• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/06/2002
CHÍNH PHỦ
Số: 07/2002/NQ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 3 tháng 6 năm 2002

NGHỊ QUYẾT

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2002

____________________

Trong 3 ngày 27, 28, 29 tháng 5 năm 2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi trực tiếp đưa mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, là nơi thể hiện sâu sắc sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Sự vững mạnh của hệ thống chính trị cơ sở là nền tảng vững chắc của chế độ ta và là một nhân tố quan trọng đảm bảo thành công của sự nghiệp đổi mới.

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) của Chính phủ nhằm cụ thể hoá những quyết sách lớn của Đảng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chỉnh đốn tổ chức và nâng cao hiệu lực quản lý ở cấp cơ sở, cụ thể là: xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; xây dựng đội ngũ và chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở; thực hiện phân cấp, giao quyền chủ động về tài chính, từng bước đảm bảo cơ sở vật chất cho hệ thống chính trị cơ sở; tiếp tục hoàn thiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các Bộ, ngành và hệ thống chính quyền địa phương cần chủ động nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết; trên cơ sở Kế hoạch chung, khẩn trương lập kế hoạch của địa phương, có sự phối hợp đồng bộ với kế hoạch của cấp uỷ Đảng và Mặt trận Tổ quốc trong việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh bản Kế hoạch này, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2002.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Chính phủ khẳng định: kinh tế ngoài quốc doanh là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu thành phần kinh tế của nước ta và đã có đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, xoá đói giảm nghèo. Các Bộ, ngành và địa phương cần quán triệt, thống nhất nhận thức về các quan điểm phát triển kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân trong sự nghiệp đổi mới đất nước theo các Nghị quyết của Đảng. Chương trình hành động này cụ thể hoá chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như: tiếp tục xác lập môi trường thể chế và tâm lý thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tập thể và tư nhân; sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan; triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính - tín dụng, lao động - tiền lương, đào tạo, khoa học công nghệ; hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại và đầu tư.

Các Bộ, ngành và địa phương trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành, địa phương và vùng kinh tế, xây dựng các chương trình phát triển kinh tế của ngành và địa phương mình; rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện và khuyến khích kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân phát triển.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Chương trình hành động này, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2002.

3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tổ trưởng Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp trình bày Báo cáo sơ kết 2 năm thi hành Luật Doanh nghiệp.

Chính phủ đánh giá, sau 2 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá trong đổi mới tư duy kinh tế và cải cách hành chính, bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo pháp luật. Trong quá trình thực hiện Luật, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các văn bản thi hành. Việc thực hiện Luật Doanh nghiệp đã khơi dậy và phát huy nội lực, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần hăng say lao động của nhân dân; làm tăng thêm niềm tin vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước; được dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện cải cách thể chế; góp phần vào giải phóng lực lượng sản xuất, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, xoá đói giảm nghèo.

Tuy vậy, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật chậm được ban hành hoặc có nội dung chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp; nhận thức về Luật Doanh nghiệp ở các ngành, các cấp chưa đầy đủ, chưa thống nhất; môi trường kinh doanh sau đăng ký chưa được cải thiện nhiều; tác động của Luật chưa đồng đều giữa các vùng và các ngành nghề kinh doanh; một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và có nhiều vi phạm, cần phải được xử lý, uốn nắn kịp thời.

Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo này và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo, gửi các Bộ, ngành và địa phương để có đánh giá đầy đủ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Luật. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thi hành Luật Doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 6 năm 2002.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Tờ trình dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật này.

Qua 5 năm thực hiện Luật Ngân sách, hoạt động ngân sách nhà nước đã có nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng và tiềm lực tài chính của đất nước. Kết quả thu, chi ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực. Việc quản lý ngân sách nhà nước đã đi dần vào nề nếp, chủ động và có hiệu quả hơn; tổ chức, quản lý và điều hành ngân sách có tiến bộ.

Bên cạnh đó, hoạt động ngân sách nhà nước còn bộc lộ một số hạn chế như: nguồn thu tăng khá nhưng vẫn thiếu vững chắc; tình trạng thất thu còn lớn; chi ngân sách còn phân tán, dàn trải và lãng phí; gánh nặng chi thường xuyên, nhất là chi tiền lương còn lớn; cơ chế quản lý ngân sách còn nhiều tồn tại cần sớm được khắc phục. Vì vậy, việc sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước cho phù hợp với yêu cầu quản lý hiện nay là hết sức cần thiết.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), ký thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội.

5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Tờ trình về dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.

Phí và lệ phí đã hình thành ở nước ta từ lâu và phát triển đa dạng. Thời gian qua, việc quy định và tổ chức thu phí và lệ phí vẫn còn tuỳ tiện, thiếu thống nhất, dẫn đến tình trạng thất thu hoặc lạm thu. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí và lệ phí thiếu chặt chẽ, dễ dẫn đến tiêu cực, gây bất bình trong xã hội. Vì vậy, ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí sẽ góp phần lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý thu phí và lệ phí, tăng cường kỷ cương, thúc đẩy việc triển khai chủ trương xã hội hoá trên nhiều lĩnh vực dịch vụ công.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 6 năm 2002; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí và Nghị định này.

6. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2002.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng qua có chuyển biến tốt: sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng; vốn đầu tư đạt khá; thu ngân sách tăng, hoạt động tiền tệ có chiều hướng tiến bộ; giá cả thị trường ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục có bước phát triển...Tuy nhiên, khó khăn trong những tháng còn lại vẫn rất lớn, nhất là tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã gây hậu quả rất nặng nề; môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng; nạn cháy rừng, mưa lũ đột xuất ở một số địa phương đã gây những thiệt hại lớn; kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh...

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả thiên tai và các vấn đề xã hội bức xúc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trước mắt, tập trung mọi nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, nhất là nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu; tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh; đẩy mạnh phong trào phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; hạn chế tai nạn giao thông; thúc đẩy chương trình xoá đói giảm nghèo, kiên cố hoá trường học ở các vùng sâu, vùng xa.

7. Chính phủ đã bàn và cho ý kiến về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI. Giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn chỉnh đề án này.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.