• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/2011
BỘ CÔNG AN-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 04/2011/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 18 tháng 7 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chế độ hưu trí đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp tham gia

kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên

công tác trong Công an nhân dân đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương

____________________________

 

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ;

Thi hành Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ;

Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ hưu trí đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương trước ngày 01 tháng 4 năm 2000.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước, có 20 năm trở lên công tác trong Công an nhân dân, gồm cả thời gian phục vụ trong Quân đội nhân dân sau đó chuyển sang Công an nhân dân, hiện không thuộc diện đang được hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng, thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Đã xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000.

2. Thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang điều trị tại các Trung tâm Điều dưỡng thương binh hoặc từ Trung tâm Điều dưỡng thương binh đã về gia đình trước ngày 01 tháng 4 năm 2000.

3. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân, viên chức công an rồi thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; đã có quyết định chuyển ngành trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 nhưng không thực hiện được, hoặc đã về địa phương mà chưa được giải quyết chế độ thôi việc, xuất ngũ.

4. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xuất ngũ, thôi việc đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được cử đi lao động hợp tác quốc tế sau khi về nước đã xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000.

Điều 3. Đối tượng không áp dụng

Đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này không được hưởng chế độ quy định tại Nghị định số 11/2011/NĐ-CP, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi.

2. Vi phạm pháp luật đang chấp hành án tù chung thân; đang thi hành án tù giam; bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích.

3. Xuất cảnh trái phép hoặc đang bị tòa án tuyên bố là mất tích.

Điều 4. Thời gian công tác làm căn cứ tính hưởng chế độ hưu trí

1. Là tổng thời gian công tác thực tế trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân (nếu có), có đóng bảo hiểm xã hội hoặc được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tính đến thời điểm xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành, hoặc chuyển sang Trung tâm Điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và được xác định trong hồ sơ cán bộ, hồ sơ xuất ngũ, thôi việc, hoặc hồ sơ thương binh. Thời gian công tác trong Công an nhân dân (hoặc Quân đội nhân dân) nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

Trường hợp chuyển ngành rồi thôi việc; hoặc đã xuất ngũ, thôi việc sau đó lại tiếp tục vào công tác ở cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài Công an nhân dân (hoặc Quân đội nhân dân) rồi thôi việc, hoặc đã xuất ngũ, thôi việc đi lao động hợp tác quốc tế, hoặc được cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước sau đó xuất ngũ, thôi việc thì thời gian công tác ngoài Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, thời gian đi lao động hợp tác quốc tế không được tính hưởng chế độ hưu trí.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A, sinh năm 1948, nhập ngũ vào Quân đội nhân dân tháng 02 năm 1968, đến tháng 5 năm 1975 chuyển sang Công an nhân dân, đến tháng 10 năm 1991 xuất ngũ. Theo quy định, thời gian công tác trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân căn cứ tính hưởng chế độ hưu trí của ông A là 23 năm 09 tháng (Bao gồm thời gian công tác trong Quân đội nhân dân từ tháng 02 năm 1968 đến tháng 4 năm 1975 và thời gian công tác trong Công an nhân dân từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 10 năm 1991).

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1950, vào Công an nhân dân tháng 3 năm 1967, đến tháng 8 năm 1987 ông B được giải quyết chế độ thôi việc và đi hợp tác lao động quốc tế tại Liên Xô (cũ), năm 1991 về nước. Theo quy định, thời gian công tác trong Công an nhân dân làm căn cứ tính hưởng chế độ hưu trí của ông B là 20 năm 06 tháng (từ tháng 3 năm 1967 đến tháng 8 năm 1987).

Ví dụ 3: Bà Hoàng Thị C, sinh năm 1949, vào Công an nhân dân tháng 3 năm 1968, tháng 4 năm 1976 bà C được chuyển sang làm Công an nhân dân, đến tháng 3 năm 1989 thôi việc. Theo quy định, thời gian công tác trong Công an nhân dân làm căn cứ tính hưởng chế độ hưu trí của bà C là 21 năm 01 tháng (từ tháng 3 năm 1968 đến tháng 3 năm 1989).

2. Thời gian công tác để tính hưởng chế độ hưu trí nếu có tháng lẻ thì dưới 03 tháng không tính, có từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính bằng một nửa (1/2) mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội, có từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính bằng mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội.

