• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 12/07/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 07/CT-NH3
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 12 tháng 7 năm 1997

 

CHỈ THỊ

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Về việc tăng cường công tác
tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
trong ngành Ngân hàng

Trong những năm qua, thi hành Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo (KN, TC) của công dân và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Chính phủ. Tổng thanh tra Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 17/TTNH3, ngày 30/12/1992 hướng dẫn giải quyết KN, TC trong ngành Ngân hàng (NH). Nhìn chung, trong thời gian qua, công tác tiếp dân, xét và giải quyết KN, TC của công dân đã đạt được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, ở nhiều đơn vị trong Ngành, việc giải quyết KN, TC lần đầu cũng như các lần tiếp theo còn một số tồn tại, thiếu sót. Tình trạng đơn thư gửi vượt cấp vẫn nhiều, hiệu quả trong công tác xét, giải quyết KN, TC còn hạn chế. Công tác thanh tra chấp hành Pháp lệnh KN, TC của công dân chưa thường xuyên, thông tin báo cáo chưa kịp thời. Công tác tiếp dân đến KN, TC chưa được coi trọng, chưa bố trí cán bộ có khả năng, kinh nghiệm tiếp dân, có nơi còn để công dân phải đi lại nhiều lần. Nhiều đơn vị, các cấp lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức; chưa chấp hành đúng trình tự, thủ tục quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân; xử lý thiếu khẩn trương dứt điểm; còn biểu hiện tư tưởng đùn đẩy né tránh, ngại va chạm, sợ mất thành tích.

Để khắc phục tình trạng trên và chấn chỉnh công tác giải quyết KN, TC của ngành, Thống đốc NHNN yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt các vấn đề sau đây:

1. Chấn chỉnh ngay công tác tiếp dân theo tinh thần Chỉ thị số 18/TTg, ngày 15/1/1993, của Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân: Mỗi đơn vị phải có địa điểm (phòng tiếp dân riêng biệt) và các phương tiện cần thiết; cử cán bộ có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ nghiệp vụ tốt chuyên trách công tác tiếp dân; lãnh đạo đơn vị phải bố trí thời gian tiếp dân theo lịch định kỳ; nơi giao dịch phải có thùng thư góp ý và biển chỉ dẫn đến phòng tiếp dân. Công tác tiếp dân phải được gắn với việc giải quyết kịp thời, có hiệu quả những KN, TC của công dân và là trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị.

2. Thủ trưởng các đơn vị phải đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng thẩm quyền của mình trong việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức rà soát các đơn thư khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng từ trước tới nay, nhất là những vụ việc liên quan đến cho vay có tài sản thế chấp, tiền gửi tiết kiệm của nhân dân; tập trung giải quyết và xử lý dứt điểm các vụ việc nổi cộm trong quý III/1997.

3. Việc giải quyết KN, TC phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, tuân thủ thời hạn quy định tại Điều 22 và 36 Pháp lệnh giải quyết KN, TC của công dân. Đối với KN, TC thuộc thẩm quyền lần đầu (tại nơi phát sinh vụ việc), thủ trưởng đơn vị không được vì những động cơ, mục đích cá nhân mà bỏ qua, đùn đẩy lẫn nhau, không giải quyết và trả lời người KN, TC. Đối với những KN, TC không thuộc thẩm quyền, thủ trưởng đơn vị phải nhanh chóng chuyển đến nơi có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, không làm trì hoãn, chậm chễ.

4. Có biện pháp xử lý tiếp và dứt điểm những đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền đã giải quyết nhưng chưa có quyết định giải quyết, để công dân có cơ sở khởi kiện ra Toà hành chính hoặc cơ quan chức năng. Đồng thời, giải quyết những khiếu nại của công dân đối với quyết định giải quyết KN, TC của cấp dưới.

