• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/04/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 23/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 27 tháng 2 năm 2013

 

THÔNG TƯ

Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ

__________________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/UBTVQH10 ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Người dự sát hạch (người Việt Nam và người nước ngoài) để được cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ là đối tượng nộp phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ theo quy định tại Thông tư này.

2. Cơ quan quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ là cơ quan thu phí.

3. Thông tư này không áp dụng đối với việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Điều 2. Mức thu phí

1. Mức thu phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ được quy định như sau:

a) Đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4):

- Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần;

- Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.

b) Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F):

- Sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần;

- Sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần;

- Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.

2. Mức thu phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ được áp dụng thống nhất trên cả nước khi cơ quan quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe (không phân biệt cơ quan thuộc Trung ương hay địa phương quản lý) tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

3. Người dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phần nào thì nộp phí sát hạch phần đó (tính theo lần sát hạch: sát hạch lần đầu, sát hạch lại).

Điều 3. Quản lý và sử dụng phí

1. Phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, cơ quan thu phí được trích lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc tổ chức sát hạch và thu phí, cụ thể như sau:

a) Đối với những cơ quan thu phí có số thu từ phí sát hạch năm trước dưới 15 tỷ đồng/năm (gọi tắt là cơ quan thu phí loại A): Tỷ lệ trích lại là 20% trên tổng số tiền phí sát hạch thực thu được; đối với những cơ quan thu phí có số thu từ phí sát hạch năm trước từ 15 tỷ đồng/năm trở lên (gọi tắt là cơ quan thu phí loại B): Tỷ lệ trích lại là 15% trên tổng số tiền phí sát hạch thực thu được. Số tiền được trích để lại cho cơ quan thu phí để chi trả các khoản sau:

- Chi phí tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công theo chế độ hiện hành cho lao động trực tiếp phục vụ sát hạch cấp giấy phép lái xe và thu phí (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định);

- Chi phí trực tiếp phục vụ cho sát hạch cấp giấy phép lái xe và thu phí, như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc sát hạch cấp giấy phép lái xe và thu phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

b) Chi trả tiền thuê cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kiểm tra chấm điểm, lưu giữ hồ sơ sát hạch, nhiên liệu của các trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe theo quy định sau:

- Đối với trung tâm sát hạch loại 1 (sát hạch lái xe tất cả các hạng) và Trung tâm sát hạch loại 2 (sát hạch lái xe đến hạng C)

+ Trường hợp trung tâm sát hạch không do ngân sách nhà nước đầu tư: Cơ quan thu phí được sử dụng không quá 80% tổng số tiền phí thực thu được để chi trả cho trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe.

+ Trường hợp trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư một phần, một phần vay vốn đầu tư: Cơ quan thu phí được sử dụng không quá 80% tổng số tiền phí thực thu được để chi trả cho trung tâm trong thời gian phải hoàn trả vốn và lãi vay theo khế ước vay hoặc do cơ quan có thẩm quyền (Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) xác định. Sau khi đã hoàn trả đủ vốn và lãi vay đầu tư, cơ quan thu phí được sử dụng không quá 40% tổng số tiền phí thực thu được để chi trả cho trung tâm (để trung tâm trang trải chi phí duy trì cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kiểm tra chấm điểm, lưu giữ hồ sơ sát hạch, nhiên liệu...).

+ Trường hợp trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ: Cơ quan thu phí được sử dụng không quá 40% tổng số tiền phí thực thu được để chi trả cho trung tâm (để trung tâm trang trải chi phí duy trì cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kiểm tra chấm điểm, lưu giữ hồ sơ sát hạch, nhiên liệu...).

- Đối với trung sát hạch loại 3 (sát hạch lái xe đến hạng A4): Cơ quan thu phí được sử dụng không quá 60% tổng số tiền phí thực thu được để chi trả cho trung tâm (để trung tâm trang trải chi phí duy trì cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kiểm tra chấm điểm, lưu giữ hồ sơ sát hạch, nhiên liệu...).

c) Cơ quan thu phí có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí còn lại vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành (cơ quan thu phí thuộc Trung ương quản lý thì nộp vào ngân sách Trung ương, cơ quan thu phí thuộc địa phương quản lý thì nộp vào ngân sách địa phương), cụ thể như sau:

c.1) Đối với trung tâm sát hạch loại 1 và loại 2:

- Đối với cơ quan thu phí loại A phải nộp ngân sách nhà nước với mức tối thiểu đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

+ Trường hợp thuê trung tâm sát hạch không do ngân sách nhà nước đầu tư hoặc trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư một phần, một phần vay vốn đầu tư (trong thời gian hoàn trả vốn vay và lãi vay) với số tiền thuê thấp hơn mức 80% tổng số tiền phí thực thu được thì cơ quan thu phí phải nộp số tiền chênh lệnh vào ngân sách nhà nước.

Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước = 80% tổng số tiền phí thu được - số tiền thuê trung tâm sát hạch.

Ví dụ 1: Sở Giao thông vận tải Hà Nội là cơ quan thực hiện sát hạch cấp giấy phép lái xe có số tiền thu phí sát hạch hàng năm là 10 tỷ đồng (cơ quan thu phí loại A). Sở Giao thông vận tải thuê trung tâm sát hạch của Doanh nghiệp X (trung tâm được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước) với mức tiền thuê bằng 60% tổng số tiền phí thu được. Sở Giao thông vận tải phải nộp 20% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước =  10 tỷ đồng (tổng số tiền phí thu được) – 2 tỷ đồng (số tiền được trích để lại) – 6 tỷ đồng (trả tiền thuê trung tâm sát hạch) = 2 tỷ đồng.

+ Trường hợp thuê trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư một phần, một phần vay (sau khi đã hoàn trả vốn và lãi vay) hoặc trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ, cơ quan thu phí phải nộp tối thiểu 40% tổng số tiền phí thực thu được vào ngân sách nhà nước.

Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước = Tổng số tiền phí thực thu được (100%) - Số tiền được trích để lại (20%) - Số tiền thuê trung tâm sát hạch (tối đa là 40%).

Ví dụ 2: Cũng với giả thiết ở ví dụ 1 nêu trên, trường hợp Sở Giao thông vận tải Hà Nội thuê trung tâm sát hạch của cơ quan nhà nước (thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng- trung tâm do ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ) hoặc trung tâm của Đơn vị sự nghiệp Y (trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư một phần, một phần vay sau khi đã hoàn trả vốn và lãi vay) với mức tiền thuê bằng 30% số tiền phí thu được. Sở Giao thông vận tải phải nộp 50% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước = 10 tỷ đồng (tổng số tiền phí thu được) - 2 tỷ đồng (số tiền được trích để lại) - 3 tỷ đồng (trả tiền thuê trung tâm sát hạch) = 5 tỷ đồng.

- Đối với cơ quan thu phí loại B phải nộp ngân sách nhà nước với mức tối thiểu đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

+ Trường hợp thuê trung tâm sát hạch không do ngân sách nhà nước đầu tư hoặc trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư một phần, một phần vay vốn đầu tư (trong thời gian hoàn trả vốn vay và lãi vay), cơ quan thu phí phải nộp tối thiểu 5% tổng số tiền phí thực thu được vào ngân sách nhà nước.

Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước = Tổng số tiền phí thu được (100%) - Số tiền được trích để lại (15%) - Số tiền thuê trung tâm sát hạch (tối đa là 80%).

+ Trường hợp thuê trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư một phần, một phần vay (sau khi đã hoàn trả vốn và lãi vay) và trung tâm sát hạch do ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ, cơ quan thu phí phải nộp tối thiểu 45% số tổng tiền phí thực thu được vào ngân sách nhà nước.

Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước = Tổng số tiền phí thu được (100%) - Số tiền được trích để lại (15%) - Số tiền thuê trung tâm sát hạch (tối đa là 40%).

Cách tính cụ thể số tiền phí phải nộp ngân sách nhà nước tương tự như ở ví dụ 1 và ví dụ 2 nêu trên.

c.2) Đối với trung tâm sát hạch loại 3: Cơ quan thu phí loại A phải nộp 20% tổng số tiền phí thực thu được vào ngân sách nhà nước; cơ quan thu phí loại B phải nộp 25% tổng số tiền phí thực thu được vào ngân sách nhà nước.

2. Tại những địa phương còn khó khăn về điều kiện vật chất, chưa xây dựng được Trung tâm sát hạch đủ điều kiện vật chất nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải cho phép sát hạch lái xe mô tô tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ thì việc quản lý và sử dụng tiền phí sát hạch lái xe mô tô thu được như sau:

a) Cơ quan thu phí được để lại 30% (ba mươi phần trăm) trên tổng số tiền phí thực thu được để trang trải chi phí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này);

b) Chi trả tiền thuê cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kiểm tra chấm điểm, lưu giữ hồ sơ sát hạch, nhiên liệu,… của các trung tâm, bãi sát hạch này không quá 10% (mười phần trăm) trên tổng số tiền phí thực thu được.

c) Nộp ngân sách nhà nước tối thiểu 60% (sáu mươi phần trăm) trên tổng số tiền phí thực thu được.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2013.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 53/2007/TT-BTC ngày 21/5/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu và quản lý sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ và Thông tư số 60/2010/TT-BTC ngày 20/4/2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 53/2007/TT-BTC ngày 21/5/2007.

3. Các nội dung khác liên quan đến việc đăng ký, kê khai, thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí sát hạch lái xe không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ, Thông tư 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Thị Mai

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.