đứng chân.

c) Tham mưu cho cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức phối hợp với địa phương thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng toàn dân cho cán bộ, người lao động trong cơ quan, tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội.

d) Tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên, thực hiện tuyển quân theo kế hoạch, trực tiếp huấn luyện cho lực lượng tự vệ, phối hợp với các lực lượng bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ quan, tổ chức, tham gia công tác phòng thủ dân sự theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và cơ quan quân sự địa phương.

đ) Cùng cơ quan quân sự địa phương đăng ký, quản lý chặt chẽ, bảo quản và sử dụng vũ khí, trang bị của lực lượng tự vệ các đơn vị thuộc quyền.

e) chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính, hậu cần, kỹ thuật tại chỗ để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

f) Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác quốc phòng, quân sự.

2. Mối quan hệ chỉ đạo và phối hợp:

a) Ban Chỉ huy quân sự các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là Bộ, ngành) chịu sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng theo quy định của Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; Ban Chỉ huy quân sự Bộ, ngành phối hợp với cơ quan quân sự địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra theo thẩm quyền việc thực hiện công tác quốc phòng nói chung, công tác tự vệ nói riêng của Ban Chỉ huy quân sự cấp dưới thuộc quyền.

b) Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chịu sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy quân sự ngành dọc cấp trên; đồng thời chịu sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Ban Chỉ huy quân sự địa phương nơi đứng chân về công tác xây dựng lực lượng tự vệ, công tác dự bị động viên và tuyển quân, về hoạt động chiến đấu trị an trong khu vực phòng thủ của địa phương.

Điều 13. Chức trách, nhiệm vụ của Thôn đội, ấp đội, Khóm đội, Bản đội, Buôn đội, Sóc đội, Phum đội, Tổ đội, Cụm đội, Khu đội (sau đây gọi chung là Thôn đội):

1. Giúp Trưởng thôn, xã đội triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở thôn.

2. Theo kế hoạch của Xã đội, trực tiếp quản lý, chỉ huy dân quân nòng cốt, dân quân rộng rãi và quản lý lực lượng dự bị động viên, nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ ở thôn.

3. Chỉ huy lực lượng dân quân thôn phối hợp với công an thôn và các lực lượng khác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thôn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của tập thể, của nhà nước trên địa bàn; tham gia phòng chống thiên tai, dịch hoạ; làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện theo sự chỉ đạo của xã đội.

Điều 14. Quyền hạn thành lập, giải thể Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Xã đội, đơn vị dân quân tự vệ

1. Quyền hạn thành lập Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Xã đội, và các đơn vị dân quân tự vệ quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ban Chỉ huy quân sự của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng công ty (do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) theo đề nghị của Tư lệnh quân khu sau khi đã thống nhất với cơ quan, tổ chức đó.

b) Tổng Tham mưu trưởng quyết định thành lập đại đội pháo phòng không, đại đội pháo binh dân quân tự vệ theo đề nghị của Tư lệnh quân khu.

c) Tư lệnh quân khu, Quân chủng Hải quân quyết định thành lập tiểu đoàn bộ binh dân quân tự vệ, đại đội súng máy phòng không, hải đoàn, hải đội và các đại đội binh chủng khác theo đề nghị của Tỉnh đội trưởng, Bộ Tham mưu quân chủng Hải quân.

d) Tỉnh đội trưởng quyết định thành lập Xã đội, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức không thuộc điểm a khoản 1 Điều này, đại đội bộ binh dân quân tự vệ, trung đội súng máy phòng không, trung đội pháo binh và trung đội các binh chủng dân quân tự vệ khác theo đề nghị của Huyện đội trưởng.

