• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/11/2011
CHÍNH PHỦ
Số: 82/2011/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 16 tháng 9 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

____________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về thuốc tiêm và trang bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án tử hình; điều kiện bảo đảm cho thi hành án tử hình và chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia thi hành án tử hình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án tử hình và người bị thi hành án tử hình.

Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Chống đối, cản trở việc thi hành án tử hình; gây mất trật tự, an toàn nơi thi hành án tử hình.

2. Đánh tráo, thay đổi trái phép chủng loại, liều lượng, chất lượng thuốc sử dụng cho việc thi hành án tử hình.

3. Không chấp hành lệnh của Hội đồng thi hành án tử hình và quy định của pháp luật về thực hiện thi hành án tử hình.

4. Di chuyển trái phép tử thi, bia, mộ, hài cốt của người đã bị thi hành án tử hình.

Điều 4. Kinh phí đảm bảo cho việc thi hành án tử hình

Kinh phí bảo đảm cho việc thi hành án tử hình do Nhà nước cấp trong dự trù kinh phí hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Điều 5. Chế độ, chính sách đối với người tham gia thi hành án tử hình

1. Người tham gia Đội thi hành án tử hình và bác sĩ xác định tĩnh mạch được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hai lần mức lương tối thiểu chung cho mỗi lần thi hành án và được nghỉ dưỡng 10 ngày theo quy định chung về chế độ nghỉ dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.

2. Người tham gia Hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y, cán bộ chuyên môn, người thực hiện lăn tay người bị thi hành án tử hình, khâm liệm, an táng tử thi được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng một lần mức lương tối thiểu chung quy định cho mỗi lần thi hành án.

3. Những người tham gia khác được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng một phần hai mức lương tối thiểu cho mỗi lần thi hành án.

Chương II

THUỐC TIÊM, TRANG BỊ, PHƯƠNG TIỆN SỬ DỤNG CHO THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN TIÊM THUỐC

Điều 6. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình

1. Thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:

a) Thuốc dùng để gây mê: Sodium thiopental;

b) Thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp: Pancuronium bromide;

c) Thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim: Potassium chloride.

2. Một liều gồm 3 loại thuốc quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

4. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trang bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình

1. Công an cấp tỉnh; đơn vị Quân đội cấp quân khu có trách nhiệm xây dựng nhà thi hành án tử hình và các phòng làm việc của Hội đồng thi hành án, để thực hiện việc thi hành án tử hình theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

2. Trang bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình bao gồm:

a) Giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án;

b) Ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển;

c) Máy kiểm tra nhịp đập của tim;

d) Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án;

đ) Các dụng cụ và trang thiết bị khác.

Điều 8. Quy trình thực hiện tiêm thuốc

1. Trình tự thi hành án tử hình phải thực hiện đúng theo quy định các khoản 2, 3, 4 Điều 59 Luật Thi hành án hình sự và quy định của Nghị định này. Người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn, uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam.

2. Thuốc đưa ra sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định.

3. Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu.

4. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau:

a) Chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng);

b) Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm: trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch;

c) Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự như sau:

- Bước 1: Tiêm 05 grams Sodium thiopental.

Sau mũi tiêm gây mê này, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu chưa bị mê thì tiếp tục thực hiện tiêm gây mê cho đến khi mê.

- Bước 2: Tiêm 100 miligrams Pancuronium bromide.

- Bước 3: Tiêm 100 grams Potassium chloride.

d) Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện tiêm lần thứ hai.

Trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà người bị thi hành án vẫn chưa chết, thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.

5. Việc thực hiện các bước theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 4 Điều này có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.

6. Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.

7. Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình.

8. Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản theo quy định về việc người bị thi hành án đã chết.

9. Việc giải quyết các thủ tục sau khi người bị thi hành án đã chết thực hiện theo quy định tại các điểm e, g, h, khoản 4 Điều 59 và Điều 60 Luật Thi hành án hình sự.

