• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/08/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2013
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Số: 43/2003/TT-BVHTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 16 tháng 7 năm 2003

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ

quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo

_____________________

 

Căn cứ vào Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16 tháng 11 năm 2001;

Căn cứ vào Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;

Căn cứ vào Nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá - Thông tin;

Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo như sau:

Mục 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Quảng cáo; Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo (sau đây gọi tắt là Nghị định số 24/2003/NĐ-CP); các quy định cụ thể tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Một số từ ngữ trong Nghị định số 24/2003/NĐ-CP được hiểu như sau:

a) Nơi làm việc của các cơ quan nhà nước là trụ sở của cơ quan nhà nước các cấp; tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; doanh trại công an, quân đội;

b) Quảng cáo có diện tích lớn tại các đô thị là quảng cáo được thể hiện dưới hình thức bảng, biển, pa-nô và hình thức tương tự bằng các chất liệu khác nhau có diện tích một mặt từ 40 m2 (mét vuông) trở lên;

c) Hoạt động có xác định thời gian là hoạt động có xác định rõ thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc như hội chợ, triển lãm, hội thi, hội diễn và các hoạt động khác;

d) Các hình thức tương tự bảng, biển, pa-nô, băng-rôn là bạt che, phướn, các vật thể, hình khối và các hình thức khác thể hiện sản phẩm quảng cáo;

đ) Nơi công cộng là những nơi có nhiều người qua lại hoặc tham gia hoạt động như chợ, nhà hàng, bến tàu, bến xe, nhà ga, quảng trường, khu du lịch, nơi hoạt động văn hoá thể thao, vui chơi giải trí, các điểm giao cắt của các trục đường lớn;

e) Tác phẩm chính trị bao gồm văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; sách kinh điển về Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; sách nghiên cứu lý luận chính trị; sách lịch sử và nghiên cứu về lịch sử; sách viết về các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; sách hồi ký cách mạng; sách về văn bản quy phạm pháp luật; sách tuyên truyền pháp luật; sách giáo dục truyền thống; sách hướng dẫn nghiệp vụ của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

g) Dùng âm thanh gây tiếng ồn vượt qua độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện theo quy định tại bản tiêu chuẩn Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 5 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, mã số TCVN: 5949:1998);

h) Phụ trang, phụ bản (phụ trương) chuyên quảng cáo là số trang quảng cáo tăng thêm ngoài số trang báo chính và được phát hành cùng với số báo chính.

3. Tổ chức, cá nhân khi dùng hình ảnh, danh nghĩa của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân đó.

4. Đối với hàng hoá mà pháp luật không quy định người sản xuất phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như hàng nông sản, thực phẩm, thuỷ sản của nông dân và một số hàng hoá khác khi quảng cáo hàng hoá đó không cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng chủ quảng cáo và người phát hành quảng cáo phải đảm bảo tính trung thực, chính xác về chất lượng của hàng hoá quảng cáo.

5. Đối với hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật quy định cấm quảng cáo dưới mọi hình thức thì biểu trưng (lô-gô), nhãn hiệu (tiếng Anh: traname, trademark) của loại hàng hoá, dịch vụ đó cũng bị cấm thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào trên các phương tiện quảng cáo.

Mục 2:

HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO

1. Nội dung, hình thức quảng cáo

a) Nội dung thông tin quảng cáo thể hiện trong sản phẩm quảng cáo phải đúng với chất lượng, nhãn hiệu đã công bố hoặc đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Tổ chức, cá nhân quảng cáo biểu trưng, nhãn hiệu chung cho nhiều loại hàng hoá, dịch vụ mà trong đó có loại hàng hoá, dịch vụ cấm quảng cáo thì khi quảng cáo biểu trưng, nhãn hiệu phải ghi rõ loại hàng hoá, dịch vụ quảng cáo không bị cấm.

