• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/09/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 21/05/2020
UBND THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Số: 23/2003/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 2003

 

CHỈ THỊ 

Về triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000.

_______________

Thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 1991, ý thức bảo mật của cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân đã được nâng lên; nhiều cơ quan, đơn vị đã soạn thảo danh mục, nội quy, quy chế bảo mật, quy chế quan hệ công tác,… kịp thời phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong việc quản lý hồ sơ, tài liệu bí mật và có biện pháp chấn chỉnh. Khi Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm

2000 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2001 đến nay, ý thức

chung về Bảo vệ bí mật Nhà nước tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn.

 

Tuy nhiên, còn một số Thủ trưởng sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện và Đoàn thể, chưa thật sự quan tâm đúng mức so với yêu cầu thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước; chưa xác định rõ danh mục bí mật Nhà nước của ngành, lĩnh vực do cơ quan, địa phương phụ trách. Một số đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp thuộc sở - ngành triển khai chưa sâu, dẫn đến khâu quản lý tài liệu, quản lý nội dung công tác còn lỏng lẻo. Ý thức chấp hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước còn bị coi nhẹ ở một số cơ quan, ban-ngành, nhất là cán bộ làm công tác bảo mật. Công tác tham mưu, hướng dẫn của Công an thành phố còn hạn chế, thiếu chủ động đề xuất các biện pháp đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, công  tác kiểm tra tình hình bảo vệ bí mật Nhà nước chưa thường xuyên theo đúng yêu cầu của Pháp lệnh.

 

Để tổ chức thực hiện nghiêm Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm

2000 ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2000, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày

28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ và Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A1) ngày

13 tháng 9 năm 2002 của Bộ Công an; Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị như

sau :

 

1. Thủ trưởng các sở - ngành, đoàn thể, lực lượng võ trang từ cấp thành phố đến cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị) phải tổ chức cho nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên, cán bộ chiến sĩ lực lượng võ trang nhân dân… thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, được học tập quán triệt Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000; tổ chức soạn thảo danh mục bí mật, quy chế làm việc, quy chế quan hệ, trao đổi, tiếp xúc, cung cấp tài liệu cho đối tác trong nước và nước ngoài, quy trình soạn thảo tài liệu, nhân bản, ban hành, sử dụng, thu hồi, lưu giữ, tiêu hủy, v.v… tài liệu mật đúng với quy định của Pháp lệnh; không để thất thoát các

 

bí mật Nhà nước. Xác định rõ trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước là của mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị và cũng là trách nhiệm của mỗi công dân. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước phải bị xử lý hành chính hoặc theo pháp luật hiện hành về những tội danh liên quan đến việc để lộ, lọt bí mật Nhà nước.

 

2. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là người chỉ đạo trực tiếp, toàn diện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước nghiêm túc theo nội dung, trình tự, thủ tục đã được quy định và phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chung trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

3. Giám đốc Công an thành phố chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước thống nhất trên địa bàn thành phố, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nội dung, tài liệu, nghiệp vụ bảo vệ bí mật Nhà nước theo đúng quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP và Thông tư số

12/2002/TT- BCA(A11); theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh công tác triển khai, thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn thành phố.

 

4. Sau đợt triển khai chung về thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố giao Giám đốc Công an thành phố tiếp tục duy trì thường xuyên và thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn thành phố, đưa hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước đi vào nền nếp, đi vào cuộc sống.

 

5. Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn thành phố, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, lập danh mục bí mật Nhà nước, thay đổi độ mật, giải mật bí mật Nhà nước, xây dựng nội qui, quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước đúng theo quy định.

 

6. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước chuyên trách ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc; đồng thời tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ quý, 6 tháng, năm về Ủy ban nhân dân thành phố qua Công an thành phố để theo dõi chỉ đạo chung. Vào quý I hàng năm, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cần xem xét lại danh mục bí mật Nhà nước của cấp mình, đơn vị mình để có tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Thanh Hải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.