• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 27/10/2006
CHÍNH PHỦ
Số: 39/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 5 tháng 7 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt

_______________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông ngày 02 tháng 12 năm 1994;

Căn cứ Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 01 năm 1989 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 6 của pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 06 tháng 7 năm 1995;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

 

NGHỊ ĐỊNH: 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Nghị định này quy định về trật tự, an toàn giao thông đường sắt nhằm bảo đảm an toàn về người, phương tiện, tài sản của Nhà nước và nhân dân;

2. Nghị định này áp dụng cho người sử dụng phương tiện và công trình giao thông đường sắt, người hoạt động trong phạm vi giới hạn bảo vệ công trình giao thông đường sắt;

3. Đường sắt chuyên dùng có quy định riêng.

Điều 2. Các thuật ngữ dùng trong Nghị định này được hiểu như sau:

1. Công trình giao thông đường sắt bao gồm: nền đường, kiến trúc tầng trên đường, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, khu ga, hệ thống thông tin tín hiệu và các công trình thiết bị phụ trợ khác;

2. Khu ga là tổ hợp công trình bao gồm: nhà ga, quảng trường ga, ke ga, đường ga, kho bãi hàng và các trang thiết bị khác;

3. Phương tiện giao thông đường sắt bao gồm: đầu máy, toa xe và các thiết bị chuyên dùng hoạt động trên đường sắt;

4. Nhân viên đường sắt là những người làm trong ngành đường sắt bao gồm: người quản lý, điều khiển, chế tạo, sửa chữa, sử dụng các phương tiện, thiết bị, công trình giao thông đường sắt và người xây dựng công trình giao thông đường sắt;

5. Đường ngang là nơi đường sắt và đường bộ giao nhau trên cùng một mặt bằng;

6. Cầu chung là cầu có mặt bằng dùng chung cho cả phương tiện giao thông đường sắt và phương tiện giao thông đường bộ;

7. Khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt là khoảng không gian dọc theo đường sắt đủ để tàu chạy qua không bị va quệt.

Điều 3.

1. Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi cá nhân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của Nghị định này.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo những quy định của Nghị định này.

Điều 4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia tuyên truyền giáo dục nhân dân và giám sát việc thi hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Điều 5.

1. Mọi hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

2. Người thi hành công vụ về trật tự, an toàn giao thông đường sắt không làm tròn trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Điều 6. Việc giải quyết tai nạn trong giao thông đường sắt phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Trưởng ga, Trưởng tàu hoặc người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt chịu trách nhiệm chính trong việc nhanh chóng cấp cứu nạn nhân và báo cho Công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất để giải quyết hậu quả và làm mọi thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật;

2. Người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm và được quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đưa người bị thương đi cấp cứu. Người trốn tránh trách nhiệm cứu giúp người bị nạn sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành. Người lợi dụng việc xảy ra tai nạn chiếm đoạt tài sản của người bị nạn, tài sản của Nhà nước, xúi dục, gây sức ép làm cản trở việc giải quyết hậu quả bị xử lý theo pháp luật;

3. Uỷ ban nhân dân địa phương nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm chủ động phối hợp với lực lượng Công an, ngành Đường sắt và các cơ quan tổ chức có liên quan khác bảo vệ tài sản của người bị nạn, tài sản Nhà nước, giải quyết hậu quả để nhanh chóng khôi phục giao thông đường sắt.

Trường hợp hiện trường xảy ra tai nạn ảnh hưởng trực tiếp đến chạy tàu phải kịp thời đưa nạn nhân, các vật chướng ngại ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt để tiếp tục cho tàu chạy.

 

CHƯƠNG II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VỀ BẢO ĐẢM

TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 7. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:

1. Ban hành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các định mức kinh tế kỹ thuật của ngành thuộc thẩm quyền nhằm bảo đảm vận chuyển hành khách, hàng hoá được an toàn;

2. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn của các cơ sở thiết kế, đóng mới, sửa chữa, đăng kiểm thiết bị và phương tiện giao thông đường sắt;

3. Tổ chức quản lý việc đào tạo, cấp bằng, giấy phép lái máy, chứng chỉ chuyên môn cho nhân viên đường sắt;

4. Tổ chức chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của hệ thống Thanh tra giao thông đường sắt; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với những hành vi vi phạm hành chính về đảm bảo an toàn công trình giao thông đường sắt và trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

5. Phối hợp với Bộ Nội vụ phân tích nguyên nhân, xử lý các vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Điều 8. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

1. Tổ chức chỉ đạo công tác bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

2. Kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

3. Chủ trì, điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông đường sắt;

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định và kiến nghị với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục những nguyên nhân xẩy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Điều 9. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

1. Đảm bảo kinh phí cho công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua được Chính phủ phê duyệt;

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ chỉ đạo cơ quan tài chính các cấp tổ chức việc thu tiền xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngành đường sắt;

Thống nhất phát hành và quản lý chứng từ thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

3. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tiền phạt thu được theo đúng quy định.

Điều 10. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với ngành Đường sắt, lực lượng công an để bảo vệ trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong việc vận chuyển quân, phương tiện, khí tài trên đường sắt.

Điều 11. Bộ Văn hoá Thông tin có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan văn hoá thông tin, báo chí Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, động viên nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Điều 12. Các cơ quan phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông đường sắt, không thu phí.

Điều 13. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ biên soạn giáo trình pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường học.

Điều 14. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1. Tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phố biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; tiến hành mọi biện pháp cần thiết để thiết lập kỷ cương trật tự, an toàn giao thông đường sắt; giao cho Uỷ ban nhân dân huyện (quận), Uỷ ban nhân dân xã (phường) có đường sắt chạy qua chịu trách nhiệm bảo vệ các công trình giao thông đường sắt tại địa phương.

2. Có kế hoạch và tổ chức chỉ đạo giải toả những công trình vi phạm thuộc phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

3. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp nơi đường sắt bị hư hỏng do tại nạn giao thông hoặc thiên tai địch hoạ phối hợp với ngành đường sắt kịp thời giải quyết hậu quả, khôi phục giao thông.

Uỷ ban nhân dân địa phương nơi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt cùng với trưởng ga gần nhất phối hợp với lực lượng công an tổ chức cấp cứu người bị thương, làm các thủ tục về pháp luật, tổ chức mai táng người chết, nếu có nạn nhân là người nước ngoài phải liên hệ ngay với cơ quan Ngoại vụ cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết theo hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về việc mở đường đi nhất định tại nơi nhân dân thường phải đi qua đường sắt và phải làm cọc tiêu, biển báo hiệu trên đường bộ để hướng dẫn cho nhân dân qua lại đường sắt.

Điều 15. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi lập quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo công trình có ảnh hưởng đến an toàn của các công trình giao thông đường sắt phải được nhất trí bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

 

CHƯƠNG III

ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 16. Phạm vi bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt bao gồm những giới hạn trên mặt đất, dưới lòng đường, dưới mặt nước và trên không có liên quan đến an toàn công trình và an toàn hoạt động giao thông đường sắt.

Điều 17. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của nền đường sắt là 5m kể từ chân nền đường đối với nền đường đắp hay kẻ từ mép đỉnh đối với nền đường đào hoặc là 3m kể từ chân rãnh dọc hay chân rãnh đỉnh của đường.

Đối với nền đường không đắp, không đào là 5,6m tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra.

Điều 18. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn trên không của đường sắt là 7,5m kể từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng.

Điều 19. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của cầu đường sắt quy định như sau:

1. Theo chiều dọc nền đường sắt kể từ cột tín hiệu phòng vệ ở phía bên này cầu đến cột tín hiệu phòng vệ phía bên kia cầu;

Cầu không có cột tín hiệu phòng vệ thì tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên 50m.