đ) Huyện đội trưởng quyết định thành lập Thôn đội, trung đội, tiểu đội bộ binh dân quân tự vệ, tiểu đội và khẩu đội dân quân tự vệ binh chủng cần thiết theo đề nghị của Xã đội, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

2. Cấp có thẩm quyền quyết định thành lập đến cấp nào thì có quyền quyết định giải thể đến cấp đó.

Điều 15. Quyền hạn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Xã đội và cán bộ dân quân tự vệ

1. Quyền hạn bổ nhiệm cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Xã đội và cán bộ dân quân tự vệ quy định như sau:

a) Bộ Quốc phòng bổ nhiệm cán bộ Ban Chỉ huy quân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng công ty (do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) theo đề nghị của Tư lệnh quân khu.

b) Tư lệnh quân khu, Quân chủng và tương đương quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp tiểu đoàn, hải đoàn theo đề nghị của Tỉnh đội trưởng, Tham mưu trưởng Quân chủng và tương đương.

c) Tỉnh đội trưởng quyết định bổ nhiệm cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cán bộ cấp đại đội và tương đương.

d) Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm Xã đội trưởng, Chính trị viên Xã đội, Xã đội phó theo đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã sau khi đã thống nhất với Huyện đội trưởng. Huyện đội trưởng quyết định bổ nhiệm cán bộ Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng, tiểu đội trưởng và khẩu đội trưởng dân quân tự vệ theo đề nghị của Xã đội trưởng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Việc miễn nhiệm chức vụ đối với cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Xã đội, cán bộ dân quân tự vệ trong các trường hợp sau đây:

a) Khi thay đổi tổ chức mà không còn biên chế chức vụ đang đảm nhiệm.

b) Cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện thực hiện chức vụ hiện tại.

c) Cán bộ đến tuổi nghỉ hưu.

d) Cán bộ thuyên chuyển công tác khác.

3. Cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Xã đội, cán bộ dân quân tự vệ bị xử lý kỷ luật cách chức trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm pháp luật.

b) Vi phạm phẩm chất đạo đức của người cán bộ.

c) Năng lực quản lý yếu kém, để đơn vị xảy ra các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, không hoàn thành nhiệm vụ.

4. Cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm cấp nào thì có quyền quyết định miễn nhiệm, cách chức đến cấp đó.

Điều 16. Vũ khí, trang bị của lực lượng dân quân tự vệ

1. Vũ khí, trang bị của lực lượng dân quân tự vệ, từ bất cứ nguồn nào đều phải được đăng ký, quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật. Bộ Quốc phòng quy định đối tượng được trang bị, chủng loại vũ khí, chế độ đăng ký, quản lý sử dụng vũ khí trang bị của lực lượng dân quân tự vệ.

2. Bộ Quốc phòng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định, hướng dẫn về trang bị, sản xuất vũ khí, phương tiện của lực lượng dân quân tự vệ trong các tình huống.

Mục 2

GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ

Điều 17. Đào tạo cán bộ Xã đội

1. Tiêu chuẩn đào tạo cán bộ Xã đội quy định như sau:

a) Người được đào tạo cán bộ quân sự cấp xã phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ học vấn, đủ sức khoẻ, tuổi đời phù hợp theo tiêu chuẩn quy định; Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng thống nhất tiêu chuẩn chung, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể.

b) Cán bộ quân sự cấp xã đương chức hoặc cán bộ khác là nguồn kế cận trong quy hoạch cán bộ quân sự cấp xã.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyển chọn và có kế hoạch đào tạo, sử dụng sau đào tạo.

3. Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định phong quân hàm sỹ quan dự bị theo quy định của pháp luật.

4. Thời gian đào tạo cán bộ Xã đội quy định như sau:

a) Mười bốn tháng đối với vùng đồng bằng, đô thị và vùng trung du.

b) Chín tháng đối với miền núi.

c) Sáu tháng đối với người vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng biển đảo.

5. Chương trình, nội dung, quy chế đào tạo cán bộ quân sự cấp xã do Bộ Quốc phòng quy định.

6. Cán bộ Xã đội được đào tạo tại Trường quân sự cấp tỉnh, sau khi hoàn thành khoá học được cấp bằng trung cấp hoặc sơ cấp quân sự cơ sở.

Điều 18. Thời gian bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự khi cần thiết hoặc khi có chiến tranh; danh mục vật chất huấn luyện

1. Thời gian bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ được thực hiện theo khoản 1 Điều 18 của Pháp lệnh Dân quân tự vệ; khi cần thiết hoặc khi có chiến tranh có thể từ 02 (hai) đến 06 (sáu) tháng liên tục theo chương trình, nội dung, giáo trình, tài liệu huấn luyện do Bộ Quốc phòng quy định.

