• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/06/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2005
CHÍNH PHỦ
Số: 57/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 31 tháng 5 năm 1997

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Đo lường ngày 06 tháng 7 năm 1990;

Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá ngày 27 tháng 12 năm 1990;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

 

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, đối tượng bị xử phạt hành chính, hình thức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá là những hành vi vi phạm các quy định quản lý Nhà nước về đo lường và chất lượng hàng hoá do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá đều bị xử phạt theo nghị định này. Tổ chức và cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá trên lãnh thổ Việt Nam cũng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp có điều ước Quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 3. Việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khác quy định tại Nghị định này như sau:

a) Người có thẩm quyền xử phạt chỉ được áp dụng những hình thức xử phạt và các biện pháp khác đã được pháp luật quy định:

b) Phạt cảnh cáo: áp dụng đối với những vi phạm nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ;

c) Phạt tiền: Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và nhân thân của người vi phạm để quyết định mức phạt tiền trong khung phạt tiền đã dược quy định.

Vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì có thể phạt thấp hơn, nhưng không được dưới mức thấp nhất của khung phạt tiền đã dược quy định.

Vi phạm có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến mức cao nhất của khung phạt tiền đã được quy định.

d) Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và nhân thân của người vi phạm, tổ chức cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và một hoặc nhiều trong các biện pháp sau đây:

Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, các loại giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá. Khi phát hiện giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền hoặc giấy phép có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay, đồng thời phải báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết.

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra vi phạm hành chính trong phạm vi pháp luật quy định cho phép.

Tạm thời đình chỉ hoạt động kinh doanh nếu xét thấy có thể gây hậu quả về an toàn, vệ sinh, môi trường và kinh tế; tạm thời đình chỉ việc sản xuất, sửa chữa, kiểm định phương tiện đo lường vi phạm Pháp lệnh về đo lường; đình chỉ việc sử dụng hoặc đưa vào lưu thông phương tiện đo lường không hợp pháp và hàng hoá bao gói sẵn theo định lượng không đạt yêu cầu về đo lường.

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra.

Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người.

e) Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

Việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính về đo lường và chất lượng hàng hoá gây ra được tiến thành theo nguyên tắc thoả thuận giữa bên có hành vi gây ra thiệt hại và bên bị thiệt hại. Đối với những thiệt hại về vật chất do vi phạm hành chính về đo lường và chất lượng hàng hoá gây ra có giá trị đến 1.000.000 đồng mà không tự thoả thuận được thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định mức bồi thường, những thiệt hại có giá trị từ trên 1.000.000 đồng được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện; thời hạn trên được tính là hai năm đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất và buôn bán hàng giả, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng. Trong thời hạn trên nếu cá nhân, tổ chức có vi phạm hành chính mới hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu nói trên.

Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính là một năm kể từ ngày cá nhân, tổ chức thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.

Điều 5. Trường hợp các hành vi vi phạm Pháp luật về đo lường và chất lượng hàng hoá có dấu hiệu cấu thành tội phạm và có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, vệ sinh, an toàn môi trường, tài sản của Nhà nước và của nhân dân thì cơ quan thụ lý phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự để xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự.

 

CHƯƠNG II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC
ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ - HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT
 

MỤC 1
CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC ĐO LƯỜNG, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Điều 6. Vi phạm quy định về đo lường trong việc sản xuất phương tiện đo thuộc diện phải kiểm định Nhà nước thì bị xử phạt như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sản xuất phương tiện đo khi chưa được cấp gấy chứng nhận đăng ký sản xuất tại cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường;

b) Sử dụng giấy chứng nhận đăng ký sản xuất phương tiện đo đã hết thời hạn có giá trị;

c) Sản xuất phương tiện đo khi chưa được duyệt mẫu.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Bị buộc phải đăng ký duyệt mẫu hoặc đăng ký sản xuất phương tiện đo trong một thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó vẫn chưa đăng ký;

b) Không thực hiện việc kiểm định ban đầu phương tiện đo khi xuất hàng hoặc trước khi đưa vào sử dụng;

c) Cho mượn giấy chứng nhận đăng ký sản xuất phương tiện đo.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường (kết quả kiểm định không đạt yêu cầu).

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sản xuất phương tiện đo nhưng không ghi khắc đúng các quy định về đơn vị đo lường hợp pháp;

b) Phương tiện đo của chính cơ sở sản xuất được uỷ quyền kiểm định không đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đã đăng ký.

5. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm Điều này:

a) Vi phạm Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 của Điều này bị buộc tạm thời đình chỉ sản xuất cho đến khi hoàn chỉnh thủ tục đăng ký sản xuất;

b) Vi phạm Điểm b Khoản 2 của Điều này buộc phải đình chỉ lưu thông cho đến khi thực hiện xong việc kiểm định ban đầu;

c) Vi phạm Khoản 3, Điểm b Khoản 4 của Điều này buộc phải sửa chữa, hiệu chỉnh những phương tiện đo đã sản xuất cho đúng với các chỉ tiêu kỹ thuật đã đăng ký;

d) Vi phạm Điểm a Khoản 4 của Điều này buộc phải tịch thu hoặc huỷ bỏ những phương tiện đo ghi khắc không đúng các quy định về đơn vị đo lường hợp pháp.

Điều 7. Vi phạm quy định về đo lương trong việc sửa chữa phương tiện đo thuộc diện phải kiểm định Nhà nước thì bị xử phạt như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sửa chữa những phương tiện đo không đúng với nội dung đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường;

b) Không thực hiện việc kiểm định ban đầu.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa phương tiện đo nhưng không đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường.

3. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với hành vi vi phạm Điều này:

a) Vi phạm Điểm b Khoản 1 của Điều này buộc phải thực hiện việc kiểm định ban đầu;

b) Vi phạm Khoản 2 của Điều này bị buộc đình chỉ hoạt động sửa chữa cho tới khi hoàn thành thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường.

Điều 8. Vi phạm quy định về đo lường trong việc buôn bán phương tiện đo thuộc diện phải kiểm định Nhà nước thì bị phạt như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Buôn bán phương tiện đo chưa được duyệt mẫu;

b) Buôn bán phương tiện đo chưa đăng ký sản xuất;

c) Buôn bán phương tiện đo chưa kiểm định ban đầu.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phương tiện đo mà không xin phép cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường có thẩm quyền.

4. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm tại Điều này:

a) Bị buộc phải bồi thường do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

b) Vi phạm Điểm b, c Khoản 1 của Điều này buộc phải thực hiện việc đăng ký sản xuất và kiểm định ban đầu;

c) Vi phạm Khoản 2 của Điều này buộc phải đình chỉ bán các phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường;

d) Vi phạm Khoản 3 của Điều này buộc phải đình chỉ nhập khẩu cho đến khi hoàn thành xong thủ tục xin phép.

Điều 9. Vi phạm quy định về đo lường trong việc sử dụng phương tiện đo thuộc diện phải kiểm định Nhà nước thì bị xử phạt như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sử dụng phương tiện đo không có giấy chứng nhận kiểm định hoặc dấu kiểm định bị mờ hoặc tem bị rách, nát;

b) Sử dụng chứng chỉ kiểm định đã hết thời hạn có giá trị;

c) Vi phạm phép đo nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn về tài sản.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sử dụng phương tiện đo chưa được kiểm định;

b) Có sự gian lận trong việc sử dụng các chứng chỉ kiểm định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Bị buộc phải kiểm định phương tiện đo trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó vẫn không thực hiện;

b) Phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gian lận khi thực hiện các phép đo.

5. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm tại Điều này:

a) Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

b) Vi phạm Điểm a Khoản 2 của Điều này buộc phải đình chỉ sử dụng và thực hiện việc kiểm định đối với các phương tiện đo đó;

c) Vi phạm Điểm b Khoản 3 của Điều này buộc phải đình chỉ sử dụng để sửa chữa, hiệu chỉnh và kiểm định lại đối với phương tiện đo đó;

d) Vi phạm Khoản 4 của Điều này buộc phải đình chỉ sử dụng và tước quyền sử dụng chứng chỉ kiểm định đến 6 tháng đối với phương tiện đo đó.

Điều 10. Vi phạm quy định về đo lường trong việc sản xuất hàng hoá bao gói sẵn theo định lượng thì bị xử phạt như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không ghi định lượng trên bao gói theo quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng bao gói sẵn không đủ định lượng.

3. Phạt từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo, gian lận trong ghi nhãn hoặc đóng gói gây nhầm lẫn về định lượng thực của hàng hoá trên bao gói.

4. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với hành vi vi phạm tại Điều này:

a) Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

b) Vi phạm Khoản 2, 3 của Điều này buộc phải tạm thời đình chỉ sản xuất và đóng gói lại đúng định lượng.

Điều 11. Vi phạm quy định về đo lường trong việc buôn bán hàng hoá bao gói sẵn (được sản xuất, bao gói theo quy mô công nghiệp) theo định lượng thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng hoá không ghi định lượng trên bao gói theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng bao gói sẵn không đủ định lượng.

3. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với hành vi vi phạm Điều này:

Vi phạm Khoản 2 của Điều này buộc đình chỉ lưu thông và buộc áp dụng biện pháp khắc phục.

