• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 20/11/2015
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 152/2015/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 2 tháng 10 năm 2015

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về thuế tài nguyên

___________

 

Căn cứ Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý Thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế;

Căn cứ Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 2626/BTNMT-TC ngày 29 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn về đối tượng chịu thuế; Người nộp thuế; Căn cứ tính thuế; Miễn, giảm thuế tài nguyên và tổ chức thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 và một số Điều của Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế.

Đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế tài nguyên theo quy định tại Thông tư này là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định, bao gồm:

1. Khoáng sản kim loại.

2. Khoáng sản không kim loại.

3. Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ.

4. Hải sản tự nhiên, gồm động vật và thực vật biển.

5. Nước thiên nhiên, bao gồm: Nước mặt và nước dưới đất; trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy.

Nước biển làm mát máy quy định tại khoản này phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hiệu quả sử dụng nước tuần hoàn và điều kiện kinh tế kỹ thuật chuyên ngành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Trường hợp sử dụng nước biển mà gây ô nhiễm, không đạt các tiêu chuẩn về môi trường thì xử lý theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

6. Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.

Yến sào do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

7. Tài nguyên thiên nhiên khác do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 3. Người nộp thuế

Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 2 Thông tư này. Người nộp thuế tài nguyên (dưới đây gọi chung là người nộp thuế - NNT) trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

1. Đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thì người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Trường hợp tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, được phép hợp tác với tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên và có quy định riêng về người nộp thuế thì người nộp thuế tài nguyên được xác định theo văn bản đó.

Trường hợp tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, sau đó có văn bản giao cho các đơn vị trực thuộc thực hiện khai thác tài nguyên thì mỗi đơn vị khai thác là người nộp thuế tài nguyên.

2. Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế;

Trường hợp Bên Việt Nam và bên nước ngoài cùng tham gia thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; Nếu trong hợp đồng hợp tác kinh doanh không xác định cụ thể bên có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên thì các bên tham gia hợp đồng đều phải kê khai nộp thuế tài nguyên hoặc phải cử ra người đại diện nộp thuế tài nguyên của hợp đồng hợp tác kinh doanh.

3. Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công công trình trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên mà được phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc không trái quy định của pháp luật về quản lý khai thác tài nguyên khi thực hiện khai thác sử dụng hoặc tiêu thụ thì phải khai, nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh tài nguyên khai thác.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi để phát điện là người nộp thuế tài nguyên theo quy định tại Thông tư này, không phân biệt nguồn vốn đầu tư công trình thuỷ lợi.

Trường hợp tổ chức quản lý công trình thuỷ lợi cung cấp nước cho tổ chức, cá nhân khác để sản xuất nước sinh hoạt hoặc sử dụng vào các mục đích khác (trừ trường hợp sử dụng nước để phát điện) thì tổ chức quản lý công trình thủy lợi là người nộp thuế.

5. Đối với tài nguyên thiên nhiên cấm khai thác hoặc khai thác trái phép bị bắt giữ, tịch thu thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên và được phép bán ra thì tổ chức được giao bán phải khai, nộp thuế tài nguyên theo từng lần phát sinh tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức được giao bán tài nguyên trước khi trích các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bắt giữ, bán đấu giá, trích thưởng theo chế độ quy định.

Chương II

CĂN CỨ TÍNH THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 4. Căn cứ tính thuế

1. Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế tài nguyên, thuế suất thuế tài nguyên.

2. Xác định thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ

=

Sản lượng tài nguyên tính thuế

x

Giá tính thuế đơn vị tài nguyên

x

Thuế suất thuế tài nguyên

Trường hợp được cơ quan nhà nước ấn định mức thuế tài nguyên phải nộp trên một đơn vị tài nguyên khai thác thì số thuế tài nguyên phải nộp được xác định như sau:

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ

=

Sản lượng tài nguyên tính thuế

x

Mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác

Việc ấn định thuế tài nguyên được thực hiện căn cứ vào cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế, phù hợp với các quy định về ấn định thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Điều 5. Sản lượng tài nguyên tính thuế

1. Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

Trường hợp tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A khai thác đá sau nổ mìn, khai thác thu được đá hộc, đá dăm các ly khác nhau thì được phân loại theo từng cấp độ, chất lượng từng loại đá thu được để xác định sản lượng đá tính thuế của mỗi loại. Trường hợp, doanh nghiệp A có bán một phần sản lượng đá hộc, số đá hộc, đá dăm còn lại được đưa vào đập, nghiền thành các loại đá dăm có các cỡ (ly) khác nhau thì sản lượng tính thuế được xác định bằng cách quy từ sản lượng đá các cỡ (ly) ra sản lượng đá có sản lượng bán ra lớn nhất để xác định sản lượng đá thực tế khai thác để tính thuế tài nguyên. Doanh nghiệp A thực hiện khai, nộp thuế đối với sản lượng đá khai thác theo giá bán tương ứng.

2. Đối với tài nguyên không xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế của tài nguyên khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau và được bán ra sau khi sàng tuyển, phân loại thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:

a) Đối với tài nguyên sau khi sàng tuyển, phân loại thu được từng chất riêng thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng loại tài nguyên hoặc từng chất có trong tài nguyên thu được sau khi sàng tuyển, phân loại .

Trường hợp đất, đá, phế thải, bã xít thu được qua sàng tuyển mà bán ra thì phải nộp thuế tài nguyên đối với lượng tài nguyên có trong phế thải, bã xít bán ra theo giá bán và thuế suất tương ứng của tài nguyên có trong phế thải, bã xít.

Ví dụ 2: Trường hợp than khai thác từ mỏ chứa tạp chất, đất, đá phải sàng tuyển, phân loại mới bán thì sản lượng than thực tế khai thác để tính thuế tài nguyên là sản lượng than đã qua sàng tuyển, phân loại. Trường hợp phế thải bán ra mà có lẫn than và các tài nguyên khác thì phải tính thuế tài nguyên đối với lượng tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế trong phế thải theo giá bán thực tế và thuế suất tương ứng đối với tài nguyên.

Ví dụ 3: Trường hợp khai thác quặng sắt, sau khi sàng, tuyển thu được 2 kg vàng cốm, 100 tấn quặng sắt thì thuế tài nguyên được tính trên số lượng vàng cốm và quặng sắt thu được; Đồng thời xác định sản lượng loại tài nguyên khác sử dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản để tính thuế, như nước sử dụng cho hoạt động sàng, tuyển.

b) Đối với tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau (quặng đa kim) qua sàng, tuyển, phân loại mà không xác định được sản lượng từng chất có trong tài nguyên khai thác (quặng) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định đối với từng chất căn cứ sản lượng tài nguyên thực tế khai thác (quặng) và tỷ lệ của từng chất có trong tài nguyên. Tỷ lệ từng chất có trong tài nguyên được xác định theo mẫu tài nguyên khai thác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định và phê duyệt. Trường hợp, tỷ lệ của từng chất có trong tài nguyên khai thác thực tế khác với tỷ lệ từng chất có trong mẫu tài nguyên (quặng) thì sản lượng tính thuế được xác định căn cứ kết quả kiểm định về tỷ lệ từng chất có trong tài nguyên khai thác thực tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ví dụ 4: Doanh nghiệp B khai thác tài nguyên, sản lượng quặng khai thác trong tháng là 1000 tấn, trong quặng có lẫn nhiều chất khác nhau. Theo Giấy phép khai thác và tỷ lệ từng chất có trong mẫu quặng đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia phê duyệt là: quặng đồng: 60%; quặng bạc: 0,2%; quặng thiếc: 0,5%.

Sản lượng tài nguyên tính thuế của từng chất được xác định như sau:

- Quặng đồng: 1.000 tấn x 60% = 600 tấn.

- Quặng bạc : 1.000 tấn x 0,2% = 2 tấn.

- Quặng thiếc: 1.000 tấn x 0,5% = 5 tấn

Căn cứ sản lượng của từng chất trong quặng đã xác định để áp dụng giá tính thuế đơn vị tài nguyên của từng chất tương ứng khi tính thuế tài nguyên.

3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:

Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên khai thác được xác định bằng cách quy đổi từ sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ để bán ra theo định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do NNT kê khai căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn công nghệ thiết kế để sản xuất sản phẩm đang ứng dụng, trong đó:

- Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm tài nguyên thì căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm tài nguyên sản xuất bán ra.

- Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm công nghiệp thì căn định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm công nghiệp sản xuất bán ra.

Việc xác định sản phẩm bán ra sau quá trình chế biến là sản phẩm công nghiệp hay không phải sản phẩm công nghiệp do Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo thẩm quyền.

Ví dụ 5: Doanh nghiệp A khai thác đá có sử dụng một phần đá để nghiền đưa vào sản xuất xi măng bán ra. Sản lượng tài nguyên tính thuế là đá được xác định như sau: nếu không xác định được sản lượng đá khai thác đưa vào sản xuất xi măng thì quy đổi từ sản lượng xi măng sản xuất ra sản lượng đá khai thác; Trường hợp này, doanh nghiệp A tự xác định căn cứ định mức, quy trình kỹ thuật của mình.

Ví dụ 6: Doanh nghiệp C khai thác 10 tấn quặng appatit được 3 loại quặng: apatit 1, apatit 2 và apatit 3. Sau quá trình phân loại xác định được khối lượng cụ thể gồm: 2 tấn apatit1, 3 tấn apatit2 và 5 tấn apatit3. Trong đó, lượng apatit1 và apatit2 được tiêu thụ ngay còn apatit3 được tiếp tục đưa vào chế biến thành apatit 1mới bán. Như vậy, sản lượng tính thuế được xác định như sau:

- Sản lượng apatit1 và apatit2 khai thác trong kỳ là 5 tấn;

- Do loại apatit3 phải chế biến thành apatit1 để bán ra nên sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng apatit 1.

Ví dụ 7: Doanh nghiệp D khai thác quặng đa kim, trong đó một phần tiêu thụ trong nước ở dạng quặng đa kim, phần còn lại tiếp tục chế biến thành tinh chất để xuất khẩu thì sản lượng tính thuế được xác định như sau:

- Đối với sản lượng bán trong nước: Căn cứ tỷ lệ từng chất có trong quặng đa kim theo phê duyệt của Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia và mẫu quặng đã được kiểm định để xác định sản lượng tính thuế tương ứng cho từng chất có trong sản phẩm tài nguyên (quặng) sản xuất để bán ra.

- Đối với sản lượng xuất khẩu: Trường hợp sản phẩm tinh chất tài nguyên xuất khẩu được cơ quan chức năng xác định là sản phẩm công nghiệp thì xác định sản lượng tài nguyên tính thuế bằng cách quy đổi ra sản lượng tài nguyên có trong sản phẩm tài nguyên sản xuất trước khi chế biến thành sản phẩm công nghiệp căn cứ tỷ lệ từng chất có trong quặng đa kim theo phê duyệt của Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia và mẫu quặng đã được kiểm định và định mức sử dụng tài nguyên tính trên 1 đơn vị sản phẩm mà doanh nghiệp D đã kê khai theo quy trình công nghệ của doanh nghiệp.

4. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện giao nhận trong trường hợp không có hợp đồng mua bán điện được xác định theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, có xác nhận của bên mua, bên bán hoặc bên giao, bên nhận.

5. Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.

Người nộp thuế phải lắp đặt thiết bị đo đếm sản lượng nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên khai thác để làm căn cứ tính thuế. Thiết bị lắp đặt phải có giấy kiểm định của cơ quan quản lý đo lường chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam và thông báo lần đầu với cơ quan thuế kèm theo hồ sơ khai thuế tài nguyên trong kỳ khai thuế gần nhất kể từ ngày lắp đặt xong thiết bị.

Trường hợp do điều kiện khách quan không thể lắp đặt được thiết bị đo đếm sản lượng nước khai thác sử dụng và không trực tiếp xác định được sản lượng tính thuế thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo kỳ tính thuế. Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan có liên quan ở địa phương xác định sản lượng tài nguyên khai thác được khoán để tính thuế tài nguyên theo quy định tại Thông tư này.

