• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2000
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 12/2000/TT-BKH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 2000

THÔNG TƯ

Hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

 

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2000 (sau đây gọi chung là Luật Đầu tư nước ngoài);

Căn cứ Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định 24/2000/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định 75/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư này hướng dẫn thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam như sau:

 Chương I

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ LỰA CHỌN, HÌNH THÀNH DỰ ÁN

Điều1. Xây dựng, công bố Danh mục dự án và các biện pháp khuyến khích đầu tư

1. Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài, Nghị định 24/2000/NĐ-CP và các quy định có liên quan, y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là y ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành quy định về quản lý nhà nước trên địa bàn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài và các biện pháp khuyến khích đầu tư nước ngoài ở địa phương; các Bộ, ngành ban hành quy định hướng dẫn về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thuộc chức năng và thẩm quyền quản lý của mình. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần trao đổi ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi ban hành các văn bản trên.

2. Căn cứ quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế-xã hội đã được phê duyệt trong từng thời kỳ, các Bộ, ngành, y ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài của ngành và địa phương mình.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ công bố Danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài. Các Bộ, ngành, y ban Nhân dân cấp tỉnh công bố Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài của ngành và địa phương mình sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư .

4. Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài phải kèm theo Tóm tắt dự án gồm các thông tin sơ bộ về mục tiêu, địa điểm, thông số kỹ thuật chủ yếu và dự kiến Bên Việt Nam tham gia theo Mẫu 1 và 2 Phụ lục I Thông tư này.

5. Việc công bố Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn dự án đầu tư và làm cơ sở để tổ chức vận động, xúc tiến đầu tư.

6. Về nguyên tắc, khi Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài được công bố theo từng thời kỳ, thì các dự án được nêu trong Danh mục được coi là đã phù hợp với quy hoạch trong thời kỳ đó. Đối với những dự án không thuộc các Danh mục nói trên do các Bên tham gia đầu tư chủ động đề xuất, lựa chọn, Cơ quan cấp giấy phép đầu tư tổng hợp ý kiến các cơ quan có liên quan, cho ý kiến về quy hoạch và chủ trương thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các Bên tham gia đầu tư đàm phán, lập hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư.

7. Các Bộ, ngành, y ban Nhân dân cấp tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật để kịp thời có sự điều chỉnh Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài cho phù hợp với quy hoạch và nhu cầu vận động đầu tư trong từng thời kỳ.

Điều 2. Xúc tiến đầu tư

1. Các Bộ, ngành, y ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền, giới thiệu Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài và vận động đầu tư cho từng lĩnh vực, dự án dưới hình thức tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức các cuộc hội thảo hoặc các hoạt động xúc tiến đầu tư khác ở trong và ngoài nước.

2. Các hoạt động nói trên có thể được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở nước ngoài hoặc các tổ chức xúc tiến, tư vấn đầu tư ở trong và ngoài nước.

3. Các Bộ, ngành, y ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ định đầu mối chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch, Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài; giới thiệu địa điểm, các Bên tham gia đầu tư và các thông tin cần thiết khác phục vụ cho việc xây dựng và triển khai dự án theo yêu cầu của chủ đầu tư.

4. Dự án đầu tư có thể giới thiệu cho nhiều đối tác khác nhau nhằm lựa chọn được nhà đầu tư thích hợp nhất, có đủ tư cách pháp lý, năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án. Việc tìm hiểu các thông tin nói trên về nhà đầu tư nước ngoài có thể được thực hiện qua tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua Cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại, kinh tế của Việt Nam ở nước ngoài, các ngân hàng, công ty kiểm toán, tư vấn đầu tư trong và ngoài nước.

Điều 3. Tổ chức đàm phán

1. Bên Việt Nam và Bên nước ngoài tổ chức đàm phán trực tiếp các dự án đầu tư theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh. Về nguyên tắc, Bên Việt Nam đàm phán với Bên nước ngoài theo phương án đàm phán đã được chuẩn bị, trong đó dự kiến trước những yêu cầu cần đạt được, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phương thức, tỷ lệ góp vốn, vay vốn đầu tư, phân chia lợi nhuận, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước... Đối với các dự án đầu tư theo chương trình của Chính phủ, các dự án trọng điểm của Bộ, ngành, địa phương, phương án đàm phán cần được trình Cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Trong quá trình đàm phán, nếu gặp vướng mắc, Bên Việt Nam có thể tham khảo ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, y ban Nhân dân cấp tỉnh hoặc các Bộ, ngành có liên quan.

2. Đối với dự án đầu tư theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài thoả thuận với y ban Nhân dân cấp tỉnh về địa điểm, mức tiền thuê đất, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng,... theo quy định hiện hành.

3. Đối với dự án có quy mô lớn hoặc dự án quan trọng do Chính phủ quyết định, để đảm bảo yêu cầu phối hợp liên ngành, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Bên Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm đàm phán tổ chức việc lấy ý kiến hoặc mời đại diện các cơ quan có liên quan cùng tham gia đàm phán với Bên nước ngoài.

Điều 4. Lập hồ sơ dự án

Chủ đầu tư có thể tự mình lập hồ sơ hoặc thuê tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư được phép hoạt động tại Việt Nam lập hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài, Nghị định 24/2000/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 5. Hoạt động dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư được phép hoạt động tại Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế đăng ký hành nghề tư vấn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông báo danh sách doanh nghiệp Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cùng phối hợp trong việc quản lý, hướng dẫn hoạt động của các doanh nghiệp này để đảm bảo thực hiện đúng các định hướng, mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài.

2. Tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư nêu tại Khoản 1 Điều này được phép cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến việc hình thành và triển khai hoạt động của dự án đầu tư phù hợp với quy định của Luật Đầu tư nước ngoài, Nghị định 24/2000/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư được thỏa thuận với chủ đầu tư về mức phí tư vấn trên cơ sở quy mô, tính chất của dự án và nội dung tư vấn; trường hợp cung cấp dịch vụ mà Nhà nước có quy định khung giá thì thực hiện theo khung giá đó.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, y ban Nhân dân cấp tỉnh thường xuyên phổ biến pháp luật, quy hoạch, cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài, phối hợp và hỗ trợ các tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư.

4. Tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư hoạt động phù hợp với quy định trong Đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư (đối với doanh nghiệp thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài) và các quy định của pháp luật về hành nghề tư vấn.

Tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về tính chính xác, trung thực của dịch vụ tư vấn; trường hợp gây tổn hại đến lợi ích của Nhà nước Việt Nam hoặc của chủ đầu tư thì tuỳ tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương II

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ, GIẤY PHÉP ĐIỀU CHỈNH

Điều 6. Hồ sơ dự án xin cấp Giấy phép đầu tư

1. Việc cấp Giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện theo một trong hai quy trình:

Đăng ký cấp Giấy phép đầu tư

Thẩm định cấp Giấy phép đầu tư

2. Hồ sơ dự án xin cấp Giấy phép đầu tư quy định như sau:

Hồ sơ dự án thuộc diện đăng ký cấp Giấy phép đầu tư bao gồm các tài liệu quy định tại Điều 106 Nghị định 24/2000/NĐ-CP. Đơn đăng ký cấp Giấy phép đầu tư được lập theo Mẫu 1 và các tài liệu gửi kèm theo Đơn được lập theo Mẫu 2.b, 3.b, 3.c và 4.b Phụ lục II Thông tư này;

Hồ sơ dự án thuộc diện thẩm định cấp Giấy phép đầu tư bao gồm các tài liệu quy định tại Điều 107 Nghị định 24/2000/NĐ-CP. Đơn xin cấp Giấy phép đầu tư và các tài liệu gửi kèm theo Đơn được lập theo các Mẫu 2, 3 và 4 Phụ lục II Thông tư này.

3. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, phù hợp với tính chất của dự án xin cấp Giấy phép đầu tư, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bổ sung một số văn bản, tài liệu liên quan như :    

Các tài liệu liên quan đến đánh giá tác động môi trường của dự án (nếu dự án thuộc Danh mục các dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố);

Văn bản liên quan đến việc sử dụng đất (đối với các dự án có nhu cầu sử dụng đất);

Các thoả thuận, Hợp đồng kinh tế có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư (ví dụ như việc thuê nhà xưởng để thực hiện dự án, tổ chức cung ứng nguyên liệu, ...);

Thiết kế sơ bộ về phương án kiến trúc đối với các dự án có công trình xây dựng là một phần nêu trong Giải trình kinh tế kỹ thuật.

4. Hồ sơ dự án xin cấp Giấy phép đầu tư đối với các dự án đặc thù (dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT, dự án thuộc lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí,...) được lập theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

 Điều 7. Tiếp nhận hồ sơ dự án

1. Đối với các dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư: hồ sơ dự án được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Đối với các dự án do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép đầu tư: hồ sơ dự án được gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư;

Đối với các dự án trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu Công nghệ cao: hồ sơ dự án được gửi đến Ban quản lý Khu công nghiệp theo cơ chế uỷ quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ dự án, cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, đặc biệt là các vấn đề sau:

Số lượng bộ hồ sơ dự án cần phải nộp và đầu mục những văn bản cần phải có trong hồ sơ dự án theo quy định.

Tính hợp lệ của hồ sơ dự án: Các trang của Đơn xin cấp Giấy phép đầu tư, Hợp đồng liên doanh hay Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Điều lệ doanh nghiệp phải có các chữ ký của đại diện có thẩm quyền của các Bên tham gia đầu tư.

Văn bản xác nhận tư cách pháp lý, tình hình tài chính của các chủ đầu tư; Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các văn bản xác nhận trên.

3. Sau khi nộp hồ sơ dự án, chủ đầu tư hoặc đại diện được uỷ quyền được cấp Giấy biên nhận tiếp nhận hồ sơ dự án.

 Điều 8. Quy định chung về xem xét, thẩm định dự án đầu tư

1. Đối với dự án đầu tư thuộc diện thực hiện theo quy trình đăng ký cấp Giấy phép đầu tư: Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét tính hợp lệ của hồ sơ dự án theo quy định tại các Điều 105 và 106 Nghị định 24/2000/NĐ-CP và các quy định tại Điều 9 Thông tư này.

2. Đối với dự án đầu tư thuộc diện thực hiện theo quy trình thẩm định cấp Giấy phép đầu tư: Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét tính hợp lệ của hồ sơ dự án theo quy định tại Điều 107 Nghị định 24/2000/NĐ-CP và nội dung thẩm định dự án đầu tư theo Điều 108 Nghị định 24/2000/NĐ-CP và quy định tại các Điều 9, 10, 11 và 12 Thông tư này.

 Điều 9. Thẩm định tư cách pháp lý, tình hình tài chính của các bên

1. Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét, thẩm định tư cách pháp lý của chủ đầu tư thông qua văn bản thành lập doanh nghiệp (đối với các chủ đầu tư là doanh nghiệp) hay văn bản chứng minh tư cách pháp lý (đối với chủ đầu tư nước ngoài là cá nhân);

2. Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét, thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư thông qua tài liệu sau:

Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp đang hoạt động: xem xét báo cáo tài chính đã được kiểm toán hai năm gần nhất, trong đó chú ý doanh thu, giá trị tài sản, lợi nhuận hàng năm;

Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp mới được thành lập để thực hiện dự án hoặc đối với chủ đầu tư là cá nhân người nước ngoài: xem xét khả năng huy động vốn của các chủ đầu tư; chứng nhận của ngân hàng về tài khoản của các chủ đầu tư (đối với chủ đầu tư nước ngoài là cá nhân); sự hỗ trợ của Công ty mẹ (nếu có).

Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư có thể đề nghị Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc đại diện thương mại, kinh tế của Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin về tư cách pháp lý, năng lực tài chính của chủ đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.

3. Đối với Doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hợp tác đầu tư với nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

Được thành lập theo quy định của pháp luật;

Có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn. Trường hợp sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước (gồm cả giá trị quyền sử dụng đất) để góp vốn phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;

Trường hợp Bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nếu có yêu cầu đền bù, giải phóng mặt bằng, Bên Việt Nam phải có phương án tài chính để đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc có giải pháp thích hợp.

 Điều 10. Thẩm định về mức độ phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch và lợi ích kinh tế-xã hội

Dự án đầu tư phải thuộc lĩnh vực ngành nghề phù hợp với quy hoạch. Đối với các dự án thuộc những ngành nghề hoặc hoạt động tại các địa điểm chưa rõ quy hoạch, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư tham khảo ý kiến của Bộ quản lý ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xem xét khả năng tạo năng lực sản xuất mới, ngành nghề, sản phẩm mới và mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm.

Xem xét khả năng tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt các dự án có chương trình đào tạo, thay thế dần người nước ngoài bằng lao động Việt Nam.

Phân tích lợi ích kinh tế của dự án, các khoản nộp cho ngân sách. Khuyến khích các dự án có khả năng nộp ngân sách cao, có khả năng xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ thu ngoại tệ.

Điều 11. Thẩm định về trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái

Việc nhập khẩu thiết bị máy móc để thực hiện dự án phải được thực hiện theo quy định tại các Điều 72, 73 và 74 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Việc chuyển giao công nghệ và góp vốn bằng công nghệ của các chủ đầu tư phải phù hợp quy định tại các Điều 80 và 81 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Đối với dự án thuộc Danh mục các dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư phải giải trình trong hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư các đánh giá tác động môi trường của dự án với các nội dung theo mẫu do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành.

Ý kiến của các Bộ quản lý ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan này.

Điều 12. Thẩm định về tính hợp lý của việc sử dụng đất, định giá tài sản góp vốn cuả Bên Việt Nam

Trường hợp Bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc bằng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, việc thẩm định dự án cần lưu ý những vấn đề sau:

Xem xét tính hợp lý của việc sử dụng đất (diện tích, tiến độ sử dụng) theo cam kết của các chủ đầu tư tại Đơn xin cấp Giấy phép đầu tư, Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hợp đồng liên doanh, Điều lệ doanh nghiệp và Giải trình kinh tế-kỹ thuật; Bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất phải hoàn thành thủ tục thuê đất và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cần thoả thuận trước với Bên nước ngoài về giá trị chi phí đền bù giải toả.

Việc xem xét phương án đền bù, giải phóng mặt bằng phù hợp với quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư nước ngoài và Điều 89 Nghị định 24/2000/NĐ-CP. Ngoài ra, có thể xem xét những trường hợp sau:

Trường hợp y ban nhân dân cấp tỉnh không thu xếp trước được nguồn kinh phí thì có thể thoả thuận với chủ đầu tư nước ngoài về việc chủ đầu tư có thể ứng trước chi phí cần thiết. Chi phí này được tính vào vốn đầu tư của dự án.

Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thu xếp được nguồn kinh phí thì chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc được chủ đầu tư hoàn trả riêng hoặc được tính gộp vào giá cho thuê đất.

Bên Việt Nam góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, thì tài sản đó phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý Bên Việt Nam định giá trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm góp vốn và được các Bên chấp thuận. Tài sản góp vốn nếu thuộc nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước thì Bên Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành.

 Điều 13. Quy trình xem xét, thẩm định dự án

1. Quy trình xem xét đối với dự án thuộc diện đăng ký cấp Giấy phép đầu tư:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 3, Điều 106 Nghị định 24/2000/NĐ-CP, Điều 8 của Thông tư này, nếu thấy nội dung dự án đáp ứng được các yêu cầu, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư ban hành Giấy phép đầu tư.

Nếu có yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ dự án, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư thông báo cho chủ đầu tư về yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự án.

2. Quy trình xem xét đối với dự án thuộc diện thẩm định cấp Giấy phép đầu tư:

Quy trình thẩm định dự án đầu tư do Bộ Kế họach và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư được quy định tại Điều 109 Nghị định 24/2000/NĐ-CP. Quy trình thẩm định đối với các dự án đầu tư do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép đầu tư được quy định tại Điều 110 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

3. Thời hạn chủ đầu tư gửi văn bản bổ sung, sửa đổi hồ sơ dự án là 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của Cơ quan Giấy phép đầu tư. Nếu cần thiết, chủ đầu tư làm đơn xin gia hạn việc bổ sung, sửa đổi gửi Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư để được chấp thuận. Hết thời hạn trên, nếu không có trả lời, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư gửi văn bản đến chủ đầu tư thông báo việc Đơn xin cấp Giấy phép đầu tư của chủ đầu tư được coi là hết giá trị xem xét.

Điều 14. Giấy phép đầu tư

1. Giấy phép đầu tư được lập theo mẫu thống nhất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành cho từng hình thức đầu tư quy định tại Mẫu 1, 2 và 3 Phụ lục III Thông tư này.

2. Khi soạn thảo và ban hành Giấy phép đầu tư, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư lưu ý một số điểm sau đây:

a. Về hình thức:

Giấy phép đầu tư do từng Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư cấp được đánh theo số thứ tự liên tục từ số 1 kể từ khi Cơ quan này bắt đầu thực hiện việc cấp Giấy phép đầu tư theo Quyết định phân cấp của Chính phủ hoặc Quyết định ủy quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chuỗi ký tự tiếp sau Số Giấy phép đầu tư được quy ước như sau:

/GP đối với Giấy phép đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp (ví dụ: Số 01/GP);

/GP-(ký hiệu tên tỉnh/thành phố) đối với Giấy phép đầu tư do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp. (ví dụ: Số 01/GP-HN);

/GP-KCN-(ký hiệu tên tỉnh/thành phố) đối với Giấy phép đầu tư do Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh cấp. (ví dụ: Số 01/GP-KCN-HN).

Ký hiệu tên tỉnh/thành phố quy định tại Bảng Phụ lục III Thông tư này.

b. Về nội dung:

Tên và địa chỉ của chủ đầu tư: ghi chính xác theo đề nghị trong hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư;

Trụ sở của Doanh nghiệp được thành lập: ghi địa chỉ trụ sở chính và trụ sở chi nhánh sản xuất (không ghi trụ sở văn phòng hoặc chi nhánh giao dịch);

Mục tiêu và phạm vi kinh doanh: quy định các sản phẩm chủ yếu của dự án. Đối với các dự án sản xuất các sản phẩm cần khống chế sản lượng thì quy định công suất thiết kế của từng loại sản phẩm. Đối với dự án cần có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm tối thiểu theo quy định hoặc có cam kết tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm mà theo đó dự án được hưởng ưu đãi thì cần quy định rõ tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm;

Vốn đầu tư đăng ký và vốn pháp định đăng ký: ghi theo cam kết trong hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư. Đối với vốn pháp định hoặc vốn do các Bên góp để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh: quy định rõ vốn góp và phương thức góp vốn của mỗi Bên;

Đối với một số lĩnh vực đặc thù như dầu khí, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, văn hóa, dự án thực hiện theo hình thức BOT, BTO, BT, các dự án thuộc Danh mục dự án cần lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng công trình,... thì những quy định đặc thù này cần được quy định trong Giấy phép đầu tư.           

Điều 15. Điều chỉnh Giấy phép đầu tư

Trong quá trình hoạt động, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh có thể đề nghị điều chỉnh các điều khoản được quy định tại Giấy phép đầu tư.            

Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chấp thuận đề nghị của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh dưới hình thức cấp Giấy phép điều chỉnh hoặc ra văn bản chấp thuận đối với trường hợp điều chỉnh một số quy định cụ thể.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra văn bản chấp thuận và thông báo cho Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư mà Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư không cần phải điều chỉnh Giấy phép đầu tư đối với những trường hợp sau:

Mở Chi nhánh giao dịch, Văn phòng giao dịch; kho hàng; cửa hàng giới thiệu sản phẩm (không mang tính sản xuất) tại địa phương;

Thay đổi địa điểm trụ sở, địa điểm đầu tư trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Điều 16. Thẩm quyền điều chỉnh Giấy phép đầu tư

Thẩm quyền điều chỉnh Giấy phép quy định tại Điều 111 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh quyết định điều chỉnh Giấy phép đầu tư sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong những trường hợp sau:

Do điều chỉnh Giấy phép đầu tư mà vượt quá hạn mức vốn đầu tư đối với dự án được phân cấp, uỷ quyền;

Thay đổi mục tiêu, bổ sung mục tiêu thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, giảm tỷ lệ góp vốn của Bên Việt Nam tham gia liên doanh, giảm tỷ lệ xuất khẩu xuống dưới mức quy định đối với các sản phẩm có quy định tỷ lệ xuất khẩu;

Chuyển đổi hình thức đầu tư từ Doanh nghiệp liên doanh, Hợp đồng hợp tác kinh doanh thành Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với những dự án thuộc diện đã phân cấp, uỷ quyền, do điều chỉnh Giấy phép đầu tư mà trở thành dự án nhóm A quy định tại Điều 114 Nghị định 24/2000/NĐ-CP, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chuyển hồ sơ dự án để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc điều chỉnh và thực hiện việc quản lý.

Điều 17. Hồ sơ điều chỉnh Giấy phép đầu tư

1. Hồ sơ điều chỉnh Giấy phép đầu tư, bao gồm:

Đơn xin điều chỉnh Giấy phép đầu tư do Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc thứ nhất ký;

Nghị quyết của Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh hoặc Thỏa thuận của các Bên hợp doanh hoặc đề nghị của chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) về vấn đề xin điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư;

Báo cáo tình hình triển khai, thực hiện dự án kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư đến thời điểm xin điều chỉnh.

2. Ngoài tài liệu nêu trên, tuỳ nội dung đề nghị điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh cần bổ sung các văn bản sau:

2.1. Trường hợp chuyển đổi hình thức đầu tư, chuyển nhượng vốn, bổ sung các tài liệu quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 24/2000/NĐ-CP;

2.2. Trường hợp thay đổi, bổ sung mục tiêu hoạt động, bổ sung các tài liệu:

Bản giải trình việc điều chỉnh mục tiêu hoạt động, trong đó nêu rõ các giải pháp để thực hiện mục tiêu mới như thị trường, vốn, công nghệ,...

Ý kiến của Bộ quản lý ngành đối với các dự án sản xuất các sản phẩm cần khống chế sản lượng mà trong Giấy phép đầu tư đã quy định công suất thiết kế của từng loại sản phẩm.

2.3. Trường hợp mở Chi nhánh làm cơ sở sản xuất, bổ sung các tài liệu:

Bản giải trình việc mở Chi nhánh làm cơ sở sản xuất (nội dung, quy mô hoạt động của Chi nhánh, vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm...);

Ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về địa điểm, mức tiền thuê đất (nếu có) đối với địa điểm dự định đặt chi nhánh làm cơ sở sản xuất;

Ý kiến của Bộ quản lý ngành đối với các dự án sản xuất các sản phẩm cần khống chế sản lượng mà trong Giấy phép đầu tư đã quy định công suất thiết kế của từng loại sản phẩm.

2.4. Trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất Doanh nghiệp, bổ sung các tài liệu theo quy định tại Điều 31 Nghị định 24/2000/NĐ-CP kèm theo Quyết định chia, tách, Hợp đồng hợp nhất, sáp nhập Doanh nghiệp quy định tại các Điều 41, 42, 43 và 44 Thông tư này;

2.5. Trường hợp cơ cấu lại vốn đầu tư, cần có các văn bản, tài liệu sau giải trình lý do:

Giải trình kinh tế kỹ thuật bổ sung;

Các điều kiện tài chính đảm bảo cho việc điều chỉnh vốn đầu tư;

Danh mục máy móc, thiết bị bổ sung (nếu có).