2. Theo chiều ngang cầu: Phạm vi tiếp giáp với cầu kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi phía:

Đối với cầu vượt trong thành phố tính từ mép lan can ngoài cùng trở ra mỗi bên là 5m.

Đối với cầu loại nhỏ dài dưới 20m là 20m;

Đối với cầu loại vừa dài từ 20m đến dưới 60m là 50m;

Đối với cầu loại lớn dài từ 60m đến 300m là 100m;

Đối với cầu loại lớn dài trên 300m là 150m.

Điều 20. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của hầm đường sắt là vùng đất, đá, khoảng không có khoảng cách từ điểm ngoài cùng của các bộ phận cấu tạo của hầm trở ra là 50m.

Điều 21.

1. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của cột điện thoại, điện báo, tín hiệu của đường sắt là 3,5m xung quanh cột kể từ tim cột trở ra.

2. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của đường dây điện thoại, điện báo, tín hiệu của đường sắt là 2,5m kể từ đường dây ngoài cùng trở ra theo chiều ngang và chiều đứng.

3. Khoảng cách an toàn giữa các đường dây thông tin, tín hiệu của đường sắt với các đường dây điện lực và đường dây thông tin khác phải theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật Nhà nước hiện hành.

Điều 22. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của khu ga bao gồm toàn bộ vùng đất (mặt đất, dưới lòng đất, trên không) phía trong tường rào ga hoặc mốc chỉ giới và từ cột tín hiệu vào ga phía bên này đến cột tín hiệu vào ga phía bên kia.

Điều 23. Diện tích đất trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt chỉ được phép trồng loại cây ngắn ngày, thân thấp và phải trồng cách mép chân nền đường đắp ít nhất 2m, cách mép đỉnh mái đường đào ít nhất 5m hoặc 3m tính từ mép ngoài rãnh dọc của đường hoặc rãnh đỉnh trở ra.

Điều 24.

1. Việc cắm mốc chỉ giới phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt phải tuân theo những quy định tại Nghị định này.

2. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua chỉ đạo việc cắm mốc chỉ giới phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt.

3. Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn đường ngang, giới hạn giữa nền đường sắt và nền đường bộ ở những đoạn đường đi song song gần nhau.

Điều 25. Đơn vị quản lý công trình giao thông đường sắt có trách nhiệm:

1. Bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình, bảo đảm đầy đủ hệ thống tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu theo quy định;

2. Thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình giao thông đường sắt có hư hỏng hoặc có nguy cơ không bảo đảm an toàn chạy tàu;

3. Thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường thường có đá lở, đất sụt, nước ngập (đặc biệt trong mùa mưa bão, lũ lụt).

Đơn vị quản lý công trình giao thông đường sắt phải chịu trách nhiệm nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc không bảo đảm chất lượng công trình để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Điều 26.

1. Việc thi công, sửa chữa công trình giao thông đường sắt phải được phép của cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền và chỉ được tiến hành thi công, sửa chữa khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.

2. Sau khi thi công, sửa chữa xong, công trình phải được cơ quan cấp phép nghiệm thu. Mọi vật liệu, máy móc, thiết bị và tín hiệu phòng vệ phải được thu dọn.

Điều 27. Người phát hiện công trình giao thông đường sắt có trở ngại uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu có trách nhiệm tìm mọi biện pháp cấp báo ra hiệu cho tàu dừng lại hoặc tìm cách báo cho nhân viên đường sắt, lực lượng công an, cơ quan Nhà nước nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 28. Việc xây dựng công trình, sử dụng và khai thác khoảng không, vùng đất, vùng nước ngoài phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hoạt động giao thông vận tải đường sắt. Cơ quan quản lý đường sắt có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, yêu cầu khắc phục ngay những việc làm gây nguy hiểm đến trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Điều 29.