2. Quảng cáo trên báo chí:

a) Diện tích được phép quảng cáo không quá 10% đối với báo in được tính trên tổng diện tích các trang của một số báo, tạp chí do Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép xuất bản;

b) Cơ quan báo chí có nhu cầu quảng cáo quá 10% diện tích đối với báo in, quá 5% thời lượng đối với Đài phát thanh, Đài truyền hình phải xin phép Bộ Văn hoá - Thông tin ra phụ trang, phụ bản hoặc kênh chuyên quảng cáo;

c) Số trang của phụ trang, phụ bản chuyên quảng cáo không vượt quá số trang báo chính và phải đánh số riêng. Trường hợp số trang của phụ trang, phụ bản chuyên quảng cáo đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép không trái với quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 24/2003/NĐ-CP thì được tiếp tục thực hiện.

d) Chương trình chuyên quảng cáo trên Đài phát thanh, Đài truyền hình đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép phải thông báo rõ thời lượng cụ thể của chương trình quảng cáo đó cho người xem, người nghe biết ngay từ đầu chương trình.

3. Quảng cáo rượu:

a) Các loại rượu có độ cồn từ 15 độ trở xuống chỉ được quảng cáo trên báo in, báo điện tử, Đài phát thanh, Đài truyền hình, mạng thông tin máy tính như các hàng hoá khác quảng cáo trên phương tiện đó;

b) Các loại rượu có độ cồn trên 15 độ chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới doanh nghiệp sản xuất rượu, bên trong các cửa hàng, đại lý tiêu thụ rượu nhưng phải đảm bảo người ở bên ngoài địa giới doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý không đọc được, không nghe được, không thấy được;

c) Các loại rượu thuốc được thực hiện theo quy định tại "Quy chế thông tin về thuốc chữa bệnh cho người" của Bộ Y tế;

d) Ngoài những quy định tại các điểm a, b, c khoản này, nghiêm cấm quảng cáo rượu dưới bất kỳ hình thức nào khác.

4. Cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức theo quy định tại Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá trong giai đoạn 2000-2010.

5. Quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ thực hiện theo Nghị định số 74/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ để bảo vệ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ và Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT/YT-TM-VHTT-UBBVCSTEVN ngày 14 tháng 3 năm 2001 của Bộ Y tế - Bộ Thương mại - Bộ Văn hoá Thông tin - Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam (nay là Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em) hướng dẫn thi hành Nghị định số 74/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2000.

6. Không quảng cáo các loại sản phẩm hàng hóa mà nội dung, hình thức quảng cáo gây mất thẩm mỹ, không phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của dân tộc (như băng vệ sinh, giấy vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da và các sản phẩm hàng hóa tương tự) trên Đài phát thanh, Đài truyền hình từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày; trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí không treo, đặt, dán, dựng các sản phẩm quảng cáo cho loại hàng hóa này trên phông sân khấu; quảng cáo ở ngoài trời phải theo qui định của địa phương về địa điểm, thời gian, kích thước của sản phẩm quảng cáo loại hàng hoá này.

7. Các loại sách xuất bản thuộc loại được quảng cáo thì số trang quảng cáo không quá 5% số trang sách của sách đó. Sách xuất bản lưu hành nội bộ do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép không được quảng cáo.

8. Quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, màn hình, băng-rôn, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động khác và các hình thức tương tự treo, đặt, dán, dựng ở ngoài trời được quy định như sau:

a) Quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, màn hình, băng-rôn treo, đặt, dán, dựng ở ngoài trời phải tuân thủ quy hoạch về quảng cáo tại địa phương và các quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo treo, đặt, dựng ở ngoài trời không được dùng âm thanh;

c) Quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ có mục đích sinh lời không được chăng ngang qua đường giao thông, không được dùng màu cờ Tổ Quốc làm nền cho quảng cáo;

d) Quảng cáo về hoạt động có xác định thời gian thì thời gian diễn ra hoạt động đó phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định để làm cơ sở xác định thời gian được phép quảng cáo;

đ) Quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, vật phát quang, vật để trên không, dưới nước, vật thể di động khác và các hình thức tương tự được thể hiện bằng bất kỳ chất liệu gì như gỗ, tôn, nhựa, kính, vải hoặc các chất liệu khác khi treo, đặt, dán, dựng hoặc gắn trên phương tiện giao thông phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo và phải có giấy phép thực hiện quảng cáo;

e) Các sản phẩm quảng cáo được thể hiện trên phương tiện giao thông, vật thể di động khác như xe lăn, xe cần cẩu và các loại phương tiện để phục vụ cho việc thi công xây dựng, sửa chữa điện, vệ sinh môi trường do sở Văn hoá - Thông tin nơi đăng ký phương tiện cấp giấy phép thực hiện quảng cáo và không được làm thay đổi quá 50% diện tích màu sơn xe có thể hiện sản phẩm quảng cáo. Màu sơn xe là màu đã ghi trong đăng ký phương tiện do cơ quan có thẩm quyền cấp; không được quảng cáo ở mặt trước và mặt sau của phương tiện. Thùng hàng có diện tích một mặt từ 0,5m2 (mét vuông) trở lên có thể hiện sản phẩm quảng cáo gắn trên xe máy phải có giấy phép thực hiện quảng cáo do Sở Văn hoá - Thông tin nơi đăng ký phương tiện cấp.

9) Trong các cuộc liên hoan, hội nghị, hội thảo, trình diễn nghệ thuật, giao lưu văn hoá, thi đấu thể dục thể thao hoặc chương trình vui chơi giải trí trên Đài truyền hình nếu trên phông có treo, đặt, dán, dựng sản phẩm quảng cáo của nhà tài trợ thì không phải xin giấy phép thực hiện quảng cáo nhưng trên phông phải có tên, biểu trưng (lô-gô) của chương trình đó và thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 24/2003/NĐ-CP;

Trong trường hợp các hoạt động chỉ có một nhà tài trợ thì không được treo, đặt, dán, dựng quá hai sản phẩm quảng cáo. Trường hợp có nhiều nhà tài trợ thì mỗi nhà tài trợ chỉ được treo, đặt, dán, dựng một sản phẩm quảng cáo.

10. Quảng cáo về chương trình biểu diễn nghệ thuật phải đúng với nội dung giấy phép công diễn; quảng cáo xen trong chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc thông qua chương trình biểu diễn nghệ thuật phải được thông qua cơ quan có thẩm quyền duyệt công diễn chương trình đó cho phép.

11. Quảng cáo trên mạng thông tin máy tính:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau khi có giấy phép cung cấp dịch vụ thông tin Internet (ICP) củaBộ Văn hoá - Thông tin và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật thì được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng Internet;

b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép lập trang tin điện tử (website) trên mạng Internet chỉ được giới thiệu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình. Không được giới thiệu doanh nghiệp khác và hàng hoá, dịch vụ mà mình không sản xuất, kinh doanh.

12. Tổ chức, cá nhân quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ trên các phương tiện quảng cáo phải xuất trình các văn bản quy định tại Điều 17 Nghị định số 24/2003/NĐ-CP cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo.

Trường hợp quảng cáo khuyến mại phải xuất trình văn bản xác nhận về nội dung chương trình khuyến mại có giá trị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

13. Hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân nước ngoài dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh phải có hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

b) Đối với hình thức liên doanh thì mức độ vốn đầu tư và năng lực kinh doanh phải phù hợp với phạm vi và lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.

Mục 3:

ĐIỀU KIỆN THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP PHÉP

1. Việc xin phép ra phụ trang, phụ bản đối với báo in; kênh, chương trình chuyên quảng cáo đối với Đài phát thanh, Đài truyền hình thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động báo chí.

