• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 23/12/1999
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 224/1999/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 8 tháng 12 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999 – 2010

__________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 1999 - 2010 với các nội dung sau;

I. MỤC TIÊU:

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm và tạo nguồn nguyên liệu chủ yếu cho xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2010 tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 2.000.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2.500.000.000 USD, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 2 triệu người; góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội đất nước và an ninh ven biển.

II. NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO:

1. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

2. Nuôi trồng thuỷ sản phải từng bước được hiện đại hoá, phát triển theo phương pháp nuôi công nghiệp là chính, kết hợp với các phương pháp nuôi khác phù hợp với điều kiện của từng vùng.

3. Hướng mạnh vào phát triển nuôi thuỷ sản nước lợ và nuôi biển, đồng thời phát triển nuôi nước ngọt.

4. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nuôi tôm xuất khẩu, đồng thời chú trọng nuôi trồng thuỷ sản khác phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

III. MỤC TIÊU CỤ THỂ:

Phấn đấu đến năm 2010 đạt các chỉ tiêu sau:

1. Nuôi tôm sú 260.000 ha (trong đó 60.000 ha nuôi công nghiệp, 100.000 ha nuôi bán thâm canh, 100.000 ha nuôi mô hình cân bằng sinh thái, nuôi luân canh, xen canh) đạt sản lượng 360.000 tấn. Giá trị tôm xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD.

2. Nuôi cá biển 40.000 ha và 40.000 lồng bè, sản lượng đạt 200.000 tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: cá song, cá hồng, cá cam, cá vược, cá măng...

3. Nuôi nhuyễn thể 20.000 ha, sản lượng đạt 380.000 tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: nghêu, ngao, sò huyết, ốc hương, trại ngọc, điệp, bào ngư, hầu...

4. Trồng rong biển 20.000 ha, sản lượng 50.000 tấn khô (550.000 tấn tươi). Các đối tượng trồng chủ yếu là: rong câu chỉ vàng, rong thắt, rong cước và rong sụn.

5. Nuôi tôm càng xanh 32.000 ha, sản lượng đạt 60.000 tấn.

6. Nuôi thuỷ sản ao hồ nhỏ 100.000 ha, sản lượng đạt 480.000 tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: chép lai, rô phi, cá tra, trắm cỏ, cá trôi, bống tượng, tai tượng, mè vinh, cá trê, cá quả, sặc rằn, cá mè, baba, lươn ếch...

7. Nuôi thuỷ sản ruộng trũng 220.000 ha, sản lượng đạt 170.000 tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: cá chép, rô phi, cá trê, sặc rằn, cá lóc...

8. Nuôi thuỷ sản hồ chứa trên diện tích 300.000 ha, trên sông với 30.000 lồng bè, sản lượng đạt 228.000 tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: cá basa, cá tra, bống tượng, rô phi, cá chép, trôi, mè, trắm cỏ, rôhu, mrigan...

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Về quy hoạch.

Rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với việc lập các dự án đầu tư cụ thể, gắn với quy hoạch phát triển thuỷ lợi và đê biển chung trên địa bàn, nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng có hiệu quả đất đai mặt nước và nuôi trồng thuỷ sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Thuỷ sản trong xây dựng quy hoạch hệ thống đê biển và phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng đê biển có liên quan đến nuôi trồng thuỷ sản.

Bộ Thuỷ sản quy hoạch và xác định cụ thể số lượng các trại giống của từng vùng, từng địa phương, đặc biệt là các trại sản xuất giống tôm, cá cho nhu cầu nuôi đại trà cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu.

2. Về thị trường:

Phát triển thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm thuỷ sản ngày càng tăng của nhân dân; đồng thời phát triển mạnh thị trường xuất khẩu, bao gồm cả việc giữ vững và mở rộng thị trường hiện có và tích cực tìm kiếm thị trường mới. Việc phát triển thị trường phải gắn với đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành và đa dạng hoá sản phẩm thuỷ sản, nâng cao sức cạnh tranh bền vững của hàng thuỷ sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

3. Về vốn.

Vốn đầu tư cho chương trình nuôi trồng thuỷ sản được huy động từ các nguồn:

- Vốn ngân sách Nhà nước (kể cả vốn vay và viện trợ chính thức của Chính phủ các nước, tài trợ của các tổ chức Quốc tế);

- Vốn tín dụng trung hạn và dài hạn;

- Vốn tín dụng ngắn hạn;

- Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư;

- Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan có giải pháp cân đối các nguồn vốn và bố trí theo kế hoạch hàng năm trình Chính phủ quyết định để đầu tư theo dự án thực hiện chương trình.

