• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/05/1998
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 57/1998/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 27 tháng 4 năm 1998

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ thu phí cầu, đường của Nhà nước quản lý

 

Căn cứ Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí, lệ phí;

Căn cứ Quyết định số 13/CT ngày 11/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thu phí qua cầu đường bộ; Công văn số 3170/KTN ngày 25/6/1997 của Chính phủ về vay vốn đầu tư sửa chữa đường bộ và thu phí hoàn vốn vay; Công văn số 3328/KTN ngày 3/7/1997 của Chính phủ về thu phí trên một số quốc lộ;

Để tăng cường và thống nhất quản lý thu phí cầu, đường và sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu phí cầu, đường của Nhà nước quản lý như sau:

 

PHẦN THỨ NHẤT
QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phí cầu, đường quy định tại Thông tư này là khoản thu để bù đắp chi phí của ngân sách Nhà nước đầu tư, xây dựng, mua sắm, sửa chữa và quản lý cầu, đường, bảo đảm phục vụ hoạt động vận tải, giao thông xã hội.

2. Cầu, đường của Nhà nước quản lý là những cầu, đường được xây dựng mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách (gọi chung là vốn ngân sách Nhà nước), bao gồm:

a. Cầu, đường xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước cấp, kể cả cầu đường được tiếp quản từ chế độ cũ để lại;

b. Cầu, đường xây dựng bằng vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như: các khoản thu phí qua cầu, đường đơn vị đã giữ lại; các khoản lợi nhuận, khấu hao cơ bản v.v... phải nộp ngân sách, nhưng được cấp có thẩm quyền cho phép giữ lại; các nguồn vốn viện trợ nhân dân (kể cả quà tặng), viện trợ Chính phủ của các nước và tổ chức quốc tế.

c. Cầu, đường được thanh toán theo hình thức đổi đất lấy công trình; cầu đường xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT);

d. Cầu, đường được xây dựng bằng vốn huy động hoặc do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp không hoàn lại (trừ việc góp vốn liên doanh để kinh doanh) và các nguồn vốn khác của Nhà nước;

đ. Cầu, đường được xây dựng bằng vốn vay của Chính phủ, cơ quan Nhà nước, kể cả vốn vay của các doanh nghiệp được Nhà nước chỉ định vay và bảo lãnh trả nợ vay;

e. Cầu, đường xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), đã kết thúc thời kỳ kinh doanh và đã chuyển giao sang cho Nhà nước quản lý (trừ những cầu, đường đang trong thời kỳ kinh doanh theo hợp đồng);

g. Đường được nâng cấp bằng vốn vay của các doanh nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép vay để sửa chữa đường bộ và tu phí hoàn vốn vay theo Công văn 3170/KTN ngày 25/6/1997 của Chính phủ;

h. Cầu, đường xây dựng theo hình thức ngân sách Nhà nước cấp một phần vốn, phần vốn còn lại được cơ quan có thẩm quyền cho phép chủ dự án vay và tổ chức thu phí để trả nợ vốn vay.

Các cầu, đường quy định tại Thông tư này không bao gồm cầu, đường do các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tự đầu tư xây dựng và thu phí để bù đắp chi phí kinh doanh, nộp thuế và chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật, kể cả cầu, đường đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) đang trong giai đoạn kinh doanh (chưa chuyển giao).

3. Các cầu, đường nêu tại điểm 2 phần này được Chính phủ cho phép thu phí và được cơ quan sau đây quy định mức thu thì mới được áp dụng thu phí:

a. Đối với cầu, đường Trung ương quản lý phải do Bộ Tài chính quy định mức thu, sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ chuyên ngành liên quan;

b. Đối với cầu, đường địa phương quản lý (tỉnh, huyện, xã) phải do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định mức thu, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính.