2. Quảng cáo trên mạng thông tin máy tính:

a) Sản phẩm quảng cáo thực hiện trên mạng thông tin máy tính (bao gồm cả mạng kinh doanh dịch vụ quảng cáo và trang tin điện tử website) không phân biệt chủ mạng là pháp nhân Việt Nam hay pháp nhân nước ngoài phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2003/NĐ-CP;

b) Trường hợp Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở có yêu cầu sửa đổi sản phẩm quảng cáo trước khi đưa nên mạng thông tin máy tính thì người thực hiện quảng cáo có trách nhiệm sửa đổi theo yêu cầu của Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở.

Trường hợp người thực hiện quảng cáo không nhất trí với yêu cầu sửa đổi sản phẩm quảng cáo thì Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở có quyền không cho phép thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính. Trong trương hợp đó người thực hiện quảng cáo có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật;

c) Hồ sơ đăng ký thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính bao gồm:

- Đăng ký thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính, số lượng sản phẩm quảng cáo, thời gian thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính (phụ lục 1).

- Bản sao có giá trị pháp lý giấy phép cung cấp thông tin trên mạng thông tin máy tính (ICP) hoặc giấy phép lập trang tin điện tử (Website).

- Bản sao có giá trị pháp lý giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo (đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng thông tin máy tính).

- Đĩa hoặc sản phẩm có chứa các sản phẩm quảng cáo (hai bản).

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động khác và các hình thức quảng cáo tương tự phải gửi hồ sơ xin phép đến Sở Văn hoá - Thông tin nơi thực hiện quảng cáo. Hồ sơ gồm:

a) Đơn xin thực hiện quảng cáo (Phụ lục 2);

b) Bản sao có giá trị pháp lý giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo (đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo) hoặc bản sao có giá trị pháp lý giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề, hàng hoá (đối với doanh nghiệp, cá nhân tự quảng cáo);

c) Bản sao có giá trị pháp lý giấy đăng ký chất lượng hàng hoá hoặc các giấy tờ tương tự về chất lượng hàng hoá đối với hàng hoá quảng cáo mà pháp luật quy định phải đăng ký chất lượng;

d) Mẫu (makét) sản phẩm quảng cáo;

đ) Văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng đối với bảng, biển, pa-nô, màn hình treo, đặt, dán, dựng ở ngoài trời mà pháp luật về xây dựng quy định phải thẩm định về kết cấu xây dựng.

e) Đối với quảng cáo trong lĩnh vực y tế hoặc nông nghiệp phải có văn bản tiếp nhận hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo có giá trị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về y tế đối với quảng cáo trong lĩnh vực y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp đối với quảng cáo trong lĩnh vực nông nghiệp quy định tại các khoản 4 và 6 Điều 17 Nghị định số 24/2003/NĐ-CP.

g) Đối với quảng cáo khuyến mại phải có văn bản có giá trị pháp lý xác nhận về nội dung chương trình khuyến mãi của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

Trường hợp xin gia hạn thực hiện quảng cáo (nếu không thay đổi về nội dung, hình thức, địa điểm, kích thước) phải gửi đơn xin gia hạn thực hiện quảng cáo kèm theo giấy phép thực hiện quảng cáo đã cấp.

4. Khi hết thời hạn ghi trong giấy phép thực hiện quảng cáo, người thực hiện quảng cáo phải tháo rỡ sản phẩm quảng cáo. Đối với quảng cáo đã hết thời hạn thực hiện quảng cáo mà tổ chức, cá nhân muốn quảng cáo tên giao dịch, địa chỉ, điện thoại của mình trên phương tiện đó phải gửi thông báo bằng văn bản kèm theo mẫu (makét) đến Sở Văn hoá - Thông tin nơi thực hiện quảng cáo.

