QUYẾT ĐỊNH
Về việc quy định việc phân công giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường,
thị trấn; mức hỗ trợ và lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn
kinh phí hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã,
phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
_____________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND, ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc quy định mức hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định việc phân công giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn; mức hỗ trợ và lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phân công giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn; mức hỗ trợ và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
2. Tiêu chuẩn người được phân công giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Người được phân công giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
a) Người được phân công giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là người được phân công giúp đỡ) phải có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là người được giáo dục). Cụ thể là người được phân công giúp đỡ mà trước đó đã giúp đỡ người được giáo dục có tiến bộ hoặc tiến bộ rõ rệt, như sau:
- Người được giáo dục đang trong thời hạn chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tiến bộ rõ rệt được miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định.
- Người được giáo dục sau khi được sự giúp đỡ trong thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không tái phạm được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
b) Người được phân công giúp đỡ phải là cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư, vùng đồng bào dân tộc hoặc người có kinh nghiệm quản lý, giáo dục người chưa thành niên trong cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em, cụ thể:
- Người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải là người có trong danh sách do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cấp huyện, Ban Dân tộc tỉnh quản lý.
- Cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em phải là người có trong danh sách do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
3. Quyền và nghĩa vụ của người được phân công giúp đỡ
Người được phân công giúp đỡ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 26, 29, 30, 36 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Việc thay đổi người được phân công giúp đỡ được thực hiện nếu người được phân công giúp đỡ không còn điều kiện giúp đỡ hoặc không hoàn thành trách nhiệm được giao. Khi thay đổi, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục phải gửi quyết định phân công đó đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
4. Mức hỗ trợ và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ
a) Mức hỗ trợ
Người được phân công giúp đỡ được hưởng mức hỗ trợ một tháng là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giáo dục.
Một người có thể được phân công giúp đỡ nhiều người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không quá 03 người cùng một lúc.
Được phân công tiếp nếu thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Quyết định này.
Thời gian được hưởng kể từ ngày người được phân công giúp đỡ nhận được Quyết định phân công của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em đến hết thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trường hợp được miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thời gian hưởng được tính đến ngày có quyết định miễn của Chủ tịch UBND cấp xã.
b) Việc lập dự toán nguồn kinh phí hỗ trợ
Căn cứ thực tế các vụ việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn của năm trước và kế hoạch của năm hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổng hợp và lập dự toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thông qua cơ quan Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.
c) Việc quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ
Người được phân công sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định tại Khoản 3 Điều này thì được hưởng mức hỗ trợ.
UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán nguồn kinh phí này theo nội dung, trình tự, thủ tục quy định.
Điều 2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan
1. Các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh
- Ban Dân tộc tỉnh có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định để giới thiệu cho UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan, tổ chức, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em (gọi tắt là cơ quan, tổ chức và các cơ sở) hàng năm thông qua UBND cấp huyện.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn (theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn) để giới thiệu cho UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức và các cơ sở thông qua UBND cấp huyện.
- Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan xây dựng mạng lưới người được phân công giúp đỡ để giới thiệu cho UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức và các cơ sở thông qua UBND cấp huyện thực hiện theo quy định.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hàng năm giới thiệu người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư cho UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức và các cơ sở thông qua UBND cấp huyện.
2. UBND cấp huyện
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở danh sách giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm lập danh sách để giới thiệu cho UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức và các cơ sở.
Chỉ đạo, kiểm tra UBND cấp xã trong việc thực hiện Quyết định này và các văn bản có liên quan.
3. UBND cấp xã
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm kiểm tra việc phân công người giúp đỡ cho người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định.
4. Cơ quan, tổ chức và các cơ sở
Chịu trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các quy định có liên quan theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
Có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của người được phân công giúp đỡ và chịu trách nhiệm về việc phân công đó.
Hỗ trợ, giúp đỡ người được phân công hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và các cá nhân, tổ chức có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.