Mọi cầu, đường thu phí trái với quy định của pháp luật và hướng dẫn tại điểm này thì phải nộp toàn bộ số tiền phí cầu, đường đã thu được vào ngân sách nhà nước (điều tiết 100% cho ngân sách Trung ương). 4. Mọi khoản tiền thu phí cầu, đường phải quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

5. Mọi chi phí cho hoạt động của cầu đường phải lập dự toán, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, có chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Các đơn vị tổ chức thu phí cầu, đường phải áp dụng chế độ kế toán quy định tại Quyết định số 999 TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hệ thống chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và quy định hạch toán đặc thù của ngành sau khi thống nhất với Bộ Tài chính; sử dụng chứng từ thu do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành.

 

PHẦN THỨ HAI
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Đối tượng phải chịu phí cầu, đường:

Tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ, kể cả máy kéo, máy xúc, máy ủi, cần cẩu và các máy cơ giới khác, kể cả phương tiện cơ giới đường bộ thuộc lực lượng quốc phòng, an ninh thực tế đi qua cầu, đường quy định thu phí thì đều phải chịu phí cầu, đường tương ứng.

2. Đối tượng phải nộp phí cầu, đường:

Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng phương tiện giao thông thuộc đối tượng phải chịu phí cầu đường, thực tế sử dụng cầu, đường quy định thu phí thì phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này; trừ đối tượng không phải nộp nêu tại điểm 3 dưới đây.

3. Không thu phí cầu, đường đối với những đối tượng sau đây:

a. Xe chuyên dùng cứu thương; trong trường hợp các phương tiện cơ giới khác đang chở người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu thì cũng không phải nộp phí;

b. Xe đám tang, bao gồm cả xe tang và xe chở người đi theo xe tang;

c. Xe đang chở khách của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và tổ chức chính trị - xã hội, có xe công an hộ tống;

d. Xe của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế thường trú tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao. Trường hợp này, người sử dụng xe phải xuất trình chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ do Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.

e. Xe chuyên dùng cho thương binh, người tàn tật do chính thương binh hoặc người tàn tật sử dụng;

g. Các phương tiện cơ giới đang làm nhiệm vụ đột xuất, khẩn cấp theo lệnh huy động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, như: xe hộ đê, xe phòng chống lụt bão, chống dịch bệnh;

h. Xe của lực lượng an ninh đang sử dụng đuổi bắt kẻ gian;

n. Xe chuyên dùng vào mục đích an ninh, quốc phòng (xe tăng, xe bọc thép, xe xích, xe cứu hoả và các xe chuyên dùng khác);

i. Xe cơ giới đang thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cổ động các chính sách của Đảng và Nhà nước theo lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền;

k. Xe Nhà báo sử dụng (không kể trường hợp Nhà báo là hành khách hoặc khách mời trên phương tiện ôtô do tổ chức, cá nhân khác sử dụng). Những đối tượng thuộc diện không thu phí nêu tại điểm này phải xuất trình với cơ quan thu chứng nhận (Quyết định điều động, thẻ, chứng minh thư ngoại giao...) thuộc đối tượng không phải nộp phí.

4. Công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên sử dụng xe gắn máy 2 bánh thường xuyên phải qua lại cầu, đường thì được giảm phí bằng việc được mua vé tháng.

Trường hợp này, đối tượng mua vé tháng phải có giấy chứng nhận của nơi làm việc hoặc trường học về việc thường xuyên phải qua lại cầu, đường quy định thu phí, trực tiếp đến nơi tổ chức bán vé (do cơ quan thu quy định) để mua vé.

II. MỨC THU PHÍ CẦU, ĐƯỜNG:

1. Mức thu phí tối đa đối với cầu, đường theo Biểu phụ lục đính kèm Thông tư này.

Căn cứ mức thu phí quy định tại Thông tư này, cơ quan có thẩm quyền quy định mức thu (nêu tại điểm 3, Phần thứ nhất, Thông tư này) thực hiện quy định mức thu phí cụ thể đối với từng cầu, đường phù hợp với quy mô, đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng cầu, đường theo mức thu khống chế tối đa quy định tại Thông tư này.

Khi giá cả thị trường biến động (tăng hoặc giảm) từ 20% trở lên thì cơ quan quy định mức thu phải xem xét và trong phạm vi thẩm quyền của mình quyết định điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

2. Phí cầu, đường thu bằng đồng Việt Nam theo mức thu quy định được ghi trên vé (thay biên lai thu phí, lệ phí) do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành.

III. TỔ CHỨC THU PHÍ CẦU ĐƯỜNG:

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý cầu, đường nào thì đồng thời có nhiệm vụ tổ chức thu phí cầu, đường đó (dưới đây gọi chung là cơ quan thu phí).

Cơ quan thu phí có trách nhiệm sau đây:

a. Tổ chức thu phí theo đúng quy định tại Thông tư này:

Thông báo công khai (kể cả niêm yết tại nơi thu phí) về mức thu, đối tượng phải nộp, đối tượng không phải nộp phí, đối tượng được sử dụng vé tháng và thủ tục mua vé tháng.

Tổ chức các điểm thu phí (bán vé thay cho biên lai thu phí, lệ phí) cố định và lưu động bảo đảm thuận tiện, phục vụ kịp thời nhu cầu của người nộp phí và người sử dụng cầu, đường. Vé phải in sẵn mức thu cụ thể cho từng cầu, đường.

Cơ quan thu phí phải tổ chức cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt và có thẩm quyền để kiểm tra, xác định đối tượng thuộc diện không phải nộp, đối tượng được mua vé tháng, để giải quyết kịp thời mọi trường hợp, nhằm tránh phiền hà và tiêu cực.

Các hồ sơ giải quyết không thu hoặc được mua vé tháng phải lưu giữ tối thiểu 5 năm để theo dõi các lần giải quyết tiếp theo và phục vụ kiểm tra, thanh tra của cơ quan Nhà nước. Trường hợp đối tượng không có biến động về các chỉ tiêu quy định thuộc diện không thu hoặc giảm thu thì hồ sơ giải quyết lần đầu sẽ là căn cứ để giải quyết cho các lần tiếp theo. Các lần không thu tiếp theo, đối tượng chỉ phải xuất trình giấy giới thiệu hoặc giấy chứng nhận của cơ quan nơi mình công tác, học tập cấp. Cơ quan thu phí đối chiếu giấy chứng nhận với hồ sơ lưu trữ để giải quyết cụ thể.

Đối với trường hợp không phải nộp phí, người sử dụng phương tiện được cấp thẻ "miễn phí". Cơ quan thu phí căn cứ vào loại đối tượng thuộc diện không phải nộp phí, để giải quyết thẻ "miễn phí" có giá trị sử dụng thời hạn 1 năm, một quý, một tháng hoặc chỉ một đợt công tác. Các thẻ "miễn phí" cầu, đường do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành, định kỳ phải đối chiếu số thẻ cấp ra với số hồ sơ của từng đối tượng thuộc diện không phải nộp phí và quyết toán như quyết toán biên lai thu phí (vé).

b. Tổ chức việc kiểm soát nhanh, gọn, chính xác, thuận tiện bảo đảm giao thông thông suốt. Phương tiện đi qua cầu, đường quy định thu phí đều phải xuất trình vé hoặc thẻ "miễn phí" (đối với những đối tượng thuộc diện không phải nộp phí). Riêng những trường hợp khẩn cấp, như: xe chở người gặp tai nạn giao thông; xe đám tang; xe đang thực hiện chữa cháy; xe đang đuổi bắt kẻ gian; xe gắn giấy chứng nhận hộ đê, chống bão lụt, chống dịch bệnh; xe khách của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội có xe của Công an hộ tống thì không nhất thiết phải có thẻ "miễn phí" khi đi qua cầu, đường.

Trường hợp kiểm soát, phát hiện đối tượng không có vé, vé không hợp lệ hoặc không có thẻ miễn phí, không thuộc diện khẩn cấp thì phải chuyển giao ngay cho nơi có thẩm quyền giải quyết. Tuyệt đối không vì những trường hợp trốn nộp phí, mà gây cản trở, ách tắc giao thông.

