CHỈ THỊ
V/v tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
__________________
Từ khi Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động đến nay cho thấy công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Đáng lưu ý là các đối tượng người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc, trẻ em..v..v.. được trợ giúp pháp lý miễn phí theo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và ổn định trật tự xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, nhìn chung việc triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện cũng như chưa thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong việc giải quyết các công việc có liên quan.... làm hạn chế đến chất lượng và hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 05/2000/CTTTg, ngày 01/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:
1/- Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoạt động trợ giúp pháp lý; phải xem đây là trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân nhằm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của công dân; có tầm quan trọng trong tổng thể chính sách thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng cường kỷ cương, phép nước và thực hiện công bằng xã hội.
Tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố khối đoàn kết toàn dân, ổn định trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy nền kinh tế xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.
2/- Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với các hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, góp phần phục vụ nhu cầu trợ giúp pháp lý cho nhân dân ngày càng tốt hơn.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, đặc biệt là sớm hình thành các tổ, chi nhánh hoặc các điểm thực hiện trợ giúp pháp lý do cán bộ tư pháp ở địa phương kiêm nhiệm công tác trợ giúp pháp lý với hình thức thích hợp; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí theo đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra các hoạt động trợ giúp pháp lý từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động.
- Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tiến hành rà soát về tổ chức và cơ sở vật chất hiện có; khảo sát, điều tra nhu cầu trợ giúp trong từng lĩnh vực pháp luật và dự kiến các hoạt động nghiệp vụ cần triển khai để đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo và các đối tượng chính sách ở địa phương.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ chuyên viên, công tác viên làm công tác trợ giúp pháp lý theo đúng tiêu chuẩn quy định.
3/- Các ngành, các địa phương khi nhận được văn bản kiến nghị của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản cho Trung tâm. Đồng thời, có cơ chế phối hợp để cộng tác viên khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn, góp phần phục vụ tốt công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương.
4/- Sở Văn hoá Thông tin, Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có trách nhiệm thường xuyên xây dựng đề tài, chuyên mục thích hợp để phổ biến rộng rãi, miễn phí các thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp mọi người hiểu rõ và tích cực tham gia thực hiện công tác này.
5/- Đề nghị Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị có trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện đạt hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý có liên quan đến ngành, địa phương mình.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác này và thường xuyên tổng hợp, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp và UBND tỉnh.