3. Số bộ hồ sơ: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh nộp 03 bộ hồ sơ, trong đó có ít nhất một bộ gốc.

Hồ sơ điều chỉnh Giấy phép đầu tư được in ấn và đóng bìa để bảo quản theo quy chế lưu trữ.

Trong một số trường hợp cần thiết, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư có thể yêu cầu nộp bổ sung ngoài số bộ hồ sơ quy định trên.

Điều 18. Thời hạn điều chỉnh Giấy phép đầu tư

Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư thực hiện việc điều chỉnh Giấy phép đầu tư trong thời hạn quy định tại Điều 111 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP. Thời hạn trên không kể thời gian Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh giải trình bổ sung hồ sơ.

Điều 19. Giấy phép điều chỉnh

Giấy phép điều chỉnh được lập theo mẫu thống nhất theo quy định tại Mẫu 4 Phụ lục III Thông tư này và thực hiện theo các quy ước sau:

1. Số của Giấy phép điều chỉnh gồm 2 phần:

Số Giấy phép điều chỉnh: giữ nguyên như số Giấy phép đầu tư gốc;

Chuỗi ký tự tiếp theo sau Số Giấy phép đầu tư quy ước như sau:

/GPĐC và số thứ tự lần điều chỉnh Giấy phép đầu tư đối với Giấy phép điều chỉnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp. (ví dụ: Số 01/GPĐC1);

/GPĐC và số thứ tự lần điều chỉnh Giấy phép đầu tư (ký hiệu tên tỉnh/thành phố) đối với Giấy phép điều chỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp. (ví dụ: Số 01/GPĐC1-HN);

/GPĐC và số thứ tự lần điều chỉnh Giấy phép đầu tư -KCN (ký hiệu tên tỉnh/thành phố) đối với Giấy phép điều chỉnh do Ban quản lý Khu công nghiệp cấp. (ví dụ: Số 01/GPĐC1-KCN-HN)

2. Đối với Giấy phép đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp trước đây, nay đã bàn giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ban quản lý Khu công nghiệp quản lý thì số Giấy phép đầu tư vẫn giữ nguyên như Giấy phép đầu tư gốc, chuỗi ký tự tiếp theo sau Số Giấy phép đầu tư quy ước như sau:

/GPĐC và số thứ tự lần điều chỉnh Giấy phép đầu tư BKH (ký hiệu tên tỉnh/thành phố) đối với Giấy phép điều chỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp. (ví dụ: Số 01/GPĐC1-BKH-HN);

/GPĐC và số thứ tự lần điều chỉnh Giấy phép đầu tư -BKHKCN (ký hiệu tên tỉnh/thành phố) đối với Giấy phép điều chỉnh do Ban quản lý Khu công nghiệp cấp. (ví dụ: Số 01/GPĐC1-BKH-KCN-HN).

 Chương III

TỔ CHỨC, ĐIỀU HÀNH DOANH NGHIỆP

Điều 20. Ban điều phối Hợp đồng hợp tác kinh doanh

Các Bên hợp doanh có thể thành lập Ban điều phối để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP và đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh. Ban điều phối không có tư cách pháp nhân, không có con dấu.

Điều 21. Văn phòng điều hành của Bên hợp doanh nước ngoài

Bên hợp doanh nước ngoài có thể thành lập Văn phòng điều hành để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP.

1. Văn phòng điều hành của Bên hợp doanh nước ngoài có thể được đề nghị thành lập theo một trong hai quy trình sau:

Đồng thời với việc nộp Đơn xin cấp Giấy phép đầu tư, nếu thấy cần thiết, Bên hợp doanh nước ngoài đề nghị thành lập Văn phòng điều hành với Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư và nếu được chấp thuận thì việc thành lập Văn phòng điều hành sẽ được quy định tại Giấy phép đầu tư;

Sau một quá trình triển khai Hợp đồng hợp tác kinh doanh, nếu thấy cần thiết, Bên hợp doanh nước ngoài đề nghị Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư về việc thành lập Văn phòng điều hành và nếu được chấp thuận thì việc thành lập Văn phòng điều hành sẽ được quy định tại Giấy phép điều chỉnh.

2. Đối với dự án Hợp đồng hợp tác kinh doanh, có thể đồng thời thực hiện việc các Bên hợp doanh đề nghị thành lập Ban điều phối và Bên hợp doanh nước ngoài đề nghị thành lập Văn phòng điều hành để thực hiện các hoạt động phù hợp với các quyền và nghĩa vụ quy định tại Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

3. Sau khi được Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chấp thuận việc thành lập Văn phòng điều hành, Bên hợp doanh nước ngoài thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định hiện hành.

Bên hợp doanh nước ngoài đăng ký nhân sự Văn phòng điều hành tại Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc tại Ban quản lý Khu công nghiệp; thực hiện các thủ tục hành chính liên quan quy định tại Điều 30 Thông tư này.

Điều 22. Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh

1. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư, các Bên liên doanh thông báo cho nhau bằng văn bản danh sách những người tham gia Hội đồng quản trị và cử người giữ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị theo quy định tại các Điều 11 và 12 Luật Đầu tư nước ngoài, Điều 17 Nghị định 24/2000/NĐ-CP, phù hợp với thoả thuận đã được quy định tại Hợp đồng liên doanh và Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh.

2. Việc cử hoặc thay thế thành viên Hội đồng quản trị của Bên Việt Nam liên doanh quy định như sau:

Đối với Bên Việt Nam là Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, việc cử người tham gia Hội đồng quản trị phải được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của Doanh nghiệp thông qua;

Đối với một số dự án quan trọng, việc cử người tham gia Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh có thể do Thủ tướng Chính phủ hoặc Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Đối với Bên Việt Nam thành lập theo Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp, việc cử người tham gia Hội đồng quản trị phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ doanh nghiệp thông qua.

Điều 23. Trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh

Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh là cơ quan lãnh đạo của Doanh nghiệp liên doanh, gồm đại diện của các Bên tham gia liên doanh. Đại diện của mỗi bên trong Hội đồng quản trị là đại diện toàn quyền, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và các Bên mà họ đại diện.

Từng thành viên Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm cá nhân trước Hội đồng quản trị về công việc được phân công.

 Điều 24. Trách nhiệm của các Bên liên doanh

Các Bên liên doanh tham gia việc quản lý Doanh nghiệp liên doanh thông qua thành viên của mình trong Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh, không trực tiếp can thiệp vào việc quản lý, điều hành Doanh nghiệp.

Điều 25. Họp Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh

1. Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự và tổ chức các cuộc họp theo quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư nước ngoài, các Điều 18 và 25 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

2. Biên bản họp Hội đồng quản trị phải được Hội đồng quản trị thông qua ngay trước khi bế mạc mỗi phiên họp và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:       

Thời gian và địa điểm họp;

Tổng số thành viên dự họp, các thành viên của Hội đồng quản trị được ủy quyền của thành viên khác dự phiên họp

Chương trình, nội dung làm việc;

Tóm tắt ý kiến phát biểu tại cuộc họp;

Các vấn đề biểu quyết, kết quả biểu quyết đối với từng vấn đề và các quyết định đã được thông qua;

Biên bản họp Hội đồng quản trị phải bao gồm đầy đủ họ tên và chữ ký của chủ toạ và thư ký cuộc họp.

3. Căn cứ Biên bản cuộc họp, Hội đồng quản trị có thể ban hành các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng quản trị về từng vấn đề cụ thể. Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng quản trị phải bao gồm đầy đủ họ tên, chức danh và chữ ký của tất cả các thành viên dự họp.

4. Các thành viên của Hội đồng quản trị có thể ủy quyền cho người khác đến dự các phiên họp của Hội đồng quản trị và biểu quyết thay trong phạm vi được ủy quyền. Giấy ủy quyền phải có chữ ký đã được đăng ký của người ủy quyền, nội dung ủy quyền không vượt quá những quyền mà người ủy quyền có.   

Điều 26. Cơ chế thông qua quyết định của Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh

Hội đồng quản trị thực hiện việc quản lý Doanh nghiệp thông qua Nghị quyết của Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều 14 Luật Đầu tư nước ngoài, Điều 18 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Trong trường hợp những vấn đề phải thông qua theo nguyên tắc nhất trí (ngoài các vấn đề phải được thông qua theo nguyên tắc nhất trí quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài) mà không đạt được sự nhất trí trong các thành viên của Hội đồng quản trị và do đó ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của Doanh nghiệp, thì Hội đồng quản trị có thể đề nghị Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư đứng ra làm trung gian hoà giải. Trường hợp việc hoà giải không thành thì thực hiện các bước tiếp theo quy định tại Điều 122 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Trong thời gian 6 tháng trước khi hết nhiệm kỳ, Hội đồng quản trị họp tổng kết hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ; các Bên liên doanh cử người tham gia Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới; tiến hành bàn giao công việc giữa Hội đồng quản trị nhiệm kỳ cũ và Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Khi kết thúc thời hạn hoạt động hoặc giải thể Doanh nghiệp trước thời hạn, Hội đồng quản trị có trách nhiệm thành lập Ban thanh lý và chỉ đạo hoạt động của Ban thanh lý theo quy định tại các Điều 39 và 40 Nghị định 24/2000/NĐ-CP và Điều 47 Thông tư này.

Điều 27. Bộ máy điều hành Doanh nghiệp liên doanh

1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng (hoặc Giám đốc tài chính) theo quy định tại Điều 25 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

2. Trường hợp Hợp đồng liên doanh, Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh qui định quyền của mỗi Bên được đề cử người giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất thì người của Bên nào do Bên đó có quyền thay thế khi cần thiết với điều kiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Doanh nghiệp.

Việc đề cử được thông báo bằng văn bản cho các Bên khác ít nhất là 30 ngày trước khi thay thế. Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu các Bên cử người thay thế người khác khi không đáp ứng yêu cầu.

Điều 28. Quyền hạn và trách nhiệm của Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất

Quyền hạn và trách nhiệm của Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Doanh nghiệp liên doanh được quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chức Tổng Giám đốc Doanh nghiệp thì phải phân biệt hai chức năng khác nhau khi điều hành Doanh nghiệp; căn cứ vào tính chất, nội dung từng văn bản để quyết định ký tên, đóng dấu với cương vị thích hợp.

Trường hợp Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Doanh nghiệp không phải là thành viên Hội đồng quản trị thì Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất được tham dự các phiên họp của Hội đồng quản trị, nhưng không được phép biểu quyết các vấn đề của Hội đồng quản trị.

Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất có trách nhiệm thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị. Trường hợp quyết định của Hội đồng quản trị không phù hợp với tình hình thực tế, tuỳ từng trường hợp cụ thể, nếu thấy cần thiết, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất có thể đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng quản trị để xem xét, giải quyết.

Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất có quyền từ chối chấp hành các quyết định của cá nhân các thành viên Hội đồng quản trị hoặc các quyết nghị trái pháp luật của Hội đồng quản trị.

Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc ký Hợp đồng lao động với đại diện của Hội đồng quản trị phù hợp với quy định của pháp luật lao động hiện hành.

Điều 29. Thành lập Hội đồng quản trị Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có thể thành lập Hội đồng quản trị Doanh nghiệp phù hợp với Điều lệ của Doanh nghiệp.

Chương IV

CÁC CÔNG VIỆC THỰC HIỆN SAU KHI ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Điều 30. Các thủ tục hành chính

Sau khi được bổ nhiệm, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Đại diện các Bên hợp doanh thực hiện các thủ tục hành chính bao gồm:

1. Đăng bố cáo thành lập Doanh nghiệp trên báo Trung ương hoặc báo địa phương theo quy định tại Điều 27 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

2. Đăng ký trụ sở doanh nghiệp, đăng ký nhân sự tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, hoặc Ban quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

3. Khắc và đăng ký con dấu tại Công an cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

4. Mở tài khoản của Doanh nghiệp tại ngân hàng;

5. Nếu có nhu cầu áp dụng chế độ kế toán nước ngoài thì làm thủ tục đăng ký áp dụng chế độ kế toán nước ngoài với Bộ Tài chính;

6. Làm thủ tục xin Giấy phép lao động cho người nước ngoài;

7. Thực hiện việc đăng ký các thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú... cho người nước ngoài; đăng ký hành nghề (theo quy định tại Điều 28 Nghị định 24/2000/NĐ-CP); đăng ký sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá,...;

8. Các thủ tục hành chính khác theo quy định.

Điều 31. Các công việc thực hiện sau khi có Giấy phép đầu tư

Sau khi có Giấy phép đầu tư và Doanh nghiệp được thành lập, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đại diện các Bên hợp doanh thực hiện các công việc bao gồm:

1. Làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

Đối với Doanh nghiệp Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu Công nghệ cao thì thực hiện việc ký hợp đồng thuê lại đất và sử dụng các tiện ích công cộng trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu Công nghệ cao với Doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu Công nghệ cao.

2. Đăng ký kế hoạch nhập khẩu tại Sở Thương mại địa phương;

3. Làm thủ tục duyệt thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng;

4. Thực hiện việc đấu thầu hoặc tuyển chọn tư vấn, thiết kế; tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hoá... theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu;

5. Ký hợp đồng cung ứng lao động;

6. Các công việc khác theo quy định.

Điều 32. Mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài

Việc mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 29 Nghị định 24/ 2000/NĐ-CP thực hiện như sau:

1. Trong trường hợp cần thiết, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể được mở Chi nhánh, Văn phòng giao dịch ở nước ngoài với điều kiện sau:

Doanh nghiệp đã triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không vi phạm pháp luật;

Việc mở Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện ở nước ngoài nhằm mục đích thực hiện các hoạt động giao dịch, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm của Doanh nghiệp, đặc biệt là để thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu.

2. Khi có nhu cầu mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao gồm:

Đơn xin mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài;

Giải trình mục đích, tính hợp lý của việc mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài; phương thức hoạt động, chuyển vốn, quản lý lợi nhuận thu được từ Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định việc cho phép Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài; Trong trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trước khi ra quyết định.

4. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được phép mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài, Doanh nghiệp phải báo cáo với Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam tại nước sở tại về việc mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện.

5. Mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải thực hiện thông qua tài khoản của Doanh nghiệp và tuân theo các quy định về quản lý ngoại hối.

Lợi nhuận và các khoản thu nhập (nếu có) của Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài phải được chuyển về Việt Nam trong thời gian chậm nhất là 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính của nước sở tại. Trường hợp quá thời hạn nêu trên mà chưa thực hiện được thì phải báo cáo rõ lý do cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 33. Thuê Tổ chức quản lý

Việc thuê Tổ chức quản lý thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định 24/2000/NĐ-CP và theo quy định của liên bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về thuê Tổ chức quản lý.

Mọi tranh chấp giữa Tổ chức quản lý với Doanh nghiệp và tranh chấp giữa Tổ chức quản lý với các tổ chức kinh tế Việt nam khác được giải quyết theo quy định tại Điều 24 Luật Đầu tư nước ngoài và Điều 122 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Điều 34. Báo cáo quyết toán công trình, báo cáo thực hiện vốn đầu tư

1. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày hoàn thành xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh phải hoàn tất Báo cáo quyết toán công trình và đăng ký tại Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư. Đối với dự án có nhiều hạng mục công trình được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, khi hoàn thành nếu độc lập vận hành khai thác sử dụng và xét thấy cần thiết thì cũng có thể được quyết toán. Trong trường hợp này, sau khi hoàn thành xây dựng toàn bộ dự án, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh phải hoàn tất tổng quyết toán toàn bộ dự án.

Chi phí được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp đã thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác sử dụng. Toàn bộ chi phí nêu trong Báo cáo quyết toán công trình là một phần của Báo cáo thực hiện vốn đầu tư .

2. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày chính thức hoạt động, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh hoàn tất Báo cáo thực hiện vốn đầu tư .

Điều 35. Hồ sơ Báo cáo quyết toán công trình, Báo cáo thực hiện vốn đầu tư

1. Hồ sơ báo cáo quyết toán công trình, báo cáo thực hiện vốn đầu tư bao gồm Báo cáo quyết toán công trình, Báo cáo thực hiện vốn đầu tư, Chứng chỉ giám định máy móc, thiết bị nhập khẩu, Báo cáo kết quả kiểm toán chi phí xây dựng.

Báo cáo quyết toán công trình, Báo cáo thực hiện vốn đầu tư được lập theo Mẫu 1 và 2 Phụ lục IV Thông tư này.

Báo cáo quyết toán công trình, Báo cáo thực hiện vốn đầu tư phải do Tổng Giám đốc doanh nghiệp hoặc đại diện có thẩm quyền của các Bên hợp doanh ký; trong trường hợp Doanh nghiệp liên doanh phải được Hội đồng quản trị nhất trí thông qua.

2. Báo cáo quyết toán công trình bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a. Chi phí xây dựng công trình, bao gồm:

Chi phí cho các công việc dưới mặt đất (phá dỡ, móng, công trình ngầm);

Chi phí phần thân và hoàn thiện công trình xây dựng;

Chi phí về trang thiết bị bên trong công trình;

Chi phí xây dựng cảnh quan (tường rào, sân chơi, vườn hoa, cây cảnh,...);

Chi phí về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy; bảo hiểm xây dựng...

b. Chi phí về máy móc, thiết bị, bao gồm:

Chi phí mua sắm;

Chi phí vận chuyển;

Chi phí bảo hiểm;

Chi phí lắp đặt, hiệu chỉnh.

c. Chi phí khác bao gồm chi phí chuẩn bị đầu tư; đền bù giải phóng mặt bằng, giá trị quyền sử dụng đất do Bên Việt Nam góp vốn, lãi tiền vay trong quá trình xây dựng, chi phí đào tạo, chi phí kiểm toán, giám định và các chi phí hợp lý khác phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Các khoản nộp phạt do lỗi của Doanh nghiệp hoặc của các Bên hợp doanh không được tính vào chi phí.

3. Báo cáo thực hiện vốn đầu tư, bao gồm:

a. Toàn bộ các chi phí nêu trong Báo cáo quyết toán công trình;

b. Vốn lưu động thực hiện (nếu có);

c. Trong Báo cáo thực hiện vốn đầu tư, các khoản đã thực hiện cần được chia theo từng năm từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc xây dựng và đưa dự án vào khai thác sử dụng; chia theo nguồn vốn góp và vốn vay.

4. Đối với dự án đầu tư mà trong Giấy phép đầu tư quy định việc xây dựng và khai thác kinh doanh chia thành nhiều giai đoạn, Báo cáo quyết toán công trình, Báo cáo thực hiện vốn đầu tư được lập theo từng giai đoạn đã được quy định.

Điều 36. Kiểm toán chi phí xây dựng công trình

Chi phí xây dựng công trình nêu trong Báo cáo quyết toán công trình phải được kiểm toán.

Sau khi thực hiện kiểm toán, Tổ chức kiểm toán cấp Báo cáo kết quả kiểm toán cho chủ đầu tư.

Điều 37. Giám định máy móc, thiết bị nhập khẩu

1. Thiết bị, máy móc nhập khẩu để thực hiện dự án phải được giám định theo qui định tại Điều 73 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP.

2. Phí giám định được tính vào chi phí đầu tư của dự án.

3. Sau khi thực hiện giám định, tổ chức giám định cấp Chứng chỉ giám định. Chứng chỉ giám định gồm các nội dung sau:

Tên tổ chức giám định;

Địa điểm, thời gian thực hiện giám định;

Tên, ký mã hiệu, quy cách, năm sản xuất, nước sản xuất, nhà sản xuất, số lượng, tình trạng kỹ thuật, công suất, chất lượng, đơn giá, giá trị của thiết bị, máy móc;

Kết luận về giá trị, chất lượng của thiết bị, máy móc;

Xác nhận trách nhiệm pháp lý của tổ chức giám định: dấu, chữ ký

Điều 38. Tái giám định máy móc, thiết bị nhập khẩu

1. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư có thể yêu cầu một tổ chức giám định khác thực hiện việc tái giám định thiết bị, máy móc nhập khẩu để thực hiện dự án.

2. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu được giải thích, đối chất với kết quả tái giám định, nhưng phải chấp hành quyết định của Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư. Mọi khiếu nại, tranh chấp về giám định, tái giám định được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Xác nhận đăng ký báo cáo quyết toán công trình, báo cáo thực hiện vốn đầu tư

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận hồ sơ quyết toán công trình, hồ sơ báo cáo thực hiện vốn đầu tư đầy đủ và hợp lệ , Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư cấp Giấy xác nhận đăng ký Báo cáo quyết toán công trình, Giấy xác nhận đăng ký Báo cáo thực hiện vốn đầu tư cho Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh theo Mẫu 3 và 4 Phụ lục IV Thông tư này.

Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư có thể thẩm định Báo cáo quyết toán công trình, Báo cáo thực hiện vốn đầu tư và yêu cầu Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh điều chỉnh vốn đầu tư theo đúng chi phí hợp lý.

Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư cấp Giấy xác nhận đăng ký Báo cáo quyết toán công trình, Giấy xác nhận đăng ký Báo cáo thực hiện vốn đầu tư làm cơ sở để Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh thực hiện các thủ tục thanh khoản đối với máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đã nhập khẩu theo quy định tại Điều 102 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Chương V

TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP

Điều 40. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể chia thành hai hoặc một số Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài. Sau khi chia thành các Doanh nghiệp mới, Doanh nghiệp bị chia chấm dứt tồn tại.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản của Doanh nghiệp hiện có (gọi là Doanh nghiệp bị tách) để thành lập một hoặc một số Doanh nghiệp mới hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài (gọi là Doanh nghiệp được tách); chuyển một phần quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp bị tách sang Doanh nghiệp được tách mà vẫn duy trì sự tồn tại của Doanh nghiệp bị tách.

3. Hai hoặc nhiều Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gọi là Doanh nghiệp bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một Doanh nghiệp mới (gọi là Doanh nghiệp hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Doanh nghiệp hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các Doanh nghiệp bị hợp nhất.

4. Một hoặc nhiều Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gọi là Doanh nghiệp bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác (gọi là Doanh nghiệp nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Doanh nghiệp nhận sáp nhập đồng thời chấm dứt tồn tại của các Doanh nghiệp bị sáp nhập.

Đối với các dự án thuộc diện phân cấp, uỷ quyền, trong những trường hợp do tổ chức lại doanh nghiệp mà trở thành dự án nhóm A quy định tại Điều 114 Nghị định 24/2000/NĐ-CP, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chuyển hồ sơ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định và tổ chức việc quản lý.

Điều 41. Thủ tục chia doanh nghiệp

1. Thủ tục chia doanh nghiệp được quy định như sau:

Doanh nghiệp bị chia nộp đơn chia Doanh nghiệp với các đầu mục hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định 24/2000/NĐ-CP kèm theo Quyết định chia Doanh nghiệp;

Quyết định chia Doanh nghiệp phải được Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) thông qua và bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Tên Doanh nghiệp bị chia;

Tên (các) Doanh nghiệp sẽ thành lập;

Nguyên tắc và thủ tục chia tài sản Doanh nghiệp;

Phương án sử dụng lao động, thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp của Doanh nghiệp bị chia sang các Doanh nghiệp mới thành lập;

Nguyên tắc giải quyết các nghĩa vụ của Doanh nghiệp bị chia; thời hạn thực hiện chia Doanh nghiệp.

Quyết định chia Doanh nghiệp được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua Quyết định.

2. Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chuẩn y việc chia Doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động của Doanh nghiệp bị chia và cấp Giấy phép thành lập các Doanh nghiệp mới theo quy định hiện hành.

3. Các Doanh nghiệp mới hoặc phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của Doanh nghiệp bị chia, hoặc thoả thuận cho một trong số các Doanh nghiệp đó thực hiện; Thực hiện các thủ tục thành lập như quy định đối với các Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 42. Thủ tục tách doanh nghiệp

1. Thủ tục tách doanh nghiệp được quy định như sau:

Doanh nghiệp bị tách nộp đơn tách Doanh nghiệp với các đầu mục hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định 24/2000/NĐ-CP kèm theo Quyết định tách Doanh nghiệp;

Quyết định tách Doanh nghiệp phải được Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) thông qua và bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Tên Doanh nghiệp bị tách;

Tên (các) Doanh nghiệp được tách sẽ thành lập;

Phương án sử dụng lao động;

Giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ Doanh nghiệp bị tách sang Doanh nghiệp được tách; thời hạn thực hiện tách Doanh nghiệp.          Quyết định tách Doanh nghiệp phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua Quyết định.

2. Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chuẩn y việc tách Doanh nghiệp theo trình tự sau:

Cấp Giấy phép điều chỉnh cho Doanh nghiệp bị tách, trong đó bao gồm chuẩn y việc tách Doanh nghiệp và cấp Giấy phép đầu tư thành lập (các) Doanh nghiệp mới theo quy định hiện hành.

3. Về nguyên tắc, Doanh nghiệp bị tách vẫn tiếp tục phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của Doanh nghiệp trước khi diễn ra việc tách doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị tách và Doanh nghiệp sẽ được tách cũng có thể thoả thuận việc Doanh nghiệp sẽ được tách chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm về các nghĩa vụ nêu trên; Các Doanh nghiệp được tách thực hiện các thủ tục hành chính và các thủ tục sau khi thành lập như quy định đối với các Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 43. Thủ tục hợp nhất doanh nghiệp

1. Thủ tục hợp nhất doanh nghiệp được quy định như sau

Các Doanh nghiệp bị hợp nhất nộp đơn xin hợp nhất Doanh nghiệp với các đầu mục hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định 24/2000/NĐ-CP kèm theo Hợp đồng hợp nhất doanh nghiệp;

Hợp đồng hợp nhất doanh nghiệp ký giữa các Doanh nghiệp bị hợp nhất và được Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) thông qua, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Tên (các) Doanh nghiệp bị hợp nhất;

Tên, trụ sở Doanh nghiệp hợp nhất;

Thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản; chuyển đổi phần vốn góp của (các) Doanh nghiệp bị hợp nhất thành phần vốn góp của Doanh nghiệp hợp nhất; thời hạn thực hiện hợp nhất; dự thảo Điều lệ Doanh nghiệp hợp nhất;

Hợp đồng hợp nhất phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

2. Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chuẩn y việc hợp nhất Doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động của (các) Doanh nghiệp bị hợp nhất và cấp Giấy phép thành lập Doanh nghiệp mới theo quy định hiện hành.

3. Về nguyên tắc, Doanh nghiệp hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các Doanh nghiệp bị hợp nhất, trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa các Doanh nghiệp. Doanh nghiệp hợp nhất thực hiện các thủ tục thành lập như quy định đối với Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 44. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp

1. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp được quy định như sau:

Các Doanh nghiệp bị sáp nhập nộp đơn xin sáp nhập Doanh nghiệp với các đầu mục hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định 24/2000/NĐ-CP kèm theo Hợp đồng sáp nhập Doanh nghiệp;

Hợp đồng sáp nhập Doanh nghiệp ký giữa các Doanh nghiệp bị sáp nhập với Doanh nghiệp nhận sáp nhập và được Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) thông qua, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Tên Doanh nghiệp nhận sáp nhập;

Tên (các) Doanh nghiệp bị sáp nhập;

Thủ tục và điều kiện sáp nhập;

Phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản; chuyển đổi phần vốn góp của Doanh nghiệp bị sáp nhập thành phần vốn góp của Doanh nghiệp nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;

Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua.

2. Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chuẩn y việc sáp nhập Doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động của (các) Doanh nghiệp bị sáp nhập và cấp Giấy phép điều chỉnh cho Doanh nghiệp nhận sáp nhập hoặc cấp Giấy phép đầu tư thành lập Doanh nghiệp mới theo quy định hiện hành.

3. Về nguyên tắc, Doanh nghiệp nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của Doanh nghiệp bị sáp nhập, trừ trường hợp có sự thoả thuận khác giữa các Doanh nghiệp.

Chương VI

TẠM NGỪNG HOẠT ĐỘNG HOẶC GIÃN TIẾN ĐỘ,

CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG, THANH LÝ, GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Điều 45. Tạm ngừng hoạt động hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án

Việc tạm ngừng hoạt động hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án được thực hiện theo qui định tại Điều 36 Nghị định 24/2000/NĐ-CP. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư, Bộ Tài chính và Cơ quan thuế về thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh phải nộp đủ số thuế còn nợ, vẫn phải chịu trách nhiệm với các chủ nợ, chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp có thoả thuận khác với khách hàng và người lao động.

Khi hoạt động trở lại, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh thông báo cho Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư.

Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư thông báo bằng văn bản cho Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh về việc chấp thuận cho tạm ngừng hoạt động hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án. Văn bản chấp thuận của Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư quy định rõ thời gian tạm ngừng hoạt động hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án để làm căn cứ cho việc xem xét miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính của Doanh nghiệp.

Điều 46. Chấm dứt hoạt động

1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 37 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh khi chấm dứt hoạt động, phải thực hiện các công việc sau:

Chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và giao dịch; Trường hợp cần tiếp tục thực hiện các Hợp đồng kinh tế đã ký kết, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh phải báo cáo để Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chấp thuận;

Khoá sổ sách kế toán;

Tổ chức bảo vệ tài sản;

Cho lao động nghỉ việc chờ giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.

Tiến hành thanh lý tài sản của doanh nghiệp hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.

3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh khi chấm dứt hoạt động không được thực hiện các hành vi sau:

Phân tán tài sản dưới mọi hình thức;

Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn;

Từ bỏ quyền đòi các khoản phải thu;

Chuyển các khoản nợ không có đảm bảo thành các khoản nợ có đảm bảo;

Ký kết mới các hợp đồng kinh tế.

4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh thực hiện việc bố cáo chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 38 Nghị định 24/2000/NĐ-CP với những nội dung sau:

Tên, địa chỉ Doanh nghiệp hoặc các Bên hợp doanh bị chấm dứt hoạt động;

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh;

Ngày quyết định chấm dứt hoạt động;

Yêu cầu các chủ nợ hoặc Bên liên quan thứ ba đến đối chiếu công nợ.

Điều 47. Thành lập Ban thanh lý

1. Ban thanh lý được thành lập theo quy định tại Điều 39 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

2. Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) hoặc các Bên hợp doanh không phải thành lập Ban thanh lý trong các trường hợp sau:

Các Bên chưa triển khai thực hiện dự án hoặc mới chỉ triển khai thực hiện một số thủ tục hành chính nhưng không nợ lương, chi phí bảo hiểm xã hội đối với người lao động, các khoản thuế đối với Nhà nước hoặc các khoản nợ đối với một Bên thứ ba;

Các Bên chưa thực hiện việc góp vốn pháp định theo quy định tại Giấy phép đầu tư hoặc đã góp vốn nhưng chưa được Hội đồng quản trị hoặc các Bên hợp doanh nghiệm thu, xác nhận, đồng thời chưa phát sinh nghĩa vụ chung đối với Nhà nước hoặc với một Bên thứ ba;

Đối với các trường hợp trên, sau khi tự giải quyết các vấn đề tồn tại, các Bên gửi báo cáo tới Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư, trong đó cam kết giữa các Bên không còn tranh chấp và đã hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước Việt Nam hay với một Bên thứ ba.

Sau 15 ngày kể từ khi nhận được báo cáo kèm theo xác nhận của Cơ quan thuế nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư ra quyết định giải thể Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các Bên có trách nhiệm nộp lại bản gốc Giấy phép đầu tư, hồ sơ hoạt động cho Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư, nộp con dấu cho Cơ quan cấp dấu.

Điều 48. Ban thanh lý do Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư thành lập

1. Thành phần của Ban thanh lý thành lập theo quyết định của Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư (theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Nghị định 24/2000/NĐ-CP) bao gồm:

Đại diện của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính

Đại diện của Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư;

Đại diện của Cục Thuế nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính

Đại diện của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính

Trong một số trường hợp cần thiết, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư có thể mời thêm đại diện các cơ quan và tổ chức khác có liên quan.

2. Hoạt động của Ban thanh lý thành lập theo quyết định của Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư được quy định như sau:

Ban thanh lý có toàn quyền, độc lập đối với Hội đồng quản trị Doanh nghiệp trong việc tiến hành thanh lý phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các nội dung quy định tại Quyết định thành lập.

Ban thanh lý chịu trách nhiệm trước Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư và trước pháp luật Việt Nam về hoạt động của mình.

Tối đa trong 30 ngày, Ban thanh lý tổ chức phiên họp đầu tiên để thông báo kế hoạch, phương thức, kinh phí hoạt động trình Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư phê duyệt, đồng thời thông báo cho Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) hoặc các Bên hợp doanh biết và thực hiện. Trường hợp cần thiết, Trưởng ban thanh lý có quyền triệu tập cuộc họp bất thường của Ban thanh lý.

Yêu cầu Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh hoặc chủ đầu tư nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh, Tổng Giám đốc, các Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và các cá nhân có liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ, tài khoản, kinh phí phục vụ hoạt động thanh lý.

Mọi chi phí về thanh lý do doanh nghiệp hoặc các Bên hợp doanh chịu và được ưu tiên thanh toán so với các nghĩa vụ khác.

Điều 49. Báo cáo kết quả thanh lý

Ban thanh lý lập báo cáo và Hồ sơ thanh lý theo quy định tại Điều 37 Nghị định 24/2000/NĐ-CP gồm:

Báo cáo thanh lý được Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh, chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), các Bên hợp doanh phê chuẩn.

Văn bản xác nhận của Cơ quan thuế và hải quan về việc hoàn thành các nghĩa vụ tài chính

Các văn bản khác nếu có.

Trường hợp Ban thanh lý thành lập theo quyết định của Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư, Ban thanh lý trình phương án thanh lý, báo cáo kết quả thanh lý cho Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư để được phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Ban thanh lý tiến hành việc thanh lý, báo cáo kết quả thanh lý cho Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư và thông báo cho Hội đồng quản trị doanh nghịêp liên doanh hoặc chủ đầu tư nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh biết.

Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ thanh lý đầy đủ, hợp lệ Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư quyết định giải thể doanh nghiệp hoặc chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Điều 50. Tài sản thanh lý

Tài sản của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh bao gồm động sản và bất động sản.

Trường hợp Bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và các Bên tham gia liên doanh, các Bên hợp doanh đã góp đủ vốn thì giá trị quyền sử dụng đất trong thời gian còn lại thuộc tài sản thanh lý của doanh nghiệp.

Trường hợp bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và các Bên tham gia liên doanh, các Bên hợp doanh chưa góp đủ vốn thì giá trị quyền sử dụng đất và tài sản khác nếu có của Bên Việt Nam được xác định tương ứng phần góp vốn thực tế của Bên nước ngoài theo tỷ lệ góp vốn được ghi trong Giấy phép đầu tư.

Điều 51. Thủ tục giải quyết khi lâm vào tình trạng phá sản

1. Ban thanh lý báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chấm dứt việc thanh lý và chuyển sang giải quyết theo thủ tục phá sản theo Điều 44 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

2. Ban thanh lý thông báo Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh, chủ đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), các Bên hợp doanh, các chủ nợ về việc chấm dứt việc thanh lý để nộp đơn đến Toà án yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản theo quy định tại các Điều 7, 8 và 9 Luật phá sản Doanh nghiệp.

3. Việc phá sản Doanh nghiệp được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp. 

Chương VII

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, THỐNG KÊ CỦA DOANH NGHIỆP,

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 52. Nội dung báo cáo thống kê

1. Báo cáo thống kê định kỳ và điều tra thống kê (gọi chung là báo cáo thống kê) áp dụng đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các Bên hợp doanh nước ngoài thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước về:

Hệ thống biểu mẫu, ngày gửi, cơ quan nhận báo cáo;

Phương pháp tính các chỉ tiêu, đơn vị tính;

Kỳ báo cáo.

2. Số liệu thống kê do Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh báo cáo là tài liệu có giá trị pháp lý để đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh, thực hiện các nghĩa vụ của đơn vị theo quy định của Giấy phép đầu tư. Báo cáo thống kê phải lập đầy đủ, tính toán các chỉ tiêu theo đúng nội dung, phương pháp quy định và nộp đúng thời hạn quy định.

Điều 53. Chế độ báo cáo, thống kê

1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh phải gửi Báo cáo tài chính hàng năm có kiểm toán tới Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục Thống kê .

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định riêng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê ban hành.

2. Đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh, các Bên thoả thuận việc cử Ban điều phối hoặc một Bên làm đại diện thực hiện công tác báo cáo, thống kê, các Bên khác có trách nhiệm cung cấp số liệu cho Bên làm đại diện.

Điều 54. Khen thưởng

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động đầu tư nước ngoài được khen thưởng theo quy định tại Điều 123 Nghị định 24/2000/NĐ-CP, căn cứ vào các tiêu chuẩn chính sau:

1. Đối với doanh nghiệp:

Tạo dựng được môi trường làm việc tốt;

Đạt kết quả tốt trong sản xuất, kinh doanh;

Thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về nghĩa vụ tài chính, về chế độ báo cáo thống kê,...;

Giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ người lao động;

Hoạt động tích cực của tổ chức công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác theo quy định của pháp luật;

Tham gia tích cực vào các công tác xã hội, quan hệ với địa phương sở tại.

2. Đối với cá nhân:

Hoàn thành tốt các công việc và trách nhiệm được giao;

Đóng góp tích cực trong hoạt động của Doanh nghiệp và các hoạt động của tập thể người lao động trong Doanh nghiệp.

Điều 55. Xử lý vi phạm

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên hợp doanh, chủ đầu tư nước ngoài và người lao động vi phạm các quy định của Giấy phép đầu tư và pháp luật Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

CHẾ ĐỘ PHỐI HỢP CÔNG TÁC

TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 56. Trách nhiệm chung trong phối hợp công tác

Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư), các Bộ, ngành và Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp chung trong việc thực hiện công tác này.

Điều 57. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Các quy định chung:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp tình hình tiếp nhận dự án, cấp và điều chỉnh Giấy phép đầu tư và tình hình thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong phạm vi cả nước.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh tổng hợp tình hình hoạt động đầu tư nước ngoài tại địa phương và trong Khu công nghiệp.

2. Chế độ báo cáo nhanh:

Báo cáo nhanh hàng tuần về tình hình tiếp nhận dự án, cấp và điều chỉnh Giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền cấp và điều chỉnh Giấy phép đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Ban quản lý khu công nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh thực hiện và gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày thứ Sáu hàng tuần theo Mẫu 1 và 2 Phụ lục VI Thông tư này.

Báo cáo nhanh hàng tháng về tình hình thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài tại địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh thực hiện và gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 20 hàng tháng theo Mẫu 3 Phụ lục VI Thông tư này.

Báo cáo hàng tháng về tình hình đầu tư nước ngoài trong phạm vi cả nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào ngày 23 hàng tháng phục vụ phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ.

3. Chế độ báo cáo định kỳ:

Định kỳ hàng quý, sáu tháng và hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo tổng hợp về hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn (kể cả các dự án trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công nghệ cao) đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp tình hình và cung cấp thông tin về các dự án trong Khu công nghiệp để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan để tổng hợp chung về hoạt động đầu tư nước ngoài tại địa phương.

Báo cáo quý và sáu tháng gửi chậm nhất là ngày 15 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo. Báo cáo năm gửi chậm nhất là ngày 31 tháng 1 của năm tiếp theo.

Hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tình hình hoạt động đầu tư nước ngoài báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thông báo cho các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 58. Trao đổi về tình hình đầu tư nước ngoài

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức giao ban theo vùng, lãnh thổ với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương, đồng thời thông báo các văn bản luật pháp, chính sách mới liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài và hướng dẫn thực hiện.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ và chủ trì tổ chức thực hiện việc gặp mặt định kỳ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Điều 59. Phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh

Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư làm đầu mối giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án của các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các Bên hợp doanh. Căn cứ vào tình hình cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương chủ động tổ chức làm việc với các cơ quan liên quan đến công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài để phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh và thông báo cho Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư về các vấn đề phát sinh này.

Trường hợp các vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền của mình, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để giải quyết hoặc tổng hợp ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án đầu tư nước ngoài để phối hợp với các cơ quan liên quan đề ra phương án giải quyết và đề xuất chính sách, biện pháp cải thiện môi trường đầu tư.

Điều 60. Cơ chế phối hợp công tác kiểm tra

1. Các quy định chung:

Việc kiểm tra các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện định kỳ, theo chuyên ngành hoặc đột xuất, thông qua đầu mối là các Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư.

Biên bản kiểm tra phải có chữ ký của đại diện đoàn kiểm tra và đại diện doanh nghiệp được kiểm tra.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra, Cơ quan chủ trì kiểm tra thông báo kết luận kiểm tra đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để phối hợp quản lý.

2. Kiểm tra định kỳ:

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh chủ trì tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các Hợp doanh trên địa bàn. Thành phần tham gia kiểm tra định kỳ gồm đại diện các cơ quan liên quan đến quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.

Nội dung kiểm tra định kỳ: kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định của Giấy phép đầu tư, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp về các vấn đề phát sinh cần giải quyết.

Cơ quan chủ trì kiểm tra thông báo kế hoạch kiểm tra định kỳ cho Doanh nghiệp ít nhất 7 ngày làm việc trước khi tiến hành việc kiểm tra.

3. Kiểm tra chuyên ngành:

Việc kiểm tra chuyên ngành do các cơ quan quản lý chuyên ngành chủ trì nhằm đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền. Tuỳ theo đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực, các Bộ, ngành có thể ủy quyền cho các Sở, ban, ngành địa phương thực hiện việc kiểm tra.

Kế hoạch và nội dung kiểm tra chuyên ngành do cơ quan quản lý chuyên ngành lập và thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với các đợt kiểm tra do các Bộ, ngành tổ chức) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với kiểm tra do các Sở, ban ngành địa phương tổ chức) ít nhất 15 ngày trước khi tiến hành kiểm tra.

Cơ quan chủ trì kiểm tra thông báo kế hoạch kiểm tra chuyên ngành cho Doanh nghiệp ít nhất 7 ngày làm việc trước khi tiến hành việc kiểm tra.

4. Kiểm tra đột xuất:

Việc kiểm tra đột xuất tiến hành khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có vụ việc phát sinh và được thực hiện theo đúng các thủ tục do pháp luật quy định.

Đối với các dự án lớn hoặc phức tạp, khi cần thiết Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ chuyên ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để tiến hành kiểm tra.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 61. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2000 và thay thế các Thông tư số 03/BKH-QLDA ngày 15 tháng 3 năm 1997 và số 04/1998/TT-BKH ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ./.

PHỤ LỤC

Ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài

số 12/2000/TT-BKH ngày 15 tháng 9 năm 2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  

 

Trang

Phụ lục I

Mẫu Danh mục và tóm tắt dự án gọi vốn ĐTNN

1

Mẫu số 1

Danh mục gọi vốn đầu tư nước ngoài

1

Mẫu số 2

Tóm tắt dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài

2

 

 

 

Phụ lục II

Mẫu hồ sơ dự án đầu tư nước ngoài

3

Mẫu số 1

Đơn đăng ký cấp Giấy phép đầu tư

3

Mẫu số 2.a

Đơn xin Hợp tác kinh doanh trên cơ sở Hợp đồng

8

Mẫu số 2.b

Hợp đồng hợp tác kinh doanh

10

Mẫu số 3.a

Đơn xin thành lập Doanh nghiệp liên doanh

15

Mẫu số 3.b

Hợp đồng liên doanh

17

Mẫu số 3.c

Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh

22

Mẫu số 4.a

Đơn xin thành lập Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

29

Mẫu số 4.b

Điều lệ Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

31

 

 

 

Phụ lục III

Mẫu Giấy phép đầu tư và Giấy phép điều chỉnh

36

Mẫu số 1

Giấy phép đầu tư cấp cho HĐHTKD

36

Mẫu số 2

Giấy phép đầu tư cấp cho Doanh nghiệp liên doanh

41

Mẫu số 3

Giấy phép đầu tư cấp cho Doanh nghiệp 100% vốn NN

46

Mẫu số 4

Giấy phép điều chỉnh

51

Bảng

Ký tự tên tỉnh, thành phố

54

 

 

 

Phụ lục IV

Mẫu quyết toán công trình, báo cáo thực hiện vốn ĐT

55

Mẫu số 1

Báo cáo quyết toán công trình

55

Mẫu số 2

Báo cáo thực hiện vốn đầu tư

57

Mẫu số 3

Xác nhận đăng ký quyết toán công trình

59

Mẫu số 4

Xác nhận đăng ký Báo cáo thực hiện vốn đầu tư

61

 

 

 

Phụ lục V

Mẫu Quyết định tổ chức lại doanh nghiệp; chấm dứt, giải thể doanh nghiệp

63

Mẫu số 1

Giấy phép điều chỉnh thành DN 100% vốn nước ngoài

63

Mẫu số 2

Quyết định chuẩn y việc chuyển thành DN Việt Nam

67

Mẫu số 3

Quyết định chấm dứt hoạt động DN (hoặc HĐHTKD)

70

 

 

 

Mẫu số 4

Quyết định thành lập Ban thanh lý của Cơ quan cấp GPĐT

73

Mẫu số 5

Văn bản phê chuẩn Báo cáo thanh lý (trường hợp Ban thanh lý do HĐQT hoặc Nhà đầu tư, hoặc các Bên HD thành lập)

75

Mẫu số 6

Văn bản phê chuẩn Báo cáo thanh lý (trường hợp Ban thanh lý do Cơ quan cấp GPĐT thành lập)

77

Mẫu số 7

Quyết định giải thể DN (hoặc chấm dứt HĐHTKD)

79

 

 

 

Phụ lục VI

Mẫu báo cáo nhanh của các Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư thực hiện

82

Mẫu số 1

Tình hình nhận và cấp Giấy phép đầu tư nước ngoài

82

Mẫu số 2

Tình hình điều chỉnh Giấy phép đầu tư nước ngoài

84

Mẫu số 3

Tình hình thực hiện dự án đầu tư nưóc ngoài

85

Phụ lục I

MẪU DANH MỤC VÀ TÓM TẮT DỰ ÁN GỌI VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

 Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài

                                                Giai đoạn ... ...

