• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2009
CHÍNH PHỦ
Số: 158/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 10 tháng 12 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng

và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng

_______________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH9 ngày 10 tháng 5 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 07/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
Những quy định chung

Điều 1. Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hoá, dịch vụ (kể cả dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các đối tượng quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

Điều 3. Đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng là các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và các tổ chức, cá nhân khác có nhập khẩu hàng hoá, mua dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng từ nước ngoài (sau đây gọi là người nhập khẩu).

Điều 4. Đối tượng thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng, bao gồm :

1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi; thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc mới qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, trực tiếp đánh bắt bán ra.

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường quy định tại khoản này là các sản phẩm mới được phơi, sấy khô, ướp đông, làm sạch, bóc vỏ mà chưa được chế biến ở mức độ cao hơn hoặc chế biến thành các sản phẩm khác.

2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm : trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại.

3. Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt.

4. Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp; thiết bị, máy móc, vật tư, phương tiện vận tải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; máy bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuê của nước ngoài thuộc loại trong nước chưa sản xuất được dùng cho sản xuất, kinh doanh; thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí.

Trường hợp cơ sở nhập khẩu dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng trong dây chuyền đồng bộ đó có cả loại thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được thì không tính thuế giá trị gia tăng cho cả dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành danh mục thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước đã sản xuất được để làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản này.

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đối với các trường hợp không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản này.

5. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.

6. Chuyển quyền sử dụng đất.

7. Dịch vụ tín dụng và quỹ đầu tư, bao gồm : hoạt động cho vay vốn; bảo lãnh cho vay; chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá; bán tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ, cho thuê tài chính của các tổ chức tài chính, tín dụng tại Việt Nam; các hoạt động chuyển nhượng vốn và hoạt động kinh doanh chứng khoán.

8. Bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm học sinh; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng và các loại bảo hiểm không nhằm mục đích kinh doanh.

9. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng dịch bệnh, điều dưỡng sức khoẻ cho người và dịch vụ thú y.

10. Hoạt động văn hoá, triển lãm và thể dục, thể thao mang tính phong trào, quần chúng, tổ chức luyện tập, thi đấu không thu tiền hoặc có thu tiền nhưng không nhằm mục đích kinh doanh.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật như : ca múa, nhạc, kịch, xiếc, biểu diễn nghệ thuật khác; dịch vụ tổ chức biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim các loại.

Nhập khẩu, phát hành và chiếu phim nhựa, phim video tài liệu : đối với phim nhựa không phân biệt chủ đề loại phim; đối với phim ghi trên băng hình, đĩa hình chỉ là phim tài liệu, phóng sự, khoa học.

11. Dạy học, dạy nghề bao gồm dạy văn hoá, ngoại ngữ, tin học và dạy các nghề khác.

12. Phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

13. Xuất bản, nhập khẩu và phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa (kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử), giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số, tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động; in tiền.

14. Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư, duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng, dịch vụ tang lễ.

15. Duy tu, sửa chữa, xây dựng các công trình văn hoá, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo, kể cả trường hợp được Nhà nước cấp hỗ trợ một phần vốn không quá 30% tổng vốn thực chi cho công trình.

16. Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong nội thành, nội thị, trong các khu công nghiệp hoặc giữa các thành thị với các khu công nghiệp lân cận theo giá vé thống nhất do cơ quan có thẩm quyền quy định.

17. Điều tra cơ bản của Nhà nước do ngân sách nhà nước cấp phát kinh phí để thực hiện : bao gồm điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản; tài nguyên nước, đo đạc, lập bản đồ, khí tượng thuỷ văn, môi trường.

18. Tưới tiêu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nước sạch do tổ chức, cá nhân tự khai thác tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để phục vụ cho sinh hoạt ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;

19. Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh do Bộ Tài chính cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác định cụ thể. Đối với vũ khí, khí tài được mua, sản xuất bằng nguồn vốn ngân sách, việc không tính thuế phải được xác định cụ thể trong dự toán ngân sách.

20. Hàng hoá nhập khẩu trong các trường hợp sau : hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; quà biếu, quà tặng cho cá nhân ở Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ; đồ dùng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; đồ dùng của người Việt Nam sống định cư ở nước ngoài khi về nước mang theo.

Hàng hóa bán cho các tổ chức quốc tế, người nước ngoài để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

21. Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công với nước ngoài.

22. Vận tải quốc tế; hàng hoá, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế và dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài.

Vận tải quốc tế bao gồm vận tải hành khách, vận tải hàng hoá dưới các hình thức từ Việt Nam ra nước ngoài.

Hàng hoá, dịch vụ cung ứng cho vận tải quốc tế là hàng hoá, dịch vụ do các cơ sở kinh doanh tại Việt Nam bán trực tiếp cho các phương tiện vận tải quốc tế của Việt Nam và của nước ngoài để sử dụng trực tiếp cho hoạt động của phương tiện vận tải quốc tế theo quy định của Bộ Tài chính.

