• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/03/2015
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 05/2015/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 16 tháng 1 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng; định mức sử dụng điện năng tại các kho, khu kỹ thuật;

tiêu chuẩn, trang bị máy phát điện đối với các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu

và doanh cụ trong phòng làm việc cơ yếu

_____________________

 

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu;

Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư Quy định tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng; định mức sử dụng điện năng tại các kho, khu kỹ thuật; tiêu chuẩn, trang bị máy phát điện đối với các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu và doanh cụ trong phòng làm việc cơ yếu.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng; định mức sử dụng điện năng tại các kho, khu kỹ thuật; tiêu chuẩn, trang bị máy phát điện đối với các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu và doanh cụ trong phòng làm việc cơ yếu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân hưởng lương theo bảng lương cấp hàm cơ yếu và bảng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Người làm công tác cơ yếu là quân nhân, Công an nhân dân được thực hiện trang bị doanh cụ trong phòng làm việc cơ yếu theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu là đơn vị, tổ chức có sử dụng cơ yếu được thành lập theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

2. Phòng làm việc cơ yếu là phòng làm việc chuyên ngành về cơ yếu.

Điều 4. Nguyên tắc bảo đảm

1. Bảo đảm đáp ứng các nhu cầu cho sinh hoạt thường xuyên, huấn luyện, dã ngoại và sẵn sàng chiến đấu.

2. Bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn.

3. Phù hợp với sự phát triển chung và đặc trưng của từng vùng, miền, từng đối tượng cụ thể.

4. Sử dụng tiết kiệm, hợp lý trong việc bảo đảm tiêu chuẩn doanh cụ và sử dụng điện năng đối với người làm công tác cơ yếu.

Điều 5. Phương thức bảo đảm

Tiêu chuẩn, định mức quy định tại Thông tư này được bảo đảm bằng một trong các phương thức sau:

1. Bảo đảm bằng tiền.

2. Bảo đảm bằng hiện vật.

Điều 6. Kích thước, mẫu các loại doanh cụ trong phòng làm việc cơ yếu

Kích thước, mẫu các loại doanh cụ trong phòng làm việc cơ yếu và dụng cụ sinh hoạt thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng về thiết kế và định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt.

Điều 7. Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng

Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng của nhà ăn, nhà bếp đối với các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu thực hiện theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Định mức sử dụng điện năng

Định mức sử dụng điện năng cho việc xuất, nhập, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa niêm cất trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật nghiệp vụ mật mã và phương tiện, phụ tùng phương tiện giao thông tại các kho, khu kỹ thuật được thực hiện như sau:

1. Định mức sử dụng điện năng cho việc xuất, nhập, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa niêm cất trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật nghiệp vụ mật mã (sau đây gọi chung là công tác kho tàng) là mức điện năng (số KWh điện) quy định sử dụng trong một tháng cho một đơn vị khối lượng hàng hóa trong kho hoặc trạm để thực hiện các công tác theo nhiệm vụ được giao tại các cơ sở kho tàng, bao gồm:

a) Điện năng sử dụng cho các thiết bị tiêu thụ điện để thực hiện công tác xuất, nhập, vận chuyển, kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các loại vật tư, thiết bị, hàng hóa, sản phẩm mật mã trong các kho tàng của các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu;

b) Điện năng sử dụng cho chiếu sáng phục vụ làm việc trong kho, bảo vệ khu vực kho.

2. Định mức sử dụng điện năng cho phương tiện, phụ tùng phương tiện giao thông tại các kho, khu kỹ thuật (sau đây gọi chung là công tác kỹ thuật) là mức điện năng (số KWh điện) quy định sử dụng trong một tháng cho các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu để thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sử dụng, huấn luyện kỹ thuật và công tác chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu, bao gồm:

a) Điện năng sử dụng cho việc kiểm tra, kiểm định, chạy thử trang bị kỹ thuật mật mã để bảo đảm cho công tác chuyên môn và huấn luyện kỹ thuật tại khu kỹ thuật của các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu;

b) Điện năng sử dụng cho việc xuất, nhập, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất trang thiết bị kỹ thuật mật mã tại các cơ sở, trạm xưởng, kho tàng, khu kỹ thuật của các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu;

c) Điện năng sử dụng cho các trang bị hoạt động bảo đảm duy trì điều kiện môi trường cất giữ và bảo đảm một số trang thiết bị, vật tư hàng hóa trong kho (kho linh kiện, thiết bị điện tử, thiết bị quang học, hóa chất..,); duy trì điều kiện môi trường cho phòng kiểm chuẩn đo lường chất lượng, phòng kiểm tra thiết bị đo;

d) Điện năng sử dụng cho chiếu sáng bảo vệ khu vực trạm xưởng, khu kỹ thuật.

Điều 9. Tiêu chuẩn, trang bị máy phát điện cho các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu

Đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng cơ yếu đóng trên biển, đảo, đồn biên phòng hoặc trên địa bàn khác mà chưa có nguồn điện từ lưới điện quốc gia, được trang bị máy phát điện có công suất đáp ứng yêu cầu chiếu sáng và phù hợp với quân số biên chế của từng đơn vị để bảo đảm định mức sử dụng điện năng quy định tại Danh mục số 05 ban hành kèm theo Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu. Giờ máy phát điện tối thiểu là 6 giờ/ngày.

Điều 10. Kinh phí bảo đảm

Kinh phí thực hiện tiêu chuẩn trang bị đối với người làm công tác cơ yếu quy định tại Thông tư này do ngân sách nhà nước bảo đảm. Hàng năm, cơ quan, đơn vị có sử dụng người làm công tác cơ yếu xây dựng dự toán kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện và giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này.

2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 3 năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Ban Cơ yếu Chính phủ) để xem xét, phối hợp giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.