CHỈ THỊ
V/v tăng cường chỉ đạo công tác thi hành án dân sự
––––––––––––––––––
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Thi hành án Dân sự - Bộ Tư pháp, công tác thi hành án dân sự của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhất là từ khi Pháp lệnh Thi hành án dân sự và các Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ được ban hành, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tài sản của tổ chức, công dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt hạn chế như: lực lượng Chấp hành viên còn thiếu, chưa bảo đảm thực hiện kịp thời đối với số lượng án ngày càng tăng và có tính chất phức tạp; công tác chuyển giao án cho UBND cấp xã thiếu sự phối hợp chặt chẽ; ý thức chấp hành án của một số người dân chưa cao,… làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác thi hành án dân sự và bảo đảm thực thi các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:
1. Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện, tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình; thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành những vụ việc tồn đọng, phức tạp, các vụ án điểm tại địa phương. Thực hiện sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án; đồng thời có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng pháp luật về thi hành án dân sự tại địa phương, nhất là trong vùng đồng bào Khmer, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra thi hành án dân sự tại địa phương.
2. Các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh cần chú trọng thực hiện tốt các công việc như sau:
- Đẩy mạnh hơn nữa việc giải quyết số vụ việc có điều kiện thi hành, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Bộ Tư pháp đề ra hàng năm.
- Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục tham mưu tốt cho Giám đốc Sở Tư pháp kiện toàn tổ chức cơ quan Thi hành án dân sự theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP, ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Kịp thời bổ sung đủ biên chế được giao, khắc phục tình trạng thiếu Chấp hành viên và Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện. Hàng năm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học cho Chấp hành viên, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cơ quan Thi hành án dân sự.
- Tổ chức rà soát án tồn đọng và xác minh, phân loại án để có cơ sở xem xét, đề nghị miễn, giảm thi hành phần tiền phạt, án phí theo Thông tư Liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC, ngày 17/6/2005 của Toà án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Tài chính hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí.
- Thủ trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện định kỳ duy trì lịch tiếp công dân và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo đúng quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg, ngày 7/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; Công văn số 3634/BTP-THA, ngày 03/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác thi hành án dân sự và Công văn số 1506/CTUBND-HC, ngày 23/10/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
3. Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các huyện, thị có trách nhiệm:
- Chỉ đạo, đôn đốc và quan tâm tạo điều kiện cho thi hành dứt điểm các án điểm, án có tính chất phức tạp, kéo dài thời gian.
- Có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc tiếp nhận án chuyển giao và đôn đốc thực hiện án có giá trị không quá 500.000 đồng theo Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg, ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và Thông tư số 05/2002/TT-BTP, ngày 15/02/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc chuyển giao các vụ việc có giá trị dưới 500.000 đồng cho UBND xã, phường, thị trấn đôn đốc thi hành.
- Tăng cường cơ sở vật chất cơ quan Thi hành án dân sự các huyện, thị theo quy hoạch và nguồn vốn đã được Bộ Tư pháp phê duyệt. Hàng năm, hỗ trợ kinh phí hoạt động kiểm tra, thẩm tra một số vụ án phức tạp và tham gia chỉ đạo cưỡng chế thi hành án điểm của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự.
4. Ngành Văn hóa Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, qua đó tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn, các ngành chức năng có liên quan, các đoàn thể có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Căn cứ Chỉ thị này, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh và các huyện, thị xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện tốt các nội dung nêu trên.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này và định kỳ hàng quí, 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh.