• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Trạng thái: Bị đính chính
  • Ngày có hiệu lực: 18/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
BỘ THUỶ SẢN
Số: 02/2006/TT-BTS
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 20 tháng 3 năm 2006

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP

ngày 04 tháng 05 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh

doanh một số ngành nghề thủy sản

____________

 

Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản (sau đây gọi chung là Nghị định), Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định như sau:

I. VỀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG (hướng dẫn một số nội dung quy định tại Chương I của Nghị định)

1. Hướng dẫn khoản 2 Điều 1 của Nghị định:

Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu hành thuốc thú y, chến phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y thủy sản; điều kiện đối với cá nhân hành nghề thú y thủy sản thực hiện theo quy định của Pháp lệnh của Thú y và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thú y (sau đây gọi là Nghị định số 33/2005/NĐ-CP), cụ thể:

a) Điều kiện sản xuất, gia công, san chia thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y thủy sản thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Pháp lệnh Thú y và Điều 52 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

b) Điều kiện kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y thủy sản thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Pháp lệnh Thú y và Điều 54 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

c) Điều kiện nhập khẩu thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y thủy sản thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Pháp lệnh Thú y và Điều 53 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

d) Điều kiện để thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y thủy sản mới sản xuất trong nước hoặc lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định tại Điều 40 của Pháp lệnh Thú y và Điều 57 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

đ) Điều kiện đối với người hành nghề thú y thủy sản thuộc phạm vi hành nghề nêu tại Điều 52 của Pháp lệnh Thú y thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Pháp lệnh Thú y và Điều 64 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

2. Các trường hợp không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 59 (Khoản 3 Điều 2 của Nghị định):

a) Hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản; kinh doanh nguyên liệu thủy sản dùng cho chế biến thực phẩm (bao gồm các hoạt động: mua bán, thu gom, bảo quản, vận chuyển thủy sản) có quy mô nhỏ, theo phương pháp thủ công không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định khi có thu nhập thấp theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh (sau đây gọi chung là Nghị định số 109/2004/NĐ-CP) nhưng phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và pháp luật về bảo vệ môi trường.

b) Điều kiện kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thủy sản tươi sống và đã chế biến; thu gom, bảo quản, vận chuyển thủy sản để tiêu dùng trực tiếp thực hiện theo Nghị định số 73/2002/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ về việc bổ sung hàng hóa, dịch vụ thương mại vào Danh mục 1 về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; Danh mục 3 về hàng hóa, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 11/1990/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ; Thông tư của Bộ Thủy sản số 03/2002/TT-BTS ngày 31 tháng 12 năm 2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

II. QUY ĐỊNH LIÊN QUAN GIẤY PHÉP KHAI THÁC THỦY SẢN

1. Mẫu Giấy phép khai thác thủy sản (Khoản 3 Điều 4 của Nghị định)

Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chịu trách nhiệm ban hành mẫu Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này để sử dụng thống nhất trong cả nước.

2. Điều kiện cấp Giấy phép khai thác thủy sản:

Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản được cấp Giấy phép khai thác thủy sản phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định, cụ thể như sau:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15m trở lên; việc đăng ký các loại tàu cá không lắp máy có trọng tải trên 0,5tấn, chiều dài dưới 15m hoặc tàu lắp máy có công suất máy chính dưới 20CV thực hiện theo Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản (sau đây gọi chung là Nghị định số 66/2005/NĐ-CP) và Thông tư của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

b) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với loại tàu cá được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 66/2005/NĐ-CP và phải còn thời hạn sử dụng.

c) Có Sổ danh bạ thuyền viên đối với tàu cá hoạt động tại các tuyến khai thác được quy định tại khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 66/2005/NĐ-CP.

d) Có Bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá theo quy định hiện hành của Bộ Thủy sản.

đ) Có nghề khai thác và ngư cụ khai thác phù hợp với quy định của Bộ Thủy sản và quy định của UBND cấp tỉnh đã được sự đồng ý của Bộ Thủy sản.

Bộ Thủy sản quy định:

- Không được sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại Phụ lục 2, Phụ lục 3 của Thông tư này;

- Phương tiện làm các nghề khai thác thủy sản kết hợp ánh sáng phải thực hiện quy định về việc sử dụng nguồn sáng trong khai thác thủy sản như sau:

+ Tại tuyến bờ: tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác không được vượt quá 200W với nghề rớ (vó cất lưới bằng trục quay tay), 500W với nghề câu mực.

+ Tại tuyến lộng: tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác làm các nghề lưới vây, vó, mành, câu mực, pha xúc không được vượt quá 5.000W; công suất của mỗi bóng đèn dùng trong nghề pha xúc không được vượt quá 2000W và vị trí lắp đặt đèn pha phải cách mặt nước trên 1,2m.

+ Tại tuyến khơi: chưa quy định hạn chế tổng công suất các cụm chiếu sáng và giới hạn công suất của mỗi bóng đèn.

+ Khoảng cách giữa điểm đặt cụm sáng với cụm chà rạo hoặc nghề cố định không được dưới 500m.

e) Ngoài các điều kiện nêu tại các điểm a, b, c, d và đ của khoản này còn phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khai thác thủy sản theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Thủy sản, trừ trường hợp không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 109/2004/NĐ-CP.

3. Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định, tổ chức, cá nhân không được cấp Giấy phép khai thác thủy sản trong các trường hợp sau:

a) Khai thác thủy sản tại khu vực cấm khai thác của các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa, các khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm được quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này và các quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được sự đồng ý của Bộ Thủy sản.

b) Khai thác những đối tượng bị cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn (vào thời gian cấm khai thác) được quy định tại Phụ lục 5, Phụ lục 6 của Thông tư này và các văn bản quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được sự đồng ý của Bộ Thủy sản; khai thác các loài thủy sản mà Bộ Thủy sản công bố trữ lượng nguồn lợi bị suy giảm nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng trong thời hạn còn hiệu lực của quyết định công bố; khai thác các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên để làm giống có kích thước nhỏ hơn kích thước tối thiểu cho phép khai thác được quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này, trừ trường hợp được cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh cho phép;

c) Những hoạt động khai thác thủy sản bị cấm bao gồm:

- Các hoạt động khai thác thủy sản sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc;

- Sử dụng các loại nghề hoặc công cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại điểm đ Khoản 2 Mục II của Thông tư này.

- Các nghề sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại điểm đ khoản 2 Mục II của Thông tư này;

- Các nghề và loại tàu khai thác thủy sản bị cấm hoạt động trong một số tuyến khai thác;

+ Tại tuyến bờ cấm các nghề: lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ, câu tay mực) và các nghề khác mà UBND cấp tỉnh quy định đã được sự đồng ý của Bộ Thủy sản; các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy chính hoặc chiều dài đường nước thiết kế lớn hơn quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.

+ Tại tuyến lộng cấm các nghề kết hợp ánh sáng sử dụng công suất nguồn sáng vượt quá quy định tại điểm đ khoản 2 Mục II của Thông tư này; các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy lớn hơn quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.

d) Các tàu khai thác thủy sản đóng mới có công suất máy chính hoặc sử dụng các nghề bị cấm phát triển theo quy định của Bộ Thủy sản hoặc quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được sự đồng ý của Bộ Thủy sản.

Bộ Thủy sản quy định cấm phát triển:

- Các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng;

- Các nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển;

- Tàu lắp máy có công suất dưới 90 sức ngựa làm nghề lưới kéo cá;

- Tàu lắp máy dưới 30 sức ngựa làm các nghề khác.

4. Thủ tục và trình tự cấp, gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản:

a) Trường hợp xin cấp giấy phép lần đầu hoặc gia hạn giấy phép:

- Thủ tục, trình tự và lệ phí cấp giấy phép, gia hạn giấy phép theo quy định tại Điều 6 của Nghị định.

Đơn xin cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 của Thông tư này.

Đơn xin gia hạn giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư này.

- Thời hạn của giấy phép được gia hạn thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định. Số lần gia hạn Giấy phép không quá 03 lần.

b) Trường hợp đổi và cấp lại Giấy phép:

- Các trường hợp sau đây được cấp lại Giấy phép:

+ Giấy phép cũ bị rách nát trong quá trình sử dụng;

+ Giấy phép bị mất trong các trường hợp có lý do chính đáng được chính quyền địa phương nơi đăng ký tàu cá xác nhận.

- Các trường hợp sau đây được xét đổi Giấy phép:

+ Có sự thay đổi về tàu cá, ngư cụ, khu vực, thời gian hoạt động;

+ Giấy phép đã được gia hạn ba lần.

- Hồ sơ xin đổi và cấp lại Giấy phép bao gồm:

+ Đơn xin đổi hoặc cấp lại Giấy phép có xác nhận của UBND xã, phường nơ chủ tàu cá thường trú hoặc của cơ quan chủ quản cấp trên (trong trường hợp mất Giấy phép) theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này, kèm theo Giấy phép cũ (trừ trường hợp mất Giấy phép);

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định của Thông tư này;

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với trường hợp xin đổi Giấy phép do thay đổi tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm.

- Thời hạn của Giấy phép cấp lại như thời hạn của Giấy phép đã cấp; thời hạn của Giấy phép đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định.

- Mức thu lệ phí đổi hoặc cấp lại Giấy phép theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

5. Các trường hợp thu hồi Giấy phép theo quy định tại Điều 18 của Luật Thủy sản. Các hành vi vi phạm khác mà pháp luật đã quy định phải thu hồi Giấy phép như sau:

Tước quyền sử dụng Giấy phép đối với hành vi quy định tại khoản, khoản 3 Điều 9; tịch thu và hủy Giấy phép giả đối với hành vi quy định tại khoản 8 Điều 10 Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

6. Cơ quan cấp Giấy phép (Điều 7 của Nghị định):

Cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn, đổi, cấp lại, thu hồi Giấy phép được quy định tại Điều 7 của Nghị định. Đối với những tỉnh có địa bàn rộng, số lượng tàu cá nhiều, các Sở quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân huyện thực hiện việc cấp gia hạn, đổi, cấp lại, thu hồi Giấy phép đối với loại tàu cá lắp máy có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m.

III. CĂN CỨ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

1. Sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản (Điều 9 của Nghị định)

a) Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định, nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải của cơ sở sản xuất ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản phải bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo quy định tại các Tiêu chuẩn Việt Nam số 6.1 và 6.2 Mục 6 Phụ lục 11 của Thông tư này.

b) Thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 9 của Nghị định, cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản phải tuân thủ các quy định pháp luật sau đây:

- Đối với hàng hóa là lưới đánh cá phải tuân thủ quy định tại khoản 5 Mục A Phần II của Thông tư số 03/2000/TT-BTS ngày 22/9/2000 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thủy sản;

- Đối với các trang thiết bị khai thác thủy sản phải tuân thủy quy định tại Mục II Thông tư của Bộ Thương mại số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

c) Thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 9 của Nghị định, cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản phải tuân thủ quy định sau đây:

- Không được sản xuất, kinh doanh ngư cụ khai thác thủy sản có kích thước mắt  lưới nhỏ hơn quy định tại điểm d khoản 2 Mục II Thông tư này;

- Không được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện.

- Không được sản xuất, kinh doanh các loại ngư cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản bị cấm sử dụng theo quy định của Bộ Thủy sản hoặc quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được sự đồng ý của Bộ Thủy sản.

2. Đóng mới, cải hoán tàu cá (hướng dẫn Khoản 4 Điều 10 của Nghị định)

a) Nhà xưởng, trang thiết bị của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá các loại (theo loại vật liệu và kích thước của tàu) phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ Thủy sản.

b) Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Tiêu chuẩn Việt Nam được nêu tại điểm a khoản 1 Mục III Thông tư này.

3. Sản xuất, kinh doanh giống thủy sản (Điều 11 của Nghị định)

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả dịch vụ lưu giữ) giống thủy sản phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định, cụ thể như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền cấp (điểm a Khoản 1 Điều 11), trừ trường hợp có thu nhập thấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 109/2004/NĐ-CP;

b) Cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, phương tiện vận chuyển, lưu giữ của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh thú y; yêu cầu bảo vệ môi trường (điểm c Khoản 1 Điều 11) theo quy định pháp luật hiện hành.

Các quy định pháp luật đã được ban hành và được quy định tại Thông tư này:

- Các Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn Ngành đã được ban hành nêu tại mục 1, mục 2 Phụ lục 11 của Thông tư này;

- Quy định tại Phụ lục 12, Phụ lục 13 của Thông tư này.

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống bố mẹ, đàn giống thương phẩm phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản do các Viện, Trung tâm nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản hoặc các trường có đào tạo về nuôi trồng thủy sản cấp, trừ trường hợp nhân viên kỹ thuật đã có trình độ trung cấp trở lên về nuôi trồng thủy sản (điểm d Khoản 1 Điều 11).

d) Cơ sở sản xuất giống thủy sản phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật bắt buộc áp dụng đối với sản xuất giống thủy sản theo quy định của Bộ Thủy sản (điểm g Khoản 1 Điều 11). Bộ Thủy sản đã ban hành quy trình kỹ thuật khuyến khích áp dụng đối với việc sản xuất một số giống thủy sản (Mục 3 Phụ lục 11 của Thông tư này).

đ) Cơ sở sản xuất, kinh doanh đực giống, cái giống thủy sản, tinh, phôi, trứng giống và ấu trùng động vật thủy sản phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi, ấp trứng và công nghệ nhân giống thủy sản do các viện, trung tâm nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản hoặc các trường có đào tạo về nuôi trồng thủy sản cấp (điểm b khoản 2 Điều 11).

e) Cơ sở sản xuất, kinh doanh đực giống, cái giống, tinh đực giống và ấu trùng động vật thủy sản phải thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng tinh, phôi và môi trường bảo quan, pha chế tinh, phôi; Quy chế quản lý khai thác, sử dụng đực giống, cái giống thủy sản, trứng giống, cấu trùng thủy sản theo quy định của Bộ Thủy sản (điểm c và đ khoản 2 Điều 11).

4. Nuôi trồng thủy sản (hướng dẫn khoản 3 và 4 Điều 12 của Nghị định)

a) Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn vị sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật hiện hành.

Các Tiêu chuẩn Ngành hiện hành được nêu tại Mục 4 Phụ lục 11 của Thông tư này.

b) Các tiêu chuẩn, quy định hiện hành về bảo vệ môi trường liên quan cơ sở nuôi trồng thủy sản được nêu tại mục 2 Phụ lục 11 của Thông tư này.

Cơ sở nuôi tôm trong vùng nuôi tôm tập trung phải thực hiện các quy định tại Quy chế quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung được ban hành kèm theo Quyết định số 04/2002/QĐ-BTS ngày 24/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.

c) Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất phải tuân thủ các quy định sau đây:

- Phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Thủy sản công bố;

- Không chứa các chất nằm trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thủy sản số 07/2005/QĐ-BTS ngày 24/2/2005 và các quy định pháp luật hiện hành khác;

- Cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm phải tuân thủ Quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật nuôi ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thủy sản số 15/2002/QĐ-BTS ngày 17/5/2002.

5. Sản xuất thức ăn nuôi thủy sản (hướng dẫn khoản 2 và khoản 4 Điều 13 của Nghị định)

a) Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải của cơ sở sản xuất thức ăn nuôi thủy sản phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với thức ăn nuôi thủy sản được sản xuất ra theo quy định pháp luật hiện hành.

b) Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải của cơ sở sản xuất thức ăn nuôi thủy sản phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường nước và không khí theo quy định tại các Tiêu chuẩn Việt Nam được nêu tại Mục 6 Phụ lục 11 của Thông tư này.