23. Chuyển giao công nghệ theo quy định tại Chương III của Bộ luật Dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với những hợp đồng chuyển giao công nghệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì việc không tính thuế chỉ thực hiện đối với phần giá trị công nghệ chuyển giao; phần mềm máy tính, trừ phần mềm máy tính xuất khẩu.

24. Dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ.

25. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa được chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác. Vàng dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa chế tác được xác định phù hợp với các quy định quốc tế.

26. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác quy định cụ thể dưới đây :

- Dầu thô;

- Đá phiến, cát, đất hiếm;

- Đá quý;

- Quặng măng-gan, quặng thiếc, quặng sắt, quặng crôm-mít, quặng êmênhít, quặng a-pa-tít.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có liên quan căn cứ vào yêu cầu quản lý tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước từng thời kỳ trình Chính phủ điều chỉnh danh mục loại tài nguyên khoáng sản quy định tại khoản này.

27. Sản phẩm là bộ phận nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật;

28. Hàng hoá, dịch vụ của những cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu Nhà nước quy định đối với công chức nhà nước. Thu nhập được xác định bằng doanh thu trừ chi phí hợp lý hoạt động kinh doanh của cá nhân kinh doanh đó.

Cơ sở kinh doanh không được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này mà phải tính vào giá trị hàng hoá, dịch vụ, nguyên giá tài sản cố định hoặc chi phí kinh doanh.

Chương II

Căn cứ và phương pháp tính thuế

Điều 5. Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất.

Điều 6. Giá tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau :

1. Đối với hàng hoá, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng.

2. Đối với hàng hoá nhập khẩu, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài :

a) Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có) cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo các quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu;

b) Đối với dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài là giá thanh toán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài chưa có thuế giá trị gia tăng.

3. Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ (trừ trường hợp hàng hóa, dịch vụ luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh không phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng), biếu, tặng là giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

4. Đối với hoạt động cho thuê tài sản không phân biệt loại tài sản và hình thức cho thuê, giá tính thuế là giá cho thuê chưa có thuế. Trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho một thời hạn thuê thì giá tính thuế là tiền thuê chưa có thuế giá trị gia tăng trả từng kỳ hoặc trả trước.

Đối với trường hợp thuê dàn khoan, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của nước ngoài loại trong nước chưa sản xuất được để cho thuê lại, giá tính thuế được trừ giá thuê phải trả cho nước ngoài.

5. Đối với hàng hoá bán theo phương thức trả góp là giá bán chưa có thuế của hàng hoá đó trả một lần (không bao gồm khoản lãi trả góp), không tính theo số tiền trả góp từng kỳ.

6. Đối với gia công hàng hoá là giá gia công chưa có thuế (bao gồm tiền công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác để gia công).

7. Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá xây dựng, lắp đặt chưa có thuế của công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện; trường hợp xây dựng, lắp đặt công trình thực hiện thanh toán theo đơn giá và khối lượng hạng mục công trình, phần công việc hoàn thành bàn giao thì thuế giá trị gia tăng tính trên phần giá trị hoàn thành bàn giao. Trường hợp xây dựng, lắp đặt theo hình thức có bao thầu nguyên vật liệu, thiết bị máy móc thì giá tính thuế giá trị gia tăng bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị. Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, thiết bị máy móc thì giá tính thuế giá trị gia tăng là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị.

Đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà để bán, xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển nhượng của các đơn vị được Nhà nước giao đất, giá tính thuế là giá bán nhà, cơ sở hạ tầng gắn với đất, trừ (-) tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước.

Đối với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng để cho thuê, giá tính thuế được trừ (-) giá thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước.

8. Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng được trừ (-) giá đất theo quy định để xác định tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước hoặc để xác định tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất tại thời điểm bán bất động sản.

9. Đối với các hoạt động đại lý, môi giới mua, bán hàng hoá và dịch vụ hưởng hoa hồng thì giá chưa có thuế làm căn cứ tính thuế là tiền hoa hồng thu từ các hoạt động này.

10. Đối với hàng hoá, dịch vụ có tính đặc thù được dùng loại chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng, thì giá chưa có thuế làm căn cứ tính thuế được xác định bằng giá có thuế chia cho [1 + (%) thuế suất của hàng hoá, dịch vụ đó].

Giá tính thuế đối với các loại hàng hoá, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ quy định tại Điều này.

Điều 7. Thuế suất thuế giá trị gia tăng

1. Mức thuế suất 0% đối với : hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, kể cả hàng gia công xuất khẩu, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng xuất khẩu.

a) Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ đã được cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

b) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu vào khu chế xuất hoặc hàng hóa xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất và trường hợp cụ thể khác được coi là xuất khẩu theo quy định của Chính phủ.

c) Các trường hợp sau không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo thuế suất 0% :

- Vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế; dịch vụ du lịch lữ hành ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; tín dụng, đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến quy định tại khoản 26 Điều 4 của Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

- Hàng hóa, dịch vụ bán cho doanh nghiệp chế xuất và khu chế xuất gồm : bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, tư vấn, kiểm toán, kế toán, vận tải, bốc xếp, cho thuê nhà, văn phòng, kho bãi, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho cá nhân người lao động, xăng dầu bán cho phương tiện vận tải phải chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất quy định áp dụng đối với hàng hóa tiêu dùng tại Việt Nam.