1. Nhà làm bằng vật liệu dễ cháy phải cách chân đường sắt ít nhất 20m;

2. Lò vôi, lò gốm, lò gạch, lò nấu gang, thép, xi măng, thuỷ tinh phải đặt cách chân nền đường sắt ít nhất 25m;

3. Các kho chứa chất độc, chất nổ, chất dễ cháy, chất dễ nổ phải làm cách xa nền đường sắt theo quy định của pháp luật;

4. Cách cột điện, cột điện thoại thi công sau ngày ban hành Nghị định này phải đặt cách mép vai đường sắt một khoảng cách lớn hơn chiều cao của cột. Đường dây tải điện phía trên đường sắt phải có lưới bảo hiểm nhằm bảo đảm an toàn khi bị đứt dây chuyển tải điện.

Điều 30. Các công việc sau đây làm ảnh hưởng đến an toàn công trình giao thông đường sắt phải được cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền cho phép trước khi thi hành:

1. Khoan, đào, xẻ nền đường sắt;

2. Đặt đường ống cấp nước, thoát nước, đường ống dẫn dầu khí; đặt cáp dẫn điện, cáp thông tin, thiết bị chiếu sáng trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt.

Điều 31. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở đường ngang, làm cầu vượt, cầu chui qua đường sắt phải được Bộ Giao thông vận tải cho phép và chịu toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý, duy tu, sửa chữa; phải đặt đầy đủ thiết bị hướng dẫn giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại vị trí đó.

Điều 32. Việc xây dựng công trình quy định tại Điều 30, Điều 31 của Nghị định này phải theo đúng giấy phép đã được cấp và sau khi hoàn thành công trình phải được cơ quan cấp giấy phép nghiệm thu, chấp thuận.

Điều 33. Nghiêm cấm các hành vi làm ảnh hưởng đến an toàn công trình giao thông đường sắt như:

1. Phá huỷ, tháo dỡ, trộm cắp, làm hư hỏng cấu kiện, phụ kiện, trang bị, thiết bị phương tiện, thiết bị thông tin tín hiệu, vật tư đường sắt;

2. Xây dựng công trình, làm nhà, lều quán, biển quảng cáo hoặc những vật khác trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt; đào bới, lấy đất đá trong khu vực nền đường sắt.

3. Thải nước và các chất độc hại vào đường sắt.

 

CHƯƠNG IV

NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT VÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 34.

1. Nhân viên đường sắt phải được đào tạo, kiểm tra, sát hạch, cấp bằng, giấy phép lái máy hoặc chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải.

2. Nhân viên đường sắt làm nhiệm vụ có liên quan đến chạy tàu phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về giao thông đường sắt và chịu trách nhiệm cá nhân về bảo đảm chạy tàu an toàn trong phạm vi công việc được giao.

3. Thủ trưởng đơn vị các cấp trong ngành đường sắt tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được quy định phải chịu trách nhiệm liên đới về việc chấp hành pháp luật giao thông đường sắt của nhân viên thuộc quyền quản lý.

Điều 35. Cấm nhân viên đường sắt khi làm nhiệm vụ:

1. Trong tình trạng không đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ được giao;

2. Trong máu có độ rượu, bia vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở hoặc sử dụng các chất kích thích khác;

3. Không có giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao.

Điều 36. Trường kỹ thuật nghiệp vụ đào tạo nhân viên đường sắt phải đủ điều kiện vật chất kỹ thuật và đội ngũ giáo viên có nghiệp vụ theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 37.

1. Phương tiện giao thông đường sắt (trừ goòng thủ công) hoạt động trên đường sắt phải có ký hiệu, số hiệu và các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Ngoài tiêu chuẩn trên, đầu máy và phương tiện tự chạy trên đường sắt còn phải có còi, đèn chiếu sáng.

Nghiêm cấm người không có trách nhiệm đưa các phương tiện tự tạo lên đường sắt.