STT

(1)

Tên dự án

(2)

Địa điểm

(3)

Thông số kỹ thuật

(4)

Hình thức đầu tư

(5)

Ghi chú

(6)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÓM TẮT DỰ ÁN GỌI VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

1 .

Tên dự án:

 

2.

Mục tiêu:

 

3.

Địa điểm:

 

4.

Yêu cầu xuất khẩu (nếu có):

 

5.

Hình thức đầu tư:

(Hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh, Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hợp đồng BOT, BTO,BT)

 

6.

Quy mô dự kiến:

 

7.

Thông tin về đối tác Việt Nam:

Tên Công ty:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Fax:

Lĩnh vực kinh doanh:

Người đại diện:

 

  Phụ lục II

MẪU HỒ SƠ DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Mẫu số 1

Phụ lục II

Đơn đăng ký cấp GPĐT

 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc


........., ngày......tháng.......năm......

ĐƠN ĐĂNG KÝ CẤP GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

                                     (áp dụng đối với tất cả các hình thức đầu tư)

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc UBND tỉnh, thành phố..., hoặc Ban quản lý KCN tỉnh, thành phố...)

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết chi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,

Những người ký dưới đây trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (UBND tỉnh, thành phố...., Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh, thành phố...) Đơn đăng ký cấp Giấy phép đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

I. CHỦ ĐẦU TƯ :

A. Bên (các Bên)Việt Nam:

1. Tên công ty:

2. Đại diện được uỷ quyền:

Chức vụ:

3. Trụ sở chính:

Điện thoại: ....................... Telex: ....................... Fax: .................

4. Ngành nghề kinh doanh chính:

5. Giấy phép thành lập công ty:

Đăng ký tại: .................................. ngày:

B. Bên (các Bên) nước ngoài:

1. Tên công ty hoặc cá nhân: ................................................................

2. Đại diện được uỷ quyền: .................................................................

Chức vụ: ...........................................................................................

Quốc tịch: ........................................................................................

Địa chỉ thường trú: ...........................................................................

3. Trụ sở chính: ...................................................................................

Điện thoại: ....................... Telex: ....................... Fax: .....................

4. Ngành nghề kinh doanh chính: ........................................................

5. Giấy phép thành lập công ty: (hoặc số hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân)

Đăng ký tại: .................................. ngày: ........................................

Ghi chú: Nếu có nhiều chủ đầu tư thì mô tả riêng từng chủ đầu tư

II. DOANH NGHIỆP XIN THÀNH LẬP

1. Tên gọi của Doanh nghiệp (trường hợp Doanh nghiệp liên doanh, Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), tên gọi Hợp đồng hợp tác kinh doanh:

Tên tiếng Việt:

Tên giao dịch bằng tiếng nước ngoài thông dụng:

2. Hình thức đầu tư: ( Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Doanh nghiệp liên doanh, Hợp đồng hợp tác kinh doanh)

3. Mục tiêu hoạt động chính của Doanh nghiệp (hoặc của Hợp đồng hợp tác kinh doanh): ............................................................

4. Thời hạn hoạt động của Doanh nghiệp (hoặc của Hợp đồng hợp tác kinh doanh): ...... năm.

5. Vốn đầu tư:

5.1. Tổng vốn đầu tư dự kiến.................đô la Mỹ, trong đó:

Vốn cố định:.............đô la Mỹ, bao gồm:

Nhà xưởng:.............m2, trị giá.............đô la Mỹ

Văn phòng:.............m2, trị giá..............đô la Mỹ

Máy móc thiết bị :................đô la Mỹ,

Vốn cố định khác:.............đô la Mỹ

Vốn lưu động:................đô la Mỹ

5.2. Nguồn vốn:

Tổng số:......................đô la Mỹ, trong đó:

Vốn pháp định (hoặc vốn góp để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh).......................đô la Mỹ, trong đó:

Bên Việt Nam góp:...................đô la Mỹ, gồm:

Tiền:..............đô la Mỹ

Tài sản khác:......tương đương ... đô la Mỹ (nêu chi tiết)

Bên nước ngoài góp..............đô la Mỹ, bao gồm:

Tiền nước ngoài:..............đô la Mỹ

Thiết bị, máy móc, vật tư:...................đô la Mỹ

Vốn khác:....................đô la Mỹ (chi tiết)

Vốn vay:..... ...........đô la Mỹ

(Nêu rõ Bên chịu trách nhiệm dàn xếp vốn vay, các điều kiện vay trả, bảo lãnh).

6. Danh mục các sản phẩm chủ yếu và dự kiến thị trường tiêu thụ:

 

Năm thứ 1

Năm thứ 2

Năm sản xuất ổn định

Tên sản phẩm

Số lượng

Tỷ lệ tiêu thụ(%)

......

Số lượng

Tỷ lệ tiêu thụ(%)

 

Đơn vị

Số lượng

Trong nước

Xuất khẩu

 

Đơn vị

Số lượng

Trong nước

Xuất khẩu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7. Qui trình công nghệ chủ yếu và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm: .....

(Trình bày ngắn gọn quy trình công nghệ hoặc sơ đồ quy trình công nghệ chủ yếu; nếu có chuyển giao công nghệ, trình bày chi tiết trong hồ sơ kèm theo)

8. Danh mục thiết bị, máy móc

Tên thiết bị

Tính năng kỹ thuật

Hiện trạng

Nước sản xuất

Số lượng

Ước giá

Giá trị

 

 

Mới

Đã qua sử dụng

 

 

 

 

               

( nếu là thiết bị đã qua sử dụng cần bổ sung các thông tin về năm chế tạo , đánh giá chất lượng và giá trị còn lại , các biện pháp tân trang, sửa chữa và nâng cấp sẽ được áp dụng)

9. Mặt bằng địa điểm và xây dựng kiến trúc (áp dụng đối với các dự án ngoài KCN, KCX)

Địa chỉ (xã, huyện, tỉnh), ranh giới và/hoặc toạ độ địa lý của địa điểm dự án (kèm theo bản vẽ).

Hiện trạng mặt bằng và cơ sở hạ tầng của địa điểm (đường xá, điện nước, thoát nước ...)

Diện tích mặt đất, mặt nước, mặt biển sử dụng cho dự án và mức giá cho thuê.

Nguồn gốc khu đất; Giá trị đền bù, di chuyển cần thực hiện để giải phóng mặt bằng trên cơ sở thoả thuận với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố (nếu có).

Sơ đồ tổng mặt bằng (kèm theo bản vẽ)

10. Các nhu cầu cho sản xuất

Nhu cầu về lao động vào năm sản xuất ổn định, trong đó, chia ra tổng số người Việt Nam và người nước ngoài.

Nhu cầu về điện vào năm sản xuất ổn định là... Kwh/năm với công suất sử dụng cực đại là ... KW.

Nhu cầu về nước cho sản xuất vào năm sản xuất ổn định:...m3/ ngày đêm

Nhu cầu về nguyên liệu chính cho năm sản xuất ổn định:

Tên nguyên liệu

Số lượng

Ước giá

Dự kiến nguồn cung cấp

(nhập khẩu hay tại Việt Nam)

 

 

 

 

 

 

11. Dự kiến tiến độ thực hiện dự án:(kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư)

-Hoàn thành thủ tục đăng ký hoạt động của Doanh nghiệp (hoặc Hợp đồng HTKD):                                                                                               tháng thứ.......

-Thuê địa điểm , thuê nhà xưởng hoặc mua nhà xưởng: tháng thứ......

-Khởi công xây dựng : tháng thứ .......

-Lắp đặt thiết bị: tháng thứ.......

-Bắt đầu hoạt động : tháng thứ.......

-Sản xuất thương mại: tháng thứ......

12. Khả năng và biện pháp cân đối ngoại tệ của dự án:...............................

13. Kiến nghị về các ưu đãi:.............................

III. CHÚNG TÔI XIN CAM KẾT

1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung Đơn xin và hồ sơ kèm theo.

2. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến đầu tư nước ngoài và các quy định của Giấy phép đầu tư.

IV. CÁC TÀI LIỆU GỬI KÈM THEO ĐƠN NÀY GỒM :

1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu đầu tư theo hình thức Hợp đồng HTKD); Hợp đồng liên doanh và Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh (nếu đầu tư theo hình thức Doanh nghiệp liên doanh); Điều lệ Doanh nghiệp (nếu đầu tư theo hình thức Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Những tài liệu nêu trên được lập theo mẫu hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Văn bản xác nhận tư cách pháp lý (Giấy phép hoặc Giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp, bản sao hộ chiếu đối với chủ đầu tư là cá nhân người nước ngoài), tình hình tài chính của các Bên (chứng nhận của Ngân hàng về số dư tài khoản hoặc báo cáo hoạt động tài chính);

3. Các hồ sơ quy định tại các Điều 81, 82, 89, 95 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000.

Làm tại ..., ngày.. tháng.... năm...       

Bên (các Bên) nước ngoài

(Ký tên đóng dấu)Bên (các Bên) Việt Nam

(Ký tên đóng dấu)

 

                       

Mẫu số 2.a Phụ lục II

Đơn xin HTKD trên cơ sở hợp đồng

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

......, ngày......tháng.......năm......

ĐƠN XIN HỢP TÁC KINH DOANH

TRÊN CƠ SỞ HỢP ĐỒNG

Kính gửi : Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc UBND tỉnh, thành phố ..... hoặc Ban quản lýKCN tỉnh, thành phố .... )

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Những người ký tên dưới đây gửi Đơn xin phép đầu tư theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (UBND tỉnh, thành phố..., Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh, thành phố...) với các nội dung như sau:

I. CÁC BÊN HỢP DOANH :

Bên (các Bên) Việt Nam: ...

Bên (các Bên ) nước ngoài: ...

Xin được cấp Giấy phép đầu tư để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh ký ngày ... tháng... năm... với các mục tiêu hoạt động như sau:

----------------------------------------------------------------------------

--------------------------------------------------------------------------

II. CHÚNG TÔI XIN CAM KẾT :

1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung Đơn xin và hồ sơ kèm theo.

2. Nếu được cấp Giấy phép đầu tư sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến đầu tư nước ngoài và các quy định của Giấy phép đầu tư.

III. CÁC TÀI LIỆU GỬI KÈM THEO ĐƠN NÀY GỒM :

1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh;

2. Văn bản xác nhận tư cách pháp lý, tình hình tài chính của các Bên (chứng nhận của Ngân hàng về giá trị tài khoản hoặc báo cáo hoạt động tài chính trong 2 năm gần nhất);

3. Giải trình kinh tế kỹ thuật;

4. Các hồ sơ quy định tại các Điều 81, 82, 89, 95 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP (nếu có).

Làm tại ..., ngày.. tháng.... năm...                                                       

Đại diện

Bên (Các Bên) nước ngoài

(Ký tên, chức vụ và đóng dấu)

Đại diện

Bên (Các Bên)Việt Nam

(Ký tên, chức vụ và đóng dấu)

                                                Mẫu số 2.b Phụ lục II

Hợp đồng hợp tác kinh doanh

HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp lý khác có liên quan, các Bên dưới đây mong muốn được tiến hành hoạt động đầu tư tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh với nội dung và phạm vi được quy định trong Hợp đồng này như sau:

A. Bên (các Bên)Việt Nam:

1. Tên công ty: .....................................................................................

2. Đại diện được uỷ quyền: .................................................................

Chức vụ: ...........................................................................................

3. Trụ sở chính: ....................................................................................

Điện thoại: ....................... ....................... Fax: .....................

4. Ngành nghề kinh doanh chính: ...............

5. Giấy phép thành lập công ty: ............................................................

Đăng ký tại: .................................. Ngày: ........................................

B. Bên (các Bên) nước ngoài:

1. Tên công ty hoặc cá nhân: ................................................................

2. Đại diện được uỷ quyền: .................................................................

Chức vụ: ...........................................................................................

Quốc tịch: ........................................................................................

Địa chỉ thường trú: ...........................................................................

3. Trụ sở chính: ...................................................................................

Điện thoại: ....................... ....................... Fax: .....................

4. Ngành nghề kinh doanh chính: ........................................................

5. Giấy phép thành lập công ty: ............................................................

Đăng ký tại: .................................. Ngày: ........................................

Ghi chú: Nếu một hoặc cả hai Bên hợp doanh gồm nhiều thành viên, thì từng thành viên sẽ mô tả đầy đủ theo các chi tiết nêu trên; Mỗi Bên cần chỉ định đại diện được uỷ quyền của mình.

Cùng thoả thuận ký Hợp đồng hợp tác kinh này với các điều khoản và điều kiện sau đây:

Điều 1:

Mục tiêu hợp tác kinh doanh trên cơ sở Hợp đồng .......

(mô tả chi tiết nội dung và phạm vi hợp tác kinh doanh)

Điều 2:

1. Địa điểm thực hiện:

2. Năng lực sản xuất: Hàng hoá/dịch vụ vào năm sản xuất ổn định

(Chia thành sản phẩm chính và phụ nếu cần thiết)

3. Sản phẩm của Hợp đồng hợp tác kinh doanh này sẽ được tiêu thụ:

Tại thị trường Việt Nam: ......% sản phẩm

Tại thị trường nước ngoài: ......% sản phẩm

4. Văn phòng điều hành của Bên nước ngoài (nếu có) ..........................

Địa chỉ:............................

Điện thoại: ....................... : ....................... Fax: ...................

Điều 3

Trách nhiệm của các Bên hợp doanh trong việc góp vốn để thực hiện Hợp đồng:

a) Bên (các Bên) Việt Nam: góp ............. bằng .................................... (quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, bộ phận rời, linh kiện, tiền mặt, các chi phí khác ....)

b) Bên (các Bên) nước ngoài: góp .............. bằng ................................ (máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, bộ phận rời, linh kiện, tiền nước ngoài, các chi phí khác ....).

Nếu vào thời điểm đóng góp thực tế, những giá trị trên đây thay đổi so với giá trị hiện tại thì các Bên phải thoả thuận về những sửa đổi đó và báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét và chuẩn y.

Trong trường hợp một Bên không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ như đã thoả thuận thì Bên đó phải thông báo cho các Bên kia biết lý do và những biện pháp xử lý trước ..... ngày. Thiệt hại thực tế và chính đáng do sự chậm trễ hay không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của một Bên gây ra, sẽ được bồi thường theo thoả thuận của các Bên; trong trường hợp không thoả thuận được thì sẽ do cơ quan xét xử hoặc trọng tài quy định tại Điều 10 Hợp đồng này quyết định.

Điều 4:

Các trách nhiệm, nghĩa vụ khác của các Bên trong việc thực hiện Hợp đồng:

Bên Việt Nam: .................................................................................

Bên nước ngoài: ...............................................................................

(Quy định cụ thể Bên chịu trách nhiệm, thời hạn hoàn thành.... trong từng việc như tổ chức và quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật và công nghệ, mua sắm thiết bị, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm .....).

Điều 5:

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các Bên thoả thuận cơ chế giám sát như sau: ......

(Miêu tả cụ thể cơ chế, trong đó có thể thành lập Ban điều phối, Văn phòng điều hành của Bên nước ngoài bao gồm phương thức thành lập, hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm ....).

Điều 6

Thời hạn Hợp đồng này là ...... năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư. Bất kỳ sự thay đổi nào về thời hạn của Hợp đồng phải được các Bên thoả thuận và báo cáo cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét và chuẩn y.

Nếu một Bên hợp doanh muốn kéo dài thời hạn Hợp đồng ngoài thời hạn đã được thoả thuận phải thông báo cho (các) Bên kia ít nhất là .... tháng trước ngày Hợp đồng hết hạn. Nếu các Bên thoả thuận kéo dài thời hạn Hợp đồng thì phải báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét trong thời hạn ít nhất là 6 tháng trước khi hết hết hạn Hợp đồng.

Điều 7:

Kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư, Hợp đồng này được thực hiện theo tiến độ sau:

1. Khởi công xây dựng: từ tháng thứ ......

2. Lắp đặt thiết bị: từ tháng thứ......

3. Vận hành thử: từ tháng thứ ......

4. Sản xuất chính thức: từ tháng thứ ......

Điều 8:

1. (Các) Bên nước ngoài thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định tại Giấy phép đầu tư. (ghi rõ phương thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của Bên nước ngoài: nộp trực tiếp, Bên Việt Nam nộp hộ v.v....).

2. (Các) Bên Việt Nam thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đối với Doanh nghiệp trong nước và các quy định tại Giấy phép đầu tư.

Lưu ý: cần xác định rõ Bên chịu trách nhiệm nộp các loại thuế chung liên quan đến thực hiện Hợp đồng như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng ....

Điều 9

Các Bên tham gia Hợp đồng thoả thuận chia sản phẩm và / hoặc lợi nhuận, các khoản lỗ thông qua việc thực hiện Hợp đồng như sau:

(các) Bên Việt Nam (ghi rõ từng Bên,nếu cần thiết) ........................

(các) Bên Nước ngoài (ghi rõ từng Bên,nếu cần thiết) ........................

Điều 10

Tranh chấp giữa các Bên có liên quan, hoặc phát sinh từ Hợp đồng trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng và hoà giải. Trong trường hợp các Bên tranh chấp vẫn không thoả thuận được với nhau thì vụ tranh chấp sẽ được đưa ra... (ghi rõ tên và địa chỉ Toà án hoặc tổ chức trọng tài).

Quyết định của.....(tổ chức trên) là chung thẩm và các Bên phải tuân theo.

Điều 11

Các Bên có quyền chuyển nhượng giá trị phần vốn của mình trong Hợp đồng, theo các qui định tại Điều 34 Luật Đầu tư nước ngoài và các điều khoản liên quan của Nghị định 24/2000/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 12

Hợp đồng hợp tác kinh doanh này có thể chấm dứt hoạt động trước thời hạn và / hoặc kết thúc trong các trường hợp sau: .......

(mô tả chi tiết các trường hợp, phù hợp với các quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư nước ngoài và các điều khoản liên quan của Nghị định 24/2000/NĐ-CP của Chính phủ).

Điều 13:

Khi Hợp đồng hết hạn, các Bên thoả thuận việc thanh lý các tài sản liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các Bên trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau: .......

(Mô tả chi tiết các điều kiện có liên quan đến quyền hạn, nghĩa vụ, tài sản ..... phù hợp với các quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư nước ngoài và các điều khoản liên quan của Nghị định 24/2000/NĐ-CP)

Điều 14:

Mọi điều khoản khác có liên quan không được quy định cụ thể tại Hợp đồng hợp tác kinh doanh này sẽ được các Bên thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và của Giấy phép đầu tư.

Điều 15:

Hợp đồng hợp tác kinh doanh này có thể được sửa đổi, bổ sung sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa các Bên và phải được cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chuẩn y trước khi thực hiện.

Điều 16:

Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 17:

Hợp đồng hợp tác kinh doanh này được ký ngày ........, tại........, gồm ..... bản gốc bằng tiếng Việt Nam và bằng tiếng ..... (tiếng nước ngoài thông dụng). Cả hai bản tiếng Việt Nam và tiếng ...... đều có giá trị pháp lý như nhau.

Đại diện

Bên (các Bên) nước ngoài

(Ký tên, chức vụ và dấu)

Đại diện

Bên (các Bên) Việt Nam

(Ký tên, chức vụ và dấu)

 

 

Trường hợp có nhiều Bên: từng bên sẽ ký, ghi rõ chức vụ người đại diện ký, đóng dấu.  

   

Mẫu số 3.a Phụ lục II

Đơn xin thành lập DN liên doanh

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc


........., ngày......tháng.......năm......

ĐƠN XIN THÀNH LẬP

DOANH NGHIỆP LIÊN DOANH

Kính gửi : Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc UBND tỉnh, thành phố .... hoặc Ban quản lý KCNtỉnh, thành phố...)

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,

Những người ký tên dưới đây gửi Đơn xin phép đầu tư theo hình thức doanh nghiệp liên doanh quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc UBND tỉnh, thành phố.... ; Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh, thành phố ....)

I. CÁC BÊN LIÊN DOANH GỒM :

Bên (các Bên) Việt Nam ...

Bên (các Bên )nước ngoài ...

Xin được cấp Giấy phép đầu tư để thực hiện Hợp đồng liên doanh ký ngày ... tháng... năm... với các mục tiêu hoạt động như sau:

----------------------------------------------------------------------------

II. CHÚNG TÔI XIN CAM KẾT :

1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung Đơn xin và hồ sơ kèm theo.

2. Nếu được cấp Giấy phép đầu tư sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến đầu tư nước ngoài và các quy định của Giấy phép đầu tư.

III. CÁC TÀI LIỆU GỬI KÈM THEO ĐƠN NÀY GỒM :

1. Hợp đồng liên doanh;

2. Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh;

3. Văn bản xác nhận tư cách pháp lý, tình hình tài chính của các Bên (Chứng nhận của Ngân hàng về giá trị tài khoản hoặc báo cáo hoạt đồng tài chính trong 2 năm gần nhất);

4. Giải trình kinh tế kỹ thuật;

5. Các hồ sơ quy định tại các Điều 81, 82, 89, 95 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ... (nếu có)

Làm tại ..., ngày.. tháng.... năm...                                                       

Đại diện

Bên (Các Bên) nước ngoài

(Ký tên, chức vụ và dấu)

Đại diện

Bên (Các Bên) Việt Nam

(Ký tên, chức vụ và dấu)

            Mẫu số 3.b -

Phụ lục II

Hợp đồng liên doanh

HỢP ĐỒNG LIÊN DOANH

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp lý khác có liên quan, các Bên dưới đây đã ký Hợp đồng liên doanh để xin thành lập tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam một Doanh nghiệp liên doanh với nội dung như sau:

A. Bên (các Bên)Việt Nam:

1. Tên Công ty: ....................................................................................

2. Đại diện được uỷ quyền: ..................................................................

Chức vụ: ...........................................................................................

3. Trụ sở chính: ....................................................................................

Điện thoại: ....................... : ....................... Fax: .....................

4. Ngành nghề kinh doanh chính:

..............................................................................................................

5. Giấy phép thành lập Công ty: ...........................................................

Đăng ký tại: .................................. Ngày: ........................................

B. Bên (các Bên) nước ngoài:

1. Tên công ty hoặc cá nhân: ................................................................

2. Đại diện được uỷ quyền: ..................................................................

Chức vụ: ...........................................................................................

Quốc tịch: ........................................................................................

Địa chỉ thường trú: ...........................................................................

3. Trụ sở chính: ...................................................................................

Điện thoại: ....................... ....................... Fax: .....................

4. Ngành nghề kinh doanh chính: .........................................................

5. Giấy phép thành lập công ty: ............................................................

Đăng ký tại: .................................. Ngày: ........................................

Ghi chú: Nếu một hoặc cả hai Bên liên doanh gồm nhiều thành viên, thì từng thành viên sẽ mô tả đầy đủ các chi tiết nêu trên; Mỗi Bên cần chỉ định đại diện được uỷ quyền của mình.

Điều 1

1. Các Bên thoả thuận thành lập một Doanh nghiệp liên doanh tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm mục đích:

(mô tả các mục tiêu sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp liên doanh).

