QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy chế xuất bản bản tin
___________________
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN
Căn cứ Nghị định 63/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá - Thông tin.
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Văn hóa - Thông tin.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xuất bản bản tin.
Điều 2. Cục trưởng Cục Bảo chí, Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mọi tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA- THÔNG TIN
(Đã ký)
Phạm Quang Nghị
|
QUY CHẾ
Xuất bản bản tin
(Ban hành kèm theo Quyết định số 53/2003/QĐ-BVHTT ngày 04 tháng 9 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin)
______________________________________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
1. Quy chế này điều chỉnh hoạt động xuất bản bản tin của các cơ quan, tổ chức, pháp nhân Việt Nam.
2. Việc xuất bản bản tin của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 28/2002/QĐ-BVHTT ngày 21 tháng 11 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quy chế xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi; phát hành thông cáo báo chí; đăng, phát bản tin trên màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.
3. Cơ quan, tổ chức, pháp nhân và cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất bản bản tin phải tuân theo các quy định tại Quy chế này.
Điều 2.
Bộ Văn hóa - Thông tin là cơ quan thực hiện chức năng quản lý, cấp giấy phép xuất bản bản tin trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3.
Bản tin nêu trong Quy chế này không thuộc loại hình báo chí mà là ấn phẩm thông tin; xuất bản định kỳ, tuân theo các quy định cụ thể về khuôn khổ, số trang, hình thức trình bày, nội dung và phương thức thể hiện nhằm thông tin về hoạt động nội bộ, hướng dẫn nghiệp vụ, thông tin kết quả nghiên cứu, ứng dụng, kết quả các cuộc hội thảo, hội nghị của các cơ quan, tổ chức, pháp nhân Việt Nam.
Điều 4.
1. Người chịu trách nhiệm xuất bản bản tin là người được cơ quan, tổ chức, pháp nhân cử làm người đứng tên chịu trách nhiệm thực hiện việc xuất bản bản tin theo quy định tại Quy chế này.
2. Cơ quan, tổ chức, pháp nhân xuất bản bản tin và người chịu trách nhiệm xuất bản bản tin chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý Nhà nước và trước pháp luật về nội dung thông tin và hoạt động xuất bản bản tin.
Điều 5.
Việc xuất bản bản tin phải tuân theo những quy định sau đây:
1. Không gây phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
2. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác.
3. Không được tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định.
4. Không được đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, uy tín của các tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
5. Không được xuất bản bản tin khi chưa có giấy phép của Bộ Văn hoá - Thông tin.
6. Không được quảng cáo trong bản tin.
7. Không được làm trái các quy định ghi trong giấy phép hoạt động bản tin.
Điều 6.
1. Cơ quan, tổ chức, pháp nhân được phép xuất bản bản tin phải thực hiện việc nộp lưu chiểu trước khi phát hành 24 tiếng đồng hồ. Đối với bản tin xuất bản hàng ngày, nộp lưu chiểu trước tám (8) giờ sáng hàng ngày.
2. Bản tin lưu chiểu nộp cho Cục Báo chí Bộ Văn hoá - Thông tin 06 bản, Sở Văn hoá - Thông tin nơi xuất bản bản tin 02 bản.
Bản tin không xuất bản ở Hà Nội nộp lưu chiểu cho Cục Báo chí Bộ Văn hoá - Thông tin qua bưu điện. Thời gian nộp lưu chiểu tính theo dấu tem bưu điện.
Chương II
NỘI DUNG, HÌNH THỨC CỦA BẢN TIN
Điều 7.
Nội dung bản tin:
1. Thông tin các lĩnh vực được quy định tại Điều 3 của Quy chế này bằng thể loại tin tức.
2. Nội dung thông tin không được vi phạm các quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
Điều 8.
Hình thức bản tin
1. Khuôn khổ tối đa của bản tin là 19 cm x 27 cm. Số trang tối đa là 32 trang.
2. Các nội dung phải ghi trên trang 1, trang cuối của bản tin:
a. Trang một: Phần trên của trang một đề chữ BẢN TIN. Tên của bản tin sau hoặc dưới chữ BẢN TIN. Tên của cơ quan, tổ chức xuất bản và ngày tháng năm xuất bản bản tin dưới tên bản tin.
b. Trang cuối: Phần cuối trang cuối ghi rõ số, ngày tháng năm của giấy phép xuất bản do Bộ Văn hoá - Thông tin cấp, nơi in, số lượng in, kỳ hạn xuất bản, người chịu trách nhiệm xuất bản.