6. Cơ chế phối hợp giữa Cơ quan thuế, Cơ quan Tài nguyên và môi trường để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên tại địa phương như sau:

Căn cứ kê khai của NNT về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác trong năm theo từng mỏ tại Bảng kê được nộp cùng với Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên khi kết thúc năm tài chính, trong vòng 05 ngày làm việc, cơ quan thuế có trách nhiệm chuyển cơ quan Tài nguyên và Môi trường thông tin chi tiết về sản lượng khai thác tài nguyên trong năm theo từng mỏ của các đơn vị trong địa bàn.

Cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác khai, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan tài nguyên và môi trường; Trường hợp sản lượng khai thuế không phù hợp sản lượng được phép khai thác ghi trên Giấy phép khai thác hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan Tài nguyên và môi trường sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị.

Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin do cơ quan thuế chuyển đến, Cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chuyển thông tin cho cơ quan thuế để xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

7. Trường hợp trên địa bàn có doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu sản phẩm tài nguyên, cơ quan thuế thực hiện xác định sản lượng sản phẩm tài nguyên thực tế xuất khẩu trên Tờ khai Hải quan theo cơ chế trao đổi thông tin tại Quyết định số 574 QĐ/BTC ngày 30/3/2015 của Bộ Tài chính để quy đổi ra sản lượng sản phẩm tài nguyên sản xuất và thực hiện đối chiếu với sản lượng tài nguyên trên Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên của doanh nghiệp. Trường hợp phát sinh chênh lệch sản lượng tài nguyên tính thuế mà doanh nghiệp đã kê khai, nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan thuế áp dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra phù hợp theo quy định của Luật Quản lý Thuế để tính, thu đủ thuế tài nguyên và xử lý vi phạm theo quy định.

Sản lượng tài nguyên khai thác tăng thêm qua kiểm tra, thanh tra phải chịu thuế tài nguyên theo mức thuế suất và giá tính thuế tài nguyên quy định tại thời điểm phát sinh sản lượng tài nguyên khai thác; Trường hợp không xác định được sản lượng tài nguyên khai thác tăng thêm phát sinh thuộc kỳ kê khai thuế cụ thể nào thì áp dụng mức thuế suất và giá tính thuế tài nguyên do pháp luật quy định tại thời điểm kết thúc năm khai thác tài nguyên.

Điều 6. Giá tính thuế tài nguyên

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; Trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định.

Trường hợp sản phẩm tài nguyên được vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó chi phí vận chuyển, giá bán sản phẩm tài nguyên được ghi nhận riêng trên hóa đơn thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm tài nguyên không bao gồm chi phí vận chuyển.

1. Đối với loại tài nguyên xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên có cùng phẩm cấp, chất lượng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được áp dụng cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng; Giá bán của một đơn vị tài nguyên được tính bằng tổng doanh thu (chưa có thuế GTGT) của loại tài nguyên bán ra chia cho tổng sản lượng tài nguyên tương ứng bán ra trong tháng.

Trường hợp trong tháng có khai thác tài nguyên nhưng không phát sinh doanh thu bán tài nguyên thì giá tính thuế tài nguyên là giá tính thuế đơn vị tài nguyên bình quân gia quyền của tháng trước gần nhất có doanh thu; nếu giá tính thuế đơn vị tài nguyên bình quân gia quyền của tháng trước gần nhất có doanh thu thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì áp dụng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định.

Trường hợp các tổ chức là pháp nhân khai thác tài nguyên cho Tập đoàn, Tổng công ty để tập trung một đầu mối tiêu thụ theo hợp đồng thoả thuận giữa các bên hoặc bán ra theo giá do Tổng công ty, Tập đoàn quyết định thì giá tính thuế tài nguyên là giá do Tổng công ty, Tập đoàn quyết định nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh tại địa phương nơi khai thác tài nguyên quy định.

2. Đối với loại tài nguyên không xác định được giá bán đơn vị tài nguyên khai thác do có chứa nhiều chất khác nhau

Giá tính thuế là giá bán đơn vị tài nguyên của từng chất, được xác định căn cứ tổng doanh thu bán tài nguyên trong tháng (chưa có thuế GTGT) tính cho từng chất có trong tài nguyên khai thác theo tỷ lệ hàm lượng của từng chất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm phê duyệt và sản lượng tài nguyên bán ra ghi trên chứng từ bán hàng tương ứng với từng chất.

Ví dụ 8: Doanh nghiệp E khai thác 1.000 tấn quặng, tỷ lệ từng chất có trong mẫu quặng đã được kiểm định là: đồng: 60%; bạc: 0,2%; thiếc: 0,5%.

Sản lượng tài nguyên tính thuế của từng chất được xác định như sau:

- Đồng: 1.000 tấn x 60% = 600 tấn.

- Bạc : 1.000 tấn x 0,2% = 2 tấn.

- Thiếc: 1.000 tấn x 0,5% = 5 tấn

Trong tháng, Doanh nghiệp bán 600 tấn quặng, doanh thu 900triệu đồng. Giá tính thuế được xác định đối với từng chất có trong quặng như sau:

- Doanh thu đối với lượng Đồng bán ra trong tháng: 900tr x 60% = 540tr

- Giá tính thuế đối với Đồng (tr/tấn): 540 tr / 360tấn

- Khi khai, nộp thuế tài nguyên, đơn vị phải khai, nộp thuế đối với cả 600 tấn quặng đồng với giá tính thuế (như nêu trên) với thuế suất tương ứng.

Tương tự xác định giá tính thuế để khai, nộp thuế đối với lượng bạc, thiếc có trong 1.000 tấn quặng khai thác trong tháng.

3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (bán trong nước hoặc xuất khẩu)

a) Trường hợp bán ra sản phẩm tài nguyên thì giá tính thuế là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên (trường hợp bán trong nước) tương ứng với sản lượng tài nguyên bán ra ghi trên chứng từ bán hàng hoặc trị giá hải quan của sản phẩm tài nguyên xuất khẩu (trường hợp xuất khẩu) không bao gồm thuế xuất khẩu tương ứng với sản lượng tài nguyên xuất khẩu ghi trên chứng từ xuất khẩu nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.

Trị giá hải quan của sản phẩm tài nguyên xuất khẩu thực hiện theo quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành và sửa đổi, bổ sung (nếu có).

b) Trường hợp bán ra sản phẩm công nghiệp thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm công nghiệp trừ đi chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp được trừ khi xác định giá tính thuế căn cứ công nghệ chế biến của doanh nghiệp theo Dự án đã được phê duyệt nhưng không bao gồm chi phí khai thác, sàng, tuyển, làm giàu hàm lượng.

c) Trường hợp giá tính thuế mà NNT xác định thấp hơn giá tính thuế tại Bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định thì áp dụng giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định; Trường hợp tại Bảng giá của UBND cấp tỉnh quy định chưa có giá đối với loại sản phẩm này thì cơ quan thuế phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, ấn định theo pháp luật về quản lý thuế.

d) Trường hợp tài nguyên khai thác đưa vào chế biến, sản xuất sản phẩm và thu được sản phẩm tài nguyên đồng hành thì áp dụng giá tính thuế đơn vị tài nguyên theo từng trường hợp cụ thể nêu tại Điều này.

Ví dụ 9: Trường hợp trong quá trình luyện quặng sắt thu được 0,05 tấn quặng đồng trên 01 tấn gang và giá bán quặng đồng là 8.500.000 đồng/tấn thì giá tính thuế tài nguyên đối với 0,05 tấn quặng đồng là: 8.500.000 đồng. Trường hợp không bán quặng đồng mà tiếp tục đưa vào chế biến thành sản phẩm công nghiệp thì áp dụng giá tính thuế là giá bán sản phẩm công nghiệp trừ đi chi phí chế biến phát sinh để chế biến quặng đồng thành sản phẩm công nghiệp theo mức do UBND cấp tỉnh quy định để tính thuế tài nguyên đối với sản lượng quặng đồng sản xuất.

4. Giá tính thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

a) Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân.

Giá bán điện thương phẩm bình quân để tính thuế tài nguyên đối với các cơ sở sản xuất thủy điện do Bộ Tài chính công bố.

b) Đối với gỗ là giá bán tại bãi giao (kho, bãi nơi khai thác); trường hợp chưa xác định được giá bán tại bãi giao thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều này.

c) Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh mà không có giá bán ra thì giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 5 Điều này.

d) Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, chứng từ kế toán theo quy định thì cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, ấn định thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp này, sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ kết quả kiểm tra, giá tính thuế tài nguyên là giá tại Bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định áp dụng tương ứng với từng thời kỳ.

5. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên để thực hiện cho năm tiếp theo liền kề như sau:

5.1. Bảng giá tính thuế tài nguyên có các thông tin để làm cơ sở xác định thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác tài nguyên phát sinh trong tỉnh phù hợp với chính sách, pháp luật gồm: định mức sử dụng tài nguyên làm căn cứ quy đổi từ sản phẩm tài nguyên hoặc sản phẩm công nghiệp ra sản lượng tài nguyên khai thác có trong sản phẩm tài nguyên và sản phẩm công nghiệp; Giá tính thuế tài nguyên tương ứng với loại tài nguyên khai thác, sản phẩm tài nguyên sau khi chế biến, trong đó:

a) Định mức sử dụng tài nguyên làm căn cứ quy đổi từ sản phẩm tài nguyên hoặc sản phẩm công nghiệp ra sản lượng tài nguyên khai thác có trong sản phẩm tài nguyên và sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh được xác định căn cứ thực tế khai báo của doanh nghiệp nhưng phải phù hợp báo cáo thăm dò đánh giá của các cơ quan, tổ chức về hàm lượng, chất lượng, sản lượng của loại tài nguyên, phương pháp khai thác, tỷ lệ thu hồi tài nguyên tại địa bàn nơi có tài nguyên khai thác;

b) Giá tính thuế quy định tại Bảng giá là giá tài nguyên khai thác và giá sản phẩm tài nguyên tương ứng với tính chất của tài nguyên, sản phẩm tài nguyên khai thác, chế biến của các doanh nghiệp hoạt động trong địa bàn tỉnh, được xác định trên cơ sở các tài liệu, chứng từ, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh về chất lượng, sản lượng của loại tài nguyên, giá sản phẩm tài nguyên bán ra tại thị trường địa phương và thị trường của địa phương lân cận, trừ trường hợp được quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.

c) Giá tính thuế tài nguyên đối với trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra được xác định như sau:

c1) Đối với trường hợp tài nguyên khai thác được đưa vào sản xuất, chế biến và bán ra sản phẩm tài nguyên thì giá tính thuế là giá bán sản phẩm tài nguyên không có thuế giá trị gia tăng (trường hợp tiêu thụ trong nước) hoặc trị giá hải quan không bao gồm thuế xuất khẩu (đối với trường hợp xuất khẩu);

c2) Đối với trường hợp tài nguyên khai thác được đưa vào sản xuất, chế biến thành sản phẩm công nghiệp mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu): Giá tính thuế tài nguyên được xác định căn cứ vào giá bán (trường hợp tiêu thụ trong nước) hoặc trị giá hải quan (đối với trường hợp xuất khẩu) của sản phẩm công nghiệp bán ra trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và chi phí chế biến công nghiệp của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp.

Chi phí chế biến được trừ quy định tại điểm c2 này phải căn cứ hướng dẫn của các Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Tài chính và do Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan thống nhất xác định trình Ủy ban nhân dân cấp tính quyết định căn cứ vào công nghệ chế biến theo Dự án đã được phê duyệt và kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác, chế biến tài nguyên trong địa bàn tỉnh nhưng không bao gồm chi phí khai thác, sàng, tuyển, làm giàu hàm lượng.

5.2. Giá tính thuế tài nguyên quy định tại Bảng giá phải phù hợp Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành.

5.3. Cơ quan chức năng do UBND cấp tỉnh phân công chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình UBND cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên chậm nhất là ngày 31/12 để công bố áp dụng từ ngày 01/01 năm tiếp theo liền kề. Trong năm, khi giá bán của loại tài nguyên có biến động tăng hoặc giảm ngoài mức quy định tại Khung giá tính thuế của Bộ Tài chính thì thông báo để Bộ Tài chính điều chỉnh kịp thời.

5.4. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế tài nguyên niêm yết công khai Bảng giá tính thuế tài nguyên tại trụ sở cơ quan thuế và gửi về Tổng cục Thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu về giá tính thuế tài nguyên.

