• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 12/07/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 04/02/2013
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 08/2008/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 18 tháng 6 năm 2008

Thông tư 

Hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Bộ Công Thương hướng dẫn việc xuất khẩu khoáng sản như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

         Khoáng sản quy định tại Thông tư này là các loại khoáng sản rắn, bao gồm khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại, khoáng chất công nghiệp.

         Dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, băng cháy, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.

II. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiêu chuẩn VILAS:  Là tiêu chuẩn của Hệ thống công nhận phòng thí nghiệm Việt Nam (Vietnam Laboratory Accrediation Scheme). Phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS là Phòng thí nghiệm có hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/IEC 17025, tương đương với TCVN ISO/IEC 17025:2001. Giấy chứng nhận VILAS do Văn phòng Chứng nhận chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản: Là Bộ Công nghiệp (trước ngày 11 tháng 11 năm 2002), Bộ Tài nguyên và Môi trường (từ ngày 11 tháng 11 năm 2002) và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh).

3. Chế biến: là quá trình loại bớt tạp chất và nâng cao hàm lượng thành phần (hoặc các thành phần) khoáng vật, khoáng chất có ích trong khoáng sản nguyên khai để thu được sản phẩm khoáng sản đạt quy cách, tiêu chuẩn, hàm lượng đáp ứng yêu cầu của quá trình chế biến sâu tiếp theo (được gọi là tinh quặng); hoặc quá trình gia công, xử lý khoáng sản nguyên khai, tinh quặng để đạt quy cách, yêu cầu sử dụng (nhưng chưa ra đến sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc hợp chất hoá học), thông qua việc áp dụng một hoặc kết hợp một số phương pháp sau:

- Chọn tay.

- Rửa; nghiền-sàng phân loại theo cỡ hạt.

- Tuyển trọng lực; tuyển từ; tuyển điện; hoá tuyển.

- Các phương pháp xử lý cơ học, nhiệt học khác (như bóc tách đá bìa, cưa cắt, đập-nghiền, sấy khô, thiêu kết, đóng bánh…).

III. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN

1. Khoáng sản khai thác trong nước chỉ được phép xuất khẩu khi đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

a) Được khai thác từ các mỏ, điểm mỏ không nằm trong quy hoạch cân đối phục vụ hoạt động chế biến sâu trong nước quy định tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này.

b) Đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện quy định tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư này. Tiêu chuẩn chất lượng của các loại khoáng sản có yêu cầu hàm lượng (%) kim loại phải được các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS xác nhận.

Khoáng sản có tên tại cột 2 của Phụ lục 01 và Phụ lục 02, nhưng được khai thác từ các mỏ, điểm mỏ nằm ngoài danh mục quy định tại cột 3 Phụ lục 01 và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Phụ lục 02 được tự do xuất khẩu.

2. Chỉ có doanh nghiệp mới được phép xuất khẩu khoáng sản. Doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đủ điều kiện theo quy định của Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài và phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

a) Có Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

b) Có Giấy phép chế biến khoáng sản còn hiệu lực và Hợp đồng mua  khoáng sản để chế biến ký với tổ chức, cá nhân có Giấy phép theo quy định tại điểm a của khoản này.

c) Có Hợp đồng mua khoáng sản để xuất khẩu kèm theo bản sao y hoá đơn giá trị gia tăng hoặc Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu khoáng sản ký với tổ chức, cá nhân có Giấy phép theo quy định tại điểm a và b của khoản này.

d) Có đủ chứng từ hợp lệ mua (hoặc đấu giá) khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại.  

3. Trường hợp nhập khẩu khoáng sản để chế biến và xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu phải có đủ chứng từ hợp lệ chứng minh khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc từ việc nhập khẩu.  

4. Việc xuất khẩu khoáng sản theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc nhận gia công chế biến cho thương nhân nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

5. Việc xuất khẩu than mỏ được thực hiện theo Thông tư 05/2007/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương hướng dẫn xuất khẩu than.

IV. BÁO CÁO VỀ XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN

1. Doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện xuất khẩu khoáng sản và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu, thông tin báo cáo.

2. Nội dung báo cáo về xuất khẩu khoáng sản bao gồm:

a) Kết quả thực hiện về chủng loại, khối lượng, kim ngạch xuất khẩu khoáng sản.

b) Nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu; tình hình chấp hành các quy định về xuất khẩu khoáng sản.

3. Chế độ báo cáo về xuất khẩu khoáng sản thực hiện như sau:

a) Báo cáo về tình hình thực hiện xuất khẩu khoáng sản được lập định kỳ sáu tháng và một năm. Định kỳ sáu tháng đầu năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến 30 tháng 6 của năm báo cáo. Định kỳ một năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo.

b) Ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại điểm a của khoản này, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước liên quan để phục vụ công tác quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản phải thực hiện báo cáo đột xuất về tình hình xuất khẩu khoáng sản.

4. Thời hạn gửi báo cáo về xuất khẩu khoáng sản được quy định như sau:

a) Báo cáo do doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản lập theo quy định tại khoản 2 Mục này phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện việc xuất khẩu khoáng sản chậm nhất sau 5 (năm) ngày của kỳ hạn báo cáo quy định tại điểm a khoản 3 Mục này.

b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng lập báo cáo tổng hợp về tình hình xuất khẩu khoáng sản trong phạm vi quản lý và gửi về Bộ Công Thương chậm nhất sau 15 (mười lăm) ngày của kỳ hạn báo cáo quy định tại điểm a khoản 3 Mục này.

V. XỬ LÝ VI PHẠM

1. Mọi hành vi vi phạm các quy định về xuất khẩu khoáng sản quy định tại Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp bị xử phạt theo quy định tại mục 3, Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.

2. Cán bộ, công chức nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của Thông tư này, tuỳ theo mức độ và hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Thông tư số 02/2006/TT- BCN ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản, số 09/2006/TT-BCN ngày 28 tháng 11 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) sửa đổi, bổ sung Danh mục, tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện khoáng sản xuất khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 02/2006/TT- BCN ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản.

2. Việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Trong khi Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng chưa ban hành, việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng tạm thời tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 02/2006/TT- BCN ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản.

3. Trường hợp khoáng sản đã qua chế biến nhưng không thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư này do nguyên nhân khách quan hoặc khoáng sản xuất khẩu chưa được quy định tại Phụ lục 02 nói trên, doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản báo cáo UBND cấp tỉnh kiểm tra, xác nhận và đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện.

4. Căn cứ tình hình thực tế của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và nhu cầu sử dụng khoáng sản trong nước, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh và/hoặc bổ sung các Phụ lục 01, Phụ lục 02 khi cần thiết.

5. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định về xuất khẩu khoáng sản, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện việc xuất khẩu khoáng sản có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời.

6. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định xuất khẩu khoáng sản theo Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

\\7. Hợp đồng xuất khẩu khoáng sản hợp lệ đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2008.

8. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc, doanh nghiệp xuất khẩu hoặc tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Công Thương để Bộ Công Thương xem xét, xử lý./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Dương Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.