2. Phương tiện giao thông đường sắt phải được bảo dưỡng, kiểm định kỹ thuật định kỳ theo quy định.

Điều 38. Thủ trưởng các đơn vị quản lý, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, sử dụng phương tiện giao thông đường sắt theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện; có biện pháp xử lý kịp thời khi phương tiện giao thông đường sắt có hư hỏng không bảo đảm an toàn chạy tàu.

Nghiêm cấm đưa các phương tiện không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật vào sử dụng trên mạng lưới đường sắt quốc gia. Thủ trưởng các đơn vị nói trên phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt do chất lượng phương tiện không bảo đảm.

 

CHƯƠNG V

QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 39. Biểu đồ chạy tàu do cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành là cơ sở cho việc tổ chức chạy tàu của ngành đường sắt.

Tất cả nhân viên đường sắt phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của biểu đồ chạy tàu.

Điều 40. Hàng hoá đưa lên toa xe phải được xếp ổn định, gia cố chắc chắn bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

Điều 41. Việc vận chuyển những loại hàng nguy hiểm, độc hại, dễ cháy, dễ nổ phải tuân theo quy định về an toàn vận chuyển các chất đó.

Điều 42. Nghiêm cấm các hành vi say đây:

1. Đưa lên tàu khách các chất độc hại, dễ nổ, dễ cháy, và các chất nguy hiểm khác;

2. Chở hành khách, hàng hoá quá trọng tải quy định của toa xe.

3. Cho người không có trách nhiệm lên đầu máy, chở hàng trên đầu máy;

4. Chở người trên tàu hàng (trừ người có trách nhiệm);

5. Đưa vật phẩm cấm chuyên chở vào ga, lên tàu.

Điều 43. Người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt phải thuộc đường, vị trí cầu, hầm, ga, trạm, tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu để chủ động điều khiển tàu chạy an toàn; phải thường xuyên quan sát đường để xử trí kịp thời khi gặp trở ngại và phải báo cho ga gần nhất biết nếu trở ngại đó còn đe doạ an toàn cho các đoàn tàu khác.

Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt chạy tàu quá tốc độ quy định; dừng tàu không đúng vị trí quy định nếu không có lý do chính đáng.

Điều 44.

1. Cấm đỗ tàu trên đường ngang trừ khi gặp chướng ngại hoặc tai nạn bất ngờ;

2. Trường hợp phải dồn hoặc đỗ tàu chiếm dụng đường ngang thì thời gian tạm ngừng giao thông đường bộ không được vượt quá 3 phút đối với đường ngang cấp 1, cấp 2 và 5 phút đối với đường ngang cấp 3.

3. Trường hợp xảy ra tai nạn trên đường ngang trưởng tàu, người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, người phụ trách cứu chữa tai nạn phải tìm mọi cách khắc phục giao thông nhanh nhất.

Điều 45.

1. Chắn đường ngang, cầu chung phải được đóng trước khi tàu hoả tới đường ngang, cầu chung đúng thời gian quy định:

a. Một phút đối với chăn điện tời;

b. Một phút rưỡi đối với chắn thủ công;

2. Không đóng chắn quá sớm trước khi tàu hoả tới đường ngang, cầu chung:

a. Quá 3 phút đối với cầu chung, đường ngang cấp 1 và cấp 2;

b. Quá 5 phút đối với đường ngang cấp 3.

Điều 46. Tại đường ngang, cầu chung quy định như sau:

1. Quyền ưu tiên thuộc về các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt;

2. Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành theo sự chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu sau:

a. Hiệu lệnh của người gác chắn;

b. Tín hiệu đèn, cờ, biển hiệu;

c. Chắn;

3. Khi có báo hiệu dừng (hiệu lệnh của người gác chắn, đèn đỏ, cờ đỏ, biển đỏ, chắn đã đóng) người và tất cả các phương tiện tham gia giao thông đường bộ kể cả những xe có quyền ưu tiên đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và cách báo hiệu nói trên ít nhất 3m;

4. Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi sắp đi vào đường ngang không có chắn phải quan sát, nếu thấy tàu hoả sắp tới thì phải dừng lại về bên phải đường của mình, cách ray ngoài cùng ít nhất 5m và phải tự chịu trách nhiệm nếu để xẩy ra tai nạn.