Chương III
ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC CẤP PHÉP
Điều 9.
Điều kiện cấp phép.
Cơ quan, tổ chức, pháp nhân Việt Nam có nhu cầu xuất bản bản tin phải có đủ các điều kiện sau:
1. Có người chịu trách nhiệm về việc xuất bản bản tin có nghiệp vụ quản lý thông tin.
2. Tổ chức bộ máy hoạt động phù hợp bảo đảm cho việc xuất bản bản tin.
3. Xác định rõ nội dung thông tin, mục đích thông tin, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ, số trang, số lượng, nơi in, đối tượng phục vụ của bản tin.
4. Có địa điểm làm việc chính thức và các điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc xuất bản bản tin.
Điều 10.
Hồ sơ xin cấp phép xuất bản bản tin gồm:
- Đơn xin cấp giấy phép theo mẫu quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin.
- Bản sao Quyết định thành lập, cho phép thành lập cơ quan, tổ chức, pháp nhân có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc của cơ quan có thẩm quyền.
- Sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm xuất bản bản tin.
- Măng-sét của bản tin.
Điều 11.
Thủ tục xin cấp phép:
Cơ quan, tổ chức, pháp nhân Việt Nam có nhu cầu xuất bản bản tin phải làm thủ tục xin phép Cục Báo chí Bộ Văn hoá - Thông tin.
1. Cục Báo chí trực tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép xuất bản bản tin của các cơ quan, tổ chức, pháp nhân thuộc Trung ương.
2. Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận, thẩm định và đề nghị Cục Báo chí xem xét cấp giấy phép đối với hồ sơ xin cấp giấy phép xuất bản bản tin của các cơ quan, tổ chức, pháp nhân thuộc địa phương mình.
Điều 12.
Cấp giấy phép:
1. Cục Báo chí là cơ quan cấp giấy phép xuất bản bản tin, chịu trách nhiệm kiểm tra đầy đủ các điều kiện của cơ quan, tổ chức, pháp nhân xin phép xuất bản bản tin trước khi cấp giấy phép.
2. Trong trường hợp không cấp giấy phép thì chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin phép xuất bản bản tin, Cục Báo chí phải trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 13.
Hiệu lực của giấy phép:
1. Sau sáu mươi (60) ngày, kể từ ngày giấy phép xuất bản bản tin có hiệu lực, nếu cơ quan, tổ chức, pháp nhân không xuất bản bản tin thì giấy phép không còn giá trị. Cục Báo chí có trách nhiệm thu hồi lại giấy phép. Nếu có nhu cầu xuất bản bản tin thì phải làm thủ tục xin phép lại.
2. Cơ quan, tổ chức, pháp nhân tạm ngừng hoặc thôi không xuất bản bản tin phải thông báo bằng văn bản trước mười lăm (15) ngày cho Cục Báo chí. Trường hợp không xuất bản bản tin nữa, giấy phép bị thu hồi.
3. Thay đổi một trong các điều ghi trong giấy phép xuất bản bản tin phải xin phép Cục Báo chí bằng văn bản.
Chương IV
THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 14.
Thanh tra, kiểm tra
1. Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
2. Cục Báo chí có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc kiểm tra đột xuất việc xuất bản bản tin trong phạm vi toàn quốc.
3. Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra việc xuất bản bản tin trên địa bàn địa phương mình theo các quy định tại Quy chế này.
Điều 15.
Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có công trong việc phát hiện những vi phạm các quy định tại Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 16.
Xử lý vi phạm.
Cơ quan, tổ chức, pháp nhân và cá nhân không thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng các hình thức sau:
1. Thu hồi, tịch thu ấn phẩm.
2. Đình bản.
3. Thu hồi giấy phép xuất bản.
4. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin.
5. Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 17.
Thẩm quyền xử lý vi phạm
1. Bộ Văn hoá - Thông tin có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản bản tin của các cơ quan, tổ chức, pháp nhân và cá nhân trong nước.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản bản tin của các cơ quan, tổ chức, pháp nhân và cá nhân ở địa phương mình.
Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý không đúng thì Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định hình thức xử lý.
3. Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định thu hồi, tịch thu ấn phẩm, đình bản, thu hồi giấy phép xuất bản bản tin.
Trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, khẩn cấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền tạm thời thu hồi, tịch thu ấn phẩm, đình bản việc xuất bản bản tin và báo cáo ngay bằng văn bản cho Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin xem xét quyết định.
4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin.
5. Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành các quyết định xử lý vi phạm của Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với việc xuất bản bản tin trên địa bàn địa phương mình.