2. Mức thuế suất 5% đối với hàng hoá, dịch vụ :

a) Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, trừ nước sạch thuộc diện không chịu thuế nêu tại khoản 18 Điều 4 của Nghị định này và các loại nước giải khát thuộc nhóm thuế suất 10%.

b) Phân bón, quặng để sản xuất phân bón; thuốc trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng.

c) Thiết bị, máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế; bông và băng vệ sinh y tế; thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

d) Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập là các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, compa dùng để giảng dạy, học tập và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm.

đ) In các loại sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 13 Điều 4 của Nghị định này, trừ in tiền.

e) Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ loại sách thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 13 Điều 4 của Nghị định này; băng từ, đĩa đã ghi hoặc chưa ghi chương trình.

g) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi; thuỷ sản, hải sản đánh bắt chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế làm sạch, ướp đông, phơi sấy khô, bóc vỏ ở khâu kinh doanh thương mại.

h) Thực phẩm tươi sống, lương thực, lâm sản (trừ gỗ, măng) chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

Lương thực bao gồm thóc, gạo, ngô, khoai, sắn; lúa mỳ, bột gạo, bột ngô, bột khoai, bột sắn, bột mỳ.

Thực phẩm tươi sống là loại thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế thông thường.

Lâm sản chưa qua chế biến là loại lâm sản khai thác từ rừng tự nhiên thuộc nhóm song, mây, tre, nứa, nấm, mộc nhĩ; rễ, lá, hoa, cây làm thuốc và các loại lâm sản khác.

i) Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn.

k) Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá là các loại sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu chính thuộc nhóm đay, cói, tre, nứa, song, mây, cọ, dừa.

l) Bông sơ chế từ bông trồng ở trong nước là bông đã được bỏ vỏ, hạt và phân loại.

m) Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác.

n) Dịch vụ khoa học và công nghệ trừ các dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

o) Dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp bao gồm các hoạt động như cày, bừa đất sản xuất nông nghiệp; đào, đắp, nạo, vét kênh, mương, ao, hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh; thu, hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

p) Than đá, đất, đá, cát, sỏi.

q) Hóa chất cơ bản; sản phẩm cơ khí (trừ sản phẩm cơ khí tiêu dùng); khuôn đúc các loại; vật liệu nổ; đá mài; giấy in báo; bình bơm thuốc trừ sâu; mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; ván ép nhân tạo; sản phẩm bê tông công nghiệp, gồm dầm cầu bê tông, dầm và khung nhà bê tông, cọc bê tông, cột điện bê tông, ống cống tròn bê tông, hộp bê tông các loại, pa-nen và các loại cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn phi tiêu chuẩn, bê tông thương phẩm; lốp và bộ săm lốp cỡ từ 900 - 20 trở lên; ống thuỷ tinh trung tính (ống tuýp và ống được định hình); lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá.

r) Sản phẩm luyện, cán, kéo kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý, trừ vàng nhập khẩu quy định tại khoản 25 Điều 4 của Nghị định này.

s) Máy xử lý dữ liệu tự động và các bộ phận, phụ tùng của máy (bao gồm cả các loại máy vi tính và các bộ phận, phụ tùng của máy vi tính).

t) Duy tu, sửa chữa, phục chế di tích lịch sử - văn hoá, bảo tàng, trừ hoạt động quy định tại khoản 15 Điều 4 của Nghị định này.

u) Vận tải, bốc xếp; nạo vét luồng, lạch, cảng sông, cảng biển; hoạt động trục vớt, cứu hộ;

v) Phát hành và chiếu phim video (trừ phát hành và chiếu phim video tài liệu quy định tại khoản 10 Điều 4 của Nghị định này).

3. Mức thuế suất 10% đối với hàng hoá, dịch vụ :

a) Dầu mỏ, khí đốt, quặng và sản phẩm khai khoáng khác.

b) Điện thương phẩm do các cơ sở sản xuất, kinh doanh điện bán ra.

c) Sản phẩm điện tử; sản phẩm cơ khí tiêu dùng, đồ điện.

d) Sản phẩm hoá chất (trừ hoá chất cơ bản quy định tại điểm q khoản 2 Điều này), mỹ phẩm.