Điều 9. Chi phí mai táng

Chi phí mai táng người bị thi hành án tử hình bao gồm: 01 quan tài bằng gỗ thường, 01 bộ quần áo thường, 04 m vải liệm, hương, nến, rượu, cồn để làm vệ sinh khi liệm tử thi và các chi phí mai táng khác.

Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi về mai táng thì phải tự chịu chi phí đưa di chuyển tử thi và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

MỤC 1

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 10. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an

1. Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về thi hành án tử hình.

2. Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi hành án tử hình cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an các cấp.

3. Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình trong Công an nhân dân.

4. Xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí phục vụ thi hành án tử hình.

5. Tiếp nhận, giải quyết trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài sử dụng nhận hài cốt đưa về nước.

6. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo; giải quyết khiếu nại tố cáo về công tác thi hành án tử hình theo quy định.

7. Tổng kết công tác thi hành án tử hình của Công an nhân dân.

Điều 11. Trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh

1. Tham gia Hội đồng thi hành án tử hình

2. Giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch, phương án, phân công nhiệm vụ, tổ chức, điều động, bố trí lực lượng, phương tiện cơ sở vật chất khác bảo đảm tuyệt đối an toàn cho việc thi hành án tử hình.

3. Lập Đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm Đội trưởng và các Tổ; áp giải, xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc.

4. Tiếp nhận người bị thi hành án tử hình do trại tạm giam bàn giao để áp giải đến nơi thi hành án.

5. Thực hiện các thủ tục giải quyết cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình nhận tử thi hoặc đưa hài cốt của người bị thi hành án tử hình về địa phương hoặc về nước an táng (nếu người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài).

6. Làm các thủ tục đưa tử thi vào bảo quản tại các bệnh viện trong trường hợp cần thiết mà cơ quan thi hành án hình sự chưa có nơi lưu giữ.

7. Làm thủ tục khai tử; tổ chức an táng, vẽ sơ đồ và đặt bia trên mộ của người bị thi hành án tử hình, thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ biết.

8. Báo cáo kết quả thi hành án tử hình cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an.

10. Quản lý hồ sơ thi hành án tử hình theo quy định.

11. Thực hiện các quy định khác về thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi tổ chức thi hành án tử hình

1. Giúp Trưởng Công an cấp huyện xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự nơi tổ chức thi hành án tử hình.

2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật tại khu vực tổ chức thi hành án tử hình.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Điều 13. Trách nhiệm của Trại tạm giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình

1. Chuẩn bị các điều kiện và nơi làm việc theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Bàn giao người bị thi hành án tử hình cho Đội thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án.

3. Tổ chức cho người bị thi hành án tử hình ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án.

4. Bàn giao cho gia đình thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tài sản, tiền mà người bị thi hành án tử hình gửi lại trong thời gian bị giam giữ (nếu có).

5. Bàn giao hồ sơ của người bị thi hành án tử hình theo quy định.

MỤC 2

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN THUỘC QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN TRONG QUÁ TRÌNH THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 14. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng

1. Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về thi hành án tử hình trong Quân đội nhân dân.

2. Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi hành án tử hình cho Cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân.

3. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình trong Quân đội nhân dân.

4. Tiếp nhận, giải quyết các trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình là nước ngoài được nhận hài cốt đưa về nước.

Điều 15. Trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu

1. Tham gia Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Giúp Tư lệnh quân khu xây dựng kế hoạch, phương án, phân công nhiệm vụ, tổ chức, điều động, bố trí lực lượng, phương tiện cơ sở vật chất khác bảo đảm tuyệt đối an toàn cho việc thi hành án tử hình.

3. Lập Đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm Đội trưởng và các Tổ: áp giải, xác định tĩnh mạch, tiêm thuốc.

4. Tiếp nhận người bị thi hành án tử hình do trại tạm giam bàn giao để áp giải đến nơi thi hành án.

5. Thực hiện các thủ tục giải quyết cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình nhận tử thi hoặc đưa hài cốt của người bị thi hành án tử hình về địa phương hoặc về nước an táng (nếu người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài).

