• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/02/2019
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 40/2018/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 12 năm 2018

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN

ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại,

chi nhánh ngân hàng nước ngoài

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Thông tư số 13/2018/TT-NHNN)

1. Bổ sung khoản 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31 và 32 vào Điều 3 như sau:

“23. Rủi ro tín dụng bao gồm:

a) Rủi ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này. Trong đó, khách hàng (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có quan hệ với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc nhận cấp tín dụng (bao gồm cả nhận cấp tín dụng thông qua ủy thác), nhận tiền gửi, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

b) Rủi ro tín dụng đối tác là rủi ro do đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán trước hoặc khi đến hạn của các giao dịch tự doanh; giao dịch repo và giao dịch reverse repo; giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro; giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác. Trong đó, đối tác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có giao dịch với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong giao dịch tự doanh; giao dịch repo và giao dịch reverse repo; giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro; giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác.

24. Rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá chứng khoán và giá hàng hoá trên thị trường. Rủi ro thị trường bao gồm:

a) Rủi ro lãi suất là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất trên thị trường đối với giá trị của giấy tờ có giá, công cụ tài chính có lãi suất, sản phẩm phái sinh lãi suất trên sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Rủi ro ngoại hối là rủi ro do biến động bất lợi của tỷ giá, giá vàng trên thị trường khi ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ, trạng thái vàng;

c) Rủi ro giá cổ phiếu là rủi ro do biến động bất lợi của giá cổ phiếu trên thị trường đối với giá trị của cổ phiếu, giá trị chứng khoán phái sinh trên sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

d) Rủi ro giá hàng hóa là rủi ro do biến động bất lợi của giá hàng hoá trên thị trường đối với giá trị của sản phẩm phái sinh hàng hóa, giá trị của sản phẩm trong giao dịch giao ngay chịu rủi ro giá hàng hóa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

25. Rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất đối với thu nhập, giá trị tài sản, giá trị nợ phải trả và giá trị cam kết ngoại bảng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh do:

a) Chênh lệch thời điểm ấn định mức lãi suất mới hoặc kỳ xác định lại lãi suất;

b) Thay đổi mối quan hệ giữa các mức lãi suất của các công cụ tài chính khác nhau nhưng có cùng thời điểm đáo hạn;

c) Thay đổi mối quan hệ giữa các mức lãi suất ở các kỳ hạn khác nhau; 

d) Tác động từ các sản phẩm quyền chọn lãi suất, các sản phẩm có yếu tố quyền chọn lãi suất.

26. Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai sót, do yếu tố con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả rủi ro pháp lý). Rủi ro hoạt động không bao gồm:

a) Rủi ro danh tiếng là rủi ro do khách hàng, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư hoặc công chúng có phản ứng tiêu cực về uy tín của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Rủi ro chiến lược là rủi ro do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hoặc không có chiến lược, chính sách ứng phó kịp thời trước các thay đổi môi trường kinh doanh làm giảm khả năng đạt được chiến lược kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.  

27. Sổ kinh doanh là danh mục ghi nhận các trạng thái của:

a) Giao dịch tự doanh (trừ các giao dịch quy định tại điểm b khoản 28 Điều này);

b) Giao dịch để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành công cụ tài chính;

c) Giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro của các giao dịch tự doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

d) Giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác và các giao dịch để đối ứng với các giao dịch này.

28. Sổ ngân hàng là danh mục ghi nhận trạng thái của:

a) Giao dịch repo, reverse repo;

b) Giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho các khoản mục của Bảng cân đối tài sản (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng) của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ các giao dịch đã phân loại vào sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại điểm c khoản 27 Điều này;

c) Giao dịch mua bán tài sản tài chính với mục đích dự trữ khả năng thanh khoản;

d) Các giao dịch còn lại không thuộc sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

29. 06 nhóm hoạt động kinh doanh bao gồm hoạt động tạo thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự; hoạt động phát sinh chi phí lãi và các chi phí tương tự; hoạt động dịch vụ; hoạt động kinh doanh ngoại hối; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư; hoạt động khác.

30. Giao dịch tự doanh là giao dịch mua, bán, trao đổi do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của ngân hàng thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật với mục đích mua, bán, trao đổi trong thời hạn dưới một năm để thu lợi từ chênh lệch giá thị trường cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với các công cụ tài chính, bao gồm:

a) Các công cụ tài chính trên thị trường tiền tệ;

b) Các loại tiền tệ (bao gồm cả vàng);

c) Chứng khoán trên thị trường vốn;

d) Các sản phẩm phái sinh;

đ) Các công cụ tài chính khác được giao dịch trên thị trường chính thức.

31. Giao dịch repo là giao dịch trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định.

32. Giao dịch reverse repo là giao dịch trong đó một bên mua và nhận chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính từ một bên khác, đồng thời cam kết sẽ bán lại và chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định, bao gồm cả giao dịch mua có kỳ hạn tài sản tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác.”

2. Khoản 2 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Đối với ngân hàng thương mại có công ty con, ngân hàng thương mại chỉ đạo, giám sát thông qua người đại diện phần vốn để đảm bảo việc quản lý rủi ro của công ty con phù hợp với chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại và đảm bảo ngân hàng thương mại duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.”

3. Điểm b khoản 1 Điều 38 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Nguyên tắc quản lý rủi ro thị trường trong điều kiện bình thường, điều kiện biến động mạnh về giá chứng khoán, giá hàng hóa, tỷ giá, giá vàng, lãi suất theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;”

4. Điểm b khoản 2 Điều 38 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Hạn mức rủi ro ngoại hối: Hạn mức về tổng trạng thái ngoại tệ dương, tổng trạng thái ngoại tệ âm, trạng thái vàng; hạn mức cho giao dịch viên; hạn mức cắt lỗ;”

5. Khoản 1 Điều 60 được sửa đổi, bổ sung như sau:  

“1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lập kịch bản có diễn biến bất lợi theo quy định điểm a khoản 2 Điều 28 Thông tư này với tối thiểu các giả định về lãi suất, tỷ giá, giá vàng, chất lượng tín dụng và có phương pháp tính toán tác động của các giả định đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đảm bảo:

a) Đối với giả định về lãi suất: Tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro lãi suất), rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng theo giả định về lãi suất;

b) Đối với giả định về tỷ giá, giá vàng: Tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro ngoại hối) theo giả định về tỷ giá, giá vàng;

c) Đối với giả định về chất lượng tín dụng: Tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng theo giả định về chất lượng tín dụng.”

6. Điểm a(iv) khoản 1 Điều 64 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“(iv) Tiêu chí xây dựng mức lương, lợi ích khác đối với các chức danh thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ phải tách biệt với kết quả kinh doanh, kết quả hoạt động của các đơn vị, bộ phận thuộc tuyến bảo vệ thứ nhất và tuyến bảo vệ thứ hai;”

Điều 2.

1. Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 38 Thông tư số 13/2018/TT-NHNN.

2. Bỏ đoạn “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” và “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” tại điểm a khoản 13 Điều 3, điểm d khoản 1 Điều 39, điểm a khoản 2 Điều 41, khoản 3 Điều 42 và điểm c khoản 2 Điều 47 Thông tư số 13/2018/TT-NHNN.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành  

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  12 tháng  02 năm 2019./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đoàn Thái Sơn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.