2. Danh mục vật chất huấn luyện thời bình và khi có chiến tranh do Bộ Quốc phòng quy định.

Mục 3

HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 19. Thẩm quyền điều động dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền điều động dân quân tự vệ từ quân khu này sang quân khu khác để làm nhiệm vụ.

2. Tư lệnh quân khu được quyền điều động dân quân tự vệ trong địa bàn quân khu để làm nhiệm vụ, sau khi thống nhất với Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Tư lệnh Hải quân được điều động các hải đoàn, hải đội thuộc quyền quản lý, sau khi thống nhất với Thủ trưởng Bộ, ngành chủ quản.

4. Tỉnh đội trưởng được quyền điều động dân quân tự vệ trong địa bàn tỉnh để làm nhiệm vụ sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tư lệnh quân khu.

5. Huyện đội trưởng được quyền điều động dân quân tự vệ trong địa bàn huyện để làm nhiệm vụ, sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và Tỉnh đội trưởng.

6. Xã đội trưởng được quyền điều động dân quân làm nhiệm vụ trong phạm vi của xã, sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 20. Trách nhiệm của lực lượng vũ trang với tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ

1. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, công an phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quân sự địa phương nơi đóng quân tham gia xây dựng, huấn luyện và phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ trong hoạt động chiến đấu, trị an, phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.

2. Quy chế hoạt động của dân quân tự vệ do Bộ Quốc phòng quy định.

Chương III

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 21. Phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị của cán bộ chỉ huy dân quân tự vệ hàng quý bằng hệ số so với lương tối thiểu

1. Tiểu đội trưởng và tương đương:

0,25

2. Trung đội trưởng, thôn đội trưởng và tương đương :

0,30

3. Trung đội trưởng dân quân cơ động:

0,45

4. Phó đại đội trưởng và tương đương:

0,35

5. Đại đội trưởng và tương đương:

0,40

6. Phó tiểu đoàn trưởng và tương đương:

0,45

7. Tiểu đoàn trưởng và tương đương:

0,50

8. Xã đội phó và Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS cơ quan, tổ chức :

0,55

9. Xã đội trưởng, Chính trị viên xã đội, Chỉ huy trưởng, Chính trị

viên Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức :

0,60

Điều 22. Chế độ tiền lương đối với cán bộ Xã đội

1. Chính trị viên Xã đội là cán bộ kiêm nhiệm được hưởng lương theo điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Nghị định 121/2003/NĐ-CP).

2. Xã đội trưởng là thành viên ủy ban nhân dân cấp xã thì được hưởng lương chức danh ủy viên ủy ban nhân dân; nếu mức lương chức danh này thấp hơn mức lương cán sự thì được hưởng lương chức danh ủy viên ủy ban và bảo lưu hệ số chênh lệch giữa mức lương cán sự và mức lương chức danh. Xã đội trưởng chưa bổ sung thành viên ủy ban nhân dân cấp xã thì hưởng lương theo ngạch cán sự quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 121/2003/NĐ-CP.

3. Xã đội phó là cán bộ chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ lương cán sự bằng mức lương hệ số 1,46 mức lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội, nếu qua đào tạo chuyên nghiệp quân sự tại trường quân sự tỉnh thì được nâng lương theo ngạch cán sự (mã số 01.004), khi nghỉ việc được hưởng chế độ cán bộ công chức cấp xã.

Điều 23. Tiêu chuẩn trang phục

1. Cán bộ xã đội, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, lực lượng dân quân tự vệ cơ động được cấp 02 (hai) bộ trang phục sử dụng trong 05 (năm) năm.

2. Cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ nòng cốt khác được cấp ít nhất 01 (một) bộ sử dụng trong 05 (năm) năm.

3. Cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ thường trực sẵn sàng chiến đấu được cấp 2 bộ trang phục sử dụng trong 01 (một) năm, ngoài ra còn được sử dụng quân trang dùng chung.

Điều 24. Chế độ chính sách của dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ

1. Cán bộ, chiến sỹ dân quân nòng cốt nếu làm nhiệm vụ ở những nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại thì được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật như đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định của Luật Lao động. Cấp nào điều động thì cấp đó bảo đảm.