Điều 7. Thuế suất thuế tài nguyên

1. Thuế suất thuế tài nguyên làm căn cứ tính thuế tài nguyên đối với từng loại tài nguyên khai thác được quy định tại Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

2. Việc áp dụng thuế suất thuế tài nguyên đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên khai thác, sử dụng trong một số trường hợp được xác định như sau:

a) Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp (kể cả đóng bình, đóng thùng có thể chiết ra thành chai, thành hộp) đều áp dụng cùng mức thuế suất thuế tài nguyên như loại được đóng chai, đóng hộp;

b) Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất kinh doanh có lẫn nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên mà theo hồ sơ thiết kế, quy trình công nghệ sản xuất, cung ứng dịch vụ đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt xác định không thuộc diện sản xuất kinh doanh sản phẩm nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp thì áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên theo mục đích sử dụng tương ứng.

Chương III

ĐĂNG KÝ, KHAI THUẾ, NỘP THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ

Điều 8. Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế

Việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Riêng việc khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản, ngoài việc thực hiện theo quy định chung, còn thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 9. Khai thuế, quyết toán thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, hộ kinh doanh khai thác tài nguyên có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế về phương pháp xác định giá tính thuế đối với từng loại tài nguyên khai thác, kèm theo hồ sơ khai thuế tài nguyên của tháng đầu tiên có khai thác. Trường hợp thay đổi phương pháp xác định giá tính thuế thì thông báo lại với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trong tháng có thay đổi.

2. Hàng tháng, NNT thực hiện khai thuế đối với toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng (không phân biệt tồn kho hay đang trong quá trình chế biến).

3. Khi quyết toán thuế, NNT phải lập Bảng kê kèm theo Tờ khai quyết toán thuế năm trong đó kê khai chi tiết sản lượng khai thác trong năm theo từng mỏ tương ứng với Giấy phép được cấp. Số thuế tài nguyên được xác định căn cứ thuế suất của loại tài nguyên khai thác tương ứng với sản lượng và giá tính thuế như sau:

a) Sản lượng tài nguyên tính thuế là tổng sản lượng tài nguyên khai thác trong năm, không phân biệt tồn kho hay đang trong quá trình chế biến hoặc vận chuyển.

Trường hợp trong sản lượng bán ra vừa có sản lượng sản phẩm tài nguyên vừa có sản lượng sản phẩm công nghiệp thì phải quy đổi từ tài nguyên có trong sản lượng sản phẩm tài nguyên và sản phẩm công nghiệp ra sản lượng tài nguyên khai thác theo định mức sử dụng tài nguyên do NNT tự xác định.

b) Giá tính thuế là giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm tài nguyên được xác định bằng cách lấy tổng doanh thu bán tài nguyên chia cho tổng sản lượng tài nguyên bán ra tương ứng trong năm.

Chương IV

MIỄN, GIẢM THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 10. Miễn thuế tài nguyên

Các trường hợp được miễn thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 9 Luật thuế tài nguyên và Điều 6, Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, bao gồm:

1. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên.

2. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt.

3. Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho hoạt động sản xuất thuỷ điện để phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

4. Miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.

5. Miễn thuế tài nguyên đối với đất do tổ chức, cá nhân được giao, được thuê khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất nhưng không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình; Trường hợp vận chuyển đi nơi khác để sử dụng hoặc bán thì phải nộp thuế tài nguyên theo quy định.

6. Trường hợp khác được miễn thuế tài nguyên, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 11. Giảm thuế tài nguyên

Các trường hợp được miễn thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 9 Luật thuế tài nguyên và Điều 6, Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, bao gồm:

1. Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

2. Trường hợp khác được giảm thuế tài nguyên, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 12. Trình tự, thủ tục miễn, giảm thuế tài nguyên

Trình tự, thủ tục miễn, giảm thuế tài nguyên, thẩm quyền miễn, giảm thuế tài nguyên được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, Cục Thuế xây dựng Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tại địa phương; Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp với biến động của thị trường.

b) Chỉ đạo các cơ quan Thuế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc nhà nước và các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện quản lý thuế tài nguyên theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2015 thay thế Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được nghiên cứu giải quyết kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.