• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 30/01/2009
BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 88/2008/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 12 năm 2008

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch

__________________________

Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 63/2008/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về tiêu chí phân loại, xếp hạng, hồ sơ đăng ký hạng, thủ tục xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

2. Đối tượng áp dụng

2.1. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch tại Việt Nam; kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm trong khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch.

2.2. Đối tượng không áp dụng

Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Nhà khách hoạt động theo quy định của Chính phủ;

b) Chung cư, ký túc xá, nhà trọ, nhà cho các đối tượng không phải là khách du lịch thuê.

II. TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI, XẾP HẠNG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH

1. Tiêu chí phân loại cơ sở lưu trú du lịch

1.1. Khách sạn (hotel) là cơ sở lưu trú du lịch, có quy mô từ mười buồng ngủ trở lên, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách lưu trú và sử dụng dịch vụ, bao gồm các loại sau:

a) Khách sạn thành phố (city hotel) là khách sạn được xây dựng tại các đô thị, chủ yếu phục vụ khách thương gia, khách công vụ, khách tham quan du lịch;

b) Khách sạn nghỉ dưỡng (hotel resort) là khách sạn được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, căn hộ, băng-ga-lâu (bungalow) ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan của khách du lịch;

c) Khách sạn nổi (floating hotel) là khách sạn di chuyển hoặc neo đậu trên mặt nước;

d) Khách sạn bên đường (motel) là khách sạn được xây dựng gần đường giao thông, gắn với việc cung cấp nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện vận chuyển và cung cấp các dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch.

1.2. Làng du lịch (tourist village) là cơ sở lưu trú du lịch gồm tập hợp các biệt thự hoặc một số loại cơ sở lưu trú khác như căn hộ, băng-ga-lâu (bungalow) và bãi cắm trại, được xây dựng ở nơi có tài nguyên du lịch, cảnh quan thiên nhiên đẹp, có hệ thống dịch vụ gồm các nhà hàng, quầy bar, cửa hàng mua sắm, khu vui chơi giải trí, thể thao và các tiện ích khác phục vụ khách du lịch.

1.3. Biệt thự du lịch (tourist villa)là biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê, có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú. Có từ ba biệt thự du lịch trở lên được gọi là cụm biệt thự du lịch.

1.4. Căn hộ du lịch (tourist apartment) là căn hộ có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê, có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú. Có từ mười căn hộ du lịch trở lên được gọi là khu căn hộ du lịch.

1.5. Bãi cắm trại du lịch (tourist camping) là khu vực đất được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.

1.6. Nhà nghỉ du lịch (tourist guest house) là cơ sở lưu trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch như khách sạn nhưng không đạt tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn.

1.7. Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) là nơi sinh sống của người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà. 

1.8. Các cơ sở lưu trú du lịch khác gồm tàu thủy du lịch, tàu hỏa du lịch, ca-ra-van (caravan), lều du lịch.

2. Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch

Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng các loại cơ sở lưu trú du lịch do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

III. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ HẠNG, THỦ TỤC XẾP HẠNG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH

1. Hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch

1.1. Hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch gồm:

a) Đơn đề nghị xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Phụ lục 1;

b) Biểu đánh giá chất lượng cơ sở lưu trú du lịch quy định trong Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng các loại cơ sở lưu trú du lịch;

c) Danh sách người quản lý và nhân viên phục vụ trong cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Phụ lục 2;

d) Bản sao có giá trị pháp lý:

- Đăng ký kinh doanh của cơ sở lưu trú du lịch, quyết định thành lập doanh nghiệp (nếu có);

- Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch đối với người quản lý;

- Giấy cam kết hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và an toàn xã hội;

- Giấy xác nhận đủ điều kiện về phòng chống cháy nổ;

- Xác nhận báo cáo tác động môi trường hoặc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của cấp có thẩm quyền;

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với cơ sở lưu trú du lịch có cung cấp dịch vụ ăn uống);

đ) Biên lai nộp lệ phí thẩm định cơ sở lưu trú du lịch theo quy định hiện hành.

1.2. Hồ sơ đăng ký hạng từ 1 đến 5 sao hoặc hạng cao cấp, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1.1 mục 1 Phần III Thông tư này, thêm bản sao có giá trị pháp lý văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của trưởng các bộ phận lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, bảo vệ.

2. Thủ tục xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch

2.1. Trong thời hạn ba tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, các cơ sở lưu trú du lịch phải gửi hai bộ hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sở tại để thẩm định, xếp hạng theo quy định hiện hành.

2.2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch.

Đối với hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên hoặc hạng cao cấp, trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Tổng cục Du lịch một bộ.

2.3. Tổ chức thẩm định

a) Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành lập Tổ thẩm định gồm ba cán bộ, công chức am hiểu chuyên môn nghiệp vụ quản lý lưu trú du lịch của Sở để xem xét hồ sơ, thẩm định dựa trên căn cứ tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch và tư vấn giúp Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận hạng theo thẩm quyền.

b) Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thành lập Tổ thẩm định gồm  năm cán bộ, công chức am hiểu chuyên môn nghiệp vụ quản lý lưu trú du lịch của Tổng cục Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét hồ sơ, thẩm định dựa trên căn cứ tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch và tư vấn giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ra quyết định công nhận hạng theo thẩm quyền.

2.4. Báo cáo kết quả thẩm định

Tổ thẩm định báo cáo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch kết quả thẩm định, nội dung gồm:

- Tờ trình kết quả thẩm định và đề xuất xếp hạng quy định tại Phụ lục 3;

- Biên bản thẩm định cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Phụ lục 4;

- Biên bản làm việc của Tổ thẩm định quy định tại Phụ lục 5;

- Hồ sơ đăng ký hạng do cơ sở lưu trú du lịch nộp theo quy định tại mục 1 Phần III Thông tư này.

2.5. Thời hạn xếp hạng

a) Trong thời hạn một tháng đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xếp hạng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hai tháng đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xếp hạng của Tổng cục Du lịch kể từ ngày nhận hồ sơ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch có trách nhiệm tổ chức thẩm định, xem xét, ra quyết định công nhận hạng theo thẩm quyền.

b) Trên cơ sở kết quả thẩm định của Tổ thẩm định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch xem xét, ra quyết định công nhận hạng phù hợp cho cơ sở lưu trú du lịch theo thẩm quyền. Trường hợp không ra quyết định công nhận hạng phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

2.6. Ít nhất ba tháng trước khi hết thời hạn theo quyết định công nhận hạng, cơ sở lưu trú du lịch phải gửi hồ sơ đăng ký lại hạng đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ và thủ tục đề nghị thẩm định, xếp hạng lại như thẩm định, xếp hạng lần đầu.

2.7. Nâng hạng hoặc hạ hạng

Cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng, trong quá trình hoạt động kinh doanh có sự thay đổi về chất lượng:

a) Đối với cơ sở lưu trú du lịch sau khi nâng cấp đủ điều kiện nâng hạng, gửi hồ sơ đăng ký hạng mới đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ và thủ tục thẩm định, xếp hạng như thẩm định, xếp hạng lần đầu.

b) Đối với cơ sở lưu trú du lịch không duy trì được hạng như đã xếp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục Du lịch tổ chức thẩm định lại và hạ hạng cơ sở lưu trú du lịch.

3. Treo biển hạng và quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch

3.1. Chất liệu, màu sắc, kích thước và mẫu biển hạng của cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng quy định tại Phụ lục 6.

3.2. Biển hạng được gắn tại khu vực cửa chính của cơ sở lưu trú du lịch.

3.3. Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được treo ở vị trí dễ thấy tại quầy lễ tân.

3.4. Chỉ những cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng từ 1 sao đến 5 sao mới được sử dụng hình ngôi sao để trang trí, quảng cáo theo đúng hạng đã được xếp.

IV. KINH DOANH HÀNG HÓA, DỊCH VỤ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN TRONG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH

1. Ngoài các loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch khác khi kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

2. Đối với hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật chỉ quy định điều kiện kinh doanh không cần giấy phép thì cơ sở lưu trú du lịch phải bảo đảm các điều kiện tương ứng đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh.

V. BÁO CÁO VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH

1. Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc thay đổi chủ sở hữu, tên doanh nghiệp, tên cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở lưu trú du lịch phải thông báo với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định tại Phụ lục 7.

2. Định kỳ ba tháng, cơ sở lưu trú du lịch báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

3. Định kỳ sáu tháng và hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch báo cáo danh mục cơ sở lưu trú du lịch và kết quả hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch của địa phương với Tổng cục Du lịch quy định tại Phụ lục 8.

VI. CẤP BIỂN HIỆU ĐẠT TIÊU CHUẨN PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH

1. Đăng ký cấp biển hiệu

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đề nghị cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên cơ sở tự nguyện.

2. Điều kiện cấp biển hiệu

2.1. Đăng ký kinh doanh và thực hiện các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2.2. Đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại mục 3 Phần VI Thông tư này đối với từng dịch vụ tương ứng.

2.3. Bố trí nơi gửi phương tiện giao thông của khách.

3. Tiêu chuẩn cấp biển hiệu

3.1. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch

a) Hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo chất lượng; không bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; có túi đựng hàng hóa cho khách bằng chất liệu thân thiện với môi trường; có trách nhiệm đổi, nhận lại hoặc bồi hoàn cho khách đối với hàng hóa không đúng chất lượng cam kết;

b) Nhân viên mặc đồng phục, đeo phù hiệu tên trên áo; thái độ phục vụ tận tình, vui vẻ, chu đáo, không nài ép khách mua hàng hóa; có nghiệp vụ và kỹ năng bán hàng; không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất gây nghiện;

c) Cửa hàng có vị trí dễ tiếp cận; diện tích tối thiểu năm mươi mét vuông; trang trí mặt tiền, trưng bày hàng hóa hài hòa, hợp lý; có hệ thống chiếu sáng cửa hàng và khu vực trưng bày hàng hóa; có hộp thư hoặc sổ góp ý của khách đặt ở nơi thuận tiện; có nơi thử đồ cho khách đối với hàng hóa là quần áo; có phòng vệ sinh;

d) Chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.

3.2. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch

a) Vị trí dễ tiếp cận, có quầy bar;

b) Đủ điều kiện phục vụ tối thiểu năm mươi khách; có trang thiết bị phù hợp đối với từng loại món ăn, đồ uống; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

c) Có thực đơn, đơn giá và bán đúng giá ghi trong thực đơn;

d) Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;

đ) Bếp thông thoáng, có trang thiết bị chất lượng tốt để bảo quản và chế biến thực phẩm;

e) Nhân viên phục vụ mặc đồng phục phù hợp với từng vị trí công việc, đeo phù hiệu trên áo;

g) Có phòng vệ sinh riêng cho khách;

h) Thực hiện niêm yết giá và chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.

4. Hồ sơ cấp biển hiệu

4.1. Đơn đề nghị cấp biển hiệu quy định tại Phụ lục 9.

4.2. Báo cáo của cơ sở kinh doanh về tình hình hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống tệ nạn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

5. Thẩm định, xem xét cấp và cấp lại biển hiệu

5.1. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định, xem xét và ra quyết định cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Quyết định cấp biển hiệu có giá trị trong hai năm. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

5.2. Ít nhất ba tháng trước khi hết thời hạn ghi trong quyết định cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, cơ sở kinh doanh phải gửi hồ sơ đăng ký đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định, xem xét và ra quyết định cấp lại biển hiệu.

6. Thu hồi quyết định cấp biển hiệu

Trong quá trình kinh doanh, nếu cơ sở dịch vụ du lịch đã được cấp biển hiệu không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại mục 2 và mục 3 Phần VI Thông tư này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định thu hồi biển hiệu.

7. Mẫu biển hiệu

Mẫu biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch quy định tại Phụ lục 10.

8. Báo cáo của cơ sở được cấp biển hiệu

Định kỳ sáu tháng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 01/2001/TT-TCDL ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Tổng cục Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2000/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về cơ sở lưu trú du lịch.

2. Các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng trước ngày Thông tư này có hiệu lực chưa đến thời hạn thẩm định, xếp hạng lại thì vẫn giữ nguyên hạng đã xếp.

3. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục hoạt động và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, cấp lại biển hiệu trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hướng dẫn, nghiên cứu, sửa đổi./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Tuấn Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.