QUYẾT ĐỊNH
V/V THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO GIÁ Ở THÀNH PHỐ
_______________
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983.
- Căn cứ Chỉ thị 271/CT ngày 24 tháng 9 năm 1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về công tác giá cả và quản lý giá cả trong tình hình hiện nay ;
- Để giải quyết kịp thời những vướng mắc về giá cả hoặc những vấn đề có liên quan đến giá cả trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 271/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ở thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
ĐIỀU 1: Nay thành lập Ban chỉ đạo về giá cả ở thành phố với thành phần như sau :
- Đ/c Lê Khắc Bình, Phó Chủ tịch UBND/TP : Trưởng ban
- Đ/c Nguyễn Thành Sang, Chủ nhiệm UB Vật giá TP : Phó ban thường trực.
- Đ/c Huỳnh Hữu Danh, Phó Giám đốc Sở Tài chánh : Phó Ban.
- Đ/c Trang Sĩ Liêm, Giám đốc Ngân hàng TP : Thành viên.
- Đ/c Đỗ Văn Ngọc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP : TV.
- Đ/c Đại diện Ban Kinh tế Đối ngoại TP : Thành viên.
- Đ/c Lãnh đạo Sở Lao động thành phố : Thành viên.
- Đ/c Lãnh đạo Sở Công nghiệp thành phố : Thành viên.
- Đ/c Lãnh đạo Sở Thương nghiệp thành phố : Thành viên.
- Đ/c Đại diện Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã TTCN/TP : TV.
- Đ/c Đại diện Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn TP : TV.
Ngoài các thành viên nêu trên khi giải quyết vướng mắc giá cả mặt hàng nào Giám đốc Sở chủ quản hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó được mời làm thành viên Ban chỉ đạo.
Tùy tình hình cụ thể khi có yêu cầu chỉ đạo tập trung trong một thời gian ngắn thì Ủy ban Vật giá thành phố bàn với Sở Tài chánh, Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Lao động, Ngân hàng thành phố cử cán bộ thành lập bộ phận thường trực do Ủy ban Vật giá thành phố chủ trì để giúp việc cho Ban chỉ đạo.
ĐIỀU 2: Ban Chỉ đạo giá cả có quyền hạn và trách nhiệm :
1) Căn cứ vào ý kiến của Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị 271/CT ngày 24 tháng 9 năm 1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các quyết định về giá của Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ.
2) Xử lý những vướng mắc do giá cả hoặc những vấn đề có liên quan làm ách tắc sản xuất và lưu thông như: vốn, tiền mặt, giao nhận hàng hóa… trong phạm vi thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.
3) Đề xuất với Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị với Ban Bí Thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng giải quyết những vướng mắc phát sinh ở thành phố mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương.
ĐIỀU 3: Phân công trách nhiệm và lề lối giải quyết các ách tắc về giá như sau :
- Khi phát sinh ách tắc về giá cả thì các đơn vị phải khẩn trương báo cáo với Sở chủ quản (nếu là đơn vị thành phố quản lý) hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện (nếu là đơn vị thuộc quận, huyện quản lý). Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, sở chủ quản, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải khẩn trương xem xét xử lý. Nếu không xử lý được, sở chủ quản, Ủy ban nhân dân quận, huyện báo cáo và đề xuất biện pháp giải quyết với Ban chỉ đạo thành phố và kèm theo phương án có giải trình cụ thể.
- Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ngành hữu quan thẩm tra xem xét các phương án gởi đến Ban Chỉ đạo thành phố và đề xuất với Ban chỉ đạo biện pháp giải quyết. Thời gian thẩm tra phương án không quá 5 ngày kể từ ngày nhận được phương án. Sở chủ quản, Ủy ban nhân dân quận, huyện và đơn vị cơ sở có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Ủy ban Vật giá thành phố về việc thẩm tra phương án như thời gian họp, việc kiểm tra chứng từ sổ sách và những việc có liên quan đến thẩm tra phương án giá.
- Ban Chỉ đạo thành phố với trách nhiệm xem xét phương án đề xuất của cơ sở, ngành và địa phương trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được phương án.
ĐIỀU 4: Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các đồng chí có tên nêu ở điều 1. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành ở thành phố ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc thành phố, quận, huyện quản lý chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.