Trước khi hết thời hạn quảng cáo ít nhất 10 ngày làm việc, nếu muốn tiếp tục quảng cáo người xin phép thực hiện quảng cáo phải gửi đơn xin gia hạn thực hiện quảng cáo đến Sở Văn hoá - Thông tin nơi đã cấp giấy phép. Trường hợp Sở Văn hoá - Thông tin không cấp giấy phép gia hạn phải trả lời bằng văn bản.

5. Tổ chức, cá nhân xin giấy phép thực hiện quảng cáo; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài xin giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ thu, nộp và sử dụng lệ phí. Ngoài khoản lệ phí này không phải nộp một khoản nào khác.

6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi cấp giấy phép thực hiện quảng cáo (phụ lục 3), Sở Văn hoá - Thông tin phải gửi bản sao giấy phép tới Phòng Văn hoá - Thông tin quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện quảng cáo.

7. Quá thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy phép thực hiện quảng cáo mà người xin giấy phép không thực hiện thì giấy phép không còn hiệu lực.

8. Cơ quan cấp giấy phép phải thực hiện những quy định sau đây:

a) Niêm yết công khai quy hoạch quảng cáo, các quy định về hồ sơ thủ tục, lệ phí;

b) Cấp giấy tiếp nhận hồ sơ cho người xin phép (phụ lục 4);

c) Hồ sơ về việc cấp giấy phép phải được lưu giữ và vào sổ sách theo biểu mẫu thống nhất (phụ lục 5).

Mục 4:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

1. Bộ Văn hoá - Thông tin là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong cả nước; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo có các đơn vị sau đây:

a) Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở:

- Giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo trong phạm vi cả nước. Chủ trì phối hợp các Cục, Vụ có liên quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

- Tiếp nhận, chủ trì thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập Chi nhánh của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam trình Bộ Văn hoá - Thông tin cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép (phụ lục 6, 7).

- Thẩm định các sản phẩm quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính.

- Có ý kiến tham gia trong việc xét khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

b) Cục Báo chí, Cục Điện ảnh, Cục Xuất bản, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật và các Cục, Vụ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo trong lĩnh vực mình phụ trách;

c) Thanh tra Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm thanh tra, xử lý các vi phạm và phối hợp với các ngành có liên quan giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quảng cáo theo thẩm quyền quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành.

2. Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các ngành để xây dựng quảng cáo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; tiếp nhận hồ sơ, chủ trì thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đặt tại địa phương (phụ lục 6, 7); thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ; báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở) các nội dung sau:

a) Văn bản quản lý nhà nước về quảng cáo của đại phương đã ban hành;

b) Quy hoạch quảng cáo của địa phương;

c) Số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo có trụ sở trên địa bàn, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong cả nước có chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương;

d) Số lượng và hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động quảng cáo nước ngoài tại địa phương;

đ) Số lượng giấy phép thực hiện quảng cáo đã cấp (cụ thể đối với các phương tiện);

e) Các vi phạm về hoạt động quảng cáo và kết quả xử lý vi phạm trên địa bàn.

Mục 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, bãi bỏ những văn bản dưới đây:

a) Thông tư số 37/VHTT-TT ngày 01 tháng 7 năm 1995 của Bộ Văn hoá -Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 194/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, Thông tư số 07/1998/TT-BVHTT ngày 05 tháng 12 năm 1998 sửa đổi, bổ xung Điều 5 Thông tư số 37/VHTT-TT ngày 01 tháng 7 năm 1995;

b) Các quy định khác do Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành trước đây trái với các quy định tại Thông tư này.

3. Ban hành kèm theo Thông tư này là những biểu mẫu từ phụ lục 1 đến phụ lục 7 để thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn quốc gồm: Đăng ký thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính; đơn xin thực hiện quảng cáo và giấy phép thực hiện quảng cáo; giấy tiếp nhận hồ sơ xin phép thực hiện quảng cáo; mẫu sổ theo dõi cấp phép thực hiện quảng cáo; đơn đề nghị và giấy phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Quang Nghị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.