4. Về giống nuôi trồng thuỷ sản.

Tổ chức lại, nâng cao khả năng nghiên cứu và sản xuất của hệ thống giống các cấp; khả năng bảo vệ các bãi giống, bãi đẻ tự nhiên của tôm, cá và lưu giữ các nguồn gen quí hiếm; đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời giống tốt với giá hợp lý cho nuôi trồng thuỷ sản, kể cả nhập khẩu giống và công nghệ sản xuất giống cần thiết.

5. Về thức ăn công nghiệp và vật tư nuôi trồng.

Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới một số xí nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp, sản xuất bột cá; nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ cần thiết để sản xuất thức năn công nghiệp trong nước với chất lượng tốt, giá thành hợp lý, đáp ứng 60% nhu cầu nuôi thuỷ sản vào giai đoạn 2000-2005, đáp ứng 80% nhu cầu nuôi thuỷ sản vào giai đoạn 2006-2010.

Cung cấp đầy đủ và đồng bộ các vật tư, thiết bị đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thuỷ sản.

6. Về khoa học công nghệ.

Tăng cường nghiên cứu khoa học, nhập khẩu công nghệ, trước hết tập trung vào khâu sản xuất giống để cho đẻ nhân tạo được các giống nuôi chủ yếu, tiến tới cho đẻ nhân tạo được một số giống đặc sản; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi nước ngọt, lợ và nuôi biển đối với các đối tượng nuôi chủ yếu; các biện pháp về phòng trừ dịch bệnh; công nghệ sản xuất thức ăn, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường bố trí vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đề nghị hàng năm và các dự án cụ thể của Bộ thuỷ sản.

7. Về đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và lao động kỹ thuật.

Tăng cường về năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của các Viện nghiên cứu, trường thuộc ngành thuỷ sản, phối hợp với các Viện nghiên cứu, trường của các ngành khác để đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý và kỹ thuật về công nghệ nuôi, sản xuất giống, xử lý môi trường, chẩn đoán, phòng trừ dịch bệnh, sản xuất thức ăn, bảo quản sau thu hoạch; đồng thời bằng nhiều hình thức để đào tạo bồi dưỡng kỹ thuật nuôi, phòng dịch bệnh cho nông dân, ngư dân.

8. Về tổ chức sản xuất.

Trên cơ sở quy hoạch từng vùng, lấy kinh tế hộ, kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu, gắn với phát triển các hình thức kinh tế hợp tác thích hợp để khai thác mọi nguồn lực trong nhân dân, giúp đỡ nhau trong sản xuất và phòng tránh thiên tai có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế những tác động bất lợi của cơ chế thị trường.

Các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc hậu cần dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó coi trọng về dịch vụ giống, kỹ thuật nuôi, cung cấp thức ăn công nghiệp, phòng trừ dịch bệnh...

9. Về công tác khuyến ngư.

Kiện toàn và đổi mới hoạt động của hệ thống khuyến ngư từ Trung ương đến cơ sở, nâng cao năng lực hoạt động khuyến ngư; xây dựng các mô hình để chuyển giao công nghệ về các phương pháp nuôi tiên tiến cho dân phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

10. Về hợp tác quốc tế.

- Khuyến khích việc liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất thức ăn công nghiệp, giống thuỷ sản, đổi mới công nghệ nuôi, công nghệ chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

- Tăng cường về hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực: sinh sản nhân tạo, di truyền, chọn giống, chuyển đổi giới tính một số giống loài quý, phòng ngừa dịch bệnh và xử lý môi trường.

- Bộ Thuỷ sản phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành có liên quan tranh thủ nguồn tài trợ của các nước và tổ chức quốc tế để có thêm nguồn vốn đầu tư trực tiếp và đào tạo cán bộ.