Nghiêm cấm người kiểm soát vé đồng thời là người thu phí (bán vé), hoặc nhận tiền trực tiếp của người qua cầu, đường mà không có vé, hoặc thông đồng với đối tượng nộp phí để trốn nộp, biển thủ tiền phí, làm thất thoát tiền phí.

c. Thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với những đối tượng trốn, lậu phí thuộc thẩm quyền.

d. Kê khai số phí thu được từng tháng và nộp tờ khai cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý; kê khai phải đầy đủ, đúng mẫu tờ khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

e. Nộp phí đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước theo thông báo nộp phí của cơ quan Thuế. Thời hạn nộp phí vào ngân sách nhà nước của tháng ghi trong thông báo chậm nhất không quá ngày 15 của tháng tiếp theo. Phí nộp vào ngân sách Nhà nước bằng đồng Việt Nam.

g. Thực hiện chế độ sổ sách, chứng từ kế toán theo quy định của Bộ Tài chính; cung cấp đầy đủ tài liệu, sổ sách, chứng từ kế toán liên quan đến việc quản lý phí theo yêu cầu của cơ quan Thuế.

Thực hiện quyết toán phí (số thu, số nộp ngân sách, số thực giữ lại, số đã chi, số còn phải nộp...) hàng năm với cơ quan Thuế. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm thực hiện nộp báo cáo quyết toán phí cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý và phải nộp đầy đủ số phí còn thiếu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông (kể cả đối tượng không phải nộp phí) có nhu cầu đi qua cầu, đường quy định thu phí đều phải mua vé hoặc phải được cơ quan thu phí cấp thẻ "miễn phí" (đối với đối tượng không thu) và mỗi lần đi lại trên cầu, đường đều phải xuất trình vé hoặc thẻ miễn phí cho người kiểm soát vé (trừ trường hợp khẩn cấp như nêu tại tiết b, điểm 1 mục này). Vé phát hành cho cầu, đường nào thì chỉ được sử dụng tại cầu, đường đó; vé tháng thì phát hành tháng nào chỉ có giá trị sử dụng trong tháng đó.

IV. QUẢN LÝ SỬ DỤNG TIỀN PHÍ CẦU, ĐƯỜNG:

A. Đối với các cầu, đường đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn có nguồn gốc từ ngân sách và vốn Nhà nước vay hoặc Nhà nước bảo lãnh trả nợ (nêu tại tiết a, b, c, d, đ, e của điểm 2 phần thứ nhất).

Toàn bộ số tiền phí cầu, đường thu được hàng ngày phải gửi vào tài khoản của cơ quan thu mở tại Kho bạc nhà nước nơi cơ quan thu đóng trụ sở và quản lý sử dụng theo quy định sau đây:

1. Cơ quan trực tiếp thu phí được tạm trích 20% tổng số tiền phí đã thu được để chi phí thường xuyên cho việc tổ chức thu phí cầu, đường quy định thu phí, theo nội dung cụ thể sau:

a. Chi phí in (hoặc mua) vé, ấn chỉ phục vụ thu phí và văn phòng phẩm khác phục vụ việc tổ chức thu phí.

b. Chi tiền lương, tiền công, các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công theo chế độ quy định đối với cán bộ quản lý (trừ cán bộ quản lý bộ phận xây dựng, sửa chữa, duy tu và quản lý cầu đường) và người lao động trực tiếp thu phí cầu, đường quy định thu phí.

c. Chi bảo hộ lao động, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm của cơ quan sử dụng lao động thực hiện thu phí.

d. Trích quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng cho công chức, viên chức của cơ quan trực tiếp thu phí, mức trích mỗi quỹ một năm tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực tế.

g. Các khoản chi phí thường xuyên khác trực tiếp phục vụ việc thu phí hợp lý theo chế độ quy định (nếu có).