đ) Sợi, vải, sản phẩm may mặc, thêu ren; băng vệ sinh phụ nữ và bỉm trẻ em.

e) Giấy (trừ giấy in báo quy định tại điểm q khoản 2 Điều này) và sản phẩm bằng giấy.

g) Sữa, bánh, kẹo, nước giải khát và các loại thực phẩm chế biến khác.

h) Sản phẩm gốm, sứ, thuỷ tinh, cao su, nhựa; gỗ và sản phẩm bằng gỗ. xi măng, gạch, ngói và vật liệu xây dựng khác (trừ các loại sản phẩm thuộc nhóm thuế suất 5%).

i) Xây dựng, lắp đặt; nhà, kết cấu hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng để kinh doanh.

k) Dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet (trừ dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet quy định tại khoản 24 Điều 4 của Nghị định này).

l) Cho thuê nhà, văn phòng, kho tàng, bến bãi, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải.

m) Dịch vụ tư vấn pháp luật và các dịch vụ tư vấn khác.

n) Dịch vụ kiểm toán, kế toán, khảo sát, thiết kế.

o) Chụp ảnh, in ảnh, phóng ảnh; in băng, sang băng, cho thuê băng; quay video; sao chụp.

p) Khách sạn, du lịch, ăn uống.

q) Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

r) Vàng bạc, đá quý (trừ vàng nhập khẩu quy định tại khoản 25 Điều 4 của Nghị định này).

s) Đại lý tàu biển.

t) Dịch vụ môi giới.

u) Các loại hàng hoá, dịch vụ khác không quy định tại Điều 4 và khoản 1, khoản 2 Điều này.

Căn cứ vào mức thuế suất quy định tại Điều này, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thuế suất đối với các loại hàng hoá, dịch vụ.

Điều 8. Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

1. Phương pháp khấu trừ thuế :

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp được xác định bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ (-) số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.

a) Thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ đó.

Trường hợp cơ sở bán hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng không ghi cụ thể giá bán chưa có thuế và thuế giá trị gia tăng trên hoá đơn giá trị gia tăng thì thuế giá trị gia tăng đầu ra được tính trên giá bán ra của hàng hoá, dịch vụ đó, trừ trường hợp được dùng hoá đơn giá trị gia tăng ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng.

b) Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng mua hàng hoá, dịch vụ; chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng; chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 9 của Nghị định này.

c) Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh, trừ các đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng :

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp được xác định bằng giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của loại hàng hoá, dịch vụ đó.

a) Giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ được xác định bằng giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ bán ra trừ (-) giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào tương ứng.

Giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào, bán ra là giá thực tế mua, bán ghi trên hoá đơn mua, bán hàng hoá, dịch vụ, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.

Giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào được xác định bằng giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào bao gồm cả thuế giá trị gia tăng đã dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bán ra.

Trường hợp cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ có hoá đơn, chứng từ làm căn cứ xác định giá trị gia tăng theo quy định trên đây thì giá trị gia tăng được xác định như sau :

- Đối với cơ sở kinh doanh đã thực hiện bán hàng hoá, dịch vụ có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo chế độ, xác định được đúng doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ nhưng không có đủ hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ thì giá trị gia tăng được xác định bằng doanh thu nhân (x) với tỷ lệ (%) giá trị gia tăng tính trên doanh thu.

- Đối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ hoá đơn mua, bán hàng hoá, dịch vụ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của từng cá nhân kinh doanh để ấn định mức doanh thu tính thuế; giá trị gia tăng được xác định bằng doanh thu ấn định nhân (x) với tỷ lệ (%) giá trị gia tăng tính trên doanh thu.

b) Tỷ lệ (%) giá trị gia tăng tính trên doanh thu làm căn cứ xác định giá trị gia tăng do cơ quan Thuế quy định phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá trị gia tăng cụ thể đối với từng ngành nghề kinh doanh.

c) Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng chỉ áp dụng đối với các đối tượng sau :

- Cá nhân sản xuất, kinh doanh là người Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về kế toán, hoá đơn, chứng từ để làm căn cứ tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

- Cơ sở kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ thuộc đối tượng áp dụng tính thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý thì được tính và kê khai thuế phải nộp riêng đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Điều 9. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào :

1. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được tính khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau :

a) Thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì được khấu trừ toàn bộ.

b) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua vào dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và không chịu thuế giá trị gia tăng thì chỉ được khấu trừ số thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.

Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì được khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh số chịu thuế so với tổng doanh số bán ra.

c) Thuế đầu vào được khấu trừ phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Thời gian kê khai chậm nhất là 03 tháng kể từ thời điểm kê khai thuế của tháng phát sinh. Hóa đơn giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào quá thời hạn 03 tháng, cơ sở kinh doanh không được kê khai khấu trừ mà phải tính vào giá trị hàng hóa, dịch vụ, nguyên giá tài sản cố định hoặc chi phí kinh doanh.

Riêng thuế đầu vào của tài sản cố định được khấu trừ lớn thì được khấu trừ dần hoặc được hoàn thuế theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

d) Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào phải có đủ điều kiện, thủ tục sau :

- Tờ khai hàng hóa xuất khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan về hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu (áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu);

- Hợp đồng bán hàng hoá, gia công hàng hoá (đối với trường hợp gia công hàng hoá), cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Thực hiện thanh toán qua Ngân hàng và các trường hợp được coi như thanh toán qua Ngân hàng như : cấn trừ vào khoản tiền vay nợ nước ngoài, phía nước ngoài ủy quyền cho bên thứ 3 là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thanh toán qua Ngân hàng (trừ trường hợp xuất khẩu thanh toán theo hình thức hàng đổi hàng, trả nợ cho Nhà nước, xuất khẩu lao động thu tiền trực tiếp của người đi xuất khẩu lao động; hàng hóa xuất khẩu bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài và một số hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có hình thức thanh toán đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định);

- Hóa đơn bán hàng hoá, dịch vụ cho thương nhân nước ngoài.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã có xác nhận của cơ quan Hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không đủ một trong các điều kiện, thủ tục còn lại nêu trên thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào mà tính vào chi phí kinh doanh. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thủ tục, điều kiện áp dụng trường hợp này.

Đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng, khi chuyển sang áp dụng tính nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế chỉ được tính khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo quy định đối với hoá đơn, chứng từ phát sinh từ ngày áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế.

đ) Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hoá, dịch vụ có tính đặc thù của tổ chức cá nhân nước ngoài kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được dùng loại hóa đơn giá trị gia tăng ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì căn cứ vào giá đã có thuế để xác định giá không có thuế và thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ theo phương pháp tính nêu tại khoản 10 Điều 6 của Nghị định này.

e) Trường hợp cơ sở kinh doanh tại Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam thì cơ sở kinh doanh tại Việt Nam phải nộp thuế giá trị gia tăng thay cho nhà thầu nước ngoài. Cơ sở kinh doanh tại Việt Nam được tính khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đã nộp thay.

2. Căn cứ để xác định số thuế đầu vào được khấu trừ quy định trên đây là :

a) Đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào là số tiền thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng mua hàng hoá, dịch vụ; trường hợp nộp thay nhà thầu nước ngoài hoặc đối tượng khác theo quy định của pháp luật là chứng từ nộp thuế thay.

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu là số tiền thuế giá trị gia tăng đã nộp ghi trên chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu.

c) Đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được dùng loại hóa đơn ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì được căn cứ vào hóa đơn đó để tính số thuế đầu vào được khấu trừ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

3. Cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với các hóa đơn giá trị gia tăng sử dụng không đúng theo quy định của pháp luật như : sử dụng hóa đơn, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng giả, hóa đơn khống (không mua, bán hàng hóa, dịch vụ), hóa đơn ghi giá trị cao hơn giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ bán ra.

Điều 10. Các cơ sở kinh doanh phải thực hiện đầy đủ việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ có hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật. Hoá đơn mua, bán hàng hoá, dịch vụ quy định đối với các cơ sở kinh doanh như sau :

1. Các cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế phải sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng. Khi lập hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi đầy đủ, đúng các yếu tố ghi trên hoá đơn, về giá bán phải ghi rõ : giá bán chưa có thuế, phụ thu và phí tính ngoài giá bán (nếu có), thuế giá trị gia tăng, giá thanh toán đã có thuế.

2. Các cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng sử dụng hoá đơn bán hàng. Giá bán hàng hoá, dịch vụ ghi trên hoá đơn là giá thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.

3. Các cơ sở kinh doanh sử dụng loại hoá đơn, chứng từ tự in, phải đăng ký mẫu hoá đơn, chứng từ tự in với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) và chỉ được sử dụng khi đã có thông báo bằng văn bản của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).

4. Các cơ sở kinh doanh trực tiếp bán lẻ hàng hoá cho người tiêu dùng, đối với hàng hoá có giá bán dưới mức quy định phải lập hoá đơn giá trị gia tăng hoặc hoá đơn bán hàng, nếu cơ sở không lập hoá đơn thì phải lập bản kê hàng bán lẻ theo mẫu bản kê của cơ quan Thuế để làm căn cứ tính thuế giá trị gia tăng; trường hợp người mua yêu cầu lập hoá đơn giá trị gia tăng hoặc hoá đơn bán hàng thì phải lập hoá đơn theo đúng quy định.

5. Cơ sở kinh doanh có hành vi in, phát hành, sử dụng hóa đơn không đúng quy định để trốn thuế, gian lận trong khấu trừ hoặc hoàn thuế gía trị gia tăng, ngoài việc phải truy thu, truy hoàn số tiền thuế gian lận còn bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng còn phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương III
Đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế

Điều 11. Các cơ sở kinh doanh đăng ký nộp thuế như sau :

1. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 3 Nghị định này, kể cả các đơn vị, chi nhánh trực thuộc cơ sở kinh doanh chính đều phải đăng ký với cơ quan Thuế nơi cơ sở kinh doanh về địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, số lao động hiện có, tiền vốn, nơi nộp thuế và các chỉ tiêu liên quan khác theo hướng dẫn của cơ quan Thuế.

Đối với cơ sở mới thành lập, thời gian đăng ký nộp thuế chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng có hoạt động kinh doanh, phải đăng ký nộp thuế trước khi kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế, nếu có sự thay đổi như sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, thay đổi sở hữu loại hình doanh nghiệp, giải thể, phá sản, hoặc thay đổi ngành nghề, nơi kinh doanh, cơ sở kinh doanh cũng phải khai báo với cơ quan Thuế chậm nhất là 05 ngày trước khi có sự thay đổi đó.

2. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng nếu thực hiện đầy đủ các điều kiện về chế độ hoá đơn, chứng từ, sổ kế toán, kê khai, nộp thuế đúng chế độ và tự nguyện đăng ký áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, được cơ quan Thuế kiểm tra xác định đã thực hiện đúng, đủ các điều kiện trên đây thì cơ quan thuế thông báo cho cơ sở thực hiện; nếu trong quá trình thực hiện mà cơ sở không thực hiện đúng các điều kiện quy định thì cơ quan Thuế ra thông báo đình chỉ việc áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục đăng ký nộp thuế và thẩm quyền xem xét cho cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng được áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế theo quy định tại Điều này.

Điều 12. Cơ sở kinh doanh và người nhập khẩu phải kê khai thuế giá trị gia tăng theo quy định như sau :

1. Cơ sở kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng phải kê khai thuế giá trị gia tăng từng tháng và nộp tờ kê khai thuế kèm theo bản kê khai hàng hoá, dịch vụ mua vào, bán ra làm căn cứ xác định số thuế phải nộp của tháng cho cơ quan thuế trong mười ngày đầu của tháng tiếp theo. Trong trường hợp không phát sinh doanh số bán hàng hoá, dịch vụ, thuế đầu vào, thuế đầu ra, cơ sở kinh doanh vẫn phải kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan thuế. Cơ sở phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai thuế và chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của việc kê khai.

Thời điểm tính thuế giá trị gia tăng đầu ra phát sinh là thời điểm cơ sở kinh doanh đã chuyển giao quyền sở hữu (quyền sử dụng đối với trường hợp bán theo hình thức trả góp) hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho người mua, không phân biệt người mua đã trả hay chưa trả tiền. Khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cơ sở kinh doanh phải lập hoá đơn theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không có văn phòng hay trụ sở điều hành ở Việt Nam có cung ứng hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam, thì các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thay cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

2. Cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu có nhập khẩu hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng phải kê khai và nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng theo từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu với cơ quan thu thuế nhập khẩu.

3. Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hoá, dịch vụ có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau phải kê khai thuế giá trị gia tăng theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hoá, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định được theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hoá, dịch vụ mà cơ sở có sản xuất, kinh doanh.

Điều 13. Nộp thuế giá trị gia tăng vào ngân sách nhà nước

1. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng đầy đủ, đúng thời hạn vào ngân sách nhà nước.

a) Đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế sau khi nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan Thuế phải nộp thuế giá trị gia tăng vào ngân sách nhà nước. Thời hạn nộp thuế của tháng chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo. Trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp lớn (bình quân tháng từ 200 triệu đồng trở lên) phải nộp thuế theo định kỳ 05, 10 ngày một lần trong tháng. Hết tháng, khi kê khai tính thuế, cơ sở kinh doanh phải nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Thời hạn nộp thuế còn thiếu chậm nhất là ngày 25 của tháng tiếp theo.

b) Đối với cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ nộp thuế theo phương pháp trực tiếp có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước theo thông báo nộp thuế của cơ quan Thuế. Thời hạn nộp thuế của tháng chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo.

c) Đối với những hộ, cá nhân kinh doanh ở những địa bàn xa Kho bạc Nhà nước hoặc kinh doanh lưu động, không thường xuyên thì cơ quan Thuế tổ chức thu thuế và nộp vào ngân sách nhà nước. Thời hạn cơ quan Thuế phải nộp tiền thuế đã thu vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 03 ngày, riêng đối với vùng núi, hải đảo, vùng đi lại khó khăn chậm nhất không quá 06 ngày, kể từ ngày thu được tiền thuế.

2. Cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu hàng hoá phải nộp thuế giá trị gia tăng theo từng lần nhập khẩu.

Thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu thực hiện đồng thời cùng với thời hạn thông báo nộp thuế nhập khẩu. Đối với loại hàng hoá không phải nộp thuế nhập khẩu thì thời hạn phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định áp dụng đối với hàng hoá phải nộp thuế nhập khẩu.

Đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này, nếu cơ sở bán ra hoặc dùng vào mục đích khác thì phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng như quy định đối với hàng hoá khác.

3. Trong một kỳ tính thuế (tháng), nếu cơ sở kinh doanh có số thuế kỳ trước nộp thừa thì được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo, nếu kỳ trước nộp thiếu thì phải nộp đủ số thuế còn thiếu của kỳ trước. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ nếu trong kỳ tính thuế có số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra thì được tính khấu trừ số thuế lớn hơn đó vào kỳ tính thuế tiếp theo. Trong trường hợp cơ sở kinh doanh đầu tư mới tài sản cố định có số thuế đầu vào được khấu trừ lớn thì được khấu trừ dần hoặc được hoàn thuế theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

4. Thuế giá trị gia tăng nộp vào ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam

Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu ngoại tệ để xác định số thuế phải nộp.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thủ tục nộp thuế phù hợp đối với từng phương thức nộp thuế và đối tượng nộp thuế quy định tại Điều này.