6. Kinh doanh thức ăn nuôi thủy sản (hướng dẫn các khoản 3, 4 và 5 Điều 14 của Nghị định)

a) Nơi bảo quản, bày bán hàng phải thông thoáng, không ẩm ướt để bảo đảm chất lượng hàng hóa. Kho, tủ bảo quản và nơi bày bán thức ăn nuôi thủy sản phải riêng biệt đối với thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y của ngành Nông nghiệp (đối với cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa này);

Địa điểm kinh doanh phải xa bãi chứa rác thải, nơi sản xuất có nhiều bụi hoặc chất độc hại ít nhất 100m; phải có thùng, sọt có nắp đậy kín để đựng rác.

b) Người quản lý hoặc nhân viên bán hàng của cơ sở phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành nuôi trồng thủy sản hoặc có chứng chỉ đã được các Viện nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản, các Trường có đào tạo về nuôi trồng thủy sản, các cơ quan quản lý nhà nước về thú y thủy sản hoặc cơ quan khuyến ngư tập huấn về thức ăn nuôi thủy sản và cấp.

c) Thức ăn kinh doanh phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định tại các Tiêu chuẩn Ngành được nêu tại mục 5 Phụ lục 11 của Thông tư này.

d) Thức ăn kinh doanh phải nằm trong Danh mục thức ăn nuôi thủy sản được phép sử dụng thông thường (được phép lưu hành) tại Việt Nam do Bộ Thủy sản công bố;

đ) Thức ăn kinh doanh phải được đóng trong bao bì và ghi nhãn theo quy định tại khoản 3 Mục A Phần II của Thông tư số 03/2000/TT-BTS của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thủy sản. Trên nhãn phải ghi thêm lời cam kết: “Thức ăn không chứa các chất bị cấm theo quy định của Bộ Thủy sản”.

7. Chế biến thủy sản (hướng dẫn các Khoản 3, 4 và 6 Điều 15 của Nghị định)

a) Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến thủy sản theo quy định tại các Tiêu chuẩn Ngành được nêu tại Mục 7 Phụ lục 11 của Thông tư này.

b) Cơ sở chế biến thủy sản phải tuân thủ Quy chế quản lý môi trường cơ sở môi trường cơ sở chế biến thủy sản ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thủy sản số 19/2002/QĐ-BTS ngày 18/9/2002.

Cơ sở chế biến thủy sản xây dựng mới phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó đưa ra các giải pháp xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) phù hợp với các tiêu chuẩn về môi trường và chế độ giám sát môi trường, báo cáo này phải được cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh phê duyệt.

Đối với cơ sở chế biến thủy sản đang hoạt động phải bảo đảm tiêu chuẩn chất thải theo quy định tại các Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Ngành được nêu tại mục 6 Phụ lục 11 của Thông tư này.

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản (trong đó có cơ sở chế biến thủy sản làm thực phẩm) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2005/TTLT-BYT-BTS ngày 8/12/2005 của Bộ Y tế và Bộ Thủy sản Hướng dẫn phân công, phối hợp quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản và theo quy định hiện hành của Bộ Thủy sản. Căn cứ để kiểm tra, công nhận (cấp Giấy chứng nhận) cơ sở chế biến thủy sản làm thực phẩm đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là các Tiêu chuẩn Ngành được nêu tại Mục 7 Phụ lục 11 của Thông tư này.

d) Người lao động trực tiếp chế biến thủy sản không được mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế (có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền), phải định kỳ kiểm tra sức khỏe theo quy định tại các Tiêu chuẩn Ngành số 7.1 và 7.3 Mục 7 Phụ lục 11 của Thông tư này.

8. Kinh doanh nguyên liệu thủy sản dùng cho chế biến thực phẩm (hướng dẫn các khoản 3, 4 và 5 Điều 16 của Nghị định)

a) Nhà xưởng, kho chứa, các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện thu mua, bảo quản, vận chuyển thủy sản chuyên dùng của cơ sở phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được quy dịnh tại Tiêu chuẩn Ngành số 7.9 và Tiêu chuẩn Ngành số 7.1 (đối với cơ sở có sơ chế thủy sản) Mục 7 Phụ lục 11 của Thông tư này.

b) Cơ sở kinh doanh, dịch vụ chỉ được phép sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31/8/2001của Bộ Y tế, thực hiện quy định của Bộ Thủy sản tại Tiêu chuẩn Ngành số 7.8 Mục 7 Phụ lục 11 của Thông tư này.

c) Cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo tiêu chuẩn chất thải bảo vệ môi trường theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam số 6.1 Phụ lục 11 của Thông tư này; đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y được quy định tại Tiêu chuẩn Ngành số 7.9 Mục 7 Phụ lục 11 của Thông tư này.

