• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/04/2013
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 26/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 11 tháng 3 năm 2013

THÔNG TƯ

Hướng dẫn giải ngân và cơ chế tài chính đối với nguồn vốntín dụng và viện trợ

của Chính phủ Liên bang Nga cho Dự án Xây dựng nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1

_________________________

 

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về nghiệp vụ quản lý nợ công;

Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc cung cấp khoản tín dụng xuất khẩu nhà nước để tài trợ xây dựng Nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam ký ngày 21/11/2011 (Hiệp định tín dụng);

Căn cứ Thoả thuận bổ sung thứ 2 kèm theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về xử lý nợ của Việt Nam đối với Liên bang Nga đối với khoản tín dụng đã cung cấp trước đây, ký ngày 21/11/2011 (Thoả thuận bổ sung thứ 2) và thư trao đổi ngày 16/10/2012 sửa đổi Điều 1 Thoả thuẩn bổ sung thứ 2;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 301/VPCP-QHQT ngày 19/3/2012 phê duyệt cơ chế tài chính và công văn số 4726/VPCP-KTTH ngày 28/6/2012 phê duyệt mức phí cho vay lại đối với Dự án;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn giải ngân và cơ chế tài chính đối với nguồn vốn tín dụng và viện trợ của Chính phủ Liên bang Nga cho Dự án Xây dựng nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (Dự án).

Phần I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này qui định thủ tục giải ngân và cơ chế tài chính áp dụng đối với nguồn vốn tín dụng và viện trợ của Chính phủ Liên bang Nga cho Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Điều 2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị sau:

- Cơ quan cho vay lại: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

- Ngân hàng phục vụ: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

- Cơ quan vay lại: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

- Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn tín dụng và viện trợ của Chính phủ Liên bang Nga để thực hiện Dự án.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý và sử dụng khoản tín dụng và viện trợ:

1. Khoản tín dụng nhà nước của Chính phủ Liên bang Nga cho Chính phủ Việt Nam vay theo Hiệp định tín dụng được ký giữa hai Chính phủ là vốn vay nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ Việt Nam nhận nợ với Chính phủ Liên bang Nga và chịu trách nhiệm trả nợ cho Liên bang Nga khi đến hạn. Bộ Tài chính uỷ quyền Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) vay lại toàn bộ khoản vay của Chính phủ Liên bang Nga để đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

2. Khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Liên bang Nga tài trợ cho việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, được trích từ nguồn trả nợ của Chính phủ Việt Nam cho Liên bang Nga theo Thoả thuận bổ sung số 2 của Hiệp định xử lý nợ tổng thể ký ngày 13.9.2000, là khoản thu của Ngân sách nhà nước và được cấp phát cho EVN theo hình thức ghi thu, ghi chi Ngân sách nhà nước.

3. Các khoản tín dụng nhà nước và viện trợ của Chính phủ Liên bang Nga dành cho Chính phủ Việt Nam phải được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện qui định trong Hiệp định tín dụng và Thoả thuận bổ sung số 2 và các quy định hiện hành có liên quan của Việt Nam.

Phần II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Các điều kiện cho vay lại áp dụng đối với khoản tín dụng của Liên bang Nga theo Hiệp định tín dụng:

1. Trị giá vay: theo hạn mức vay qui định tại Hiệp định tín dụng được ký giữa hai Chính phủ. Mức tiền vay thực tế là tổng số tiền được giải ngân và nhận nợ với Liên bang Nga.

2. Thời gian giải ngân: từ năm 2014 đến hết năm 2021.

3. Đồng tiền cho vay lại và thu hồi nợ: đồng Đô la Mỹ (USD). Trong trường hợp EVN trả nợ bằng đồng Việt Nam, sẽ áp dụng theo tỷ giá bán ra đồng Đô la Mỹ do Vietcombank công bố tại thời điểm thu nợ.

4. Thời gian cho vay lại: 29 năm, trong đó 8 năm ân hạn kể từ ngày giải ngân đầu tiên khoản tín dụng, nhưng bắt đầu trả gốc không muộn hơn ngày 15/3/2022, trả 2 kỳ/năm vào ngày 5/3 và 5/9.

5. Lãi suất cho vay lại: được quy định cụ thể tại Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại.

Lãi phạt: 150% lãi suất cho vay lại, tính từ ngày đến hạn đến ngày thanh toán hết khoản nợ quá hạn.

6. Ngoài lãi suất cho vay lại nêu tại điểm 5 trên, EVN phải trả các loại phí sau:

- Phí thanh toán đối ngoại trả cho Vietcombank: do Vietcombank công bố;

- Phí cho vay lại theo mức 0,125%/năm trên dư nợ gốc trong đó VDB được hưởng 0,1%/năm và Bộ Tài chính được hưởng 0,025%/năm.

7. Ngày EVN nhận nợ với Ngân sách nhà nước là ngày Liên bang Nga ghi nợ cho Việt Nam theo quy định tại Thoả thuận về quy trình thanh toán và hạch toán khoản tín dụng được ký giữa Vietcombank và Ngân hàng Phát triển và Kinh tế đối ngoại Nga (Vnesheconombank) ký ngày 23/5/2012 (Thoả thuận ngân hàng).

Điều 5. Giải ngân:

1. Vốn vay

a) Quy trình và thủ tục giải ngân:

Việc giải ngân vốn tín dụng vay Liên bang Nga được thực hiện theo hình thức thanh toán nhờ thu theo bộ chứng từ có chấp nhận trước theo quy định tại Điều 2 Hiệp định tín dụng, Thoả thuận ngân hàng và hướng dẫn tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án ODA và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (sau đây viết là Thông tư số 108/2007/TT-BTC). Quy trình giải ngân khoản tín dụng được thực hiện như sau:

- Sau khi hoàn tất các thủ tục phê duyệt trong nước, EVN gửi thông báo cho Bộ Tài chính kèm theo 04 bản Hợp đồng thương mại gốc được ký giữa EVN và các tổ chức Nga để Bộ Tài chính làm thủ tục đề nghị Bộ Tài chính Liên bang Nga chấp thuận tài trợ hợp đồng (theo quy định tại Điều 8 của Hiệp định tín dụng). Các Hợp đồng này chỉ có hiệu lực giải ngân sau khi được Bộ Tài chính Liên bang Nga chính thức chấp thuận tài trợ gửi Bộ Tài chính.

- Giá trị của từng lần giải ngân được căn cứ vào các Hợp đồng được ký kết giữa EVN và các tổ chức Nga, bộ chứng từ nhờ thu và các hoá đơn do các tổ chức Nga phát hành, được EVN chấp thuận thanh toán thông qua ngân hàng phục vụ là Vietcombank.

- Khi Vietcombank nhận được bộ chứng từ nhờ thu (bản gốc) từ các tổ chức Nga, Vietcombank có trách nhiệm kiểm soát bộ chứng từ, đồng thời chuyển cho EVN kiểm tra, xem xét để có ý kiến chấp thuận thanh toán.

- Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bộ chứng từ thanh toán do Vietcombank chuyển, EVN có ý kiến bằng văn bản gửi cho Vietcombank về việc chấp thuận thanh toán hoặc từ chối thanh toán một phần hoặc toàn bộ bộ chứng từ đó, đồng thời nêu rõ lý do không chấp thuận thanh toán và số tiền từ chối thanh toán.

- Căn cứ ý kiến chấp thuận của EVN, trong vòng 02 ngày kể từ ngày nhận được thông báo chấp thuận thanh toán của EVN, Vietcombank thông báo ý kiến chấp thuận toàn bộ hoặc một phần hoặc từ chối thanh toán và lý do từ chối cho Vnesheconombank để tiến hành thanh toán trực tiếp hoặc thông báo lý do từ chối thanh toán cho các tổ chức Nga.

- Ngày Vietcombank thông báo cho Vnesheconombank về việc chấp thuận bộ chứng từ sẽ được coi là ngày sử dụng và nhận nợ khoản tín dụng.