V. VỀ CHÍNH SÁCH:

1. Sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.

- Giao hoặc cho thuê đất, mặt nước, eo, vịnh, đầm phá, hồ chứa mặt nước lớn đã được quy hoạch cho các thành phần kinh tế sử dụng vào nuôi trồng thuỷ sản ổn định và lâu dài, theo Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ.

- Được chuyển đổi ruộng nhiễm mặn, ruộng trũng, đất làm muối, đất ngập úng sản xuất lúa bấp bênh, kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản.

2. Chính sách đầu tư.

2.1. Các thành phần kinh tế được Nhà nước khuyến khích việc đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và các quy định hiện hành.

- Nhà nước có chính sách cho nông, ngư dân nghèo có lao động và có đất nuôi trồng thuỷ sản được vay vốn không phải thế chấp tài sản.

- Nông, ngư dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo vay vốn phát triển nuôi trồng thuỷ sản được hưởng các quy chế ưu đãi theo quy định hiện hành.

2.2. Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho:

- Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các vùng nuôi tập trung gồm: đê bao, kênh cấp và thoát nước cấp I, cống và trạm bơm lớn, cảng cá, chợ cá và cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong cảng, chợ cá quốc gia ở các vùng trọng điểm nghề cá.

- Xây dựng và hoàn thiện các trung tâm giống quốc gia, cải tạo nâng cấp các trại giống cấp I.

- Nghiên cứu khoa học; nhập các đối tượng nuôi mới, công nghệ mới.

- Xây dựng các trạm quan trắc, dự báo môi trường, kiểm dịch.

- Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia.

- Đào tạo nguồn nhân lực.

- Hoạt động khuyến ngư.

- Quản lý, điều hành hoạt động chương trình.

2.3. Vốn tín dụng trung hạn, dài hạn đầu tư cho cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở sản xuất thức ăn, sản xuất bột cá, cơ sở sản xuất giống cấp I, II và cải tạo ao, đầm nuôi, của các thành phần kinh tế.

2.4. Vốn tín dụng ngắn hạn đầu tư cho sản xuất kinh doanh giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh cho tôm, cá và các vật tư chuyên dùng phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản.

2.5. Vốn đầu tư nước ngoài thông qua các dự án được đầu tư vào việc trợ giúp kỹ thuật, tư vấn, đào tạo, nhập các công nghệ mới, chuyển giao công nghệ và kkhuyến ngư.

3. Về thuế:

- Các tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và các quy định hiện hành.

- Nuôi trồng thuỷ sản trên đất, mặt nước thuộc đất nông nghiệp thực hiện chính sách thuế theo Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành.

- Miễn thuế vận chuyển giống nuôi thuỷ sản đến các vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Bộ Thuỷ sản là cơ quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình trong phạm vi cả nước có nhiệm vụ:

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình, xây dựng kế hoạch đầu tư, các dự án cụ thể để thực hiện chương trình; tổng hợp và trình duyệt, thầm định theo quy định.

Bộ Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan sớm xây dựng thí điểm 3 mô hình nuôi tôm theo phương pháp công nghiệp (ở 3 miền Bẵc, Trung, Nam) để xác định suất đầu tư, hiệu quả đầu tư, tiếp tục định hướng cho những năm tới.

- Bổ sung, cụ thể hoá các giải pháp thực hiện chương trình; sơ kết, tổng kết hàng năm, tổng kết các mô hình tốt để phổ biến rộng rãi, kịp thời đề xuất các chính sách phù hợp để phong trào phát triển.

- Xây dựng các tiêu chuẩn của Nhà nước, của ngành về quy trình nuôi, sản xuất giống, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng trừ dịch bênh... trình Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền.

- Củng cố và tăng cường năng lực hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, của tổ chức khuyến ngư.

2. Các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Tổng cục Địa chính và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Thuỷ sản trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm; xây dựng và cụ thể hoá các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện chương trình.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ xây dựng chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản của địa phương phù hợp với chương trình chung của cả nước; cân đối ngân sách địa phương, giành phần vốn thích đáng cùng với nguồn vốn của Trung ương để thực hiện chương trình; chỉ đạo xây dựng các dự án cụ thể để trình duyệt theo quy định, đồng thời chỉ đạo thực hiện chương trình ở địa phương; sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Bộ Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện chương trình này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Tạn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.