• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/12/2024
HĐND THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Số: 47/2024/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 12 năm 2024

NGHỊ QUYẾT

Về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA X KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020; 

Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 84/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Xét Tờ trình số 7603/TTr-UBND, ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo thẩm tra số 1301/BC-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm các nội dung:

1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khu phố, ấp trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

4. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

5. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có sử dụng lao động.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở tại phường, xã, thị trấn; trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có sử dụng lao động.

Điều 3. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

1. Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; theo yêu cầu vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm theo quy định.

2. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

3. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nội dung bồi dưỡng tập trung vào những điểm mới cần lưu ý và giải đáp, hướng dẫn các vấn đề quy định chưa cụ thể, các nội dung khó khăn, vướng mắc phát sinh thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

4. Tổ chức đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong nước và các nước có nền hành chính hiện đại, có kinh nghiệm quản lý có thể áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Đảm bảo uy tín, tiêu chuẩn trong giảng dạy đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và báo cáo viên; thường xuyên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cán bộ, công chức, viên chức chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng cần thiết để đạt tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm đang đảm nhận.

Điều 4. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của chính quyền, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; tập trung quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu việc đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

3. Không ngừng đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương pháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền và các điều kiện tiếp cận pháp luật, các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở rộng rãi trong Nhân dân, doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các quy định dân chủ ở cơ sở gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; quan tâm đến các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, các đối tượng khó khăn trong tiếp cận pháp luật, lồng ghép thực hiện có hiệu quả Đề án về “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” của Chính phủ trên địa bàn Thành phố, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt hiệu quả tốt nhất.

4. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, phát huy vai trò Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục luật các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dân chủ ở cơ sở; tăng cường đi cơ sở, nghiên cứu đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, đối tượng cần được tuyên truyền pháp luật để có nội dung, phương pháp phù hợp, hiệu quả.

5. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật.

Điều 5. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

1. Nghiêm túc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành ủy; thường xuyên rà soát, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, đảm bảo cho Nhân dân được tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ, công vụ, trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân hằng năm.

2. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về trách nhiệm nêu gương, nghiêm túc thực hiện tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, thực hiện thư cảm ơn, thư xin lỗi; chỉ đạo và tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; công khai, minh bạch giải quyết những vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân quan tâm, kiến nghị, phản ánh chính đáng trong phạm vi lãnh đạo, quản lý; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung đã được quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức công vụ, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công sở, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân; đổi mới và thực hiện phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói”, “Nói dân hiểu”, “Hướng dẫn dân làm”, “Làm dân tin”.

4. Tổ chức thực hiện tốt Luật tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường, công khai đối thoại tiếp dân tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc.

5. Tổ chức cuộc họp, hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư; lấy ý kiến của hộ gia đình tại khu phố, ấp để Nhân dân bàn và quyết định theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

6. Hằng năm, xem xét mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân các cấp để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, quản lý.

Điều 6. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện hành vi cửa quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà người dân, tổ chức, doanh nghiệp; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định khác của pháp luật có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Điều 7. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số

1. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, sâu rộng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tại cơ sở. 

3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua nền tảng số, chính quyền số, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bảo đảm đối tượng liên quan được tiếp cận thông tin; đảm bảo việc tiếp nhận kịp thời kiến nghị, phản ánh của người dân, đồng thời người dân có thể theo dõi, giám sát việc giải quyết của cơ quan nhà nước trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. 

4. Tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hình thành mạng lưới kết nối truyền tải thông tin giữa cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, kết nối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội quần chúng, các nhân sỹ, trí thức tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; nâng cao chất lượng của công chức, người thực hiện chuyên trách, kiêm nhiệm công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đi đôi với việc bồi dưỡng, nâng cao khả năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn mới.

5. Mức bồi dưỡng kiêm nhiệm Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

a) Mức bồi dưỡng kiêm nhiệm Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh: Trưởng ban, Phó Trưởng ban là 1.400.000 đồng/tháng; thành viên Ban Chỉ đạo là 960.000 đồng/tháng; thành viên Tổ giúp việc là 800.000 đồng/tháng.

b) Mức bồi dưỡng kiêm nhiệm Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Thủ Đức, quận, huyện: Trưởng ban, Phó Trưởng ban 700.000 đồng/tháng, thành viên Ban Chỉ đạo là 470.000 đồng/tháng; thành viên Tổ giúp việc là 240.000 đồng/tháng.

c) Mức bồi dưỡng kiêm nhiệm Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phường, xã, thị trấn: Trưởng ban, Phó Trưởng ban là 235.000 đồng/tháng; thành viên Ban Chỉ đạo là 120.000 đồng/tháng.

6. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ

a) Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức, quận, huyện: căn cứ vào chương trình hoạt động, hằng năm dự toán kinh phí hoạt động để địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách được giao.

b) Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở phường, xã, thị trấn là 3.000.000 đồng/năm.

7. Mức chi cho Ban Thanh tra nhân dân phường, xã, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

a) Mức hỗ trợ hàng tháng cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân phường, xã, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng: Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Trưởng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hưởng hỗ trợ hàng tháng là 750.000 đồng/tháng; Phó Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Phó Trưởng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hưởng hỗ trợ hàng tháng là 450.000 đồng/tháng; Các thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hưởng hỗ trợ hàng tháng là 250.000 đồng/tháng.

b) Chi bồi dưỡng thành viên tham gia đoàn kiểm tra, giám sát, xác minh: 100.000 đồng/người/ngày.

c) Chi thành viên tham dự họp 6 tháng, năm là 100.000 đồng/người/cuộc họp.

Điều 8. Kinh phí thực hiện

Ngân sách Thành phố bố trí dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện Nghị quyết theo phân cấp ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân Thành phố giao Ủy ban nhân dân Thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết, báo cáo kết quả với Hội đồng nhân dân Thành phố.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức, các huyện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức, quận, huyện tổ chức giám sát, kịp thời đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Khóa X Kỳ họp thứ hai mươi thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 12 năm 2024./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Lệ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.