Điều 14. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán thuế hàng năm với cơ quan thuế. Năm quyết toán thuế được tính theo năm dương lịch. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày kết thúc năm, cơ sở kinh doanh phải gửi báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan Thuế và phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán thuế, nếu nộp thừa thì được trừ vào số thuế phải nộp kỳ tiếp theo.

Trong các trường hợp : sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước, cơ sở kinh doanh phải quyết toán thuế với cơ quan Thuế và gửi báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan Thuế trong thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước.

Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kê khai toàn bộ số thuế phải nộp, số đã nộp, số còn thiếu hay nộp thừa tính đến thời điểm quy định phải quyết toán thuế. Cơ sở phải kê khai đầy đủ, đúng các chỉ tiêu và số liệu theo mẫu quyết toán thuế; gửi bản quyết toán thuế đến cơ quan Thuế địa phương nơi cơ sở đăng ký nộp thuế trong thời gian quy định trên đây.

Bộ Tài chính quy định biểu mẫu và hướng dẫn việc thực hiện quyết toán thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này.

Điều 15. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng đã nộp theo quy định tại Điều 16 Luật Thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể như sau :

1. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế được xét hoàn thuế nếu sau thời gian 03 tháng liên tục trở lên có số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết. Cơ sở kinh doanh được xét hoàn thuế trong trường hợp này áp dụng cho cả cơ sở kinh doanh có đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu.

Cơ sở kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ theo thời vụ hoặc theo từng thương vụ với số lượng và giá trị lớn, nếu số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết trong tháng từ 200 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế theo tháng. Cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng phải đủ các điều kiện, thủ tục theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 của Nghị định này.

2. Cơ sở kinh doanh đầu tư mới, đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên được xét hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm. Trường hợp cơ sở có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư từ 200 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế theo quý.

3. Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư cơ sở sản xuất mới, đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho dự án đầu tư từ 200 triệu đồng trở lên được xét hoàn thuế theo quý. Cơ sở kinh doanh phải kê khai, lập hồ sơ hoàn thuế riêng cho dự án đầu tư này.

4. Cơ sở kinh doanh quyết toán thuế khi chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết hoặc có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa.

5. Hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) :

a) Đối với các dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại : chủ dự án hoặc nhà thầu chính được hoàn lại số thuế giá trị gia tăng đã trả trong giá mua hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho dự án.

b) Đối với các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện ngân sách nhà nước đầu tư không hoàn trả : chủ dự án hoặc nhà thầu chính được hoàn lại số thuế giá trị gia tăng đã trả khi nhập khẩu và mua hàng hoá, dịch vụ trong nước sử dụng cho dự án.

6. Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài mua hàng hoá tại Việt Nam có thuế giá trị gia tăng để viện trợ nhân đạo được hoàn lại số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa đó.

7. Đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo giá có thuế giá trị gia tăng để sử dụng được hoàn lại số thuế giá trị gia tăng đã trả ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng.

8. Cơ sở kinh doanh có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Để giải quyết hoàn thuế theo quy định tại Điều này, tổ chức, cá nhân phải gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ hoàn thuế tới cơ quan quản lý thu thuế cơ sở. Cơ quan Thuế có trách nhiệm kiểm tra, xác định số thuế được hoàn và làm thủ tục để hoàn trả thuế hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thuế cho cơ sở.

Bộ Tài chính quy định thủ tục, thời hạn và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế quy định tại Điều này.

Điều 16. Cơ quan Thuế có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây :

1. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh thực hiện chế độ đăng ký, kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Những cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng các quy định về đăng ký, kê khai nộp thuế thì cơ quan thuế ra thông báo lần thứ 01, nếu đã nhận được thông báo lần thứ 01 mà cơ sở vẫn không thực hiện thì cơ quan thuế có quyền xử lý vi phạm hành chính về thuế.

2. Thông báo cho cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế giải trình, điều chỉnh, bổ sung hoặc kê khai lại trong trường hợp tờ khai thuế giá trị gia tăng không khai đủ, khai đúng số thuế phải nộp. Thông báo cho cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp về số thuế phải nộp và thời hạn nộp thuế theo quy định. Thông báo nộp thuế phải gửi tới đối tượng nộp thuế trước 03 ngày so với ngày phải nộp thuế ghi trên thông báo.

Nếu quá thời hạn nộp thuế theo quy định mà cơ sở kinh doanh chưa nộp thì ra thông báo về số tiền thuế và số tiền phạt chậm nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Thuế giá trị gia tăng. Thời hạn tính phạt chậm nộp thuế hàng tháng kể từ ngày 26 của tháng tiếp theo hoặc kể từ ngày phải nộp thuế theo thông báo của cơ quan Thuế đối với đối tượng nộp thuế mà cơ quan Thuế ra thông báo thuế. Thời hạn tính phạt chậm nộp đối với hàng hoá nhập khẩu và các trường hợp khác là sau ngày phải nộp theo luật định được ghi trên thông báo thuế. Nếu cơ sở kinh doanh vẫn không chấp hành nộp tiền thuế, tiền phạt theo thông báo thì cơ quan thuế có quyền áp dụng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thuế giá trị gia tăng để đảm bảo thu đủ số thuế, số tiền phạt. Nếu thực hiện các biện pháp xử lý trên mà cơ sở kinh doanh vẫn không nộp đủ số tiền thuế, số tiền phạt thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang các cơ quan pháp luật để xử lý.

3. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

4. Xử lý vi phạm hành chính về thuế và giải quyết khiếu nại về thuế theo quy định của pháp luật.

5. Yêu cầu các đối tượng nộp thuế cung cấp sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ và các hồ sơ tài liệu khác có liên quan tới việc tính thuế, nộp thuế; yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp các tài liệu có liên quan tới việc tính thuế và nộp thuế.

6. Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở kinh doanh và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

Điều 17. Cơ quan Thuế có quyền ấn định thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với các đối tượng nộp thuế trong các trường hợp sau :

1. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ.

Đối với những cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ có hoá đơn, chứng từ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh để xác định giá trị gia tăng và thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.

Đối với cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ, số thuế ấn định phải nộp từng lần được xác định làm căn cứ thu thuế cho từng kỳ là 06 tháng hoặc 12 tháng, tuỳ theo ngành nghề và mức biến động về giá cả, tình hình kinh doanh của đối tượng nộp thuế. Cơ quan Thuế có trách nhiệm thông báo công khai về mức thuế ấn định đối với các đối tượng này.

Cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ nộp thuế theo mức ấn định từng kỳ, nếu có thay đổi về ngành nghề kinh doanh, quy mô, doanh số kinh doanh phải khai báo với cơ quan Thuế để xem xét, điều chỉnh mức thuế đã ấn định. Trường hợp không khai báo hoặc khai báo không trung thực, cơ quan Thuế có quyền ấn định mức thuế phải nộp cho phù hợp với thực tế kinh doanh. Những cá nhân nghỉ kinh doanh phải khai báo với cơ quan Thuế để được xét miễn, giảm thuế, nếu nghỉ kinh doanh trong tháng từ 15 ngày trở lên được xét giảm 50% số thuế phải nộp của tháng, nếu nghỉ cả tháng thì được miễn nộp thuế của tháng đó.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định tỷ lệ (%) giá trị gia tăng tính trên doanh thu làm căn cứ xác định thuế giá trị gia tăng phải nộp phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh; thủ tục khai báo nghỉ kinh doanh và việc giảm thuế đối với hộ kinh doanh theo quy định tại Điều này.

2. Không kê khai hoặc quá thời gian quy định gửi tờ khai mà đã được thông báo nhắc nhở nhưng vẫn không thực hiện đúng, đã nộp tờ khai thuế nhưng kê khai không đúng các căn cứ xác định số thuế giá trị gia tăng.

3. Từ chối việc xuất trình sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan tới việc tính thuế giá trị gia tăng.

4. Kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký, kê khai nộp thuế mà bị kiểm tra, phát hiện.

Cơ quan Thuế căn cứ vào tài liệu điều tra về tình hình hoạt động kinh doanh của cơ sở hoặc căn cứ vào số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, có quy mô kinh doanh tương đương để ấn định số thuế phải nộp đối với từng cơ sở kinh doanh trong các trường hợp nêu trên đây.

Trường hợp, cơ sở kinh doanh không đồng ý với việc ấn định số thuế phải nộp thì có quyền khiếu nại đến cơ quan Thuế đã ấn định thuế hoặc cơ quan Thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan Thuế ấn định thuế. Trong khi chờ giải quyết, cơ sở kinh doanh hay người khiếu nại vẫn phải nộp theo mức thuế đã được cơ quan Thuế ấn định.

Chương IV

Xử lý vi phạm, khen thưởng

Điều 18. Đối tượng nộp thuế và cán bộ thuế vi phạm Luật Thuế giá trị gia tăng thì tuỳ theo hành vi và mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định tại Điều 19 và Điều 21 của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Điều 19. Cơ quan Thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng, đối tượng nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế được khen thưởng theo quy định của Chính phủ.

Chương V

Điều khoản thi hành

Điều 20. Việc tổ chức thu thuế giá trị gia tăng được quy định như sau :

1. Cơ quan thuế chịu trách nhiệm tổ chức thu thuế giá trị gia tăng và giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

2. Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhập khẩu.

3. Cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý thu thuế giá trị gia tăng trong cả nước.

Bộ Tài chính quy định cụ thể việc tổ chức thu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều này.

Điều 21. Số thuế giá trị gia tăng hoàn trả cho các đối tượng quy định tại Điều 15 Nghị định này được chi từ quỹ hoàn thuế, quỹ hoàn thuế được trích từ số thuế giá trị gia tăng đã thu. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc tổ chức hoàn thuế, hạch toán kế toán thu và hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều này.

Điều 22. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 và thay thế các Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2000, số 76/2002/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2002, số 95/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 và Nghị định số 108/2002/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng.

Điều 23. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.