Toàn bộ các khoản chi nêu trên phải cân đối vào dự toán tài chính hàng năm được cơ quan có thẩm quyền quy định tại mục V Thông tư này duyệt, phải sử dụng đúng mục đích theo định mức chi của Nhà nước quy định và phải có chứng từ hợp lệ. Quyết toán năm, nếu chưa chi hết thì phải nộp số tiền còn lại vào ngân sách Nhà nước; nhưng nếu số tạm trích (20%) không bảo đảm cho các nhu cầu chi theo nội dung trên thì được trừ vào số phải nộp của năm tiếp theo và toàn bộ số tiền phí đã thực tế sử dụng hợp lý, hợp lệ trong năm phải được "ghi thu, ghi chi" qua ngân sách Nhà nước theo thủ tục hướng dẫn tại mục V dưới đây.

2. Tổng số tiền phí thu được, sau khi trừ số tiền đã tạm trích theo tỷ lệ 20% quy định trên đây, số còn lại (80%) cơ quan thu phải kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước theo thủ tục như sau:

Định kỳ mỗi tháng một lần vào trước ngày 5 hàng tháng, cơ quan thu phí thực hiện kê khai với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý về số tiền đã thu, số vé và loại vé đã sử dụng của tháng trước (kể cả thẻ "miễn phí") theo mẫu của cơ quan Thuế quy định.

Cơ quan Thuế kiểm tra tờ khai và ra thông báo cho cơ quan thu phí về số tiền phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước của tháng trước, thông báo phải ghi rõ số tiền phí phải nộp, thời hạn nộp và chương, loại, khoản tương ứng, mục 032 Mục lục ngân sách Nhà nước quy định.

Căn cứ thông báo nộp phí thu của cơ quan Thuế, cơ quan thu nộp tiền vào ngân sách nhà nước đúng thời hạn quy định (nếu cầu, đường do Trung ương quản lý thì điều tiết 100% cho ngân sách Trung ương; do địa phương quản lý thì điều tiết 100% cho ngân sách địa phương).

Toàn bộ số tiền phí cầu, đường nộp vào ngân sách nhà nước, sẽ được ngân sách tập trung cho việc trả nợ tiền vay vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa cầu đường và bổ sung kinh phí duy tu, bảo dưỡng cầu, đường theo dự toán hàng năm.

B. Đối với loại đường được đầu tư nâng cấp bằng vốn vay theo Công văn số 3170/KTN ngày 25/6/1997 của Chính phủ (nêu tại tiết g, điểm 2 phần thứ nhất):

Toàn bộ số tiền phí thu được hàng ngày phải gửi vào tài khoản của cơ quan thu mở tại Kho bạc Nhà nước và quản lý sử dụng như sau:

1. Trích tạo nguồn hoàn trả vốn vay và lãi tiền vay theo khế ước vay đầu tư, nâng cấp cho chính con đường thu phí.

2. Chi thường xuyên và không thường xuyên cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý đường thu phí theo dự toán được duyệt.

3. Chi cho công tác quản lý, tổ chức thu phí và trích quỹ cho cán bộ công nhân viên của đơn vị trực tiếp quản lý thu phí đường theo nội dung chi quy định đối với cầu, đường nói tại mục A trên đây.

Tổng số tiền phí thu được, sau khi bảo đảm các chi phí nêu trên, số tiền còn lại phải nộp ngân sách nhà nước theo thủ tục quy định tại mục A (2) nêu trên và toàn bộ số tiền phí thực chi theo quy định tại điểm 1, 2, 3 mục này phải thực hiện "ghi thu, ghi chi" qua ngân sách nhà nước theo thủ tục hướng dẫn tại mục V dưới đây.

Tiền thu phí từ các đường được cơ quan có thẩm quyền cho phép vay để nâng cấp, sau khi hoàn thành việc trả nợ vốn vay (kể cả lãi tiền vay) thì phải quản lý sử dụng như đối với tiền thu phí từ các cầu, đường đầu tư bằng vốn ngân sách nêu tại mục A.