2. Tên Doanh nghiệp liên doanh là ...... (tiếng Việt Nam), tên giao dịch (bằng tiếng nước ngoài thông dụng) của Doanh nghiệp liên doanh là ...................................

Điều 2:

1. Địa chỉ của Doanh nghiệp liên doanh

Trụ sở chính: .....................................................................................

Nhà máy/ xưởng sản xuất chính: .......................................................

Chi nhánh (nếu có): ............................................................................

Văn phòng đại diện (nếu có): .............................................................

2. Năng lực sản xuất: Hàng hoá/dịch vụ vào năm sản xuất ổn định

Chia thành sản phẩm chính và phụ (nếu cần thiết)

3. Sản phẩm của Doanh nghiệp liên doanh sẽ được tiêu thụ:

Tại thị trường Việt Nam: .................% sản phẩm

Tại thị trường nước ngoài: .............. % sản phẩm

4. Các cam kết chung khác của các Bên liên doanh trong việc thực hiện dự án: ..... (tiến độ và nội dung thực hiện chương trình nội địa hoá đối với các sản phẩm cơ khí, điện, điện tử .....)

Điều 3:

1. Tổng vốn đầu tư của Doanh nghiệp là: ............................................

2. Vốn pháp định của Doanh nghiệp là: ................................................

Trong đó:

a. Bên Việt Nam: góp............................, chiếm ...........% vốn pháp định, bằng:

Tiền: ...............................................................................................

Giá trị máy móc, thiết bị: .................................................................

Giá trị chuyển giao công nghệ (nếu có): ...........................................

(kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ)

Giá trị quyền sử dụng đất, nhà xưởng hoặc các khoản góp vốn khác theo Luật Đầu tư nước ngoài ...............................................

b. Bên nước ngoài: góp ................................, chiếm ............% vốn pháp định, bằng:

Tiền: ....................................................................................

Giá trị máy móc, thiết bị: ......................................................

Giá trị chuyển giao công nghệ: ...............................................

(kèm theo Hợp đồng chuyển giao công nghệ)

Các khoản góp vốn khác theo Luật Đầu tư nước ngoài ............

(Trường hợp Doanh nghiệp liên doanh gồm nhiều Bên, trình bày chi tiết tỷ lệ, phương thức góp vốn pháp định của từng Bên).

3. Vốn vay:

(Nêu chi tiết về quy mô; Bên chịu trách nhiệm thu xếp vốn vay; các điều kiện vay trả, bảo lãnh....)

Điều 4.

Các Bên cam kết góp vốn đầy đủ theo đúng tiến độ như sau: .............

(miêu tả chi tiết tiến độ góp vốn pháp định của từng Bên).

Điều 5

Bên nào không có khả năng hoàn thành tiến độ góp vốn như đã cam kết tại Điều 4 thì Bên đó phải thông báo cho (các) Bên kia lý do và biện pháp xử lý trước ..... ngày và phải bồi thường những thiệt hại cho (các) bên kia nếu có, mức bồi thường do các Bên thoả thuận, trường hợp không thoả thuận được sẽ do cơ quan xét xử hoặc Trọng tài quy định tại điều 10 Hợp đồng này quyết định.

Điều 6.

Thời hạn Hợp đồng liên doanh này là ... năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư. Bất kỳ sự thay đổi nào về thời hạn phải được các Bên thoả thuận và báo cáo cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét chuẩn y.

Điều 7:

Kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư, dự án này được thực hiện theo tiến độ sau:

1. Khởi công xây dựng:           từ tháng thứ ......

2. Lắp đặt thiết bị:                   từ tháng thứ......

3. Vận hành thử:                      từ tháng thứ ......

4. Sản xuất chính thức:            từ tháng thứ ......

Điều 8

Trách nhiệm khác của các Bên liên doanh được quy định như sau: ....

( Phân định rõ trách nhiệm của từng Bên trong việc xin cấp giấy phép đầu tư, thuê đất, cung ứng điện, nước, tài chính, vật liệu xây dựng, thiết bị, công nghệ, thị trường, quản lý, đào tạo....)

Điều 9

Sau khi hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam, các Bên chia lợi nhuận và chịu rủi ro của Doanh nghiệp liên doanh theo tỷ lệ góp vốn của mỗi Bên (trừ trường hợp các Bên có thoả thuận khác phù hợp với pháp luật Việt Nam được quy định trong Hợp đồng liên doanh).

(Ghi rõ tỷ lệ chia lợi nhuận và rủi ro cho từng Bên liên doanh).

Điều 10:

Tranh chấp giữa các Bên có liên quan, hoặc phát sinh từ Hợp đồng trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng và hoà giải. Trong trường hợp các Bên tranh chấp vẫn không thoả thuận được với nhau thì vụ tranh chấp sẽ được đưa ra ..... (ghi rõ tên và địa chỉ toà án hoặc tổ chức trọng tài).

Quyết định của..........(tổ chức trên) là chung thẩm và các Bên sẽ phải tuân theo.

Điều 11

Doanh nghiệp liên doanh có thể chấm dứt hoạt động, giải thể doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

(mô tả chi tiết các trường hợp, phù hợp với quy định tại điều 52 Luật Đầu tư nước ngoài).

Điều 12

Các Bên liên doanh có quyền chuyển nhượng giá trị phần vốn của mình trong Doanh nghiệp liên doanh theo các qui định tại Điều 34 Luật Đầu tư nước ngoài.

Điều 13

Mọi điều khoản khác có liên quan không được quy định cụ thể tại Hợp đồng liên doanh này sẽ được các Bên thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Giấy phép đầu tư.

Điều 14

Hợp đồng liên doanh này có thể được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị và phải được Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư nước ngoài chuẩn y trước khi thực hiện.

Điều 15

Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư

Điều 16

Hợp đồng liên doanh này được ký ngày ........, tại........, gồm ..... bản gốc bằng tiếng Việt Nam và bằng tiếng ..... (tiếng nước ngoài thông dụng). Cả hai bản tiếng Việt Nam và tiếng ...... đều có giá trị pháp lý như nhau.

Đại diện

Bên (các Bên) nước ngoài

(Ký tên, chức vụ và dấu)

Đại diện

Bên (các Bên) Việt Nam

(Ký tên, chức vụ và dấu)

 

 

Trường hợp có nhiều Bên: từng Bên sẽ ký, ghi rõ chức vụ người đại diện ký và đóng dấu (nếu có)       

Mẫu số 3.c Phụ lục II

Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh

ĐIỀU LỆ DOANH NGHIỆP LIÊN DOANH

Điều 1:

Điều lệ này được lập trên cơ sở Hợp đồng liên doanh đã được ký kết ngày .... tháng .... năm...... giữa các Bên sau:

A. Bên (các Bên)Việt Nam:

1. Tên Công ty: ....................................................................................

2. Đại diện được uỷ quyền: ..................................................................

Chức vụ: ...........................................................................................

3. Trụ sở chính: ....................................................................................

Điện thoại: ....................... : ....................... Fax: .....................

4. Ngành nghề kinh doanh chính:

..............................................................................................................

5. Giấy phép thành lập Công ty: ...........................................................

Đăng ký tại: .................................. Ngày: ........................................

B. Bên (các Bên) nước ngoài:

1. Tên công ty hoặc cá nhân: ................................................................

2. Đại diện được uỷ quyền: ..................................................................

Chức vụ: ...........................................................................................

Quốc tịch: ........................................................................................

Địa chỉ thường trú: ...........................................................................

3. Trụ sở chính: ...................................................................................

Điện thoại: ....................... ....................... Fax: .....................

4. Ngành nghề kinh doanh chính: .........................................................

5. Giấy phép thành lập công ty: ............................................................

Đăng ký tại: .................................. Ngày: ........................................

Ghi chú: Nếu một hoặc cả hai Bên liên doanh gồm nhiều thành viên, thì từng thành viên sẽ mô tả đầy đủ các chi tiết nêu trên; Mỗi Bên cần chỉ định đại diện được uỷ quyền của mình. (Ghi chi tiết các thông tin của từng Bên như quy định tại Hợp đồng liên doanh, Giấy phép đầu tư đối với Doanh nghiệp liên doanh tham gia liên doanh mới,...).

Điều 2

Doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, có tư cách pháp nhân theo luật pháp Việt Nam.

Điều 3

Doanh nghiệp liên doanh thành lập tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm mục đích :

(Mô tả các mục tiêu sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp liên doanh)

Điều 4

1. Tên Doanh nghiệp là .... (tiếng Việt Nam), tên giao dịch (bằng tiếng nước ngoài thông dụng) của Doanh nghiệp liên doanh là .....................................................................................................................

2. Địa chỉ của Doanh nghiệp liên doanh :

Trụ sở chính.........................................................................................

Nhà máy/Xưởng sản xuất chính.................

Chi nhánh (nếu có)..........

Văn phòng đại diện (nếu có)..................................................................

Điều 5:

1. Tổng vốn đầu tư của Doanh nghiệp là ............................................

2. Vốn pháp định của Doanh nghiệp là ............................................ trong đó :

a) Bên Việt Nam góp.... chiếm....% vốn pháp định;

b) Bên nước ngoài góp... chiếm ... % vốn pháp định.

Trường hợp Liên doanh gồm nhiều Bên, trình bày chi tiết tỷ lệ phương thức góp vốn pháp định của từng Bên.

3. Tiến độ góp vốn pháp định:

Các Bên cam kết góp vốn đầy đủ theo đúng tiến đọ như sau:

(miêu tả chi tiết tiến độ góp vốn pháp định của từng Bên )

4. Ngoài vốn pháp định, Doanh nghiệp liên doanh có thể vay ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng số vốn cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

5. Tỷ lệ phân chia lợi nhuận và lỗ cho các Bên liên doanh: ................... (quy định chi tiết, kể cả việc thay đổi theo thời gian, nếu có)

Điều 6:           

Thời gian hoạt động của Doanh nghiệp là ...... năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư. Bất kỳ sự thay đổi nào về thời hạn phải được Hội đồng quản trị thông qua và báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét chuẩn y.

Điều 7

1. Hội đồng quản trị của Doanh nghiệp có ... thành viên, gồm :

(Các) Bên Việt Nam : ..... người

(Các) Bên nước ngoài : ..... người

2. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị là ... năm. Chủ tịch Hội đồng quản trị của Doanh nghiệp do các Bên liên doanh nhất trí bầu ra, có trách nhiệm triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị, tổ chức giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng quản trị.

3. Mỗi Bên đều có quyền thay đại diện của mình trong Hội đồng quản trị vào bất kỳ lúc nào với điều kiện là phải thông báo cho (các) Bên kia ít nhất trước .... ngày. Trong mọi trường hợp, việc thay thế đó không được gây bất cứ thiệt hại hoặc, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Doanh nghiệp liên doanh.

Điều 8:

Hội đồng quản trị họp định kỳ mỗi năm ít nhất một lần. Hội đồng quản trị có thể họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc của ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản trị hoặc của Tổng Giám đốc hoặc của Phó Tổng Giám đốc thứ nhất. Các cuộc họp của Hội đồng quản trị do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì. Chủ tịch hội đồng quản trị có thể uỷ quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng quản trị.

2. Cuộc họp của Hội đồng quản trị phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng quản trị đại diện của các bên liên doanh tham gia. Các thành viên của Hội đồng quản trị có thể uỷ quyền bằng văn bản cho người đại diện tham gia cuộc họp và biểu quyết thay về các vấn đề được uỷ quyền.

3. Hội đồng quản trị thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền theo hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.

Điều 9

1. Những vấn đề quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của Doanh nghiệp liên doanh gồm: bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất; sửa đổi, bổ sung Điều lệ doanh nghiệp do Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí giữa các thành viên Hội đồng quản trị có mặt tại cuộc họp.

Các Bên liên doanh có thể thoả thuận trong Điều lệ doanh nghiệp các vấn đề khác cần được quyết định theo nguyên tắc nhất trí.

2. Đối với những vấn đề không quy định tại Khoản 1 Điều này, Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc biểu quyết quá bán số thành viên Hội đồng quản trị có mặt tại cuộc họp.

Điều 10:

Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc do Hội đồng quản trị bổ nhiệm, miễn nhiệm, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật Việt Nam về việc quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc là người do Bên ... đề cử, với các nhiệm vụ và quyền hạn như sau: ... (quy định chi tiết)

Phó Tổng Giám đốc thứ nhất là người do Bên .... đề cử, với các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:... (quy định chi tiết)

Các Phó Tổng Giám đốc khác (nếu có) là người do Bên ... đề cử, với các nhiệm vụ và quyền hạn như sau: .... (quy định chi tiết)

Điều 11

Tổng Giám đốc là người đại diện cho Doanh nghiệp trước Toà án, tổ chức trọng tài và cơ quan Nhà nước Việt Nam. (nếu có quy định khác thì ghi rõ quy định đó)

Trường hợp Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc thứ nhất có ý kiến khác nhau trong điều hành Doanh nghiệp, thì Tổng Giám đốc có quyền quyết định, nhưng Phó Tổng Giám đốc thứ nhất có quyền bảo lưu ý kiến và có thể đưa ra Hội đồng quản trị xem xét, quyết định tại phiên họp gần nhất.

Điều 12

Tất cả lao động làm việc cho Doanh nghiệp liên doanh được tuyển chọn, sử dụng phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam. Người Việt Nam được ưu tiên khi tuyển chọn nếu đáp ứng yêu cầu công việc.

Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động được bảo đảm bằng Hợp đồng lao động ký kết giữa từng người lao động với Tổng Giám đốc Doanh nghiệp liên doanh; Thoả ước lao động tập thể ký kết giữa đại diện tập thể lao động với Tổng Giám đốc Doanh nghiệp liên doanh và phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về lao động.

Điều 13

Kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật nghiệp vụ và công nhân: ... (quy định chi tiết ).

Điều 14

Các tranh chấp giữa các Bên liên doanh hoặc tranh chấp giữa Doanh nghiệp liên doanh với các Doanh nghiệp khác trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng và hoà giải. Trong trường hợp các Bên vẫn không thoả thuận được với nhau thì vụ tranh chấp sẽ được đưa ra... (ghi rõ tên và địa chỉ Toà án hoặc tổ chức trọng tài).

Quyết định của .....(tổ chức trên) là quyết định cuối cùng mà các Bên phải tuân theo.

Điều 15

1. Doanh nghiệp liên doanh dùng ... là đơn vị tiền tệ trong hạch toán (nêu tên đồng tiền cụ thể); việc chuyển đổi giữa các đồng tiền khác và đồng tiền hạch toán được thực hiện theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển đổi.

2. Doanh nghiệp liên doanh thực hiện việc thanh, quyết toán thông qua tài khoản tiền Việt Nam và tiền nước ngoài mở tại Ngân hàng Việt Nam, hoặc tại ngân hàng liên doanh, hoặc tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam. (nếu xin mở tài khoản ở nước ngoài cần ghi rõ)

Điều 16

1. Hệ thống kế toán được áp dụng của Doanh nghiệp liên doanh là .... (Trường hợp áp dụng chế độ kế toán nước ngoài phải được Bộ Tài chính Việt Nam chuẩn y và chịu sự giám sát của cơ quan tài chính có thẩm quyền của Việt Nam).

2. Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định của Doanh nghiệp liên doanh được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính Việt Nam.

3. Năm tài chính của Doanh nghiệp Liên doanh bắt đầu từ .... và kết thúc vào... hàng năm. Năm tài chính đầu tiên của Doanh nghiệp liên doanh bắt đầu từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư và kết thúc vào...

4. Doanh nghiệp liên doanh lập báo cáo tài chính hàng năm và được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm toán.

Điều 17

Tài sản của Doanh nghiệp liên doanh được bảo hiểm tại.... (tên và địa chỉ của tổ chức bảo hiểm ) và không bị quốc hữu hoá, trưng thu, tịch thu hoặc chuyển sang chủ sở hữu khác bằng biện pháp hành chính.

Điều 18

Doanh nghiệp liên doanh có thể chấm dứt hoạt động trước thời hạn và /hoặc kết thúc trong các trường hợp sau : .......

(Mô tả chi tiết các trường hợp, phù hợp quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư nước ngoài).

Điều 19

Ít nhất 6 tháng trước khi kết thúc thời gian hoạt động của Doanh nghiệp liên doanh, hoặc trong vòng một tháng kể từ khi có quyết định giải thể Doanh nghiệp trước thời hạn, Hội đồng quản trị lập Ban thanh lý Doanh nghiệp liên doanh, quy định nhiệm vụ cụ thể Ban thanh lý. Các thành viên của Ban thanh lý có thể được tuyển chọn trong số các nhân viên của Doanh nghiệp liên doanh hoặc các chuyên gia ngoài Doanh nghiệp liên doanh.

Điều 20

Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh báo cáo với Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư về ngày thành lập và ngày bắt đầu hoạt động của Ban thanh lý. Kể từ đó, Ban thanh lý đại diện cho Doanh nghiệp trước Toà án và các tổ chức hành chính về tất cả các vấn đề có liên quan đến thanh lý. Thời gian hoạt động của Ban thanh lý không quá 12 tháng.

Văn phòng đại diện và chi nhánh của Doanh nghiệp liên doanh kết thúc hoạt động đồng thời với việc giải thể của Doanh nghiệp liên doanh.

Điều 21

Sau khi kết thúc hoạt động, tài sản còn lại của Doanh nghiệp liên doanh sau khi thanh toán mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam, được phân chia theo phương thức sau: ......

(Nêu rõ phương thức xử lý, như chuyển giao không bồi hoàn cho Bên Việt Nam, đấu giá, phân chia theo tỉ lệ góp vốn pháp định...)

Điều 22

Doanh nghiệp liên doanh thành lập Ban kiểm tra để tiến hành kiểm tra các hoạt động tài chính và kinh doanh của mình bao gồm .... thành viên do Hội đồng quản trị cử. Nhiệm kỳ của Ban kiểm tra là ... năm.

Ban kiểm tra chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về hoạt động của mình, đệ trình lên Hội đồng quản trị báo cáo về hoạt động kiểm tra và các đánh giá về báo cáo hàng năm của Doanh nghiệp liên doanh.

Điều 23

Điều lệ này có thể được sửa đổi, bổ sung theo quyết định nhất trí của Hội đồng quản trị và phải được đăng ký tại Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư .

Điều 24

Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 25

Điều lệ này được ký ngày..., tại ...., gồm .... bản gốc bằng tiếng Việt Nam và bằng tiếng.... (tiếng nước ngoài thông dụng). Cả hai bản tiếng Việt Nam và tiếng.... đều có giá trị pháp lý như nhau.

Đại diện

Bên (các Bên) nước ngoài

(Ký tên, chức vụ và dấu)

Đại diện

Bên (các Bên) Việt Nam

(Ký tên, chức vụ và dấu)

Trường hợp có nhiều Bên: từng Bên sẽ ký, ghi rõ chức vụ người đại diện ký và đóng dấu (nếu có) 

Mẫu số 4.a Phụ lục II

Đơn xin thành lập DN 100% vốn NN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày......tháng.......năm......

ĐƠN XIN THÀNH LẬP

DOANH NGHIỆP 100% VỐN NƯỚC NGOÀI

Kính gửi : Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc UBND tỉnh, thành phố .... hoặc Ban quản lý KCN tỉnh, thành phố...)

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam quy định chi tiết về thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam;

Những người ký tên dưới đây gửi Đơn xin phép đầu tư theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc UBND tỉnh, thành phố ..., hoặc Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh, thành phố ...)

I. (Các) CÔNG TY (hoặc cá nhân): .....

Xin được cấp Giấy phép đầu tư để thành lập Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam theo Điều lệ đính kèm với các mục tiêu hoạt động như sau:

----------------------------------------------------------------------------

--------------------------------------------------------------------------

--

II. CHÚNG TÔI XIN CAM KẾT :

1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung Đơn xin và hồ sơ kèm theo.

2. Nếu được cấp Giấy phép đầu tư sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến đầu tư nước ngoài và các quy định của Giấy phép đầu tư.

III. CÁC TÀI LIỆU GỬI KÈM THEO ĐƠN NÀY GỒM :

1. Điều lệ Doanh nghiệp ;

2. Văn bản xác nhân tư cách pháp lý, tình hình tài chính của chủ đầu tư (chứng nhận của Ngân hàng về giá trị tài khoản của bên nước ngoài hoặc báo cáo hoạt đồng tài chính trong 2 năm gần nhất);

3. Giải trình kinh tế kỹ thuật;

4. Các hồ sơ quy định tại các Điều 81, 82, 89, 95 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP... (nếu có).

(Làm tại), ..., ngày.. tháng.... năm...   

Chủ đầu tư

(hay đại diện được uỷ quyền )

(Ký tên, chức vụ và dấu)

                                    Mẫu số 4.b Phụ lục II

Điều lệ DN 100% vốn NN

ĐIỀU LỆ

DOANH NGHIỆP 100% VỐN NƯỚC NGOÀI

Điều 1

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do (các ) chủ đầu tư sau đây xin thành lập tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam:

1. Tên Công ty hoặc cá nhân: ..........................................................

2. Đại diện được uỷ quyền: ..............................................................

Chức vụ :........

Quốc tịch :

Địa chủ thường trú:

3. Trụ sở chính: ..................................................................................

Điện thoại ................ ............................Fax...........................

4. Ngành nghề kinh doanh chính :

..................................................................................................................

5. Giấy phép thành lập Công ty : ...........................................................

Đăng ký tại:

Ghi chú : Nếu chủ đầu tư bao gồm nhiều thành viên thì từng thành viên sẽ mô tả đầy đủ các chi tiết nêu trên.

Điều 2

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập theo hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn và có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam.

Điều 3

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thành lập tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm mục đích:

(Mô tả các mục tiêu sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp)

Điều 4

1. Tên Doanh nghiệp là ... (Tiếng Việt Nam), tên giao dịch (bằng tiếng nước ngoài thông dụng) của Doanh nghiệp là ...............................

2. Địa chỉ của Doanh nghiệp:

Trụ sở chính : ....................................................................................

Nhà máy/ xưởng sản xuất chính : .....................................................

Chi nhánh (nếu có): .......................................................................

Văn phòng đại diện : (nếu có) ..........................................................

3. Năng lực sản xuất: Hàng hoá/dịch vụ vào năm sản xuất ổn định (Chia thành sản phẩm chính và phụ nếu cần thiét)

4. Sản phẩm của Doanh nghiệp sẽ được tiêu thụ:

Tại thị trường Việt Nam: .....% sản phẩm

Xuất khẩu: .....% sản phẩm

5. Các cam kết khác : .... (Ví dụ như tiến độ và nội dung thực hiện chương trình nội địa hoá đối với các sản phẩm cơ khí, điện, điện tử...)

Điều 5:

1. Tổng vốn đầu tư của Doanh nghiệp là ....

2. Vốn pháp định của Doanh nghiệp là ... bằng ... (ghi rõ phương thức).

3. Thời hạn thực hiện vốn pháp định như sau:

(Ghi rõ tiến độ và thời hạn hoàn thành việc đưa vốn pháp định vào Việt Nam)

Điều 6

Thời hạn hoạt động của Doanh nghiệp là ... năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư. Bất kỳ sự thay đổi nào về thời hạn phải được chủ doanh nghiệp báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét và chuẩn y.