Chương II

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

Điều 5. Lương hưu hàng tháng

1. Mức lương hưu hàng tháng được tính theo số năm thực tế công tác được tính hưởng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như sau: Đủ 15 năm tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 4: Ông Trần Văn T, sinh năm 1948, vào Công an nhân dân tháng 5 năm 1965, thôi việc tháng 8 năm 1988 với lương cấp bậc hàm Đại úy, có 23 năm 04 tháng công tác trong Công an nhân dân; nay được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, cách tính tỷ lệ % lương hưu của ông T như sau:

- Đủ 15 năm = 45%

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 23 (8 năm): 2% x 8 (năm) = 16%

- Có 4 tháng lẻ được tính thêm: 2% x 0,5 = 1%

Tỷ lệ % lương hưu của ông T là: 45% + 16% + 1% = 62%.

Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1950, tháng 3 năm 1967 nhập ngũ vào Quân đội nhân dân, tháng 6 năm 1975 chuyển sang Công an nhân dân, tháng 3 năm 1987 thôi việc với lương cấp bậc hàm Thượng úy, có 20 năm 01 tháng công tác trong quân đội và công an; nay được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, cách tính tỷ lệ % lương hưu của bà N như sau:

- Đủ 15 năm = 45%

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 20 (5 năm): 3% x 5 (năm) = 15%

- Có 01 tháng lẻ: không được tính

Tỷ lệ % lương hưu của bà N là: 45% + 15% = 60%.

2. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính lương hưu là mức bình quân tiền lương (lương cấp bậc hàm, ngạch, bậc và phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ (nếu có)) trong 05 năm cuối (60 tháng) trước khi xuất ngũ, thôi việc hoặc trước khi chuyển sang Trung tâm Điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (trong đó hệ số lương và phụ cấp được chuyển đổi thành hệ số lương, phụ cấp tương ứng quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang (mức lương cấp bậc hàm chuẩn úy tính bằng hệ số 3,0)). Tiền lương tối thiểu để làm cơ sở tính lương hưu là mức 290.000 đồng/tháng.

Ví dụ 6: Trường hợp ông Trần Văn T ở ví dụ 4, có diễn biến tiền lương 5 năm cuối trước khi thôi việc như sau:

- Từ tháng 9 năm 1983 đến tháng 6 năm 1986 (34 tháng), lương cấp bậc hàm Thượng úy (hệ số 3,80), phụ cấp thâm niên nghề 21%.

- Từ tháng 7 năm 1986 đến tháng 8 năm 1988 (26 tháng), lương cấp bậc hàm Đại úy (hệ số 4,15), phụ cấp thâm niên nghề 23%.

Mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu:

- 3,80 x 290.000 đồng x 1,21 x 34 tháng = 45.336.280 đồng.

- 4,15 x 290.000 đồng x 1,23 x 26 tháng = 38.487.930 đồng.

(45.336.280 đồng + 38.487.930 đồng) : 60 tháng = 1.397.070 đồng

Lương hưu hàng tháng của ông T được tính theo thời điểm trước tháng 10 năm 2004 là: 1.397.070 đồng x 62% = 866.183 đồng.

a) Trường hợp có thời gian hưởng lương hưu chưa đủ 5 năm (60 tháng) thì tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu là mức bình quân tiền lương của các tháng được hưởng lương theo cấp bậc hàm, ngạch, bậc.

b) Trường hợp hồ sơ chỉ xác định được mức tiền lương cuối cùng trước khi xuất ngũ, thôi việc thì áp dụng thời hạn thăng cấp, nâng lương quy định tại Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam và Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam năm 1991 để xác định diễn biến tiền lương 5 năm cuối làm căn cứ tính lương hưu.

c) Đối với các trường hợp chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân sau đó thôi việc thì việc tính lương hưu được thực hiện như sau:

Được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (tính đến thời điểm thôi việc), cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề đã được hưởng tại tháng liền kề trước khi chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân (được chuyển đổi theo hệ số lương, phụ cấp tương ứng quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; tiền lương tối thiểu làm cơ sở tính lương hưu là mức 290.000 đồng/tháng) làm cơ sở tính lương hưu.

Trường hợp mức lương hưu được tính như trên mà thấp hơn mức lương hưu tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân (được chuyển đổi theo hệ số lương, phụ cấp tương ứng quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; tiền lương tối thiểu làm cơ sở tính lương hưu là mức 290.000 đồng/tháng) để tính lương hưu.

3. Đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này được hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 5 năm 2010, lương hưu hàng tháng được áp dụng điều chỉnh tăng theo quy định của Chính phủ đối với người hưởng lương hưu trước tháng 10 năm 2004. Cụ thể là:

a) Tăng 10% lương hưu tính theo thời điểm trước tháng 10 năm 2004 theo quy định tại Nghị định số 208/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004.

b) Tăng 8% lương hưu tính theo điểm a khoản này theo quy định tại Nghị định số 117/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005.

c) Tăng 20,7% lương hưu tính theo điểm b khoản này theo quy định tại Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005.

d) Tăng 8% lương hưu tính theo điểm c khoản này theo quy định tại Nghị định số 93/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006.