2. Cán bộ, chiến sỹ tự vệ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 7 của Pháp lệnh được cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, chiến sĩ đó làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp đi đường và tiền tầu, xe theo chế độ hiện hành.

Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào chi phí quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

3. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đang làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, tổ chức trong thời gian tập trung giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.

4. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 25. Chế độ đối với cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ bị tai nạn

1. Cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ nếu bị tai nạn trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ về tai nạn lao động:

a) Bị tai nạn trong khi huấn luyện hoặc trong khi đang làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền;

b) Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi huấn luyện hoặc nơi làm nhiệm vụ.

2. Khi xảy ra tai nạn lao động, Ban Chỉ huy quân sự địa phương nơi tổ chức huấn luyện hoặc nơi ban hành lệnh điều động thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm:

a) Kịp thời sơ cứu, cấp cứu tại chỗ đối với người bị tai nạn, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất;

b) Phải lập biên bản, ghi đầy đủ diễn biến vụ tai nạn, thương tích nạn nhân, mức độ thiệt hại, nguyên nhân xảy ra tai nạn, có chữ ký của người đại diện Ban Chỉ huy quân sự và đại diện của tập thể cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ cùng tham gia huấn luyện hoặc thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường đi và về, thì biên bản phải có dấu, chữ ký của người đại diện chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn.

3. Cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ bị tai nạn lao động được hưởng các chế độ sau đây:

a) Được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện.

b) Sau khi điều trị được Ban Chỉ huy quân sự địa phương giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần, mức trợ cấp do Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể.

Trường hợp người có tham gia bảo hiểm xã hội thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hàng tháng theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ.

c) Người bị tai nạn lao động làm khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật.

d) Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, nếu người bị chết chưa tham gia bảo hiểm xã hội, thì người trực tiếp mai táng được nhận tiền mai táng bằng 08 (tám) tháng lương tối thiểu và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 05 (năm) tháng lương tối thiểu. Nếu người bị chết có tham gia bảo hiểm xã hội, thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

4. Kinh phí chi trả các chế độ khi bị tai nạn do ngân sách địa phương chi trả. Đối với người có tham gia bảo hiểm xã hội thì chế độ tử tuất và chế độ trợ cấp 01 (một) lần hoặc hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Điều 26. Cán bộ, chiến sĩ bị thương hoặc hy sinh

Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ làm nhiệm vụ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 7 của Pháp lệnh nếu bị thương hoặc hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Điều 27. Nguồn thu ngoài nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương

1. Các đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các tổ chức phải trích một phần kinh phí thích hợp từ nguồn thu không phải là nguồn thu chính của cơ quan, tổ chức mình để bảo đảm cho lực lượng tự vệ huấn luyện và hoạt động.

2. Quỹ quốc phòng, an ninh là nguồn thu từ nhân dân, cơ quan, tổ chức đóng góp. Nguồn thu này phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật ngân sách. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đạt hiệu quả thiết thực.

Điều 28. Nhiệm vụ chi của Bộ Quốc phòng

1. Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn (hoặc tiền lương) và các chi phí tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ được điều động làm nhiệm vụ theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

2. Hỗ trợ xây dựng lán trại ban đầu cho đơn vị dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu ở những địa bàn trọng điểm biên giới, hải đảo theo quyết định của Bộ Quốc phòng.

3. Bảo đảm huấn luyện, kiểm tra huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hàng năm theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu.

4. Sản xuất, mua sắm trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện quân sự, cung cấp ngòi, liều, thuốc nổ và hoả cụ để sản xuất mìn, lựu đạn tự tạo cho dân quân tự vệ.

5. Sản xuất học cụ mẫu, vật chất huấn luyện, phù hiệu dân quân tự vệ, kỷ niệm chương, in ấn mặt bia, bản đồ, sơ đồ, tài liệu, sổ sách, giấy chứng nhận, mẫu biểu đăng ký, thống kê, mẫu trang phục, phòng học chuyên dùng quân sự địa phương tại các trường quân sự tỉnh.

6. Xây dựng mới, sửa chữa các công trình quân sự đặc biệt, các công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ phân cấp cho dân quân tự vệ quản lý, sử dụng.

7. Biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học về dân quân tự vệ; thông tin chuyên ngành về quốc phòng, quân sự địa phương; hỗ trợ đào tạo cán bộ xã đội tại trường quân sự cấp tỉnh.

