• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 17/2018/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 31 tháng 10 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm

đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện

cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 22/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, bao gồm:

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, trừ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên;

c) Sơ chế nhỏ lẻ;

d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

(sau đây gọi tắt là cơ sở).

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cơ sở nêu tại Khoản 1 Điều này.

 

Chương II

PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN

THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG LÂM

THỦY SẢN KHÔNG THUỘC DIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM

 

Điều 3. Phương thức quản lý

Phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện thông qua việc tổ chức ký cam kết, kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết và xử lý các cơ sở vi phạm cam kết.

Điều 4. Tổ chức ký cam kết

1. Cơ quan được phân công quản lý phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và tổ chức cho các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

2. Nội dung bản cam kết: theo mẫu tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

3. Thời hạn ký cam kết: 3 năm/lần.

Điều 5. Kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết

1. Kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nêu tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này: Cơ quan được phân công quản lý thực hiện theo kế hoạch kiểm tra được Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt hàng năm. Biên bản kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

    2. Kiểm tra đột xuất: Cơ quan được phân công quản lý thực hiện kiểm tra đột xuất khi có sự cố về an toàn thực phẩm liên quan hoặc theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Điều 6. Xử lý cơ sở vi phạm cam kết

1. Đối với các cơ sở vi phạm cam kết lần đầu: Cơ quan được phân công quản lý nhắc nhở cơ sở tuân thủ bản cam kết.

2. Đối với các cơ sở vi phạm cam kết lần thứ hai: Cơ quan được phân công quản lý công khai việc cơ sở không thực hiện đúng cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

3. Đối với cơ sở vi phạm cam kết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cơ sở vi phạm cam kết từ lần thứ 3 trở đi: Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan được phân công quản lý kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Phân công, phân cấp cơ quan quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

2. Chỉ đạo Sở Tài chính và các Sở ban ngành liên quan tham mưu, bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại địa phương.

Điều 8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Tham mưu với UBND cấp tỉnh quy định cơ quan quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc địa bàn quản lý.

    2. Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh; tập huấn, hướng dẫn cơ quan quản lý được phân công thực hiện nhiệm vụ.

3. Thực hiện báo cáo kết quả thực hiện Thông tư này về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) theo chế độ báo cáo hiện hành.

Điều 9. Cơ quan được phân công quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc địa bàn quản lý ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

2. Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trình Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện.

3. Kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo kế hoạch được phê duyệt.

4. Thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm không chấp hành nội dung cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

5. Lưu trữ có hệ thống các hồ sơ liên quan đến hoạt động kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

6. Thực hiện báo cáo kết quả thực hiện Thông tư này về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản hoặc đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công) theo chế độ báo cáo hiện hành.

Điều 10. Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản

1. Hướng dẫn thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.

2. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Thông tư này về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 11. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Chấp hành đầy đủ các nội dung đã cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.

2. Cung cấp thông tin có liên quan khi có dấu hiệu vi phạm gây mất an toàn thực phẩm và chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

    2. Thông tư này thay thế Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Điều 13. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét sửa đổi, bổ sung./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hà Công Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.