• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/04/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 67/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ

chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006-2010

_____________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;

Căn cứ Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006-2010 với các nội dung chủ yếu sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG

1. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là những vấn đề lý luận cơ bản phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiến trình hộp nhập kinh tế quốc tế; phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, cung cấp đủ luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

2. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, chú trọng nghiên cứu có định hướng ứng dụng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh.

3. Tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước, làm chủ công nghệ hiện đại, nhanh chóng nâng cao khả nang cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, tốc độ và chất lượng tăng trưởng của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

4. Ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ thích hợp cho khu vực nông thôn và miền núi, chú trọng các vùng đặc biệt khó khăn nhằm phát huy thế mạnh vùng miền, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.

5. Tập trung đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đạt trình độ quốc tế. Đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực.

6. Tiếp tục đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh.

II. MỤC TIÊU

1. Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010. Tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo chuyển biến cơ bản về năng suất, chất lượng và hiệu quả ở một số ngành kinh tế quan trọng.

2. Cung cấp đầy đủ và kịp thời các luận cứ khoa học cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập thành công và nền kinh tế khu vực, thế giới.

3. Nâng cao trình độ, chất lượng và hiệu quả của các công trình nghiên cứu trong nước, tăng số lượng công trình khoa học đạt trình độ quốc tế tương đương với các nước trung bình tiên tiến trong khu vực.

4. Tập trung phát triển công nghệ cơ bản và công nghệ sản phẩm phục vụ việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu. Bố trí 50% nhiệm vụ của các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước được ứng dụng và phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh. Các nhiệm vụ còn lại phục vụ nâng cao năng lực lựa chọn, tiếp thu, làm chủ và cải tiến các công nghệ sẽ được ứng dụng cho giai đoạn sau năm 2010.

Phát triển thị trường công nghệ, bảo đảm giá trị giao dịch mua bán công nghệ đạt mức tăng trưởng bình quân 10%/năm.

5. Có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và công nghệ mới phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ cao và hình thành một số ngành công nghiệp công nghệ cao.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa vào vận hành Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tăng cường thu hút đầu tư và hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cao, hoàn thành việc xây dựng Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010.

6. Hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao, đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia ở trình độ quốc tế; vận hành có hiệu quả một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Xây dựng khoảng 100 nhóm nghiên cứu, tìm kiếm bí quyết công nghệ làm cơ sở để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

III. NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHỦ YẾU

1. Khoa học xã hội và nhân văn

Triển khai nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quản lý. Nghiên cứu làm rõ những vấn đề mới về mô hình phát triển và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dự báo các xu thế phát triển của thế giới và khu vực để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cung cấp luận cứ khoa học cho việc phát triển toàn diện con người và văn hóa Việt Nam, quản lý sự phát triển xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Khoa học tự nhiên

Tập trung vào nghiên cứu cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh về toán học, vật lý, hóa học, cơ học, khoa học sự sống, khoa học về trái đất. Đặc biệt chú ý đến các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng nhằm hỗ trợ cho quá trình lựa chọn, tiếp thu, làm chủ và cải tiến các công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài, tiến tới sáng tạo công nghệ của Việt Nam.

3. Khoa học công nghệ

a. Công nghệ thông tin và truyền thông

Nghiên cứu, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tương đương với trình độ khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực: bưu chính viễn thông, ngân hàng, tài chính, du lịch, thương mại, năng lượng, giao thông vận tải, quốc phòng, an ninh, v.v…

b) Công nghệ sinh học

Ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, y dược và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu phát triển công nghệ sản phẩm phục vụ xây dựng ngành công nghiệp sinh học.

Tập trung nghiên cứu, làm chủ và đưa vào ứng dụng một số công nghệ cao trong lĩnh vực giải mã gen, sản xuất vắc xin thế hệ mới, công nghệ tế bào gốc.

c) Công nghệ vật liệu tiên tiến

Tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ vật liệu tiên tiến để sản xuất thép, hợp kim đặc biệt, vật liệu polime và compozit, vật liệu điện tử và quang tử.

Nghiên cứu công nghệ vật liệu nano và làm chủ công nghệ vật liệu y - sinh, công nghệ sản xuất nguyên liệu phục vụ chế tạo các vật liệu tiên tiến.

d) Công nghệ cơ khí chế tạo máy - tự động hóa

Ứng cụng công nghệ tích hợp, phát triển kỹ thuật rô bốt thông minh, rô bốt song song.

Nghiên cứu công nghệ thiết kế, chế tạo các hệ điều khiển cơ - điện tử; phát triển kỹ thuật mô phỏng, kỹ thuật tạo mẫu ảo, công nghệ điều khiển số trong các ngành cơ khí, dệt may, da giầy v.v…

Bước đầu triển khai một số hướng nghiên cứu mới như hệ vi cơ điện tử, nano cơ điện tử.

d) Công nghệ trong lĩnh vực năng lượng

Nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả. Nghiên cứu các giải pháp công nghệ để khai thác an toàn, có hiệu quả các dạng năng lượng truyền thống.

Phát triển các công nghệ chế tạo thiết bị cơ khí năng lượng như: tổ hợp thiết bị hủy điện, hệ thống truyền dẫn điện, thiết bị điện cao áp.

Nghiên cứu ứng dụng năng lượng bức xạ và các vấn đề phục vụ xây dựng, quản lý và vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân.

e) Công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm

Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sơ chế quy mô nhỏ và vừa, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản, thực phẩm, đặc biệt là một số sản phẩm có lợi thế và triển vọng xuất khẩu như: gạo, cà phê, chè, điều, cao su, thủy sản, các sản phẩm thịt, rau, hoa, quả, dầu thực vật.

g) Công nghệ vũ trụ

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ định vị toàn cầu phục vụ thông tin và truyền thông, điều tra và quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường, phòng tránh thiên tai, quy hoạch sử dụng và vùng lãnh thổ, đánh bắt thủy sản, quản lý phương tiện giao thông vận tải, phục vụ quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Xây dựng năng lực thiết kế, chế tạo một số trạm thu phát mặt đất, khí cụ bay để tạo cơ sở ban hành cho việc hình thành ngành công nghiệp công nghệ vũ trụ và phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Trong quý II năm 2006, tiến hành tổng kết việc thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan quyết định danh mục, mục tiêu, nội dung, kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2006-2010 để thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu tại Điều 1 của Quyết định này.

- Chủ trì, phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương quyết định mục tiêu, nội dung các chương trình nghiên cứu khoa học xã hội về lý luận chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng.

- Hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu tại Điều 1 của Quyết định này theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng va tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm của Bộ, ngành, địa phương theo định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu nêu tại Điều 1 Quyết định này là hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ của Bộ, ngành, địa phương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.