C. Đối với cầu, đường xây dựng theo hình thức ngân sách nhà nước cấp một phần, phần vốn còn thiếu cho phép chủ dự án vay để xây dựng và tổ chức thu phí trả nợ, thì tiền thu phí được sử dụng theo quy định sau đây:

1. Trả nợ tiền vay theo khế ước vay (bao gồm cả lãi tiền vay).

2. Chi phí thường xuyên cho việc trực tiếp tổ chức thu phí cầu, đường nơi phát sinh nguồn thu theo nội dung cụ thể như đối với cầu, đường nêu tại mục A trên đây.

Tổng số tiền phí thu được trừ (-) số tiền đã trả nợ và chi phí cho việc tổ chức thu (điểm 1.2), số còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Toàn bộ số tiền phí đã thực tế sử dụng (kể cả số tiền trả nợ vay) phải thực hiện "ghi thu, ghi chi" qua ngân sách nhà nước theo thủ tục hướng dẫn tại mục V dưới đây.

Các cầu, đường loại này, sau khi hoàn trả đủ vốn vay (kể cả lãi tiền vay) thì phải quản lý sử dụng tiền phí thu được như các cầu, đường thuộc mục A trên đây.

D. Đối với cầu, đường xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT):

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, cơ quan thu phí phải báo cáo tình hình thu phí cầu, đường với cơ quan Thuế địa phương nơi có cầu, đường được phép thu phí. Cơ quan thuế có nhiệm vụ theo dõi tình hình thực hiện hợp đồng để kịp thời quản lý thực hiện thu phí khi đơn vị chuyển giao. Trường hợp trong quá trình thực hiện, đơn vị có khó khăn không chuyển giao được theo đúng hợp đồng đã ký thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Các cầu, đường xây dựng theo hình thức BOT, nếu kết thúc giai đoạn kinh doanh theo hợp đồng (hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) và chuyển giao cho Nhà nước quản lý thì việc quản lý thu phí thực hiện như các cầu, đường thuộc mục A trên đây.

V. DỰ TOÁN, QUYẾT TOÁN TÀI CHÍNH VÀ THỦ TỤC
GHI THU, GHI CHI NSNN:

1. Lập dự toán tài chính:

Hàng năm, cơ quan thu phí có trách nhiệm lập dự toán tài chính (thu - chi) của từng cầu, đường do mình quản lý, phân biệt nguồn thu phí, thu khác; chi thường xuyên, chi không thường xuyên, chi trích tạo nguồn trả vốn vay (nếu có), chi tiết đến từng mục thu - chi theo mục lục ngân sách nhà nước quy định đối với từng khoản thu, chi tương ứng, có thuyết minh giải trình cơ sở tính và gửi cơ quan Thuế, cơ quan Tài chính trực tiếp quản lý.

Sau khi có ý kiến của cơ quan Thuế và cơ quan Tài chính trực tiếp quản lý, cơ quan thu phí thực hiện báo cáo dự toán tài chính năm theo trình tự sau đây:

Đối với dự toán tài chính (thu - chi) của cơ quan thu phí thuộc Trung ương quản lý, gửi cho Khu quản lý đường bộ tổng hợp và báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam. Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp dự toán của các Khu quản lý đường bộ để báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tổng hợp dự toán thu - chi ở các cầu, đường của các đơn vị trực thuộc vào dự toán thu - chi ngân sách của Bộ mình và gửi Bộ Tài chính (dự toán năm gửi trước ngày 15 tháng 8 năm trước).

Đối với dự toán tài chính của các đơn vị thu phí thuộc địa phương quản lý, gửi cho Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính vật giá (dự toán năm sau gửi trước ngày 10 tháng 8 năm trước) để Sở Tài chính vật giá lập dự toán ngân sách địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Dự toán tài chính hàng năm của các đơn vị quản lý cầu, đường sau khi được Bộ Giao thông vận tải (đối với đơn vị Trung ương quản lý), Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với đơn vị địa phương quản lý) xem xét được tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước.