8. Xây dựng mô hình điểm cấp quân khu, cấp Bộ Quốc phòng gồm ba mặt công tác dân quân tự vệ, xây dựng làng xã chiến đấu, xây dựng cơ sở vững mạnh về quốc phòng, quân sự, diễn tập điểm cấp xã.

9. Bảo đảm cơ sở vật chất cho các nhiệm vụ: bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, tập huấn, huấn luyện, hội thi, hội thao, diễn tập, hoạt động ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

10. Tổng kết, khen thưởng cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

11. Các khoản chi khác cho dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.

Điều 29. Nhiệm vụ chi của địa phương

1. Bảo đảm đăng ký, quản lý, tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động đơn vị dân quân; tuyên truyền pháp luật về dân quân tự vệ.

2. Bảo đảm phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ chỉ huy dân quân tự vệ thuộc quyền.

3. Tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiến thức quốc phòng, quân sự.

4. Bảo đảm kinh phí cho đào tạo cán bộ xã đội.

5. Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn (hoặc tiền lương), của dân quân tự vệ được điều động làm nhiệm vụ theo thẩm quyền của tỉnh đội trưởng, huyện đội trưởng, xã đội trưởng.

6. Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn, quân trang, đồ dùng sinh hoạt, đời sống tinh thần và các chi phí hoạt động của các đơn vị dân quân làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu.

7. Bảo đảm mua sắm trang phục của cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ nòng cốt hàng năm.

8. Bảo đảm chế độ ốm đau, tai nạn, bị thương hoặc từ trần, hy sinh đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

9. Bảo đảm chính sách ưu đãi đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ ở vùng đặc biệt khó khăn.

10. Bảo đảm cơ sở vật chất cho các nhiệm vụ: bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, tập huấn, huấn luyện, hội thi, hội thao, diễn tập, hoạt động ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ của địa phương.

11. Bảo đảm cho vận chuyển, sửa chữa, bảo quản trang bị vũ khí, mua sắm công cụ hỗ trợ, đầu tư sản xuất vũ khí và các phương tiện thiết yếu để trang bị cho dân quân tự vệ.

12. Xây dựng mới, sửa chữa kho tàng, công trình chiến đấu; sửa chữa lán trại của lực lượng dân quân thường trực sẵn sàng chiến đấu theo quyết định của Bộ Quốc phòng.

13. Xây dựng phương án dân quân tự vệ tham gia hoạt động khu vực phòng thủ cấp huyện, cấp tỉnh.

14. Thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

15. Các khoản chi khác cho dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

Điều 30. Nhiệm vụ chi của cơ quan, tổ chức

1. Bảo đảm đăng ký, quản lý, tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động đơn vị tự vệ; tuyên truyền pháp luật về dân quân tự vệ.

2. Tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ dân quân tự vệ.

3. Bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn (hoặc tiền lương), của tự vệ được điều động làm nhiệm vụ theo thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

4. Bảo đảm mua sắm trang phục của cán bộ, chiến sĩ tự vệ.

5. Bảo đảm cơ sở vật chất cho các nhiệm vụ: bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, tập huấn, huấn luyện, hội thi, hội thao, diễn tập, hoạt động ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.

6. Mua sắm, sửa chữa, bảo quản công cụ hỗ trợ cho lực lượng tự vệ.

7. Xây dựng phương án lực lượng tự vệ tham gia phòng thủ khu vực.

8. Thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết khen thưởng cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xây dựng lực lượng tự vệ.

9. Các khoản chi khác cho lực lượng tự vệ thuộc nhiệm vụ chi cơ quan tổ chức theo quy định của pháp luật.

10. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng công ty (do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) bảo đảm phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ quân sự, tự vệ thuộc quyền.

Điều 31. Yêu cầu lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách

Hàng năm, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu, cơ quan quân sự địa phương các cấp, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, chỉ huy tự vệ thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền theo Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 35/CP ngày 14 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về dân quân tự vệ và Nghị định số 46/2000/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/CP ngày 14 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về dân quân tự vệ.

Điều 33. Tổ chức thi hành

Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ theo Pháp lệnh Dân quân tự vệ và quy định của Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.