- Sau mỗi lần nhận nợ khoản tín dụng với Vnesheconombank, Vietcombank thông báo chính thức kèm theo bản sao chứng từ ghi nợ cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để làm thủ tục ghi thu Ngân sách nhà nước và ghi chi cho EVN vay lại.

b) Hồ sơ chứng từ thanh toán: theo quy định tại Hợp đồng thương mại được ký kết giữa EVN và các tổ chức Nga và Thông tư số 108/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

c) Xác nhận kiểm soát chi:

Hình thức kiểm soát chi được áp dụng đối với việc thanh toán của Dự án là kiểm soát chi sau (trừ đợt thanh toán cuối cùng), cụ thể: Sau mỗi đợt thanh toán cho các tổ chức Nga, EVN gửi bộ hồ sơ thanh toán theo qui định tại điểm b khoản 1 Điều này cho VDB kiểm tra và xác nhận kiểm soát chi. Trường hợp giá trị đủ điều kiện thanh toán theo xác nhận của VDB có chênh lệch thấp hơn so với số chi thực tế đã thanh toán ở kỳ trước, EVN chịu trách nhiệm điều chỉnh số chênh lệch này vào giá trị thanh toán kỳ tiếp theo. Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận kiểm soát chi của VDB (bản gốc) là một trong những cơ sở để thanh toán cho đợt tiếp theo.

Riêng đối với đợt thanh toán cuối cùng, VDB thực hiện kiểm soát chi trước khi thanh toán cho các tổ chức Nga để đảm bảo toàn bộ khối lượng thanh toán của Hợp đồng đã được kiểm soát đầy đủ và chính xác.

2. Vốn viện trợ:

a) Quy trình và thủ tục giải ngân:

Việc giải ngân vốn viện trợ tài trợ cho việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án được thực hiện theo quy định tại Thoả thuận bổ sung số 2 và Thoả thuận ngân hàng hướng dẫn kỹ thuật thanh toán khoản viện trợ ký ngày 20/1/2012 giữa Vietcombank và Vnesheconombank. Quy trình giải ngân cụ thể được thực hiện như sau:

- Sau khi nhận được đề nghị thanh toán kèm bản gốc các hoá đơn, chứng từ thanh toán do các tổ chức phía Nga phát hành được Vnesheconombank gửi cho Vietcombank, Vietcombank gửi công văn kèm toàn bộ bộ chứng từ bản gốc nói trên cho EVN;

- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ chứng từ trên, EVN có trách nhiệm kiểm tra và có ý kiến chấp thuận toàn bộ, hoặc chấp thuận một phần hoặc từ chối thanh toán bộ chứng từ. Trường hợp chấp thuận bộ chứng từ, EVN có công văn đề nghị rút vốn gửi Bộ Tài chính kèm theo các chứng từ được quy định mục b điểm 2 Điều 5. Trường hợp EVN từ chối bộ chứng từ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ chứng từ do Vietcombank chuyển, EVN cần phải thông báo cho Vietcombank bằng văn bản, đồng gửi cho Bộ Tài chính, trong đó nêu rõ lý do và số tiền không chấp nhận thanh toán để Vietcombank thông báo cho Vnesheconombank.

- Trên cơ sở công văn đề nghị rút vốn của EVN, trong vòng 05 ngày làm việc, Bộ Tài chính phát hành Lệnh chi tiền yêu cầu Vietcombank trích chuyển tiền từ Tài khoản trả nợ Nga thanh toán cho các tổ chức Nga theo các thông tin chỉ dẫn tại công văn của EVN và ghi nợ tài khoản Trả nợ Nga tại Vietcombank.

- Sau khi chuyển tiền cho Vnesheconombank để thanh toán cho các tổ chức Nga, Vietcombank gửi bản sao Điện chuyển tiền cho Bộ Tài chính và EVN để tiến hành thủ tục ghi thu Ngân sách nhà nước và ghi chi cấp phát cho EVN.

b) Hồ sơ đề nghị giải ngân từng lần: Ngoài các hồ sơ, chứng từ ban đầu cần cung cấp theo quy định tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC, EVN có trách nhiệm gửi các tài liệu sau đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại) để làm căn cứ giải ngân gồm:

- Đơn đề nghị rút vốn viện trợ của EVN;

- Đề nghị thanh toán (hoặc hoá đơn sao y bản gốc) của các tổ chức Nga;

- Biên bản nghiệm thu hoàn thành của EVN (sao y bản gốc);

Riêng đối với đợt rút vốn lần đầu để thanh toán tạm ứng (tiền đặt cọc): Trong vòng 07 ngày làm việc, EVN chuyển bộ hồ sơ đề nghị giải ngân, bổ sung các bản sao (có xác nhận, sao y bản chính của EVN) Bảo lãnh thực hiện Hợp đồng, Bảo lãnh tạm ứng theo quy định tại Hợp đồng cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để làm thủ tục đề nghị Vietcombank thanh toán cho các tổ chức Nga.

Điều 6. Chế độ báo cáo, kế toán và kiểm toán: thực hiện theo quy định tại Phần III Thông tư số 108/2007/TT-BTC.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan :

1. Chủ dự án (Tập đoàn điện lực Việt Nam-EVN):

Ngoài việc thực hiện các trách nhiệm của Chủ dự án được quy định tại Điều 24, chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ, EVN còn có các nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Hàng năm, căn cứ tiến độ thực hiện Dự án và cam kết của Nhà tài trợ, EVN có trách nhiệm lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính cho Dự án (bao gồm cả vốn vay Nga, vốn viện trợ và vốn đối ứng) theo hướng dẫn tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 07/09/2007 của Bộ Tài chính.

b) Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho Dự án theo đúng quy định của Thông tư số 108/2007/TT-BTC.

c) Phối hợp chặt chẽ với Vietcombank để đảm bảo thời hạn trả lời hồ sơ đề nghị thanh toán của các tổ chức Nga theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; kiểm tra, và chịu trách nhiệm về tính chính xác, độ xác thực của bộ chứng từ thanh toán.

d) Lập báo cáo quyết toán năm và quyết toán vốn đầu tư xây dựng hoàn thành Dự án theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

e) Sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với các điều kiện qui định trong Hiệp định tín dụng, Thoả thuận bổ sung số 2.

g) Chịu trách nhiệm nhận nợ, hoàn trả vốn và lãi vay cho VDB theo đúng qui định tại Hợp đồng cho vay lại ký với VDB.

2. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) :

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là Ngân hàng phục vụ cho Dự án được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện việc rút vốn vay, viện trợ và trả nợ cho nước ngoài. Ngoài việc thực hiện các trách nhiệm của Ngân hàng phục vụ được quy định tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC, Vietcombank còn có các nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Phối hợp chặt chẽ với Vnesheconombank để xác nhận kịp thời việc đã tiếp nhận bộ chứng từ thanh toán, thông báo chấp thuận hoặc từ chối thanh toán đúng thời hạn tại Thoả thuận ngân hàng và theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Kiểm tra bộ chứng từ thanh toán, thực hiện giải ngân vốn vay theo yêu cầu của EVN và vốn viện trợ từ nguồn xử lý nợ theo Lệnh chi tiền của Bộ Tài chính và trả nợ vốn vay cho phía Nga theo các quy định tại Thoả thuận ngân hàng và theo hướng dẫn tại Thông tư này.

c) Ghi Nợ Tài khoản « trả nợ Nga » tại Vietcombank và gửi Điện báo thanh toán cho Vnesheconombank.

d) Trong thời gian trích nợ để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (18 tháng), gửi sao kê hàng quý cho Vnesheconombank và đối chiếu số liệu đã thanh toán và số dư trên tài khoản « trả nợ Nga » với Vnesheconombank.

e) Căn cứ thông báo trả nợ nhận được từ Vnesheconombank, chậm nhất 15 ngày trước mỗi kỳ hạn trả nợ (15/3 và 15/9), Vietcombank có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính số tiền lãi và gốc phải trả mỗi kỳ để Bộ Tài chính tiến hành trả nợ cho phía Nga thông qua Vietcombank.

g) Định kỳ 6 tháng, Vietcombank có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) tình hình giải ngân vốn vay và viện trợ, việc trả nợ và số dư tín dụng với Liên bang Nga.

3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam:

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính uỷ quyền để cho EVN vay lại có trách nhiệm thu hồi nợ cho vay lại từ EVN trả vào Quỹ tích luỹ trả nợ do Bộ Tài chính quản lý để có nguồn trả nợ cho Chính phủ Nga. Ngoài các trách nhiệm của Cơ quan cho vay lại theo quy định tại Điều 26 Luật Quản lý nợ công và tại Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, VDB còn có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận kiểm soát chi các khoản thanh toán từ nguồn vốn vay Liên bang Nga cho Dự án kịp thời, theo đúng các quy định của Hiệp định tín dụng, các quy định hiện hành của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại Thông tư này.

Phần III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh kịp thời với Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.