Điều 7

Kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư, tiến độ dự án này được thực hiện như sau:

1. Khởi công xây dựng : từ tháng thứ....

2. Lắp đặt thiết bị : từ tháng thứ...

3. Vận hành thử: từ tháng thứ ...

4. Sản xuất chính thức : từ tháng thứ...

Điều 8

1. Doanh nghiệp dùng ... là đơn vị tiền tệ trong hạch toán (nêu tên đồng tiền cụ thể). Việc chuyển đổi giữa các đồng tiền khác và đồng tiền hạch toán được thực hiện theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển đổi.

2. Doanh nghiệp thực hiện việc thanh, quyết toán thông qua tài khoản tiền Việt Nam và tiền nước ngoài mở tại Ngân hàng Việt Nam, hoặc tại ngân hàng liên doanh, hoặc tại chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam, hoặc tại ngân hàng nước ngoài nếu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận.

Điều 9

1. Hệ thống kế toán được áp dụng của Doanh nghiệp là ... (Trường hợp áp dụng hình thức kế toán nước ngoài phải được Bộ Tài chính Việt Nam chuẩn y và chịu sự giám sát của cơ quan tài chính có thẩm quyền của Việt Nam).

2. Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định của Doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính Việt Nam.

3. Năm tài chính của Doanh nghiệp bắt đầu từ ... và kết thúc vào... hàng năm. Năm tài chính đầu tiên của Doanh nghiệp bắt đầu từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư và kết thúc vào...

4. Doanh nghiệp báo cáo tài chính hàng năm và được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm toán.

Điều 10

Tài sản của Doanh nghiệp được bảo hiểm tại .... (Tên và địa chỉ của tổ chức bảo hiểm) và không bị quốc hữu hoá, trưng thu, tịch thu hoặc chuyển sang chủ sở hữu khác bằng biện pháp hành chính.

Điều 11

Doanh nghiệp sẽ thành lập quỹ phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi và các quỹ khác. Cơ cấu hoạt động, quy mô, nguồn vốn và nguyên tắc sử dụng từng quỹ do Tổng Giám đốc quyết định trên cơ sở lợi nhuận thu được, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 12

Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước Việt Nam theo pháp luật Việt Nam và các quy định ghi trong Giấy phép đầu tư.

Điều 13

Người đại diện có thẩm quyền của Doanh nghiệp trước toà án, tổ chức trọng tài và cơ quan Nhà nước Việt Nam là ....

Điều 14

Tất cả lao động làm việc cho Doanh nghiệp được tuyển chọn, sử dụng phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam, người Việt Nam được ưu tiên khi tuyển chọn nếu đáp ứng yêu cầu công việc.

Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động được bảo đảm bằng Hợp đồng lao động ký kết giữa từng ngươì lao động với Tổng Giám đốc doanh nghiệp; thoả ước lao động tập thể ký kết giữa đại diện tập thể lao động với Tổng Giám đốc doanh nghiệp và phù hợp với các quy định của pháp luật Việt nam về lao động.

Điều 15

Kế hoạch đạo tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật nghiệp vụ và công nhân : ... (quy định chi tiết )

Điều 16

Doanh nghiệp có thể chấm dứt hoạt động trước thời hạn và/hoặc kết thúc trong các trường hợp sau: .....

(Mô tả chi tiết các trường hợp, phù hợp với quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư nước ngoài)

Điều 17

Mọi điều khoản khác liên quan đến hoạt động của Doanh nghiệp không được quy định tại Điều lệ này sẽ được Doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Giấy phép đầu tư.

Điều 18

Điều lệ này có thể được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của Người đại diện có thẩm quyền của Doanh nghiệp theo quy định tại Điều 14 của Điều lệ này và được đăng ký tại Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư trước khi thực hiện.

Điều 19

Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 20

Điều lệ Doanh nghiệp này được ký ngày...., tại...., gồm .... bản gốc bằng tiếng Việt Nam và tiếng... (tiếng nước ngoài thông dụng). Cả hai bản tiếng Việt Nam và tiếng ... đều có giá trị pháp lý như nhau.

Chủ đầu tư

(Chữ ký, chức vụ và dấu)

Trường hợp có nhiều chủ đầu tư : Ghi rõ tên và đóng dấu

Phụ lục III

MẪU GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ VÀ GIẤY PHÉP ĐIỀU CHỈNH

Mẫu số 1Phụ lục III

Giấy phép đầu tư cấp cho HĐHTKD

 

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Số: /GP

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Số: /GP-ký tự tên tỉnh, thành phố

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Số: /GP-KCN-ký tự tên tỉnh, thành phố

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm ....  

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT cấp)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp)

hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp)

Phần ghi chung

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số...ngày ... tháng .... năm... của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý các Khu công nghiệp ...

Căn cứ Quyết định số.../BKH-KCNngày ... tháng .... năm...của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu công nghiệp....;

Phần ghi chung:

Xét đơn và hồ sơ dự án do ...... và .......(tên nước) nộp ngày..... tháng..... năm.... {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung nộp ngày.... tháng.... năm .... (nếu có)},

QUYẾT ĐỊNH

 Điều 1:

Cho phép các Bên, gồm:

Bên Việt Nam: ...............; trụ sở đặt tại ........................;

Bên nước ngoài: .......................; trụ sở đặt tại .....................,

(liệt kê đầy đủ từng Bên Việt Nam và từng Bên nước ngoài)

hợp tác kinh doanh trên cơ sở Hợp đồng theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Văn phòng điều hành của Bên nước ngoài có trụ sở đặt tại.....(nếu thành lập Văn phòng điều hành)

Điều 2:

a) Mục tiêu và phạm vi kinh doanh của Hợp doanh:

liệt kê cụ thể nội dung sản xuất-kinh doanh, kể cả năng lực sản xuất từng loại sản phẩm (nếu thuộc loại sản phẩm cần có quy định khống chế sản lượng)

+...................................;

+....................................

b) Sản phẩm của Hợp doanh để xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.hoặc

b) Ít nhất .....% (viết bằng số và chữ) sản phẩm của Hợp doanh để xuất khẩu; số sản phẩm còn lại tiêu thụ tại Việt Nam. (nếu có quy định tỷ lệ xuất khẩu bắt buộc hoặc để được hưởng ưu đãi) hoặc

b) Toàn bộ sản phẩm của Hợp doanh để xuất khẩu.

Điều 3:

Chuẩn y Hợp đồng hợp tác kinh doanh do các Bên hợp doanh ký ngày..... tháng..... năm....... {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung ký ngày.... tháng.... năm .... (nếu có)} trừ những điều khoản trái với pháp luật Việt Nam và các quy định tại Giấy phép đầu tư này.

Điều 4:

Thời hạn hiệu lực của Hợp đồng là ........ (viết bằng số và chữ) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

{Hết thời hạn trên, Bên nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn tài sản của mình cho Nhà nước Việt Nam (nếu nhà đầu tư nước ngoài cam kết chuyển giao không bồi hoàn và được cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chấp thuận)}.

Điều 5:

Trách nhiệm của các Bên hợp doanh:

a) Bên Việt Nam: (liệt kê trách nhiệm của từng Bên Việt Nam)

Góp ............. (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ, chiếm ......% (viết bằng số và chữ) vốn để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh, bằng ................... (hình thức góp vốn);

Các trách nhiệm khác (liệt kê cụ thể các trách nhiệm chính theo thoả thuận trong Hợp đồng)

b) Bên nước ngoài: (liệt kê trách nhiệm của từng Bên nước ngoài)

Góp ............. (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ, chiếm ......% (viết bằng số và chữ) vốn để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh, bằng ................... (hình thức góp vốn);

Các trách nhiệm khác (liệt kê cụ thể các trách nhiệm chính theo thoả thuận trong Hợp đồng)

Điều 6:

a) Các Bên hợp doanh có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật.

b) Bên nước ngoài có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước Việt Nam:

Thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng .....% (viết bằng số và chữ) lợi nhuận thu được trong ...... (viết bằng số và chữ) năm và bằng .....% (viết bằng số và chữ) trong các năm tiếp theo;

Thuế chuyển lợi nhuận bằng .....% (viết bằng số và chữ) số lợi nhuận chuyển ra khỏi Việt Nam;

Bên nước ngoài được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ..... (viết bằng số và chữ) năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm .....% (viết bằng số và chữ) trong ..... (viết bằng số và chữ) năm tiếp theo.

c) Bên Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định đối với doanh nghiệp trong nước.

d) Các Bên hợp doanh được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Trường hợp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng phải tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam. (nếu dự án có nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng)

Điều 7:

Trong quá trình hoạt động, các Bên hợp doanh phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, các quy định của Giấy phép đầu tư, các điều khoản của Hợp đồng hợp tác kinh doanh {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung ký ngày.... tháng.... năm .... (nếu có)}

Mọi điều khoản của Hợp đồng hợp tác kinh doanh {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung (nếu có)} trái với nội dung của Giấy phép đầu tư này và pháp luật Việt Nam phải được hiểu theo quy định của Giấy phép đầu tư này và pháp luật Việt Nam.

(Các quy định khác đối với dự án thuộc các ngành có đặc thù riên).

Các Bên hợp doanh phải thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải; bảo vệ môi trường, môi sinh, phòng-chống cháy, nổ và an toàn lao động theo các quy định của Nhà nước Việt Nam.

Điều 8:

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Giấy phép này được lập thành....... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ....... bản cấp cho các Bên hợp doanh, một bản gửi Uỷ ban nhân dân......., một bản đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Giấy phép này được lập thành....... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ....... bản cấp cho các Bên hợp doanh, một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản đăng ký tại Uỷ ban nhân dân........

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Giấy phép này được lập thành....... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ....... bản cấp cho các Bên hợp doanh, một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh.... và một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp....

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT cấp)

                                    hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

CHỦ TỊCH

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp)

hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp)

Mẫu số 2 Phụ lục III

Giấy phép đầu tư cấp cho DN liên doanh

 

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

đối với dự án do BKH&ĐT cấp

Số: /GP

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp

Số: /GP-ký tự tên tỉnh, thành phố

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp

Số: /GP-KCN-ký tự tên tỉnh, thành phố

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm ...  

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT cấp)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp)

hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp)

Phần ghi chung

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số ..... của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số...ngày ... tháng .... năm... của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý các Khu công nghiệp ...

Căn cứ Quyết định số.../BKH-KCNngày ... tháng .... năm...của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu công nghiệp....;

Phần ghi chung

Xét đơn và hồ sơ dự án do ...... và .......(tên nước) nộp ngày..... tháng..... năm.... {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung nộp ngày.... tháng.... năm .... (nếu có)},

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1:

Cho phép các Bên, gồm:

Bên Việt Nam: .................; trụ sở đặt tại ........................;

Bên nước ngoài: ........................; trụ sở đặt tại ...................,

(liệt kê đầy đủ từng Bên Việt Nam và từng Bên nước ngoài)

thành lập Doanh nghiệp liên doanh theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Doanh nghiệp liên doanh có tên gọi là.............., tên giao dịch là............., tên viết tắt là...............; trụ sở và nhà xưởng sản xuất đặt tại.........;

Doanh nghiệp liên doanh có chi nhánh sản xuất đặt tại.........; (trường hợp có thành lập chi nhánh sản xuất)

Doanh nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và phải mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 2:

a) Mục tiêu và phạm vi kinh doanh của Doanh nghiệp liên doanh: ...

{liệt kê cụ thể nội dung sản xuất-kinh doanh, kể cả năng lực sản xuất từng loại sản phẩm chính (nếu thuộc loại sản phẩm cần có quy định khống chế sản lượng)}

b) Sản phẩm của Doanh nghiệp liên doanh để xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

hoặc

c) Ít nhất .....% (viết bằng số và chữ) sản phẩm của Doanh nghiệp liên doanh để xuất khẩu; số sản phẩm còn lại tiêu thụ tại Việt Nam. (nếu có quy định tỷ lệ xuất khẩu bắt buộc hoặc để được hưởng ưu đãi)

hoặc

d) Toàn bộ sản phẩm của Doanh nghiệp liên doanh để xuất khẩu.

Điều 3:

a) Vốn đầu tư đăng ký của Doanh nghiệp liên doanh là...... (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ.

b) Vốn pháp định của Doanh nghiệp liên doanh là............(viết bằng số và chữ) đô la Mỹ, trong đó:

Bên Việt Nam góp............. (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ, chiếm .....% (viết bằng số và chữ) vốn pháp định, , bằng............(hình thức góp vốn);

(liệt kê từng Bên Việt Nam góp)

Bên nước ngoài góp .................. (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ, chiếm ...% (viết bằng số và chữ) vốn pháp định, bằng........... (hình thức góp vốn).

(liệt kê từng Bên nước ngoài góp)

Điều 4:

Thời hạn hoạt động của Doanh nghiệp liên doanh là...... (viết bằng số và chữ) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

{Hết thời hạn trên, Bên nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn tài sản của mình cho Nhà nước Việt Nam (nếu nhà đầu tư nước ngoài cam kết chuyển giao không bồi hoàn và được cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chấp thuận)}.

Điều 5:

a) Doanh nghiệp liên doanh có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước Việt Nam:           

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Tiền thuê đất hàng năm kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa đối với diện tích đất sử dụng tại.........(địa điểm đất thuê) theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh..... Mức tiền thuê đất được điều chỉnh lại sau mỗi chu kỳ 5 (năm) năm và có tỷ lệ gia tăng không vượt quá 15% (mười lăm phần trăm) so với lần công bố trước đó; (nếu Doanh nghiệp liên doanh thuê đất của Việt Nam)

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Tiền thuê đất hàng năm kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa đối với diện tích đất sử dụng tại.......... (địa điểm đất thuê) với mức..... (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ/ha/năm. Mức tiền thuê đất được điều chỉnh lại sau mỗi chu kỳ 5 (năm) năm và có tỷ lệ gia tăng không vượt quá 15% (mười lăm phần trăm) so với lần công bố trước đó; (nếu Doanh nghiệp liên doanh thuê đất của Việt Nam)

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Tiền thuê đất hàng năm kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa đối với diện tích đất sử dụng theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh..... (trường hợp Doanh nghiệp liên doanh thuê đất của Nhà nước Việt Nam ở ngoài Khu công nghiệp để xây dựng chi nhánh)

Phần ghi chung

Thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng .....% (viết bằng số và chữ) lợi nhuận thu được trong ...... (viết bằng số và chữ) năm và bằng .....% (viết bằng số và chữ) trong các năm tiếp theo;

Các loại thuế khác theo quy định hiện hành tại thời điểm nộp thuế hàng năm.

Doanh nghiệp liên doanh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong.......(viết bằng số và chữ) năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm .........% (viết bằng số và chữ) trong... (viết bằng số và chữ) năm tiếp theo.

đối với dự án do BKH&ĐT hoặc UBND cấp tỉnh cấp:

b) Doanh nghiệp liên doanh có nghĩa vụ trả tiền thuê địa điểm cho Bên cho thuê theo Hợp đồng ký kết giữa các Bên. (trường hợp Doanh nghiệp liên doanh thuê địa điểm)

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

b) Doanh nghiệp liên doanh có nghĩa vụ trả tiền thuê mặt bằng và phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghiệp ... cho Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp ... theo Hợp đồng ký kết giữa các Bên.

c) Doanh nghiệp liên doanh được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Trường hợp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng phải tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

d) Khi chuyển lợi nhuận ra khỏi Việt Nam, Bên nước ngoài nộp thuế bằng ...% (viết bằng số và chữ) số lợi nhuận chuyển ra.

Điều 6:

Trong quá trình hoạt động, Doanh nghiệp liên doanh phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, các quy định của Giấy phép đầu tư, các điều khoản của Hợp đồng liên doanh, Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung ký ngày.... tháng.... năm .... (nếu có)}

Mọi điều khoản của Hợp đồng liên doanh, Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung (nếu có)}trái với nội dung của Giấy phép đầu tư này và pháp luật Việt Nam phải được hiểu theo quy định của Giấy phép đầu tư này và pháp luật Việt Nam.

(Các quy định khác đối với dự án thuộc các ngành có đặc thù riêng).

Doanh nghiệp liên doanh phải thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải; bảo vệ môi trường, môi sinh, phòng-chống cháy, nổ và an toàn lao động theo các quy định của Nhà nước Việt Nam.

Điều 7:

Giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh của.......... (tên Doanh nghiệp liên doanh) và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 8:

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Giấy phép này được lập thành..... (viết bằng số và chữ) bản gốc;....... bản cấp cho các Bên liên doanh, một bản cấp cho ........(tên Doanh nghiệp liên doanh), một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh ....... và một bản đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Giấy phép này được lập thành...... (viết bằng số và chữ) bản gốc;..... bản cấp cho các Bên liên doanh, một bản cấp cho......... (tên Doanh nghiệp liên doanh), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một bản đăng ký tại Uỷ ban nhân dân tỉnh............

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Giấy phép này được lập thành...... (viết bằng số và chữ) bản gốc;..... bản cấp cho các Bên liên doanh, một bản cấp cho......... (tên Doanh nghiệp liên doanh), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh...... và một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp......

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT cấp)

hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

CHỦ TỊCH

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp)

hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp) 

Mẫu số 3 Phụ lục III

Giấy phép đầu tư cấp cho DN 100% vốn NN

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

–––––––––––

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Số: /GP

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Số: /GP-ký tự tên tỉnh, thành phố

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Số: /GP-KCN-ký tự tên tỉnh, thành phố

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

––––––––––––––

........, ngày .... tháng ... năm ...

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT cấp)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp)

hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp)

Phần ghi chung

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số ... của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số...ngày ... tháng .... năm... của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý các Khu công nghiệp ...

Căn cứ Quyết định số.../BKH-KCNngày ... tháng .... năm...của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu công nghiệp....;

Phần ghi chung

Xét đơn và hồ sơ dự án do ...... và .......(tên nước) nộp ngày..... tháng..... năm.... {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung nộp ngày.... tháng.... năm .... (nếu có)},

QUYẾT ĐỊNH:

 Điều 1:

Cho phép...................(tên doanh nghiệp, cá nhân người nước ngoài); trụ sở đặt tại.........., do..........., quốc tịch........., ...(chức vụ).... làm đại diện, thành lập Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Doanh nghiệp có tên gọi là.............., tên giao dịch là................., tên viết tắt là.............; trụ sở và nhà xưởng sản xuất đặt tại.........;

Doanh nghiệp có chi nhánh sản xuất đặt tại......... ;(trường hợp có thành lập chi nhánh sản xuất)

Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và phải mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 2:

a) Mục tiêu và phạm vi kinh doanh của Doanh nghiệp:

{liệt kê cụ thể nội dung sản xuất-kinh doanh, kể cả năng lực sản xuất từng loại sản phẩm chính (nếu thuộc loại sản phẩm cần có quy định khống chế sản lượng)}

+...................................;

+....................................

b) Sản phẩm của Doanh nghiệp để xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

hoặc

b) Ít nhất .....% (viết bằng số và chữ) sản phẩm của Doanh nghiệp để xuất khẩu; số sản phẩm còn lại tiêu thụ tại Việt Nam. (nếu có quy định tỷ lệ xuất khẩu bắt buộc hoặc để được hưởng ưu đãi)

hoặc

b) Toàn bộ sản phẩm của Doanh nghiệp để xuất khẩu.

Điều 3:

a) Vốn đầu tư đăng ký của Doanh nghiệp là........ (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ.

b) Vốn pháp định của Doanh nghiệp là............... (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ.

Điều 4:

Thời hạn hoạt động của Doanh nghiệp là........ (viết bằng số và chữ) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

{Hết thời hạn trên, Bên nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn tài sản của mình cho Nhà nước Việt Nam (nếu nhà đầu tư nước ngoài cam kết chuyển giao không bồi hoàn và được cơ quan cấp Giấy phép đầu tư chấp thuận)}.

Điều 5:

a) Doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước Việt Nam:

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Tiền thuê đất hàng năm kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa đối với diện tích đất sử dụng tại.........(địa điểm đất thuê) theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh..... Mức tiền thuê đất được điều chỉnh lại sau mỗi chu kỳ 5 (năm) năm và có tỷ lệ gia tăng không vượt quá 15% (mười lăm phần trăm) so với lần công bố trước đó; (nếu Doanh nghiệp thuê đất của Việt Nam)

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Tiền thuê đất hàng năm kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa đối với diện tích đất sử dụng tại........... (địa điểm đất thuê) với mức..... (viết bằng số và chữ) đô la Mỹ/ha/năm. Mức tiền thuê đất được điều chỉnh lại sau mỗi chu kỳ 5 (năm) năm và có tỷ lệ gia tăng không vượt quá 15% (mười lăm phần trăm) so với lần công bố trước đó; (nếu Doanh nghiệp thuê đất của Việt Nam)

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Tiền thuê đất hàng năm kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa đối với diện tích đất sử dụng theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố.... (trường hợp Doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước Việt Nam ở ngoài Khu công nghiệp để xây dựng chi nhánh).

Phần ghi chung:

Thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng .....% (viết bằng số và chữ) lợi nhuận thu được trong ...... (viết bằng số và chữ) năm và bằng .....% (viết bằng số và chữ) trong các năm tiếp theo;

Thuế chuyển lợi nhuận bằng .....% (viết bằng số và chữ) số lợi nhuận chuyển ra khỏi Việt Nam;

Các loại thuế khác theo quy định hiện hành tại thời điểm nộp thuế hàng năm;

Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong........ (viết bằng số và chữ) năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm ...% (viết bằng số và chữ) trong... (viết bằng số và chữ) năm tiếp theo.

đối với dự án do BKH&ĐT hoặc UBND cấp tỉnh cấp:

b) Doanh nghiệp có nghĩa vụ trả tiền thuê địa điểm cho Bên cho thuê theo Hợp đồng ký kết giữa các Bên (trường hợp Doanh nghiệp thuê địa điểm).

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

b) Doanh nghiệp có nghĩa vụ trả tiền thuê mặt bằng và phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghiệp ... cho Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp ... theo Hợp đồng ký kết giữa các Bên.

c) Doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Trường hợp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng phải tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam (nếu dự án có nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng).

Điều 6:

Trong quá trình hoạt động, Doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, các quy định của Giấy phép đầu tư, Điều lệ Doanh nghiệp {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung ký ngày.... tháng.... năm .... (nếu có)}.

Mọi điều khoản của Điều lệ Doanh nghiệp {và Phụ lục sửa đổi, bổ sung (nếu có)} trái với nội dung của Giấy phép đầu tư này và pháp luật Việt Nam phải được hiểu theo quy định của Giấy phép đầu tư này và pháp luật Việt Nam.

(Các quy định đối với dự án thuộc các lĩnh vực đặc thù).

Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải; bảo vệ môi trường, môi sinh, phòng-chống cháy, nổ và an toàn lao động theo các quy định của Nhà nước Việt Nam.

Điều 7:

Giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký Điều lệ Doanh nghiệp của............. (tên Doanh nghiệp) và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 8:

đối với dự án do BKH&ĐT cấp:

Giấy phép này được lập thành...... (viết bằng số và chữ) bản gốc;..... bản cấp cho (các) chủ đầu tư, một bản cấp cho......... (tên Doanh nghiệp), một bản gửi Uỷ ban nhân dân....... và một bản đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp:

Giấy phép này được lập thành...... (viết bằng số và chữ) bản gốc;..... bản cấp cho (các) chủ đầu tư, một bản cấp cho............(tên Doanh nghiệp), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một bản đăng ký tại Uỷ ban nhân dân tỉnh........... .

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Giấy phép này được lập thành...... (viết bằng số và chữ) bản gốc;..... bản cấp cho (các) chủ đầu tư, một bản cấp cho......... (tên Doanh nghiệp), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh...... và một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp......

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT cấp)

hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

CHỦ TỊCH

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh cấp)

hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp)

Mẫu số 4 Phụ lục III

Giấy phép điều chỉnh

(áp dụng đối với mọi hình thức đầu tư)

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

–––––––––––

đối với dự án do Bộ KH&ĐT điều chỉnh:

Số: /GPĐC số lần điều chỉnh

đối với dự án do UBND cấp tỉnh điều chỉnh:

Số: /GPĐCsố lần điều chỉnh ký tự tên tỉnh, thành phố

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh điều chỉnh:

Số: /GPĐC+số lần điều chỉnh-KCN-ký tự tên tỉnh, thành phố

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

––––––––––––––

........, ngày .... tháng ... năm ......

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐTđiều chỉnh)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh điều chỉnh)

hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh điều chỉnh)

Phần ghi chung

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

đối với dự án do BKH&ĐT điều chỉnh:

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đối với dự án do UBND cấp tỉnh điều chỉnh:

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh điều chỉnh:

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số...ngày ... tháng .... năm ... của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý các Khu công nghiệp ...

Căn cứ Quyết định số.../BKH-KCNngày ... tháng .... năm...của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu công nghiệp....;

Phần ghi chung:

Căn cứ Giấy phép đầu tư số ... ngày ... của ... cho phép thành lập CÔNG TY... và Giấy phép điều chỉnh số ... ngày ... (những Giấy phép điều chỉnh liên quan đến nội dung điều chỉnh);

Căn cứ ý kiến của Bộ chuyên ngành/Uỷ ban nhân dân .... (trong trường hợp cần thiết) tại công văn số ... ngày ....;

Xét đề nghị của CÔNG TY ... tại văn thư số ... ngày ... và hồ sơ kèm theo nộp ngày ....,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1:

Chuẩn y việc .................. của CÔNG TY ...... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....... )

Điều 2:

Điều .... của Giấy phép đầu tư số ... ngày ... tháng ... năm ... được sửa đổi như sau:

Điều ...:

Điều 3:

Mọi điều khoản khác của Giấy phép đầu tư số ... ngày ... và Giấy phép điều chỉnh số ... ngày ... (tất cả các Giấy phép điều chỉnh còn hiệu lực, nếu có) vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.

Điều 4:

Giấy phép điều chỉnh này là bộ phận không tách rời của Giấy phép đầu tư số ... ngày ... và thay thế Giấy phép điều chỉnh số ... ngày ... (trường hợp cần thay thế), đồng thời có giá trị là Giấy chứng nhận sửa đổi những điều khoản liên quan đến Giấy phép điều chỉnh này của Điều lệ CÔNG TY ... và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5:

đối với dự án do BKH&ĐT điều chỉnh:

Giấy phép điều chỉnh này được lập thành ... (viết cả bằng số và chữ) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản cấp cho CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh hoặc Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ... và một bản đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đối với dự án do UBND cấp tỉnh điều chỉnh

Giấy phép điều chỉnh này được lập thành ... (viết cả bằng số và chữ) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản cấp cho CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh hoặc Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một bản đăng ký tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ....

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh cấp:

Giấy phép điều chỉnh này được lập thành ... (viết cả bằng chữ và số) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản cấp cho CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh hoặc Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ..., một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp....

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT điều chỉnh)

hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

CHỦ TỊCH

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh điều chỉnh)

hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh điều chỉnh)

 

Bảng Phụ lục III

Ký tự tên tỉnh, thành phố

Quy định ký tự tên tỉnh, thành phố trong Giấy phép đầu tư

và Giấy phép điều chỉnh

Tên tỉnh, thành phố

Ký tự viết tắt

Tên tỉnh, thành phố

Ký tự viết tắt

1.      Hà Giang

HG

32.  Đà Nẵng

ĐNg

1.      Cao Bằng

CB

32.  Quảng Nam

QNa

1.      Lai Châu

LCh

32.  Quảng Ngãi

QNg

1.      Bắc Cạn

BC

32.  Bình Định

1.      Lạng Sơn

LS

32.  Phú Yên

PY

1.      Tuyên Quang

TQ

32.  Khánh Hoà

KH

1.      Lào Cai

LC

32.  Ninh Thuận

NT

1.      Yên Bái

YB

32.  Gia Lai

GL

1.      Thái Nguyên

TNg

32.  Kon Tum

KT

1.      Phú Thọ

PT

32.  Đắc Lắc

ĐL

1.      Bắc Giang

BG

32.  Bình Dương

BD

1.      Sơn La

SL

32.  Bình Phước

BP

1.      Hoà Bình

HB

32.  Tây Ninh

TNh

1.      Hà Nội

HN

32.  Đồng Nai

ĐN

1.      Hải Phòng

HP

32.  Bà Rịa-Vũng Tàu

BV

1.      Quảng Ninh

QN

32.  Bình Thuận

BT

1.      Vĩnh Phúc

VP

32.  Lâm Đồng

1.      Bắc Ninh

BN

32.  Tp Hồ Chí Minh

HCM

1.      Hà Tây

HT

32.  Long An

LA

1.      Hải Dương

HD

32.  Đồng Tháp

ĐT

1.      Hưng Yên

HY

32.  An Giang

AG

1.      Hà Nam

HNm

32.  Tiền Giang

TG

1.      Nam Định

32.  Vĩnh Long

VL

1.      Thái Bình

TB

32.  Bến Tre

BTr

1.      Ninh Bình

NB

32.  Kiên Giang

KG

1.      Thanh Hoá

TH

32.  Cần Thơ

CT

1.      Nghệ An

NA

32.  Trà Vinh

TV

1.      Hà Tĩnh

HTh

32.  Sóc Trăng

ST

1.      Quảng Bình

QB

32.  Bạc Liêu

BL

1.      Quảng Trị

QT

32.  Cà Mau

CM

1.      Thừa Thiên-Huế

TTH

 

 

Phụ lục IV

MẪU QUYẾT TOÁN CÔNG TRÌNH, BÁO CÁO THỰC HIỆN VỐN ĐẦU TƯ

Mẫu số 1 Phụ lục IV

Báo cáo quyết toán công trình

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BÁO CÁO QUYẾT TOÁN CÔNG TRÌNH

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số ..... /2000/TT-BKH ngày tháng năm 2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, CÔNG TY .......... (tên Doanh nghiệp hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh), thành lập theo Giấy phép đầu tư số ..........., cấp ngày ....... tháng .......... năm .....; trụ sở đặt tại ..........

xin gửi tới ................. (tên Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư) Báo cáo quyết toán công trình với các nội dung sau:

1/ Ngày khởi công công trình ......

Ngày hoàn thành công trình .......

2/ Văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật số ..... ngày .... của ..... (Bộ Xây dựng hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ....)

3/ Vốn đầu tư công trình đã thực hiện:                                      ....... đôla Mỹ

Chia theo các năm:

........

........

Trong đó:

a/ Chi phí xây dựng công trình :                                              ....... đôla Mỹ

bao gồm:

Chi phí cho các công việc dưới mặt đất                                     ....... đôla Mỹ

(phá dỡ, móng, công trình ngầm)

Chi phí phần thân và hoàn thiện công trình xây dựng             ....... đôla Mỹ

Chi phí về trang thiết bị bên trong công trình              ....... đôla Mỹ

Chi phí xây dựng cảnh quan                                                    ....... đôla Mỹ

(tường rào, sân chơi, vườn hoa, cây cảnh,...)

Chi phí về bảo vệ môi trường,

phòng chống cháy; bảo hiểm xây dựng....                               ....... đôla Mỹ

b/ Chi phí về máy móc, thiết bị                                                            ....... đôla Mỹ

bao gồm:

Chi phí mua sắm                                                                                  ....... đôla Mỹ

Trong đó nhập khẩu                                                                ....... đôla Mỹ

Chi phí vận chuyển                                                                  ....... đôla Mỹ

Chi phí bảo hiểm                                                                                 ....... đôla Mỹ

Chi phí lắp đặt, hiệu chỉnh                                                       ....... đôla Mỹ

c/ Chi phí khác:                                                                                   ....... đôla Mỹ

bao gồm:

Chi phí chuẩn bị đầu tư                                                             ....... đôla Mỹ

Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng                                        ....... đôla Mỹ

Giá trị quyền sử dụng đất do Bên Việt Nam góp vốn ....... đôla Mỹ

Lãi tiền vay trong quá trình xây dựng                          ....... đôla Mỹ

Chi phí đào tạo                                                                                    ....... đôla Mỹ

Chi phí kiểm toán, giám định                                                  ....... đôla Mỹ

Các chi phí hợp lý khác                                                                       ....... đôla Mỹ

Các tài liệu kèm theo:

a. Báo cáo kiểm toán chi phí xây dựng của dự án.

b. Báo cáo giám định và các chứng chỉ giám định của Tổ chức giám định (nêu tên Tổ chức giám định ) về kết quả giám định giá trị thiết bị, máy móc cho dự án.

CHỦ ĐẦU TƯ

 Mẫu số 2 Phụ lục IV

Báo cáo thực hiện vốn đầu tư

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BÁO CÁO THỰC HIỆN VỐN ĐẦU TƯ

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số ..... /2000/TT-BKH ngày tháng năm 2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, CÔNG TY .......... (tên Doanh nghiệp hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh), thành lập theo Giấy phép đầu tư số ..........., cấp ngày.......... tháng .......... năm .....; trụ sở đặt tại ...................

xin gửi tới ................. (tên Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư) Báo cáo thực hiện vốn đầu tư với các nội dung sau:

1/ Tổng vốn đầu tư thực hiện                                                             ....... đôla Mỹ

Chia theo các năm:

19...

19...

.......

Trong đó:

a/ Tài sản cố định theo Báo cáo quyết toán công trình            ....... đôla Mỹ

b/ Vốn lưu động thực hiện (đến thời điểm báo cáo)                  ....... đôla Mỹ

2/ Các nguồn vốn đã sử dụng :

a/ Vốn pháp định (hoặc vốn góp)        (viết bằng số và chữ) ....... đôla Mỹ

Đối với doanh nghiệp liên doanh, chia ra:

Bên Việt Nam góp ....... (viết bằng số và chữ) đôla Mỹ, chiếm .... (viết bằng số) % (viết bằng chữ phần trăm) vốn pháp định, bằng....... (liệt kê chi tiết các khoản góp vốn);

Bên nước ngoài góp ....... (viết bằng số và chữ) đôla Mỹ, chiếm .... (viết bằng số) % (viết bằng chữ phần trăm) vốn pháp định, bằng....... (liệt kê chi tiết các khoản góp vốn)

b/ Vốn vay                                           (viết bằng số và chữ) ....... đôla Mỹ

Các tài liệu kèm theo:

a. Báo cáo kiểm toán chi phí xây dựng của dự án.

b. Báo cáo giám định và các chứng chỉ giám định của Tổ chức giám định (nêu tên Tổ chức giám định ) về kết quả giám định giá trị thiết bị, máy móc cho dự án.

CHỦ ĐẦU TƯ

 Mẫu số 3 Phụ lục IV

Xác nhận đăng ký

Báo cáo quyết toán công trình

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Số: /

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

hoặc

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Giấy phép đầu tư số ... của ... cho phép thành lập CÔNG TY... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh.....)

Căn cứ Báo cáo quyết toán công trình của CÔNG TY..... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh .... ) và hồ sơ kèm theo nộp ngày .....

Xét đề nghị của CÔNG TY ... (hoặc các Bên hợp doanh) tại văn thư số ... ngày ... ,

XÁC NHẬN

Điều 1:

CÔNG TY .......... (tên Doanh nghiệp hoặc các Bên hợp doanh ) đã đăng ký Báo cáo quyết toán công trình với nội dung sau:

1/ Ngày khởi công công trình ......

Ngày hoàn thành công trình .......

2/ Văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật số ..... ngày .... của ..... (Bộ Xây dựng hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ....)

3/ Vốn đầu tư công trình đã thực hiện:                                      ....... đôla Mỹ

Trong đó:

a/ Chi phí xây dựng công trình :                                              ....... đôla Mỹ

b/ Chi phí về máy móc, thiết bị                                                            ....... đôla Mỹ

c/ Chi phí khác:                                                                                   ....... đôla Mỹ

Điều 2:

Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh (hoặc Tổng Giám đốc Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoặc các Bên hợp doanh) chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của Báo cáo quyết toán công trình.

Điều 3:

Giấy xác nhận đăng ký quyết toán công trình được lập thành ..... (viết bằng số và chữ) bản gốc, một bản cấp cho Doanh nghiệp...... (hoặc các Bên hợp doanh), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ..., một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh/thành phố ....(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý).

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                                hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Sao gửi:

Tổng cục Hải quan

Tổng cục Thuế

Sở Kế hoạch và Đầu tư .....

Lưu . . . .  

 Mẫu số 4 Phụ lục IV

Xác nhận đăng ký

Báo cáo thực hiện vốn đầu tư

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Số: /

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

hoặc

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý) 

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Giấy phép đầu tư số ... của ... cho phép thành lập CÔNG TY... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh);

Căn cứ Báo cáo quyết toán công trình của CÔNG TY..... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....), Báo cáo thực hiện vốn đầu tư và hồ sơ kèm theo nộp ngày ....;.

Xét đề nghị của CÔNG TY ... (hoặc các Bên hợp doanh) tại văn thư số ... ngày ... , 

XÁC NHẬN

Điều 1:

CÔNG TY .......... (tên Doanh nghiệp hoặc các Bên hợp doanh) đã đăng ký Báo cáo thực hiện vốn đầu tư với nội dung sau:

1/ Tổng vốn đầu tư thực hiện                                                     ....... đôla Mỹ

Trong đó:

a/ Tài sản cố định theo Báo cáo quyết toán công trình            ....... đôla Mỹ

b/ Vốn lưu động thực hiện (đến thời điểm báo cáo)                  ....... đôla Mỹ

2/ Các nguồn vốn đã sử dụng :

a/ Vốn pháp định (hoặc vốn góp)        (viết bằng số và chữ) ....... đôla Mỹ

b/ Vốn vay                                                       (viết bằng số và chữ) ....... đôla Mỹ

Điều 2:

Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh (hoặc Tổng Giám đốc Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoặc các Bên hợp doanh) chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của Báo cáo thực hiện vốn đầu tư.

Điều 3:

Giấy xác nhận đăng ký Báo cáo thực hiện vốn đầu tư được lập thành ..... (viết bằng số và chữ) bản gốc, một bản cấp cho CÔNG TY...... (hoặc các Bên hợp doanh), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ..., một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp....(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý).

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                                hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

                        (đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Sao gửi:

Tổng cục Hải quan

Tổng cục Thuế

Sở Kế hoạch và Đầu tư .....

Lưu . . . .

Phụ lục V

MẪU QUYẾT ĐỊNH

TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP, CHẤM DỨT, GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Mẫu số 1 Phụ lục V

Giấy phép điều chỉnh

thành DN 100% vốn nước ngoài

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Số: .....A/GP

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Số: .....A/GP-ký tự tên tỉnh, thành phố

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Số: .....A/GP-KCN-ký tự tên tỉnh, thành phố

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

hoặc

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

 Phần ghi chung

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

Phần ghi riêng:

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số...ngày ... tháng .... năm... của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý các Khu công nghiệp ...

Căn cứ Quyết định số.../BKH-KCN ngày ... tháng .... năm...của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu công nghiệp....;

Phần ghi chung:

Căn cứ Giấy phép đầu tư số .... cho phép thành lập CÔNG TY... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh) và các Giấy phép điều chỉnh số ... (tất cả những Giấy phép điều chỉnh còn hiệu lực);

Căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trừ trường hợp dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý) tại công văn số.....; ý kiến của Bộ chuyên ngành/Uỷ ban nhân dân .... (trong trường hợp cần thiết) tại công văn số ..;

Xét đề nghị của CÔNG TY ... (tên Doanh nghiệp liên doanh) (hoặc các Bên Hợp doanh) tại văn thư số ... ngày ... tháng ... năm ..., Hợp đồng chuyển nhượng ký giữa ... ngày ... tháng ... năm ...

Xét đơn và hồ sơ dự án do .... (tên nước) nộp ngày ... tháng ... năm ...,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1:

Chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng Việt Nam) trong CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh, hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh) cho CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng) theo Hợp đồng chuyển nhượng ký giữa ... ngày ... tháng ... năm ... và chuyển đổi hình thức đầu tư của CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh, hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh) thành Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Điều 2:

CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng)CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng) thực hiện việc chuyển nhượng theo Hợp đồng chuyển nhượng ký ngày ... tháng ... năm ...

CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng) có trách nhiệm nộp bản gốc Giấy phép đầu tư số ... và các Giấy phép điều chỉnh (nếu có) số .... đã được cấp cho .....(tên Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư).

Trong trường hợp phát sinh lợi nhuận do chuyển nhượng, CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng) có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước Việt Nam thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 25% (hai mươi lăm phần trăm) lợi nhuận thu được.

Điều 3:

Các Điều ... (liệt kê các điều khoản sửa đổi, lưu ý huỷ bỏ các điều khoản chỉ quy định cho Doanh nghiệp liên doanh, hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh trước đây) của Giấy phép đầu tư số ... cấp ngày ... tháng ... năm ... được sửa đổi như sau:

(các điều khoản quy định theo Mẫu 3, Phụ lục III Thông tư này)

Điều .....

Điều .....

Điều 4:

Giấy phép điều chỉnh này là bộ phận không tách rời của Giấy phép đầu tư số ... và thay thế các Giấy phép điều chỉnh số ... (nếu có) đồng thời có giá trị là Giấy chứng nhận đăng ký Điều lệ CÔNG TY ... (Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới) và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5:

Cụm từ "Công ty liên doanh" (hoặc các Bên hợp doanh) quy định tại Giấy phép đầu tư số ... cấp ngày ... tháng ... năm ... được thay bằng cụm từ "Doanh nghiệp".

Điều 6:

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Giấy phép điều chỉnh này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới), một bản lưu trong hồ sơ CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh, tên Hợp đồng hợp tác kinh doanh), một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố......., một bản đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Giấy phép điều chỉnh này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới), một bản lưu trong hồ sơ CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh, tên Hợp đồng hợp tác kinh doanh), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản đăng ký tại Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ........

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Giấy phép điều chỉnh này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới), một bản lưu trong hồ sơ CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh, tên Hợp đồng hợp tác kinh doanh), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố.... và một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp....

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

             (đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                    hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

            (đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Mẫu số 2 Phụ lục V

Quyết định chuẩn y việc chuyển

thành Doanh nghiệp Việt Nam

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Số: /

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

hoặc

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Phần ghi chung:

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

Phần ghi riêng:

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số...ngày ... tháng .... năm... của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý các Khu công nghiệp ...

Căn cứ Quyết định số.../BKH-KCNngày ... tháng .... năm...của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu công nghiệp....;

Phần ghi chung:

Căn cứ Giấy phép đầu tư số ... của ... cho phép thành lập CÔNG TY... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh) và các Giấy phép điều chỉnh số ... (tất cả Giấy phép điều chỉnh còn hiệu lực);

Căn cứ ý kiến của Bộ chuyên ngành/Uỷ ban nhân dân .... (trong trường hợp cần thiết) tại công văn số ..;

Xét đề nghị của CÔNG TY ... tại văn thư số ... ngày ... về việc chuyển nhượng vốn và hồ sơ kèm theo nộp ngày ...., 

QUYẾT ĐỊNH:

 Điều 1:

Chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng) trong CÔNG TY ... cho CÔNG TY ..... (Bên nhận chuyển nhượng) theo Hợp đồng chuyển nhượng ký giữa ... ngày ... và chuyển hình thức đầu tư của CÔNG TY ... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh) thành Doanh nghiệp 100% vốn Việt nam.

Điều 2:

CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng) CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng) thực hiện việc chuyển nhượng theo Hợp đồng chuyển nhượng ký ngày ... tháng ... năm ...

Trong trường hợp phát sinh lợi nhuận do chuyển nhượng, CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng) có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước Việt Nam thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 25% (hai mươi lăm phần trăm) lợi nhuận thu được.

Điều 3:

Chấm dứt hiệu lực pháp lý của Giấy phép đầu tư số ... ngày ...

Điều 4:

CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng) có trách nhiệm nộp bản gốc Giấy phép đầu tư và Giấy phép điều chỉnh (nếu có) đã được cấp cho ..... (Cơ quan cấp Giấyphép đầu tư); nộp con dấu cho Cơ quan cấp dấu.

CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng) có trách nhiệm đăng ký hoạt động của Doanh nghiệp theo quy định hiện hành đối với Doanh nghiệp trong nước.

Điều 5:

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng)CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng) có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 6:

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng), một bản lưu trong hồ sơ CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh, tên Hợp đồng hợp tác kinh doanh), một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố......., một bản đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng), một bản lưu trong hồ sơ CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh, tên Hợp đồng hợp tác kinh doanh), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản đăng ký tại Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ........

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên chuyển nhượng), một bản cấp cho CÔNG TY ... (Bên nhận chuyển nhượng), một bản lưu trong hồ sơ CÔNG TY .... (tên Doanh nghiệp liên doanh, tên Hợp đồng hợp tác kinh doanh), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố.... và một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp....

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                    hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Sao gửi:

Bộ/ngành liên quan

Tổng cục Hải quan

Tổng cục Thuế

UBND ... có liên quanLưu . . . . Mẫu số 3 Phụ lục V

Quyết định chấm dứt hoạt động DN

(hoặc HĐ hợp tác kinh doanh)

 

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Số: /

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

hoặc

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý) 

Phần ghi chung

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

Phần ghi riêng:

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, uỷ quyền cấp Giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số...ngày ... tháng .... năm... của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý các Khu công nghiệp ...

Căn cứ Quyết định số.../BKH-KCNngày ... tháng .... năm...của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu công nghiệp....;

Phần ghi chung:

Căn cứ Giấy phép đầu tư số ... của ... cho phép thành lập CÔNG TY... và các Giấy phép điều chỉnh số ... (tất cả Giấy phép điều chỉnh còn hiệu lực);

Căn cứ ý kiến của Bộ chuyên ngành/Uỷ ban nhân dân .... (trong trường hợp cần thiết) tại công văn số ..;

Xét đề nghị của ... tại văn thư số ... ngày ... và hồ sơ kèm theo nộp ngày...;

Xét việc..... (nêu lý do phải chấm dứt hoạt động của Doanh nghiệp hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh),    

QUYẾT ĐỊNH

 Điều 1:

Chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh của CÔNG TY ... (hoặc của Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....).