đ) Tăng 28,6% lương hưu tính theo điểm d khoản này theo quy định tại Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006.

e) Tăng 20% lương hưu tính theo điểm đ khoản này theo quy định tại Nghị định số 184/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2007.

f) Tăng 15% lương hưu tính theo điểm e khoản này theo quy định tại Nghị định số 101/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2008.

g) Tăng 5% lương hưu tính theo điểm f khoản này theo quy định tại Nghị định số 34/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2009.

h) Tăng 12,3% lương hưu tính theo điểm g khoản này theo quy định tại Nghị định số 29/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2010.

i) Từ ngày 01 tháng 5 năm 2011, tăng 13,7% lương hưu tính theo điểm h khoản này theo quy định tại Nghị định số 23/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2011.

Khi Chính phủ tiếp tục điều chỉnh lương hưu thì lương hưu của các đối tượng cũng được điều chỉnh tương ứng.

Ví dụ 7: Trường hợp ông Trần Văn T ở ví dụ 4 (lương hưu hàng tháng được tính tại ví dụ 6), được điều chỉnh lương hưu hàng tháng như sau:

- Tăng 10% theo Nghị định số 208/2004/NĐ-CP là: 866.183 đồng x 1,10 = 952.801 đồng

- Tăng 8% theo Nghị định số 117/2005/NĐ-CP là: 952.801 đồng x 1,08 = 1.029.025 đồng

- Tăng 20,7% theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP là: 1.029.025 đồng x 1,207 = 1.242.033 đồng

- Tăng 8% theo Nghị định số 93/2006/NĐ-CP là: 1.242.033 đồng x 1,08 = 1.341.396 đồng

- Tăng 28,6% theo Nghị định số 94/2006/NĐ-CP là: 1.341.396 đồng x 1,286 = 1.725.035 đồng.

- Tăng 20% theo Nghị định số 184/2007/NĐ-CP là: 1.725.035 đồng x 1,20 = 2.070.042 đồng

- Tăng 15% theo Nghị định số 101/2008/NĐ-CP là: 2.070.042 đồng x 1,15 = 2.380.548 đồng

- Tăng 5% theo Nghị định số 34/2009/NĐ-CP là: 2.380.548 đồng x 1,05 =  2.499.575 đồng

- Tăng 12,3% theo Nghị định số 29/2010/NĐ-CP là: 2.499.575 đồng x 1,123 = 2.807.023 đồng

Lương hưu của ông T được hưởng từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 đến hết tháng 4 năm 2011 là 2.807.023 đồng/tháng.

Từ ngày 01 tháng 5 năm 2011 lương hưu của ông T được điều chỉnh tăng 13,7% theo Nghị định số 23/2011/NĐ-CP là: 2.807.023 đồng x 1,137 = 3.191.585 đồng/tháng.

4. Trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này nhưng hưởng sinh hoạt phí thì mức lương hưu hàng tháng được hưởng bằng mức lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ cho từng thời kỳ.

Điều 6. Chế độ bảo hiểm y tế, tử tuất, trợ cấp khu vực một lần

1. Đối tượng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; khi chết, người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng và thân nhân được nhận trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

2. Đối tượng quy định tại Khoản 1, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này từ trần trước ngày 01 tháng 4 năm 2011 thì một trong các thân nhân của đối tượng (vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp) được đại diện nhận chế độ một lần bằng 3.600.000 đồng (ba triệu sáu trăm nghìn đồng).

3. Đối tượng quy định tại Khoản 1, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này từ trần sau ngày 01 tháng 4 năm 2011 nhưng chưa được hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này thì thân nhân của đối tượng được truy lĩnh tiền lương hưu từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 đến tháng đối tượng từ trần và được hưởng các chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này nếu quá trình công tác có đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả phụ cấp khu vực, hoặc được coi là đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả phụ cấp khu vực thì đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với trường hợp đã từ trần) được hưởng trợ cấp khu vực một lần theo quy định tại Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Chương III

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN VÀ KINH PHÍ ĐẢM BẢO

Điều 7. Hồ sơ xét hưởng chế độ

1. Hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ hưu trí hàng tháng bao gồm:

a) Bản khai cá nhân của đối tượng (05 bản) theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Một hoặc một số giấy tờ gốc, hoặc được coi là giấy tờ gốc, hoặc giấy tờ liên quan (bản chính hoặc bản sao có công chứng hoặc bản sao có xác nhận của Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) làm căn cứ xét duyệt phải đủ yếu tố xác định được thời gian công tác thực tế trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân (tháng, năm vào Công an hoặc nhập ngũ, xuất ngũ, thôi việc, đi lao động hợp tác quốc tế, chuyển ngành, chuyển sang công nhân, viên chức công an) và diễn biến tiền lương của 05 năm cuối trước khi xuất ngũ, thôi việc sau đây:

- Lý lịch cán bộ, hoặc lý lịch quân nhân, hoặc lý lịch Đảng viên, hoặc sổ bảo hiểm xã hội;

- Quyết định thôi việc, xuất ngũ, chuyển ngành, chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân; bản khai quá trình đóng bảo hiểm xã hội hoặc quyết định giải quyết chế độ xuất ngũ, thôi việc;

- Các giấy tờ liên quan khác có thể chứng minh được quá trình công tác trong Công an nhân dân và diễn biến tiền lương như: quyết định tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương; giấy chiêu sinh vào học tại các trường Công an nhân dân; danh sách cán bộ; quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật, giấy chứng nhận thương binh (đối với đối tượng là thương binh) …

- Trường hợp không còn giấy tờ để xác định được thời gian công tác trong Công an nhân dân, hoặc Quân đội nhân dân thì phải có giấy xác nhận của đơn vị công tác (cấp Vụ, Cục, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương) trước khi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thôi việc, xuất ngũ, hoặc đi lao động hợp tác quốc tế (trường hợp đơn vị công tác của cán bộ, chiến sĩ đã giải thể hoặc tách ra thành nhiều đơn vị thì đơn vị quản lý cấp trên theo thẩm quyền quản lý hồ sơ xác nhận);

- Huân, Huy chương kháng chiến (hoặc giải phóng) và các hình thức khen thưởng khác;

c) Văn bản đề nghị xét hưởng chế độ (kèm danh sách) của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú theo mẫu số 02 kèm theo Thông tư này.

2. Hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ 1 lần bao gồm:

a) Bản khai thân nhân (03 bản) theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Một trong các giấy tờ quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này.

c) Giấy chứng tử hoặc báo tử.

d) Văn bản đề nghị xét hưởng chế độ (kèm danh sách) của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú theo mẫu số 02 kèm theo Thông tư này.

3. Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng chuyển Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú để quản lý và chi trả lương hưu gồm:

a) Giấy giới thiệu của Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân theo mẫu số 03 kèm theo Thông tư này;

b) Quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân theo mẫu số 04 kèm theo Thông tư này;

c) Bản ghi quá trình công tác được tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo mẫu số 05 kèm theo Thông tư này.

d) Bản khai cá nhân theo mẫu số 01 kèm theo Thông tư này.

4. Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam để quản lý, lưu trữ gồm các giấy tờ quy định tại Điểm b, c và d Khoản 3 nêu trên.

Điều 8. Trình tự và trách nhiệm thực hiện

1. Đối tượng hoặc thân nhân đối tượng lập bản khai theo mẫu và nộp các giấy tờ quy định tại điểm a, b Khoản 1 hoặc điểm a, b, c Khoản 2 Điều 7 Thông tư này cho Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

2. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

a) Hướng dẫn và tổ chức tiếp nhận hồ sơ của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn;

b) Tổ chức thẩm tra, xác minh, lập danh sách, gửi hồ sơ, báo cáo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tiếp nhận hồ sơ do Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chuyển đến;

b) Tổ chức thẩm tra, xác minh, xét duyệt và lập hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ theo quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 7 Thông tư này gửi về Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Cục Chính sách, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân).

c) Tiếp nhận hồ sơ do Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân đã giải quyết chuyển về; tổ chức trao giấy chứng nhận hưu trí cho các đối tượng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng; chi trả trợ cấp một lần; truy trả lương hưu (bao gồm cả trợ cấp khu vực nếu có) cho thân nhân đối tượng đã từ trần theo quyết định của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và thanh quyết toán với Cục Tài chính, Bộ Công an theo quy định.

d) Chuyển 01 bộ hồ sơ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này để Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý và chi trả lương hưu cho đối tượng.

4. Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân

a) Tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đề nghị hưởng chế độ.

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ra quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, chế độ trợ cấp một lần; cấp số hồ sơ hưởng chế độ hưu trí; cấp giấy chứng nhận hưu trí; cấp giấy giới thiệu hưởng chế độ hưu trí; ra quyết định truy trả lương lưu, trợ cấp mai táng phí, trợ cấp tử tuất một lần (hoặc hàng tháng) đối với các đối tượng đã từ trần theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này; lưu trữ 01 bộ hồ sơ và chuyển hồ sơ đã giải quyết về Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.

c) Chuyển 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư này đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam để quản lý và lưu trữ.

d) Tổng hợp đề nghị của Công an các địa phương gửi Cục Tài chính, Bộ Công an để làm căn cứ lập dự toán kinh phí chi trả chế độ trợ cấp một lần và truy trả lương hưu theo quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 6 Thông tư này.

Điều 9. Kinh phí đảm bảo

1. Kinh phí lập, xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng và chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại Thông tư này là 20.000 đồng/1 hồ sơ (hai mươi ngàn đồng/một hồ sơ) và kinh phí chi trả chế độ trợ cấp một lần (bao gồm cả kinh phí truy trả lương hưu, mai táng phí, trợ cấp tử tuất một lần, trợ cấp khu vực một lần) do ngân sách nhà nước đảm bảo và được Bộ Tài chính cấp qua Bộ Công an.

2. Kinh phí chi trả lương hưu hàng tháng do ngân sách nhà nước đảm bảo và bố trí trong dự toán cho ngân sách hàng năm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Bộ Công an

Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:

a) Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân

Tuyên truyền, phổ biến chính sách; hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006; Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ và Thông tư này.

Chủ trì phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Công an nhân dân theo dõi, kiểm tra, đề xuất giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

b) Cục Tài chính

Lập dự toán kinh phí đảm bảo thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này để Bộ Công an gửi Bộ Tài chính duyệt, cấp kinh phí.

Tổ chức cấp kinh phí cho Công an các đơn vị, địa phương và thanh quyết toán theo quy định.

c) Công an các đơn vị, địa phương

Tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Phối hợp, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan hoặc xác nhận thời gian công tác của đối tượng đã công tác tại đơn vị, khi có yêu cầu của Công an địa phương nơi đối tượng hoặc thân nhân đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú để làm căn cứ giải quyết chế độ.

2. Bộ Tài chính

Đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006; Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ và Thông tư này.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này.

b) Hướng dẫn điều chỉnh lương hưu hàng tháng theo quy định của Chính phủ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã được hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định tại Thông tư này.

c) Chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận khoản trợ cấp hàng tháng của đối tượng nộp trả theo quy định tại Khoản 4, Điều 11 Thông tư này.

4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam

a) Hướng dẫn Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ hưu trí do Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân chuyển đến; thực hiện quản lý, chỉ trả lương hưu hàng tháng và các chế độ khác đối với người hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Thông tư này.

b) Tiếp nhận hồ sơ hưởng lương hưu hàng tháng do Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân chuyển đến và lưu trữ theo quy định.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2011. Các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.

2. Khi hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, đối tượng không phải nộp lại số tiền trợ cấp xuất ngũ, thôi việc đã nhận.

Đối tượng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đồng thời là thương binh vẫn được hưởng các chế độ quyền lợi đối với thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành.

3. Đối với các đối tượng đã được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP mà nay thuộc đối tượng bổ sung theo quy định tại Nghị định số 11/2011/NĐ-CP, nếu có thời gian tính hưởng hưu trí tăng lên thì lương hưu được điều chỉnh tương ứng với thời gian công tác thực tế và tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu mới (nếu có thay đổi) theo quy định kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.

4. Đối với các đối tượng đã được giải quyết chế độ trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008, hoặc Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010, hoặc Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, nếu nay đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 11/2011/NĐ-CP thì được chuyển sang thực hiện chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này đồng thời dừng hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010. Khi hưởng chế độ hưu trí hàng tháng các đối tượng trên phải nộp lại số tiền trợ cấp đã nhận cho đơn vị đã chi trả chế độ trợ cấp một lần hoặc nộp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi trả trợ cấp hàng tháng (đối với đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng) để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

5. Đối tượng vừa có thời gian công tác trong Công an nhân dân vừa có thời gian công tác trong Quân đội nhân dân nếu thuộc biên chế Công an nhân dân trước khi xuất ngũ, thôi việc lần cuối thì do Bộ Công an giải quyết chế độ hưu trí hoặc trợ cấp 1 lần theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

6. Đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này, bị kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân, hoặc bị kết án tù giam trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đã chấp hành xong án phạt tù, chuyển về địa phương nhưng chưa được giải quyết chế độ, chính sách, Bộ Công an cân nhắc mức độ sai phạm và quá trình cống hiến đối với từng trường hợp cụ thể xem xét vận dụng giải quyết chế độ hưu trí sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về liên Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an) để xem xét, giải quyết, hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Trung tướng Đặng Văn Hiếu

Phạm Minh Huân

Nguyễn Công Nghiệp

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.