MỤC 2
CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG
LĨNH VỰC CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Điều 12. Vi phạm các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký chất lượng hàng hoá trong việc sản xuất hàng hoá thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng hoặc chất lượng tự nguyện đăng ký thì bị xử phạt như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sử dụng bảng đăng ký chất lượng hàng hoá đã hết thời hạn hiệu lực;

b) Hàng hoá có những thay đổi so với nội dụng đã đăng ký mà không thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sản xuất hàng hoá mà không có tiêu chuẩn về chất lượng hoặc thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng mà không đăng ký chất lượng;

b) Bị buộc phải đăng ký chất lượng trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó vẫn chưa đăng ký;

c) Sản xuất hàng hoá có chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng đã tự nguyện đăng ký.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng hoá có chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng đăng ký.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng hoá thuộc diện tiêu chuẩn Việt nam bắt buộc áp dụng có chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng đã đăng ký.

5. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm tại Điều này:

a) Vi phạm Điểm a, b Khoản 2 của Điều này còn buộc phải đăng ký chất lượng;

b) Vi phạm Điểm c Khoản 2 và Khoản 3 của Điều này còn buộc phải tạm thời đình chỉ xuất xưởng và buộc phải tái chế lô hàng vi phạm;

c) Vi phạm Khoản 4 của Điều này bị buộc phải bồi thường do hành vi vi phạm gây ra, buộc tái chế hoặc tiêu huỷ hàng hoá có chất lượng kém có khả năng gây thiệt hại cho sức khoẻ con người, gây ô nhiễm môi trường, buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bênh do hành vi vi phạm gây ra.

Điều 13. Vi phạm các quy định về chứng nhận hợp chuẩn trong việc sản xuất hàng hoá thì bị xử phạt như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng hoá thuộc danh mục chứng nhận hợp chuẩn bắt buộc và đã được chứng nhận hợp chuẩn nhưng giấy chứng nhận hợp chuẩn đã hết thời hạn có giá trị.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sản xuất hàng hoá thuộc danh mục phải chứng nhận hợp chuẩn nhưng không đăng ký chứng nhận hợp chuẩn;

b) Không đăng ký chứng nhận hợp chuẩn đúng hạn khi buộc phải đăng ký chứng nhận hợp chuẩn trong thời gian nhất định;

c) Sản xuất hàng hoá chứng nhận hợp chuẩn tự nguyện mà có mức chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng đã được chứng nhận;

d) Sản xuất hàng hoá chưa được chứng nhận hợp chuẩn mà đóng dấu hay dán tem hợp chuẩn hoặc quảng cáo là đã được chứng nhận hợp chuẩn.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng hoá thuộc diện tiêu chuẩn Việt nam bắt buộc áp dung có chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng đã được chứng nhận.

4. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm tại Điều này:

a) Vi phạm Điểm a, b Khoản 2 của Điều này thì buộc phải đăng ký chứng nhận hợp chuẩn trong thời hạn nhất định;

b) Vi phạm Điểm c Khoản 2 của Điều này phải tạm thời đình chỉ xuất xưởng và tái chế lô hàng vi phạm;

c) Vi phạm Khoản 3 của Điều này bị buộc phải bồi thường do hành vi vi phạm gây ra đến 1.000.000 đồng; buộc tái chế hoặc tiêu huỷ hàng hoá có chất lượng kém có khả năng gây thiệt hại cho sức khoẻ con người, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm gây ra, bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hợp chuẩn đến sáu tháng và tạm thời đình chỉ sản xuất các hàng hoá trên.

Điều 14. Vi phạm về chất lượng hàng hoá trong buôn bán thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Buôn bán hàng hoá thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng nhưng chưa đăng ký;

b) Buôn bán hàng hoá thuộc danh mục phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nhưng chưa có giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Buôn bán hàng hoá có chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng đã đăng ký;

b) Buôn bán hàng hoá đã quá thời hạn sử dụng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá có các chỉ tiêu chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng đã đăng ký hoặc đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường

4. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm Điều này:

a) Vi phạm Khoản 3 của Điều này thì sẽ bị tạm đình chỉ lưu thông;

b) Vi phạm Khoản 4 của Điều này bị buộc phải bồi thường do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tái chế hoặc tiêu huỷ hàng hoá có chất lượng kém có khả năng gây thiệt hại cho sức khoẻ con người, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm gây ra.

Điều 15. Vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Sản xuất hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá giống hệt hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hoá của cơ sở khác đã dược bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà chưa được chủ nhãn hiệu hàng hoá đồng ý;

b) Sản xuất hàng hoá có nhãn sản phẩm giống hệt hoặc tương tự với nhãn sản phẩm của cơ sở khác đã đăng ký chất lượng;

c) Sản xuất hàng hoá có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó nhưng không gây độc hại đến con người, ô nhiễm môi trường.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng hoá có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó, gây độc hại đến sức khoẻ con người, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Buôn bán hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá giống hệt hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hoá của cơ sở khác đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà chưa được chủ nhãn hiệu hàng hoá đồng ý;

b) Buôn bán hàng hoá có nhãn sản phẩm giống hệt hoặc tương tự với nhãn sản phẩm của cơ sở khác đã đăng ký chất lượng.

c) Buôn bán hàng hoá có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó nhưng không gây độc hại đến con người, ô nhiễm môi trường.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng hoá có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó, gây độc hại đến sức khoẻ con người, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến uy tín Quốc gia.

5. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm Điều này:

a) Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

b) Tịch thu phương tiện sản xuất, buôn bán và toàn bộ hàng hoá liên quan đến vụ vi phạm;

c) Vi phạm Khoản 2, 4 của Điều này bị buộc tiêu huỷ hàng hoá gây hại cho sức khoẻ con người, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm gây ra.

Điều 16. Vi phạm các quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu trong việc kinh doanh hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Không đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng khi kinh doanh hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc danh mục kiểm tra Nhà nước về chất lượng;

b) Không đến đăng ký đúng hạn khi bị buộc phải đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng trong thời hạn quy định.

2. Phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá xuất nhập khẩu có chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng theo quy định của Nhà nước nhưng chưa vi phạm các quy định bắt buộc về an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường.

3. Phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Hàng hoá có chất lượng kém, vi phạm các quy định bắt buộc về an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường;

b) Cố tình trốn tránh việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu.

4. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác đối với các hành vi vi phạm Điều này:

a) Vi phạm Khoản 1 của Điều này buộc phải đăng ký việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng trong thời hạn nhất định, tạm thời bị đình chỉ xuất nhập khẩu cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký;

b) Vi phạm Khoản 2 của Điều này phải tạm đình chỉ xuất nhập khẩu và phải tái chế lô hàng vi phạm;

c) Vi phạm Điểm a Khoản 3 của Điều này còn buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; tạm thời đình chỉ xuất, nhập khẩu, lưu thông hàng hoá đó trên thị trường; buộc tái chế hoặc tiêu huỷ nếu hàng hoá đó gây hại cho sức khoẻ con người, gây ô nhiễm môi trường.

 

CHƯƠNG III
THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ

Điều 17. Thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hàng hoá:

1. Thanh tra viên chuyên ngành Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hàng hoá đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

e) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

g) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người.

2. Chánh thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hàng hoá cấp tỉnh quy định tại Pháp lệnh Đo lường và Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

e) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

g) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lay lan dịch bênh do vi phạm hành chính gây ra;

h) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người;

i) Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng.

3. Chánh thanh tra chuyên ngành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chánh thanh tra chuyên ngành Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

e) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

g) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

h) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người;

i) Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng.

Điều 18. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá của Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định tại các Điều 26, 27, 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 19. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá của các cơ quan Cảnh sát, Hải quan, Quản lý thị trường và các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác theo quy định tại các Điều 29, 30, 33, 34 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 20. Uỷ quyền xử lý vi phạm hành chính:

Trong trường hợp những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 2, 3 Điều 17 của Nghị định này và tại các Điều 26, 27, 28; các Khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 29; các khoản 2 và 3 Điều 30; các Khoản 2, 3 và 4 Điều 33; các Khoản 2 và 3 Điều 34 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính vắng mặt hoặc được sự uỷ quyền của họ, thì cấp phó của những người đó có thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền của họ.

Điều 21. Nguyên tắc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:

1. Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá thuộc đối tượng quản lý ở địa phương mình.

2. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá thuộc đối tượng quản lý của mình.

3. Trong trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì việc xử phạt do cơ quan thụ lý đầu tiên thực hiện.

Điều 22. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá theo các Điều 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 54, 55, 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

 

CHƯƠNG IV
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đo lường, chất lượng hàng hoá

1. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân và tố cáo hành vi vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá.

2. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại với người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì họ có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định đó hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án có thẩm quyền.

3. Thủ tục, trình tự, thời hạn, thẩm quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại thực hiện theo Điều 88 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

4. Giải quyết tố cáo:

Tố cáo về hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính do cấp trên trực tiếp của người đó xem xét, giải quyết.

Khi nhận được tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết phải xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, nếu là trường hợp phức tạp thì trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo.

Điều 24. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính:

Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của Pháp luật.

Điều 25. Xử lý vi phạm đối với người bị xử lý vi phạm hành chính:

Người bị xử lý vi phạm hành chính nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Nghị định này có hiệu lực sau 1 tháng kể từ ngày ký. Những quy định về kiểm tra xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả trong Nghị định số 140/HĐBT ngày 25 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng; những quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá trong Nghị định số 327/HĐBT ngày 19 tháng 10 năm 1991 và Nghị định số 115/HĐBT ngày 13 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng, đều bị bãi bỏ.

Điều 27. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.