• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2021
HĐND
Số: 13/2020/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 12 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BA

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Xét Tờ trình số 4621/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 811/BC-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2020 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

1. Tên chương trình: Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

2. Chuẩn nghèo đa chiều:

Chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 được xác định bằng Bộ tiêu chí nghèo đa chiều gồm 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt:

2.1. Chiều Y tế: gồm 2 chỉ số thiếu hụt

a) Chỉ số thiếu hụt về Dinh dưỡng: Hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi.

b) Chỉ số thiếu hụt về Bảo hiểm y tế: Hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện không có bảo hiểm y tế.

2.2. Chiều Giáo dục và Đào tạo: gồm 2 chỉ số thiếu hụt

a) Chỉ số thiếu hụt về Trình độ giáo dục - đào tạo của người lớn trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi: Hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng. [Người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học cơ sở; từ 18 tuổi đến 30 tuổi đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc sơ cấp/trung cấp/cao đẳng nghề; hoặc người từ 16 tuổi đến 30 tuổi được doanh nghiệp tuyển dụng và chứng nhận đào tạo nghề tại chỗ (hình thức vừa học vừa làm)].

b) Chỉ số thiếu hụt về Tình trạng đi học của trẻ em: Hộ gia đình có ít nhất 01 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi gồm: trẻ từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non; trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiếp cận giáo dục tiểu học; trẻ từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi được tiếp cận giáo dục trung học cơ sở).

2.3. Chiều Việc làm - Bảo hiểm xã hội: gồm 2 chỉ số thiếu hụt

a) Chỉ số thiếu hụt về Tiếp cận việc làm: Hộ gia đình có ít nhất 01 người không có việc làm (người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm); hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động.

b) Chỉ số thiếu hụt về Bảo hiểm xã hội: Hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động đang làm việc có thu nhập mà không tham gia bảo hiểm xã hội.

2.4. Chiều Điều kiện sống: gồm 2 chỉ số thiếu hụt

a) Chỉ số thiếu hụt về Nhà ở: Hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc (hai trong ba kết cấu chính là tường, cột, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc) hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 6m2 (nội thành) và nhỏ hơn 10m2 (ngoại thành).

b) Chỉ số thiếu hụt về Nguồn nước sinh hoạt an toàn: Hộ gia đình không tiếp cận được nguồn nước an toàn (gồm: nước máy tại nhà, hoặc nước máy cung cấp tại điểm tập trung).

2.5. Chiều Thu nhập: gồm 2 chỉ số thiếu hụt

a) Chỉ số thiếu hụt về Thu nhập: Hộ có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm (03 triệu đồng/người/tháng) trở xuống.

b) Chỉ số thiếu hụt về Ngưi phụ thuộc: Hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Người phụ thuộc bao gồm: (1) trẻ em dưới 16 tuổi; (2) người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng.

3. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo

3.1. Chuẩn hộ nghèo:

Hộ nghèo là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 06 tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Hộ gia đình có từ 03 chỉ số thiếu hụt trở lên.

- Hộ gia đình có chỉ số thiếu hụt về Thu nhập và chỉ số thiếu hụt về Người phụ thuộc.

3.2. Chuẩn hộ cận nghèo:

Hộ cận nghèo: Là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 06 tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh có 2 chỉ số thiếu hụt và có thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng đến 46 triệu đồng/người/năm.

4. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

a) Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo

b) Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các văn bản quy định hiện hành (từng giai đoạn) của Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố.

c) Giải quyết việc làm trong nước

d) Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật:

- Nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người;

- Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế bao gồm: hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh, tiền ăn khi điều trị bệnh nội trú, chi phí phẫu thuật tim và tiền ăn, tiền đi lại cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh;

- Giáo dục (hỗ trợ học văn hóa và học nghề);

- Trợ giúp xã hội (trợ cấp khó khăn, trợ cấp thường xuyên, hỗ trợ hỏa táng, trợ cấp tết, hỗ trợ bù giá điện);

đ) Có các chính sách và giải pháp hỗ trợ nhà ở phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Khuyến khích nguồn lực xã hội hóa đầu tư nhà ở phù hợp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thu nhập thấp;

e) Hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn.

5. Kinh phí thực hiện Chương trình:

5.1. Nguồn vốn Trung ương.

5.2. Nguồn vốn ngân sách thành phố, quận, huyện.

5.3. Nguồn vốn hợp pháp khác (từ huy động, vận động).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật. Đối với nguồn sử dụng từ ngân sách thành phố, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố rà soát bố trí đủ vốn để đảm bảo thực hiện Chương trình và các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và đem lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, Tổ Đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Khóa IX, Kỳ họp thứ hai mươi ba thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Lệ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.