• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/02/2020
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 56/2019/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 2019

THÔNG TƯ

Quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo chất lượng thực hiện và chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không

 

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo chất lượng thực hiện và chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì những  tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo chất lượng thực hiện; chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Điều 3. Áp dụng hình thức bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không

1. Bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được thực hiện theo hai hình thức: Bảo trì theo chất lượng thực hiện và bảo trì theo khối lượng thực tế theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ.

2. Hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện được áp dụng cho các công việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME khi đáp ứng đồng thời các quy định sau:

a) Hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME được đầu tư xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn khai thác của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO);

b) Hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME được đảm bảo kinh phí thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật;

c) Hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt mức giá khoán cho các công việc kiểm tra, bảo dưỡng.

3. Trường hợp không đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều này, thì áp dụng hình thức bảo trì theo khối lượng thực hiện đối với các công việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME.

4. Cục Hàng không Việt Nam quyết định việc áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện hoặc theo khối lượng thực tế. Khi lựa chọn áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện cho các công việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME thì thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Điều 4. Tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo chất lượng thực hiện

Tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo chất lượng thực hiện bao gồm:

1. Yêu cầu đối với công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME theo chất lượng thực hiện được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tiêu chí giám sát công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME theo chất lượng thực hiện được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tiêu chí nghiệm thu kết quả công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đèn hiệu hàng không và hệ thống ILS, DME theo chất lượng thực hiện được quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Chế độ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không

1. Kiểm tra tài sản kết cấu hạ tầng hàng không:

a) Việc kiểm tra có thể bằng trực quan hoặc bằng thiết bị chuyên dụng;

b) Kiểm tra bao gồm kiểm tra theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện các dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của tài sản làm cơ sở cho việc bảo trì tài sản.

2. Bảo dưỡng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được thực hiện theo kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì được phê duyệt.

3. Sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không:

a) Sửa chữa là các hoạt động khắc phục hư hỏng của tài sản được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo sự làm việc bình thường, an toàn của tài sản;

b) Sửa chữa bao gồm sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.

4. Kiểm định tài sản kết cấu hạ tầng hàng không:

a) Kiểm định là hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hoặc nguyên nhân hư hỏng, giá trị, thời hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật khác của tài sản thông qua quan trắc, thí nghiệm kết hợp với việc tính toán, phân tích;

b) Kiểm định được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.

5. Quan trắc tài sản kết cấu hạ tầng hàng không:

a) Quan trắc là hoạt động theo dõi, đo đạc, ghi nhận sự biến đổi về hình học, biến dạng, chuyển vị và các thông số kỹ thuật khác của tài sản và môi trường xung quanh theo thời gian;

b) Yêu cầu và danh mục tài sản bắt buộc quan trắc quy định tại Điều 6 Thông tư số 48/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 6. Quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không

1. Nội dung quy trình bảo trì quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.

2. Quy trình bảo trì do các nhà thầu lập và bàn giao cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.

3. Trách nhiệm lập và phê duyệt quy trình bảo trì được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.

4. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hàng không chưa có quy trình bảo trì thì cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp được giao sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì tài sản theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2020.

2. Quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định của các văn bản mới đó.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Thể

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.