THÔNG TƯ
Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan
đến đầu tư phát triển đô thị
Căn cứ Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;
Căn cứ Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng và Cục trưởng Cục Phát triển đô thị;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị gồm: lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị và một số chi phí khác có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng vốn nhà nước để xác định và quản lý chi phí lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị và một số chi phí khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc xác định và quản lý chi phí
1. Định mức chi phí được công bố tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này để tham khảo, sử dụng trong quá trình xác định và quản lý chi phí lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị và một số chi phí khác có liên quan.
2. Chi phí lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị xác định theo định mức công bố tại Thông tư này là một trong những cơ sở để xác định dự toán gói thầu tư vấn phục vụ việc lựa chọn nhà thầu tư vấn theo quy định.
3. Chi phí lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị xác định theo định mức công bố tại Thông tư này bao gồm các khoản chi phí để chi trả cho nhân công trực tiếp thực hiện công việc; chi phí quản lý; chi phí khác có liên quan đến quá trình thực hiện công việc và thu nhập chịu thuế tính trước; chưa bao gồm chi phí làm phim minh họa về thực trạng phát triển đô thị; thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành.
4. Trường hợp quy mô dân số đô thị hoặc số lượng đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh nằm trong khoảng giữa hai quy mô công bố tại Phụ lục kèm theo Thông tư này thì sử dụng phương pháp nội suy để xác định mức chi phí.
5. Trường hợp quy mô dân số đô thị hoặc số lượng đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh lớn hơn quy mô công bố tại Thông tư này hoặc chi phí lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị xác định theo định mức chi phí tại Thông tư này không phù hợp thì lập dự toán để xác định chi phí theo hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Chương II
XÁC ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
Điều 4. Xác định chi phí
1. Các chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị xác định theo định mức:
a) Chi phí lập đề án phân loại đô thị xác định theo định mức chi phí tại Bảng số 1 (Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này) tương ứng với loại đô thị dự kiến nâng cấp.
b) Chi phí lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh xác định theo định mức chi phí tại Bảng số 2 (Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này) nhân với với số lượng đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh.
c) Chi phí lập chương trình phát triển từng đô thị xác định theo định mức chi phí tại Bảng số 3 (Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này) nhân với quy mô dân số dự báo theo thời hạn quy hoạch trong đồ án quy hoạch chung được duyệt (không kể dân số dự báo theo tầm nhìn).
2. Các chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị xác định theo dự toán:
a) Chi phí lập đề án phân loại đô thị loại đặc biệt, lập chương trình phát triển đô thị quốc gia, lập chương trình phát triển đô thị của đô thị loại đặc biệt và lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị xác định bằng dự toán chi phí trên cơ sở nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nội dung, khối lượng công việc phải thực hiện và khoản mục chi phí theo hướng dẫn trong Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.
b) Trường hợp phải điều chỉnh chương trình phát triển đô thị, hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị thì chi phí điều chỉnh xác định theo dự toán nhưng không vượt quá 70% chi phí xác định theo định mức chi phí tại Thông tư này (đối với công việc đã có định mức chi phí) và không vượt quá 70% giá trị dự toán được duyệt (đối với công việc phải xác định bằng dự toán).
c) Chi phí của hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến của các tổ chức, chuyên gia trong quá trình thẩm định đề án phân loại đô thị, chương trình phát triển đô thị, hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị xác định bằng dự toán nhưng không lớn hơn 5% chi phí lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị tương ứng.
d) Chi phí công bố quyết định công nhận loại đô thị, chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị xác định bằng dự toán nhưng không lớn hơn 2% chi phí lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị tương ứng.
e) Chi phí đi lại, lưu trú của đoàn kiểm tra, đối chiếu nội dung đề án so với thực trạng phát triển đô thị tại địa phương; chi phí đi lại, lưu trú của cơ quan quản lý địa phương để báo cáo hội đồng thẩm định cấp trên xác định theo dự toán phù hợp với chế độ công tác phí theo quy định của Bộ Tài chính.
g) Chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, chi phí thẩm tra dự toán xác định trên cơ sở vận dụng các quy định có liên quan.
Điều 5. Quản lý chi phí
1. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc lập kế hoạch vốn cho các công việc nêu tại Điều 1 của Thông tư này thuộc địa giới hành chính do mình quản lý. Nguồn vốn để thực hiện các công việc trên được cân đối từ nguồn vốn ngân sách của địa phương hoặc huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp (không thuê đơn vị tư vấn) thực hiện lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, thì chi phí xác định bằng dự toán nhưng không vượt quá 70% mức chi phí xác định theo định mức công bố tại Thông tư này. Trong trường hợp này, chi phí trực tiếp thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước được quản lý và sử dụng theo quy định của cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính nhà nước.
3. Trường hợp thuê tư vấn thực hiện lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị thì dự toán được tính thêm thuế giá trị gia tăng, chi phí quản lý thông qua hợp đồng tư vấn. Nội dung hợp đồng tư vấn lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng.
4. Các chi phí nêu tại mục c, d, e khoản 2 Điều 4 Thông tư này được quản lý theo dự toán được duyệt. Việc thanh toán các khoản chi phí này phải phù hợp với các quy định liên quan.
5. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện việc xác định, thẩm tra chi phí tư vấn lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị và lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị.
Điều 6. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí
1. Đối với đề án phân loại đô thị:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc cấp được ủy quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập, thẩm định đề án phân loại đô thị loại đặc biệt và loại I (đối với thành phố trực thuộc trung ương);
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập, thẩm định đề án phân loại đô thị cho các đô thị loại I (đối với thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), đô thị loại II, loại III, loại IV và loại V.
2. Đối với chương trình phát triển đô thị và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị:
a) Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí chương trình phát triển đô thị quốc gia và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị (đối với khu vực phát triển đô thị có địa giới hành chính từ 02 tỉnh trở lên).
b)Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp được ủy quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập, thẩm định chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị (đối với khu vực phát triển đô thị có địa giới hành chính từ 02 huyện thuộc tỉnh trở lên);
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập, thẩm định chương trình phát triển từng đô thị và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị (đối với khu vực phát triển đô thị có địa giới hành chính thuộc huyện và khu vực dự kiến mở rộng);
3. Cấp có thẩm quyền phê duyệt chi phí lập chương trình phát triển đô thị, chi phí lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị là cấp phê duyệt dự toán chi phí điều chỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Xử lý chuyển tiếp
1. Đối với các công việc lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị và lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị đang thực hiện theo hợp đồng thì việc thanh toán chi phí căn cứ theo nội dung hợp đồng đã ký.
2. Đối với các công việc lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị và lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị đã tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng chưa ký hợp đồng thì cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Thông tư này quyết định việc áp dụng quy định tại Thông tư này để xác định giá hợp đồng.
3. Đối với các công việc lập đề án phân loại đô thị, lập chương trình phát triển đô thị và lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị đã phê duyệt dự toán chi phí nhưng chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thì cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Thông tư này quyết định việc áp dụng quy định tại Thông tư này để điều chỉnh dự toán chi phí.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2018.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 23/2010/TT-BXD ngày 23/12/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí lập và thẩm định đề án phân loại đô thị; Điều 4 Thông tư số 12/2014/TT-BXD ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết.