• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 22/04/1997
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 218/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 7 tháng 4 năm 1997

CHỈ THỊ

Về một số biện pháp cải tiến lề lối làm việc của Chính phủ

và chế độ thông tin, báo cáo

_______________

 

Qua bốn năm thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 13/CP ngày 1 tháng 12 năm 1992, lề lối làm việc và phong cách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, đến nay nhiều quy định trong Quy chế chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt, nhất là các quy định về thông tin, báo cáo, hội họp, xử lý công việc hàng ngày của Thủ tướng; về quan hệ liên ngành, quan hệ Trung ương với địa phương, trong việc ban hành các văn bản và kiểm tra việc thực hiện.

Để tiếp tục cải tiến lề lối và phong cách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 05/CP ngày 11 tháng 1 năm 1997, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số việc sau đây:

I. VỀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CỦA CHÍNH PHỦ:

1. Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải xây dựng chương trình công tác năm, 6 tháng, quý và tháng của mình phù hợp với chương trình công tác của Chính phủ. Chương trình công tác phải thể hiện rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp và tiến độ cụ thể đối với từng việc do cấp mình xử lý, các việc phải xử lý liên ngành hoặc phải trình cấp trên giải quyết. Thực hiện đúng nguyên tắc: giải quyểt công việc theo thẩm quyền, nhanh chóng, coi trọng công tác phối hợp liên ngành, không đùn đẩy công việc cho cơ quan khác hoặc cho cấp trên.

2. Thủ trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì chuẩn bị các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chủ đề án), phải đề ra kế hoạch xây dựng các đề án (phân công bộ phận nghiên cứu, xác định nội dung, phạm vi, các bước tiến hành... dự kiến thời hạn cụ thể của từng giai đoạn).

Văn phòng Chính phủ theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các kế hoạch này, bảo đảm mọi đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phải được chuẩn bị kỹ về nội dung, đúng trình tự và thời hạn đề ra.

3. Trong quá trình chuẩn bị đề án, Chủ đề án đặc biệt chú ý sự phối hợp xử lý liên ngành, trao đổi và tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, địa phương và các chuyên gia để hoàn chỉnh đề án, tập hợp các ý kiến khác nhau về các nội dung của đề án và giải trình rõ lý do đối với ý kiến không được tiếp thu.

Các cơ quan được hỏi ý kiến phải cử người có đủ thẩm quyền đại diện cơ quan mình nêu ý kiến với Chủ đề án.

4. Về quy trình thông qua các đề án trình Chính phủ:

a. Chủ đề án phải hoàn chỉnh đề án với đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 14, Quy chế làm việc của Chính phủ, gửi Văn phòng Chính phủ để thẩm định.

b. Khi thẩm định đề án, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có quyền yêu cầu Chủ đề án và đại diện các cơ quan liên quan giải trình thêm về những vấn đề còn chưa rõ, chưa thống nhất.

Những đề án chưa đủ điều kiện trình thì không đưa vào Chương trình nghị sự của phiên họp Chính phủ.

c. Văn phòng Chính phủ gửi giấy mời họp Chính phủ kèm theo tài liệu họp đến các thành viên Chính phủ trước phiên họp ít nhất 5 ngày.

d. Trong phiên họp, Chủ đề án chỉ trình bày những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những vấn đề cần được biểu quyết, không đọc toàn bộ đề án hoặc tờ trình. Các thành viên Chính phủ chỉ phát biểu ý kiến về những vấn đề cần được làm rõ, hoặc chưa nhất trí. Kết quả thảo luận và thông qua từng đề án được phản ánh trong Nghị quyết của Chính phủ tại mỗi phiên họp.

đ. Văn phòng Chính phủ chuẩn bị kết luận của Thủ tướng và dự thảo Nghị quyết nói trên, trình Chính phủ thông qua ngay tại phiên họp.

5. Về quy trình thông qua các đề án trình Thủ tướng: Tất cả các đề án trình Thủ tướng đều phải được chuẩn bị như đề án trình Chính phủ. Văn phòng Chính phủ thẩm định, chủ trì xử lý trước những vấn đề chưa thống nhất giữa Chủ đề án và các cơ quan liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng quyết định bằng hình thức phiếu trình. Nếu Thủ tướng, Phó Thủ tướng yêu cầu, Văn phòng Chính phủ mời Chủ đề án, các cơ quan liên quan, các chuyên gia tư vấn đến họp đề làm rõ thêm nội dung của đề án, trả lời các vấn đề Thủ tướng, Phó thủ tướng đặt ra. Văn phòng Chính phủ cần cải tiến, giảm bớt các cuộc họp, dành thời gian để Thủ tướng, các Phó thủ tướng đi kiểm tra tình hình ở các ngành, địa phương, cơ sở và nghiên cứu để đề ra các chủ trương lớn.

6. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức ban hành kịp thời các văn bản thể chế hoá quyết định của Thủ tướng, Phó thủ tướng tại các Phiếu trình, các cuộc họp và ra thông báo để thông tin nhanh, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện những nhiệm vụ do Thủ tướng, Phó thủ tướng giao.

7. Căn cứ quy trình trên đây, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định cụ thể quy trình giải quyết công việc trong cơ quan mình, chấn chỉnh lề lối làm việc của các đơn vị cấp dưới, bảo đảm giải quyết công việc nhanh, hiệu quả cao.

II. VỀ BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp phải tổ chức quán triệt và thực hiện đúng luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn nhất thiết phải đi liền với việc soạn thảo văn bản chính để khi văn bản chính có hiệu lực thì thực hiện được ngay. Trong quá trình dự thảo, phải lấy ý kiến của các cơ quan và đối tượng có liên quan để bảo đảm tính khả thi của văn bản. Khi sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định, những văn bản trước, phải chỉ rõ điều, khoản, tên văn bản đã sửa đổi, bãi bỏ, không ghi chung chung.

2. Các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ về những chủ trương, chính sách lớn (theo Điều 19, Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992) phải được Chính phủ thông qua tại các phiên họp. Đối với những vấn đề khác, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi dự thảo văn bản lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ, căn cứ vào ý kiến của đa số thành viên, hoàn chỉnh dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ duyệt ký và ban hành.

3. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương hoặc liên ngành đều phải gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo. Văn bản do các cơ quan cấp Trung ương ban hành phải gửi đăng công báo theo quy định.

III. VỀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh công tác thông tin, báo cáo từ các đơn vị cơ sở, tăng cường hệ thống thông tin nội bộ, phối hợp trao đổi thông tin theo chiều ngang, bảo đảm thông tin hai chiều, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và cơ sở.

2. Việc lập và gửi các báo cáo định kỳ, đột xuất và chuyên đề đến Thủ tướng Chính phủ phải đúng yêu cầu về nội dung và thời gian nêu trong Quyết định 162/TTg ngày 12 tháng 12 năm 1992. Các báo cáo cần đánh giá rõ những việc đã làm được, chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý.

a. Về báo cáo định kỳ:

Ngoài các báo cáo định kỳ như đã ghi trong Quyết định 162/TTg, tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội kỳ trước, kiến nghị những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của kỳ tiếp theo.

Các tổng công ty Nhà nước (Tổng công ty 91), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, liên minh Hợp tác xã Việt Nam định kỳ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của tổ chức mình, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần giải quyết.

b. Về báo cáo đột xuất:

Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra các biến động bất thường về tự nhiên, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, các cơ quan có trách nhiệm phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng các phương tiện nhanh nhất. Sự việc xảy ra đến đâu, phải báo cáo ngay đến đó, không đợi kết thúc hoặc giải quyết xong mới báo cáo. Báo cáo phải nêu rõ diễn biến của sự việc, nguyên nhân phát sinh, những biện pháp khắc phục, phòng ngừa; kết quả của việc xử lý và những kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

c. Về báo cáo chuyên đề:

Là các báo cáo chuyên sâu vào một nhiệm vụ công tác, một vấn đề quan trọng. Văn phòng Chính phủ thông báo và đôn đốc các cơ quan hoàn thành các báo cáo này theo đúng nội dung và thời gian Thủ tướng yêu cầu.

3. Văn phòng Chính phủ lập các báo cáo sau đây:

a. Báo cáo nhanh hàng ngày Thủ tướng và các Phó thủ tướng;

b. Báo cáo nửa tháng về hoạt động của Thủ tướng và các Phó thủ tướng, gửi đến: Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, các Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội. Báo cáo được gửi vào ngày 02 và ngày 17 hàng tháng;

c. Báo cáo hàng tháng về tình hình kinh tế - xã hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi đến: Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của các đoàn thể. Báo cáo được gửi vào ngày 02 của tháng sau;

d. Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ hàng năm và Chương trình công tác năm sau, gửi đến các địa chỉ như báo cáo tháng (sau khi đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp cuối năm);

đ. Các báo cáo chuyên đề được chuẩn bị theo yêu cầu của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

4. Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ: tổ chức họp báo đình kỳ hàng tháng và theo chuyên đề; phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Báo nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng khác tổ chức thông tin rộng rãi cho nhân dân biết những hoạt động chủ yếu và những quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ nhu cầu và định hướng thông tin phục vụ việc quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng giai đoạn; tập hợp dư luận xã hội để phục vụ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ việc nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, chính sách; cải tiến cách thức in và phát hành Công báo, bảo đảm các yêu cầu chính xác, kịp thời, khoa học.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp phải thực hiện tốt việc thông tin cho nhân dân về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (trừ những nội dung thuộc bí mật quốc gia). Các cơ quan không tuỳ tiện sử dụng các loại dấu Mật để hạn chế thông tin.

6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp phải tăng cường mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan thông tin đại chúng, kể cả các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để thông tin các cơ chế, chính sách của Đảng và Chính phủ liên quan đến ngành, địa phương mình; tổ chức điểm báo hàng ngày, xem xét các vấn đề báo, đài đã nêu để kịp thời giải đáp, giải thích hoặc có biện pháp khắc phục những sai sót của cán bộ, cơ quan mình; đồng thời đấu tranh với những trường hợp lợi dụng báo chí để thông tin sai sự thật.

7. Áp dụng rộng rãi nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân như thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua công tác xuất bản, yết thị các văn bản pháp luật tại nơi công cộng... để mọi người dân có điều kiện hiểu biết về các quy định của Nhà nước, nhất là các quy định có liên quan thiết thực đến đời sống, sản xuất - kinh doanh; tổ chức các hòm thư dân nguyện, tạo điều kiện để nhân dân cung cấp thông tin cho các cơ quan Nhà nước. Đây là những hình thức để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải tiến hành kiểm điểm việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và Quyết định 162/TTg, đặc biệt đối với các nội dung và nhiệm vụ có liên quan đến ngành, cấp mình về những mặt đã làm được và chưa làm được, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản trên.

Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các cơ quan thực hiện việc kiểm điểm này, tổng hợp các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 5 năm 1997; đồng thời ban hành Quy trình lập chương trình công tác và phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, phương tiện hiện có để thực hiện tốt công tác thông tin báo cáo; chủ động áp dụng công nghệ tin học vào hoạt động quản lý. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc xây dựng mạng thông tin vi tính trong phạm vi toàn quốc, thực hiện Nghị quyết số 49/CT ngày 3 tháng 8 năm 1993 của Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin.

3. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ soạn thảo văn bản sửa đổi bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ, trình Chính phủ ban hành trong Quý IV năm 1997.

4. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ văn hoá - Thông tin, Bộ ngoại giao và các cơ quan liên quan, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý II năm 1997 Quy chế về cung cấp thông tin, Quy chế Người phát ngôn của Chính phủ, thống nhất đầu mối thông tin về các hoạt động của Chính phủ.

5. Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Bưu điện phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu thiết lập trong quý II năm 1997 một hệ thống điện thoại để Thủ tướng có thể trực tiếp làm việc với các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Bộ Nội vụ và Ban cơ yếu của Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá việc bảo mật truyền tin bằng các phương tiện điện tử hiện nay trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nghiên cứu để ban hành trong quý II năm 1997 các quy định về bảo mật truyền tin qua các phương tiện điện tử.

7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.