Điều 2:

Hội đồng quản trị CÔNG TY ... (hoặc các Bên Hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) có trách nhiệm thành lập Ban thanh lý và thực hiện việc thanh lý Doanh nghiệp (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh) theo quy định tại các Điều 37 và 39 Nghị định .24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ.

Điều 3:

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Hội đồng quản trị CÔNG TY ... (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4:

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản lưu trong hồ sơ chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (trường hợp là Hợp đồng hợp tác kinh doanh thì không cần), một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố......., một bản đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản lưu trong hồ sơ chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (trường hợp là Hợp đồng hợp tác kinh doanh thì không cần), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản đăng ký tại Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ........

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản lưu trong hồ sơ chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (trường hợp là Hợp đồng hợp tác kinh doanh thì không cần), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố.... và một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp....

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                    hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Sao gửi:

Bộ/ngành liên quan

Tổng cục Hải quan

Tổng cục Thuế

UBND ... có liên quan

Lưu . . . .

  Mẫu số 4 Phụ lục V

Quyết định thành lập Ban thanh lý

của Cơ quan cấp GPĐT

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Số: /

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

hoặc

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

Căn cứ Quyết định số ... ngày ... Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ...., hoặc Ban Quản lý KCN ....);

Xét việc Hội đồng quản trị Công ty .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) không thành lập Ban thanh lý theo quy định tại Điều 39 Nghị định 24/2000/NĐ-CP,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1:

Thành lập Ban thanh lý CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh .....), gồm:

1/ Ông (Bà) ...... (chức vụ và nơi công tác) Trưởng Ban;

2/ Ông (Bà) ...... (chức vụ và nơi công tác) Thành viên;

......

(thành phần Ban thanh lý nêu tại Điều 48 Thông tư số ..../2000/TT-BKH ngày ....của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trong trường hợp một hoặc một số thành viên nói trên không tham gia vào Ban thanh lý và không giới thiệu người thay thế, thì các thành viên còn lại của Ban thanh lý vẫn tiến hành việc thanh lý CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ..... ) theo quy định hiện hành.

Điều 2:

Ban thanh lý CÔNG TY ... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ...) có con dấu riêng và có trách nhiệm thực hiện việc thanh lý Doanh nghiệp (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh) theo quy định tại các Điều 38, 40, 41 và 44 Nghị định .24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ, các Điều 48, 49 và 51 Thông tư số ..../2000/TT-BKH ngày ....của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 3:

Thời hạn hoạt động của Ban thanh lý CÔNG TY ... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ...) là 12 tháng kể từ ngày ký Quyết định này.

Điều 4:

Mọi chi phí liên quan đến việc thanh lý CÔNG TY ... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ...) do CÔNG TY ... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) chịu.

Điều 5:

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ban thanh lý và các thành viên Ban thanh lý CÔNG TY ... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ...), Hội đồng quản trị CÔNG TY ... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh), các Bên tham gia Doanh nghiệp liên doanh (đối với Doanh nghiệp liên doanh) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                    hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

            (đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Sao gửi:

UBND tỉnh/TP...(hoặc Bộ KH&ĐT,

hoặc Ban quản lý KCN ...)

Các Bộ/ngành liên quan

Các Bên LD.. (hoặc nhà đầu tư NN

DN 100% vốn NN hoặc các BênHD)

Lưu . . . .

Mẫu số 5 Phụ lục V

Văn bản phê chuẩn Báo cáo thanh lý

(trường hợp Ban thanh lý do HĐQT hoặc

Nhà đầu tư, hoặc các Bên HD thành lập)

 

 

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Số: /

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

Kính gửi : CÔNG TY ...... (hoặc các Bên hợp doanh .....)

Căn cứ Quyết định số ... ngày ... của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ...., hoặc Ban Quản lý KCNtỉnh/TP ....) về việc chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....);

Căn cứ Báo cáo thanh lý của Ban thanh lý được Hội đồng quản trị CÔNG TY .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) thông qua ngày ....;

Xét đề nghị của Hội đồng quản trị CÔNG TY .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) đề ngày ... và hồ sơ kèm theo nộp ngày ....

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố...., hoặc Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh/thành phố ...) có ý kiến như sau:

1/ Chấp thuận kết quả thanh lý của Ban thanh lý CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....) tại Báo cáo thanh lý ngày ... ;

Hội đồng quản trị CÔNG TY .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của Báo cáo thanh lý.

2/ Hội đồng quản trị CÔNG TY .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) có trách nhiệm ra Quyết định chấm dứt hoạt động của Ban thanh lý. Mọi tranh chấp còn tồn tại (nếu có) sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 122 Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ.

3/ CÔNG TY .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) có trách nhiệm:

Giải quyết mọi vấn đề tồn tại của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....) liên quan đến Bên thứ ba;

Giải quyết các chế độ đối với người lao động; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành, kể cả nghĩa vụ phát sinh do thanh lý và nhượng bán tài sản của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....) tại thị trường Việt Nam;

Thực hiện việc thu các khoản phải thu, trả các khoản phải trả; thực hiện phân chia tài sản còn lại cho các Bên theo phương án thanh lý đã được chuẩn y;

Gửi hồ sơ thanh lý trình Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư ra quyết định giải thể CÔNG TY .... (hoặc chấm dứt hiệu lực pháp lý của Hợp đồng hợp tác kinh doanh ......), bao gồm: Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung nêu trên, văn bản xác nhận của Cơ quan thuế, Cơ quan Hải quan và đại diện người lao động về việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam và giải quyết các chế độ đối với người lao động.

Thông báo để CÔNG TY ... (hoặc các Bên hợp doanh) biết và thực hiện.

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                    hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Sao gửi:

UBND tỉnh/TP...(hoặc Bộ KH&ĐT,

hoặc Ban quản lý KCN ...)

Các Bộ/ngành liên quan

Cục thuế và Hải quan tỉnh/TP...

Lưu . . . .

Mẫu số 6 Phụ lục V

Văn bản phê chuẩn Báo cáo thanh lý

(trường hợp Ban thanh lý do Cơ quan

cấp Giấy phép đầu tư thành lập)

 

 

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Số: /

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

Kính gửi : Ban thanh lý CÔNG TY .... (hoặc HĐHTKD ....)

CÔNG TY ...... (hoặc các Bên hợp doanh .....)

Căn cứ Quyết định số ... ngày ... của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ...., hoặc Ban Quản lý KCNtỉnh/TP ....) về việc chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....);

Căn cứ Báo cáo thanh lý của Ban thanh lý CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....) thành lập theo Quyết định số.... ngày .... của .... (tên Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư),

Xét đề nghị của Ban thanh lý CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....) và hồ sơ kèm theo nộp ngày ...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố...., hoặc Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh/thành phố ...) có ý kiến như sau:

1/ Chấp thuận kết quả thanh lý của Ban thanh lý CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh) tại Báo cáo thanh lý ngày ... ;

2/ Ban thanh lý có trách nhiệm thông báo cho Hội đồng quản trị CÔNG TY .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) biết để có trách nhiệm thực hiện:

Giải quyết mọi vấn đề tồn tại của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....) liên quan đến Bên thứ ba;

Giải quyết các chế độ đối với người lao động; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành, kể cả nghĩa vụ phát sinh do thanh lý và nhượng bán tài sản của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....) tại thị trường Việt Nam;

Thực hiện việc thu các khoản phải thu, trả các khoản phải trả; thực hiện phân chia tài sản còn lại cho các Bên theo phương án thanh lý đã được chuẩn y;

Gửi hồ sơ thanh lý trình Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư ra quyết định giải thể CÔNG TY .... (hoặc chấm dứt hiệu lực pháp lý của Hợp đồng hợp tác kinh doanh), bao gồm: Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung nêu trên, văn bản xác nhận của Cơ quan thuế, Cơ quan Hải quan và đại diện người lao động về việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam và giải quyết các chế độ đối với người lao động.

Mọi tranh chấp còn tồn tại (nếu có) sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 122 Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ.

Thông báo để Ban thanh lý CÔNG TY ... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ...), Hội đồng quản trị CÔNG TY .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) biết và thực hiện.

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                    hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Sao gửi:

UBND tỉnh/TP...(hoặc Bộ KH&ĐT,

hoặc Ban quản lý KCN ...)

Các Bộ/ngành liên quan

Cục thuế và Hải quan tỉnh/TP...

Lưu . . . .

  Mẫu số 7Phụ lục V

Quyết định giải thể DN (hoặc

chấm dứt hiệu lực pháp lý HĐHTKD)

 

TÊN CƠ QUAN CẤP

GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Số: /

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập Tự do Hạnh phúc

........, ngày .... tháng ... năm 20...

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

hoặc

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ.....

(đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

hoặc

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH, THÀNH PHỐ ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Phần ghi chung

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Luật và các văn bản pháp lý về lĩnh vực đặc thù (nếu có);

Phần ghi riêng

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số...ngày ... tháng .... năm... của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý các Khu công nghiệp ...

Căn cứ Quyết định số.../BKH-KCNngày ... tháng .... năm...của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho Ban quản lý các Khu công nghiệp....;

Phần ghi chung:

Căn cứ Giấy phép đầu tư số ... của ... cho phép thành lập CÔNG TY... (hoặc hợp tác kinh doanh trên cơ sở Hợp đồng ...);

Căn cứ Quyết định số ... ngày ... của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ...., hoặc Ban Quản lý KCNtỉnh/thành phố ....) về việc chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....);

Căn cứ Báo cáo của CÔNG TY .... (hoặc nhà đầu tư nước ngoài Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các Bên hợp doanh) [hoặc của Ban thanh lý CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ...)] kèm theo hồ sơ thanh lý nộp ngày .....,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1:

Giải thể trước thời hạn CÔNG TY ... (hoặc chấm dứt hiệu lực pháp lý của Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....).

Điều 2:

Các Bên liên doanh (hoặc các Bên Hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) có trách nhiệm nộp các bản gốc Giấy phép đầu tư số ..... và hồ sơ cho .... (tên Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư); nộp con dấu cho Cơ quan cấp dấu trước ngày ....

Điều 3:

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4:

đối với dự án do BKH&ĐT quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản lưu trong hồ sơ chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....), một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố......., một bản đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản lưu trong hồ sơ chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản đăng ký tại Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ........

đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý:

Quyết định này được lập thành ... (viết bằng số và chữ) bản gốc; ... bản cấp cho ... Bên liên doanh (hoặc các Bên hợp doanh hoặc nhà đầu tư Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), một bản lưu trong hồ sơ chấm dứt hoạt động của CÔNG TY .... (hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh ....), một bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố.... và một bản đăng ký tại Ban quản lý các Khu công nghiệp....

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

(đối với dự án do BKH&ĐT quản lý)

                                    hoặc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ.....

                                                chủ tịch

            (đối với dự án do UBND cấp tỉnh quản lý)

                                    hoặc

TRƯỞNG BAN BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

            tỉnh, thành phố ......

(đối với dự án do BQL KCN cấp tỉnh quản lý)

Sao gửi:

Bộ/ngành liên quan

Tổng cục Hải quan

Tổng cục Thuế

UBND ... có liên quan

Lưu . . . .

 Phụ lục VI

MẪU BÁO CÁO NHANH DO CÁC CƠ QUAN CẤP GPĐT THỰC HIỆN

Mẫu số 1Phụ lục VI

Báo cáo tình hình tiếp nhận dự án và cấp GPĐT

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh..../ Ban quản lý KCN tỉnh...

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Vụ Đầu tư Nước ngoài Fax: 84-4-8.437.927 hoặc 84-4-8.459.271)

TÌNH HÌNH NHẬN VÀ CẤP GIẤY PHÉP DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Trong tuần, từ ngày ....../ ..... đến ngày ....../ ..... năm 200..

I. Tiếp nhận

Dự án 1:                     Ngày nhận: ....../ ....../ 200...

Tên dự án:

Mục tiêu hoạt động:

Tổng vốn đầu tư: ....................USD Vốn pháp định (PĐ): ......................USD

Đối tác

Tên

Nước

Vốn PĐ (USD)

Bên thứ nhất

 

 

 

Bên thứ hai

 

 

 

Thời hạn: ..........năm   Tỷ lệ XKSP:    ..........%          

Ghi chú:

Dự án 2: . . .

....

II. CẤP GP

Dự án 1: Số GP:                      Ngày cấp: ....../ ...../200... Ngày nhận: ...../ ..../200..

Tên dự án:

Mục tiêu hoạt động:

Tổng vốn đầu tư: ..................USD Vốn PĐ: ..................USD Thời hạn:........năm

Đối tác

Tên

Nước

Vốn PĐ (USD)

Bên thứ nhất

 

 

 

Bên thứ hai

 

 

 

 

Tên sản phẩm

công suất thiết kế /năm

Tỷ lệ xuất khẩu (%)

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

Dự án 2

......

Luỹ kế từ đầu năm:

 

Nhận

Cấp

Số dự án

 

 

Tổng vốn đầu tư (USD)

 

 

Người lập báo cáo: .........................                              ngày.....tháng.....năm 200..

Điện thoại liên hệ:                               Giám đốc Sở KHĐT (Trưởng ban quản lý KCN)

                                                                                    ( Ký tên, đóng dấu )

Mẫu số 2 Phụ lục VI

Báo cáo tình hình điều chỉnh GPĐT

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.......

( Ban quản lý KCN tỉnh....................)

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Vụ Quản lý dự án ĐTNN (với dự án ngoài KCN)

Vụ quản lý KCN-KCX ( với dự án trong KCN, KCX)

Fax: 84-4-8.437.927 ; 84-4-8.459.271

TÌNH HÌNH ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Trong tuần, từ ngày ....../ ..... đến ngày ....../ ..... năm 200..

1. Điều chỉnh GPĐT (lập riêng cho từng dự án )

Tên dự án:                                          

Số GP:                        Ngày cấp: ....../ ..... /200..

Lần điều chỉnh:                       Số GPĐC:                                Ngày ĐC: ....../ ..... /200..

Nội dung điều chỉnh: (chỉ ghi những phần có thay đổi )

Mục tiêu:

Trước lần điều chỉnh này:

Sau khi điều chỉnh:

Điều chỉnh vốn

Tổng vốn (USD)

Vốn pháp định (USD)

Trước khi điều chỉnh

 

 

Sau khi điều chỉnh

 

 

-Chuyển nhượng, thay đối tác

Tên

Nước

Vốn PĐ (USD)

Trước khi điều chỉnh

 

 

 

Bên thứ nhất

 

 

 

Bên thứ hai

 

 

 

Sau khi điều chỉnh

 

 

 

Bên thứ nhất

 

 

 

Bên thứ hai

 

 

 

           

Các thay đổi khác:

( thời hạn, tỷ lệ xuất khẩu, địa điểm, tiền thuê đất, thuế lợi tức, giải thể, hết hạn,...)

ã         Ghi chú:

Tổng hợp

Trong tuần

Từ đầu năm

Số dự án điều chỉnh

 

 

Vốn điều chỉnh (USD)

 

 

Người lập báo cáo: ........................                   ......ngày....... tháng......năm 200...

Điện thoại liên hệ:                               Giám đốc Sở KHĐT (Trưởng ban quản lý KCN)

                                                                                    ( Ký tên, đóng dấu )

Mẫu số 3 Phụ lục VI

Báo cáo tình hình thực hiện dự án ĐTNN

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.......

( Ban quản lý KCN tỉnh....................)

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Vụ Quản lý dự án ĐTNN (với dự án ngoài KCN)

Vụ quản lý KCN-KCX ( với dự án trong KCN, KCX)

(Fax: 84-4-8.437.927 ; 84-4-8.459.271)

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Tháng ..... từ ngày 20/ ..... đến ngày 20/ ..... năm 200..

Số

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Tháng....

Từ đầu năm

1

Số dự án ĐTNN trên địa bàn

Dự án

 

 

2

Tổng vốn đầu tư đăng ký

nghìn USD

 

 

3

Vốn đầu tư thực hiện

nghìn USD

 

 

4

Vốn pháp định thực hiện

nghìn USD

 

 

 

trong đó:

 

 

 

 

Bên Việt Nam góp:

 

 

 

 

Giá trị quyền sử dụng đất

 

 

 

 

Nhà xưởng, thiết bị hiện có

 

 

 

 

Tiền mặt

 

 

 

5

Vốn vay

nghìn USD

 

 

 

Vay trong nước

 

 

 

 

Vay nước ngoài

 

 

 

6

Số lao động

người

 

 

 

Người Việt Nam

 

 

 

 

Người nước ngoài

 

 

 

7

Giá trị hàng nhập khẩu

nghìn USD

 

 

 

Để XDCB hình thành DN

 

 

 

 

Để sản xuất kinh doanh

 

 

 

8

Doanh thu

nghìn USD

 

 

 

Xuất khẩu

 

 

 

 

Tiêu thụ nội địa

 

 

 

 

Tỷ lệ xuất khẩu thực hiện

%

 

 

9

Thuế và các khoản nộp ngân sách NN

nghìn USD

 

 

10

Ngoại tệ chuyển ra NN

nghìn USD

 

 

Người lập báo cáo: ........................ Giám đốc Sở KHĐT (Trưởng BQL KCN )

Điện thoại liên hệ:                   Ký tên, đóng dấu

Phụ lục VI

MẪU BÁO CÁO NHANH DO CÁC CƠ QUAN CẤP GPĐT THỰC HIỆN

Báo cáo tình hình tiếp nhận dự án và cấp GPĐT                                                                                                       

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh..../ Ban quản lý KCN tỉnh...

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Vụ Đầu tư Nước ngoài Fax: 84-4-8.437.927 hoặc 84-4-8.459.271)

Tình hình nhận và cấp giấy phép dự án đầu tư nước ngoài

Trong tuần, từ ngày ....../ ..... đến ngày ....../ ..... năm 200..

I. Tiếp nhận

Dự án 1:                     Ngày nhận: ....../ ....../ 200...

Tên dự án:

Mục tiêu hoạt động:

Tổng vốn đầu tư: ....................USD Vốn pháp định (PĐ): ......................USD

Đối tác

Tên

Nước

Vốn PĐ (USD)

Bên thứ nhất

 

 

 

Bên thứ hai

 

 

 

Thời hạn: ..........năm   Tỷ lệ XKSP:    ..........%          

Ghi chú:

Dự án 2: . . .

....

II. CẤP GP

Dự án 1: Số GP:                      Ngày cấp: ....../ ...../200... Ngày nhận: ...../ ..../200..

Tên dự án:

Mục tiêu hoạt động:

Tổng vốn đầu tư: ..................USD Vốn PĐ: ..................USD Thời hạn:........năm

Đối tác

Tên

Nước

Vốn PĐ (USD)

Bên thứ nhất

 

 

 

Bên thứ hai

 

 

 

 

Tên sản phẩm

công suất thiết kế /năm

Tỷ lệ xuất khẩu (%)

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

Dự án 2

......

Luỹ kế từ đầu năm:

 

Nhận

Cấp

Số dự án

 

 

Tổng vốn đầu tư (USD)

 

 

Người lập báo cáo: .........................                              ngày.....tháng.....năm 200..

Điện thoại liên hệ:                               Giám đốc Sở KHĐT (Trưởng ban quản lý KCN)

                                                                                    ( Ký tên, đóng dấu )

Mẫu số 2 Phụ lục VI

Báo cáo tình hình điều chỉnh GPĐT

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.......

( Ban quản lý KCN tỉnh....................)

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Vụ Quản lý dự án ĐTNN (với dự án ngoài KCN)

Vụ quản lý KCN-KCX ( với dự án trong KCN, KCX)

Fax: 84-4-8.437.927 ; 84-4-8.459.271

TÌNH HÌNH ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Trong tuần, từ ngày ....../ ..... đến ngày ....../ ..... năm 200..

1. Điều chỉnh GPĐT (lập riêng cho từng dự án )

Tên dự án:                                          

Số GP:                        Ngày cấp: ....../ ..... /200..

Lần điều chỉnh:                       Số GPĐC:                                Ngày ĐC: ....../ ..... /200..

Nội dung điều chỉnh: (chỉ ghi những phần có thay đổi )

Mục tiêu:

Trước lần điều chỉnh này:

Sau khi điều chỉnh:

Điều chỉnh vốn

Tổng vốn (USD)

Vốn pháp định (USD)

Trước khi điều chỉnh

 

 

Sau khi điều chỉnh

 

 

 

-Chuyển nhượng, thay đối tác

Tên

Nước

Vốn PĐ (USD)

Trước khi điều chỉnh

 

 

 

Bên thứ nhất

 

 

 

Bên thứ hai

 

 

 

Sau khi điều chỉnh

 

 

 

Bên thứ nhất

 

 

 

Bên thứ hai

 

 

 

Các thay đổi khác:

( thời hạn, tỷ lệ xuất khẩu, địa điểm, tiền thuê đất, thuế lợi tức, giải thể, hết hạn,...)

ã         Ghi chú:

Tổng hợp

Trong tuần

Từ đầu năm

Số dự án điều chỉnh

 

 

Vốn điều chỉnh (USD)

 

 

Người lập báo cáo: ........................                   ......ngày....... tháng......năm 200...

Điện thoại liên hệ:                               Giám đốc Sở KHĐT (Trưởng ban quản lý KCN)

                                                                                    ( Ký tên, đóng dấu ) 

Mẫu số 3 Phụ lục VI

Báo cáo tình hình thực hiện dự án ĐTNN

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.......

( Ban quản lý KCN tỉnh....................)

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Vụ Quản lý dự án ĐTNN (với dự án ngoài KCN)

Vụ quản lý KCN-KCX ( với dự án trong KCN, KCX)

(Fax: 84-4-8.437.927 ; 84-4-8.459.271)

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Tháng ..... từ ngày 20/ ..... đến ngày 20/ ..... năm 200..

Số

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Tháng....

Từ đầu năm

1

Số dự án ĐTNN trên địa bàn

Dự án

 

 

2

Tổng vốn đầu tư đăng ký

nghìn USD

 

 

3

Vốn đầu tư thực hiện

nghìn USD

 

 

4

Vốn pháp định thực hiện

nghìn USD

 

 

 

trong đó:

 

 

 

 

Bên Việt Nam góp:

 

 

 

 

Giá trị quyền sử dụng đất

 

 

 

 

Nhà xưởng, thiết bị hiện có

 

 

 

 

Tiền mặt

 

 

 

5

Vốn vay

nghìn USD

 

 

 

Vay trong nước

 

 

 

 

Vay nước ngoài

 

 

 

6

Số lao động

người

 

 

 

Người Việt Nam

 

 

 

 

Người nước ngoài

 

 

 

7

Giá trị hàng nhập khẩu

nghìn USD

 

 

 

Để XDCB hình thành DN

 

 

 

 

Để sản xuất kinh doanh

 

 

 

8

Doanh thu

nghìn USD

 

 

 

Xuất khẩu

 

 

 

 

Tiêu thụ nội địa

 

 

 

 

Tỷ lệ xuất khẩu thực hiện

%

 

 

9

Thuế và các khoản nộp ngân sách NN

nghìn USD

 

 

10

Ngoại tệ chuyển ra NN

nghìn USD

 

 

Người lập báo cáo: ........................ Giám đốc Sở KHĐT (Trưởng BQL KCN )

Điện thoại liên hệ:                   Ký tên, đóng dấu.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Giá

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.