6. Làm các thủ tục đưa tử thi vào bảo quản tại các bệnh viện trong trường hợp cần thiết mà Cơ quan thi hành án tử hình chưa có nơi lưu giữ.

7. Làm thủ tục khai tử; tổ chức an táng, vẽ sơ đồ và đặt bia trên mộ của người bị thi hành án tử hình, thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ biết.

8. Báo cáo kết quả thi hành án tử hình cho Cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

9. Quản lý hồ sơ thi hành án tử hình theo quy định.

10. Thực hiện các quy định khác về thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của Trại tạm giam cấp quân khu nơi giam giữ người bị kết án tử hình

1. Chuẩn bị các điều kiện và nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Bàn giao người bị thi hành án tử hình cho Đội thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình.

3. Tổ chức cho người bị thi hành án tử hình ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án.

4. Bàn giao cho gia đình thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tài sản, tiền mà người bị thi hành án tử hình gửi lại trong thời gian giam giữ (nếu có).

5. Bàn giao hồ sơ của người bị thi hành án tử hình theo quy định.

6. Thực hiện các thủ tục giải quyết cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được đưa tử thi hoặc cải táng đưa hài cốt người bị thi hành án tử hình về địa phương hoặc về nước (nếu người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài) an táng.

7. Tổ chức an táng, vẽ sơ đồ mộ và cắm bia trên mộ của người bị thi hành án tử hình.

MỤC 3

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án tử hình.

2. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

3. Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng quy định của pháp luật về thi hành án tử hình.

4. Hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, đối với cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

5. Xây dựng kế hoạch chương trình, đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

6. Lập dự trù kinh phí trong lực lượng Công an nhân dân để bảo đảm cho công tác thi hành án tử hình.

7. Chỉ đạo Công an các cấp thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và tổng kết về thi hành án tử hình.

8. Thực hiện tổng kết, báo cáo, thống kê nhà nước về thi hành án tử hình.

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc trong Quân đội nhân dân.

2. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án tử hình trong Quân đội nhân dân.

3. Chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án tử hình theo quy định trong Quân đội nhân dân.

4. Hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

5. Xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

6. Lập dự trù kinh phí để bảo đảm cho công tác thi hành án tử hình trong Quân đội nhân dân.

7. Phối hợp với Bộ Công an trong việc báo cáo, thống kê và tổng kết công tác thi hành án tử hình.

Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Cung cấp đủ số lượng và hướng dẫn bảo quản sử dụng các loại thuốc được quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 6 Nghị định này để phục vụ thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

2. Chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ, bệnh viện, cơ sở đào tạo y tế phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Quốc phòng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật chuyên ngành y tế có liên quan đến việc thi hành án tử hình cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

3. Chỉ đạo các bệnh viện thuộc ngành y tế:

a) Cử bác sĩ hỗ trợ cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình;

b) Tiếp nhận, bảo quản tử thi người bị thi hành án tử hình do cơ quan thi hành án hình sự chuyển đến trong trường hợp cần thiết.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thi hành án tử hình

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cấp đất để xây dựng nơi thi hành án tử hình, chỉ định nơi mai táng người bị thi hành án tử hình; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan liên quan ở địa phương phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho việc thi hành án tử hình.

Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án tử hình

Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Công an cấp huyện, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện và tham gia phối hợp với các cơ quan liên quan trong thi hành án tử hình.

Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án tử hình

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức thi hành án tử hình có trách nhiệm tham gia bảo đảm an ninh, trật tự nơi thi hành án; cử đại diện chứng kiến việc thi hành án tử hình; làm thủ tục khai tử cho người bị thi hành án tử hình; phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Cơ quan thi hành án cấp quân khu trong việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án tử hình.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp được phép nhận tử thi hoặc đưa hài cốt của người bị thi hành án tử hình về an táng có trách nhiệm bảo đảm chấp hành đúng quy định của pháp luật an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2011.

Những quy định trước đây của Chính phủ về thi hành án tử hình trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.