2. Thông báo duyệt quyết toán hàng năm:

Chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày Quốc hội ra Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước và ngân sách của từng Bộ, từng địa phương năm kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải (hoặc Cục Đường bộ nếu được Bộ Giao thông vận tải uỷ quyền), Sở Giao thông vận tải hoặc Bộ, ngành liên quan (nếu có), thực hiện thông báo duyệt dự toán tài chính (thu - chi) đối với từng cầu, đường trực thuộc mình quản lý (Bộ Giao thông vận tải đối với cầu, đường thuộc Bộ quản lý; Sở Giao thông vận tải đối với cầu, đường do địa phương quản lý, các Bộ ngành khác đối với cầu, đường thuộc Bộ, ngành đó quản lý).

Thông báo duyệt dự toán tài chính phải đồng thời gửi cho cơ quan Tài chính, Kho bạc nhà nước, cơ quan Thuế trực tiếp quản lý thu cầu, đường đó. Thông báo phải chi tiết từng khoản mục thu - chi theo mục lục ngân sách nhà nước quy định, phù hợp với tổng mức (thu - chi) của Nhà nước giao cho Bộ, địa phương mình.

3. Chấp hành dự toán:

Căn cứ thông báo duyệt dự toán tài chính năm của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan trực tiếp thu phí cầu, đường được chủ động trích tiền thu phí cầu đường theo tỷ lệ quy định để chi phí cho việc tổ chức thu phí và trích quỹ theo nội dung quy định trên đây, các khoản chi khác sẽ được ngân sách nhà nước cấp theo dự toán được duyệt.

4. Hạch toán, quyết toán thu - chi:

Mỗi quý, năm phải quyết toán thu - chi phí cầu, đường theo đúng nội dung khoản mục, thời hạn và gửi báo cáo theo chế độ quy định. Chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.

5. Thụ tục ghi thu, ghi chi:

Toàn bộ các khoản phí cầu, đường đơn vị được tạm trích để sử dụng theo quy định tại mục IV trên đây phải được phản ánh qua ngân sách nhà nước theo hình thức "ghi thu, ghi chi". Trình tự và thủ tục "ghi thu, ghi chi" thực hiện như sau:

Chậm nhất sau 15 ngày kết thúc quý, cơ quan thu phí phải tổng hợp số phí thực tế đã thu được, số chi phí thực tế trong kỳ và gửi cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế trực tiếp quản lý đề nghị "ghi thu, ghi chi" qua ngân sách nhà nước.

Cơ quan Tài chính và cơ quan Thuế kiểm tra, xác định số thực thu và số thực chi hợp lệ theo nội dung chi và dự toán chi được duyệt, báo cáo cơ quan Tài chính cấp trên.

Căn cứ đề nghị của đơn vị, số đã kiểm tra xác định của cơ quan Tài chính, Thuế cơ sở, Bộ Tài chính (đối với cầu, đường Trung ương quản lý) và Sở Tài chính (đối với cầu, đường địa phương quản lý) giải quyết "ghi thu, ghi chi" qua ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương đối với cầu, đường Trung ương quản lý; ngân sách địa phương đối với cầu đường địa phương quản lý.)

Căn cứ lệnh thu, lệnh chi đã thực hiện, cơ quan Thuế (Tổng cục Thuế đối với cầu, đường Trung ương quản lý; Cục Thuế đối với cầu, đường địa phương quản lý) có nhiệm vụ thông báo số thu ngân sách của từng cầu, đường cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý cầu, đường đó theo dõi; cơ quan Tài chính (Bộ Tài chính đối với cầu, đường Trung ương quản lý, Sở Tài chính đối với cầu, đường địa phương quản lý) thông báo số chi (chi tiết từng khoản) cho từng cầu, đường để hạch toán và quyết toán theo chế độ quy định.

Việc "ghi thu, ghi chi" chỉ thực hiện trên số tiền đã thực thu và đã thực chi đúng nội dung khoản chi được duyệt, có chứng từ hợp lệ và đúng chế độ quy định. Trường hợp số chi không đúng quy định thì không giải quyết ghi thu, ghi chi mà phải nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

VI. XỬ LÝ VI PHẠM:

1. Tổ chức, cá nhân đi qua cầu, đường có hành vi trốn nộp phí hoặc gian lận phí (sử dụng vé sai quy định) thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền phí phải nộp theo mức thu quy định, còn bị phạt ba lần số tiền phí đã gian lận.

Khi phát hiện có sự vi phạm nêu trên, phải chuyển ngay cho người có thẩm quyền (do cơ quan thu phí chỉ định) xử lý phạt. Việc xử lý phạt phải khẩn trương, đúng hành vi vi phạm, nhằm tránh ùn tắc giao thông. Mọi trường hợp thu tiền phạt đều phải cấp biên lai, ghi đúng số tiền đã thu (loại biên lai do Bộ Tài chính phát hành) cho người nộp tiền phạt.

2. Tổ chức, cá nhân thu phí vi phạm chế độ thu, nộp phí; thu nộp tiền phạt; chế độ kê khai phí, nộp tiền phí vào ngân sách; chế độ kế toán và quyết toán phí thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 2 và Điều 4 của Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế.

 

PHẦN THỨ BA
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Đối với số tiền phí đã thu được tại các cầu, đường đã được cơ quan có thẩm quyền quy định thu và mức thu, nhưng chưa quy định chế độ quản lý số tiền thu được từ ngày thực hiện thu đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì cũng được thực hiện theo quy định tại Thông tư này; chênh lệch giữa số thu và số đã chi phải nộp hết vào ngân sách nhà nước.

2. Cơ quan Thuế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan thu phí cầu, đường thực hiện đúng quy định tại Thông tư này. Phối hợp với cơ quan thu phí nghiên cứu, thiết kế mẫu (kể cả thẻ miễn phí) và các ấn chỉ phục vụ việc thu phí và tổ chức in, phát hành, quản lý theo đúng chế độ quản lý ấn chỉ của Bộ Tài chính quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân và đối tượng nộp phí phản ánh kịp thời với Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

 

MỨC THU TỐI ĐA

PHÍ SỬ DỤNG CẦU, ĐƯỜNG BỘ

(Ban hành kèm theo Thông tư số 57/1998/TT/BTC ngày 27 tháng 4 năm 1998
của Bộ Tài chính)

Số TT

Đối tượng thu phí

Đơn vị tính

Mức thu tối đa

1

Xe máy:

 

 

 

- Vé thông thường

đồng/vé

1.000

 

- Vé tháng (áp dụng cho đối tượng được sử dụng vé tháng)

đ/vé tháng

10.000

2

Xe lam, xe máy kéo bông sen, công nông

đ/vé

5.000

3

Xe ôtô các loại thiết kế dùng để chở người:

 

 

 

- Xe dưới 12 chỗ ngồi

đ/vé

15.000

 

- Xe từ 12 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi

đ/vé

22.000

 

- Xe từ 31 chỗ ngồi đến 50 chỗ ngồi

đ/vé

26.000

 

- Xe từ 51 chỗ ngồi trở lên

đ/vé

30.000

 

- Xe buýt công cộng

đ/vé

15.000

4

Xe ôtô các loại thiết kế dùng để chở hàng hoá

 

 

 

- Xe có trọng tải dưới 2 tấn

đ/vé

14.000

 

- Xe có trọng tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn

đ/vé

26.000

 

- Xe có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn

đ/vé

35.000

 

- Xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 15 tấn

đ/vé

50.000

 

- Xe có trọng tải từ 15 tấn đến dưới 18 tấn

đ/vé

65.000

 

- Xe có trọng tải trên 18 tấn

đ/vé

100.000

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.