IV. THANH TRA, KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH; XỬ LÝ VI PHẠM

1. Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thủy sản (hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 17 của Nghị định)

a) Thanh tra thủy sản thuộc Bộ Thủy sản có trách nhiệm:

- Tổ chức chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thủy sản thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định;

- Trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài Ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủy sản khi cần thiết; Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của Thanh tra thủy sản thuộc các Sở thủy sản hoặc Sở có quản lý nhà nước về thủy sản (sau đây gọi chung là Sở Thủy sản) đối với hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủy sản.

- Chỉ đạo cơ quan Thanh tra thủy sản thuộc các Sở Thủy sản thực hiện quy định của Bộ Thủy sản về thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủy sản đối với các tổ chức, cá nhân ở địa phương và cả các đơn vị thuộc Bộ, ngành trung ương, lực lượng vũ trang làm kinh tế đóng trên địa bàn quản lý; khi cần thiết có sự phối hợp với các cơ quan hữu quan ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ này.

b) Trách nhiệm của Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản;

- Tổ chức chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc công tác kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thủy sản thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này theo nhiệm vụ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

- Trực tiếp hoặc phối hợp với Thanh tra thủy sản thuộc Bộ Thủy sản, các cơ quan hữu quan trong và ngoài Ngành kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thủy sản khi cần thiết theo nhiệm vụ của Cục đã được quy định:

- Theo chức năng, nhiệm vụ của Cục đã được quy định, chỉ đạo các Chi cục có chức năng quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản ở địa phương kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thủy sản của các tổ chức, cá nhân ở địa phương và các đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương, lực lượng vũ trang làm kinh tế đóng trên địa bàn quản lý của địa phương; khi cần thiết có sự phối hợp với các cơ quan hữu quan ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ này.

c) Thanh tra thủy sản và các Chi cục quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản ở cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thủy sản theo thẩm quyền được quy định tại văn bản pháp luật hiện hành.

2. Xử lý vi phạm

a) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định của Nghị định và Thông tư này thì bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định của Chính phủ số 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan (Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002).

b) Chưa xử lý vi phạm đối với những hành vi chưa có căn cứ pháp lý để xác định mức độ vi phạm.

V- Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 02/2002/TT-BTS ngày 6/12/2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 86/2001/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản

Thông tư này thay thế các quy định tại Mục A, các khoản 1, 2, 4 và 5 của Mục B Phần III Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2002/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ về việc bổ sung hàng hóa, dịch vụ thương mại vào Danh mục 1 về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện và Danh mục 3 về hàng hóa, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 11/199/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ.

2. Các Vụ, Cục, Viện, Trung tâm thuộc Bộ Thủy sản; các Sở Thủy sản, các Sở có quản lý nhà nước về thủy sản theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Thông tư này; trong quá trình thực hiện có vấn đề vướng mắc phải kịp thời phản ảnh về Bộ Thủy sản.

Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành quy chế mở lớp tập huấn và cấp các loại chứng chỉ được quy định tại các điểm c và đ khoản 3, điểm b khoản 6 Mục III của Thông tư này.

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành các Tiêu chuẩn Ngành liên quan đến tàu cá, cảng cá, môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Vụ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Quy chế quản lý khai thác, sử dụng tinh, phôi và môi trường bảo quản, pha chế tinh, phôi; Quy chế quản lý khai thác, sử dụng đực giống thủy sản, trứng giống, ấu trùng thủy sản; các tiêu chuẩn cần thiết ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

3. Việc sửa đổi, bổ sung nội dung Thông tư này do Bộ trưởng Bộ Thủy sản xem xét, quyết định./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tạ Quang Ngọc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.