• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/07/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2004
QUỐC HỘI
Số: 39-LCT/HĐNN8
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 6 năm 1990

 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU

CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1988.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

1- Tại các Điều 20, 28, 42, 159, 166, 174, 184, 191, 198, 203, 205, 217, 218, 249, 251 và 263 thay các chữ "quyền và lợi ích hợp pháp" bằng chữ "quyền lợi, nghĩa vụ".

2- Khoản 3 Điều 29 về quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"3. Người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự".

3- Điểm d khoản 1 Điều 62 về việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"d) Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành".

4- Điểm b, điểm c khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 2 Điều 63 về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

2. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân;

b) Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;"

5- Khoản 2 Điều 68 về tạm giữ, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giữ".

6- Khoản 2 Điều 69 về thời hạn tạm giữ, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai và cũng không được quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn".

7- Khoản 1 Điều 70 về tạm giam, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội trong những trường hợp nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên một năm và có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội".

8- Tên điều và khoản 2, khoản 3 Điều 93 về quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 93. Quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và các cơ quan khác của lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng An ninh nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

2- Trong lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng An ninh nhân dân, Quân đội nhân dân, ngoài các cơ quan điều tra quy định tại Điều 92 của Bộ luật này, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu phạm tội, thì có quyền: khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và các cơ quan khác của Lực lượng Cảnh sát nhân dân, Lực lượng An ninh nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, do Hội đồng Nhà nước quy định".

9- Điểm a khoản 3 Điều 141 về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát đối với hoạt động điều tra, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"a) Kiểm sát việc khởi tố, tự mình khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và chuyển đến cơ quan điều tra để yêu cầu tiến hành điều tra; trực tiếp điều tra trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 92 của Bộ luật này;"

10- Đoạn 2 khoản 1 và khoản 2 Điều 142 về quyết định của Viện kiểm sát sau khi kết thúc điều tra, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thêm, nhưng không quá ba mươi ngày."

"2. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều này. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không được quá ba mươi ngày."

11- Đoạn 2 khoản 2 Điều 151 về thời hạn chuẩn bị xét xử, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Toà án có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá ba mươi ngày."

12- Điều 152 về áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Toà án có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó chánh án Toà án quyết định.

Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 151 của Bộ luật này.

Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên toà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Toà án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên toà."

13- Đoạn 1 Điều 205 về những người có quyền kháng cáo, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm".

14- Khoản 1 Điều 208 về thời hạn kháng cáo, kháng nghị, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản sao bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án."

15- Điều 215 về thời hạn xét xử phúc thẩm, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu phải mở phiên toà phúc thẩm trong thời hạn không quá sáu mươi ngày; Toà án quân sự cấp cao, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao phải mở phiên toà phúc thẩm trong thời hạn không quá chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án".

16- Khoản 2 Điều 217 về những người tham gia phiên toà phúc thẩm được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên toà. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử, nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt; trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên toà.

Thời hạn hoãn phiên toà theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này hoặc tại các Điều 30, 31 và 33 của Bộ luật này không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà."

17- Khoản 1 Điều 232 về tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Theo đề nghị của Viện kiểm sát hoặc của Ban giám thị trại giam, Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án có thể cho người bị kết án không phải là phần tử nguy hiểm được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp quy định tại Điều 231 của Bộ luật này. Việc tạm đình chỉ để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm phải do người đã kháng nghị hoặc do toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định."

18- Khoản 1 Điều 238 về thủ tục giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Toà án có thẩm quyền quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, nơi người bị kết án chấp hành hình phạt.

Toà án có thẩm quyền quyết định miễn chấp hành hình phạt tù, hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội là Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.

Việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành các hình phạt khác hoặc giảm thời gian thử thách thuộc thẩm quyền quyết định của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực, nơi người bị kết án chấp hành hình phạt hoặc chịu thử thách."

19- Điều 247 về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, được bổ sung khoản 3 mới như sau:

"3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự."

20- Điều 265 về thời hạn kháng nghị tái thẩm, được bổ sung khoản 3 mới như sau:

"3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự."

Điều 2. Bổ sung một số điều mới như sau:

1- "Điều 42a. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

1. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận, bảo vệ quyền lợi cho mình.

2. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

3. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền cung cấp chứng cứ, đề đạt yêu cầu; được đọc hồ sơ vụ án, ghi chép những điều cần thiết sau khi kết thúc điều tra; tham gia phiên toà; khiếu nại các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này.

Đối với đương sự là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, thì người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mình bảo vệ.

4. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật của vụ án; giúp đương sự về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ."

2- "Điều 168a. Thời hạn hoãn phiên toà.

Trong trường hợp phải hoãn phiên toà theo quy định tại các Điều 30, 31, 33, 162, 164, 165, 166, 167 và 168 của Bộ luật này, thì thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà."

3- "Điều 215a. Việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn.

Sau khi nhận hồ sơ vụ án, toà án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn.

Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn quy định tại Điều 215 của Bộ luật này.

Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên toà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Toà án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên toà."

---------------------------

 

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990.

 

 

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Quang Đạo

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.