5. Trong quá trình giải quyết KN, TC, khi kết luận cán bộ bị KN, TC có vi phạm cơ chế chính sách và nghiệp vụ, thì việc xử lý kỷ luật phải tiến hành kịp thời, nghiêm túc theo tinh thần Chỉ thị 01/CT-NH3, ngày 19/3/1997, của Thống đốc NHNN về tăng cường đấu tranh chống tham nhũng trong ngành NH; Công văn số 756/CV-NH3, ngày 16/12/1996, về chấn chỉnh hoạt động NH và Công văn số 452/CV-TCCB, ngày 05/5/1997, về xử lý vấn đề cán bộ sau thanh tra. Trường hợp có xử lý về kinh tế (thu hồi cho nhà nước hoặc hoàn trả cho công dân...) thì phải thi hành ngay và phân công bộ phận theo dõi, đôn đốc thi hành quyết định. Nếu cá nhân, đơn vị nào không thi hành, thì cơ quan ra quyết định giải quyết được áp dụng các biện pháp cụ thể theo thẩm quyền để buộc đối tượng phải thực hiện hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo thi hành quyết định đó.

6. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc các tổ chức tín dụng phải chỉ đạo sát sao việc giải quyết các đơn vị thư KN, TC trong đơn vị, đồng thời có trách nhiệm giải quyết kịp thời các tố cáo đối với Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát trưởng các đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp. Trong khi tiến hành giải quyết, cần kết hợp với Chánh thanh tra chi nhánh NHNN trên địa bàn và thông báo kết quả giải quyết cho Giám đốc Chi nhánh NHNN. Ngoài ra, cần xem xét ngay các đơn thư mà cấp dưới đã giải quyết nhưng đương sự không chấp nhận, tiếp tục gửi đơn lên cấp trên.

7. Quá trình giải quyết các KN, TC cần phải chú ý đến công tác bảo mật được quy định tại Quyết định số 681/TTg, ngày 15/11/1994, của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật Nhà nước trong ngành Ngân hàng; Quyết định số 299/QĐ-NH14, ngày 26/11/1994, của Thống đốc NHNN ban hành quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước trong hoạt động Ngân hàng. Những vụ việc xét thấy nghiêm trọng, có khả năng gây hậu quả lớn, phải báo cáo ngay về NHNNTW (qua Thanh tra) để có hướng xử lý kịp thời.

8. Thanh tra NHNNTW và Thanh tra Chi nhánh NHNN phải tập trung làm tốt các việc sau:

Chỉ đạo, huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành làm công tác tiếp dân, giải quyết các đơn thư KNTC của công dân và tiến hành kiểm tra trách nhiệm của các thủ trưởng đơn vị trong ngành về chấp hành Pháp lệnh KN, TC của công dân, kết quả công tác tiếp dân, nội dung chất lượng giải quyết vụ việc.

Thực hiện nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực NH theo Nghị định 18/CP, ngày 24/02/1997 của Chính phủ; làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị đã giải quyết đơn thư KN, TC không theo đúng quy định của pháp luật, sai bản chất sự việc, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người KN, TC.

Thực hiện chức năng tham mưu, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Thống đốc hoặc Giám đốc Chi nhánh NHNN.

Phối hợp với các Vụ, Cục, các tổ chức có liên quan để giải quyết vụ việc kịp thời theo sự chỉ đạo của Thống đốc.

Phải chủ động giải quyết những vụ việc mà Thủ trưởng các đơn vị NH dưới một cấp đã giải quyết nhưng đương sự chưa chấp nhận, tiếp tục gửi đơn lên cấp trên.

9. Các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin báo cáo định kỳ về công tác tiếp dân, kết quả giải quyết KN, TC của công dân theo quy định của Chính phủ, Tổng thanh tra Nhà nước và Thống đốc NHNNVN.

Chánh thanh tra NHNN có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; Thủ trưởng các đơn vị phải tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị này đến toàn thể CBCNV trong đơn vị.

Thống đốc

(Đã ký)

 

Cao Sĩ Kiêm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.