5. Nghiêm cấm việc tự ý mở chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đã đóng.

Điều 47. Xe bánh xích, xe chở hàng quá khổ, quá tải khi qua đường ngang, cầu chung phải được Bộ Giao thông vận tải cho phép; chịu sự kiểm soát về trọng tải và khổ giới hạn chất tải và chịu mọi phí tổn gia cố công trình giao thông đường sắt trong trường hợp cần thiết.

Điều 48. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị tai nạn, hàng hoá rơi, đổ vào đường sắt vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt, người chủ phương tiện bị tai nạn, người phát hiện, người có mặt tại hiện trường phải nhanh chóng đưa người bị nạn (nếu có), phương tiện, hàng hoá ra ngoài khổ giới hạn nói trên để khai thông đường sắt sau đó tìm mọi cách đưa phương tiện, hàng hoá ra khỏi pham vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt. Trường hợp chưa kịp khai thông đường sắt mà tàu hoả sắp tới phải thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.

Điều 49. Nghiêm cấm các hành vi làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường sắt sau đây:

1. Đặt vật gây chướng ngại trên đường sắt;

2. Trồng cây và đặt các vật cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông của người qua lại tại đường ngang và tại phía bụng đường cong của đường sắt;

3. Phơi rơm, rạ và các vật khác lên đường sắt;

4. Chứa chất vật liệu, hàng hoá, chất phế thải, để phương tiện, thiết bị trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt (trừ vật liệu, thiết bị phục vụ thi công, sửa chữa công trình giao thông đường sắt);

5. Chăn thả trâu, bò, gia súc trên đường sắt và trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

6. Sử dụng chất nổ khai thác đá, cát, sỏi ảnh hưởng đến an toàn giao thông vận tải đường sắt;

7. Tuỳ tiện khoá hãm, giật van dừng tàu;

8. Đi, đứng (trừ người có trách nhiệm), nằm, ngồi, đùa nghịch trên đường sắt hoặc trên nóc toa xe; đu bám toa xe, đầu máy và ở hai đầu toa xe;

9. Bán hàng rong; gây mất trật tự trị an; uy hiếp an toàn thân thể, tài sản của hành khách và nhân viên đường sắt đang thừa hành nhiệm vụ;

10. Ném đất đá và các vật khác gây nguy hiểm lên tàu và từ trên tàu xuống;

11. Lên hoặc xuống tàu, mở cửa toa tàu, thò đầu, chân tay ra ngoài khi tàu đang chạy (trừ người có trách nhiệm);

12. Gây cản trở cho việc khai thác, sử dụng phương tiện, thiết bị công trình giao thông đường sắt;

13. Ngăn cản việc chạy tàu bình thường và các hành vi khác làm mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

 

CHƯƠNG VI

XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH VỀ HÀNH VI VI PHẠM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT 

I. NGUYÊN TẮC XỬ PHẠT

Điều 50.

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt do Uỷ ban nhân dân các cấp, Cảnh sát nhân dân và Thanh tra giao thông đường sắt tiến hành theo đúng quy định của pháp luật;

2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định này; 3. Mọi hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt phải được phát hiện kịp thời và đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh; mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định; tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về vật chất có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Người có thẩm quyền xử phạt quyết định hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Việc xử phạt hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Nghị định này.

6. Không xử phạt hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 51. Mức tiền phạt khi xử phạt hành chính có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

Khi xử phạt bằng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được áp dụng theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 52. Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, kiến nghị với các cơ quan hữu quan thực hiện ngay những biện pháp cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và bảo vệ công trình giao thông đường sắt.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá quyền hạn quy định thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

II. CÁC HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT

Điều 53. Xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về thi công, sửa chữa và quản lý công trình giao thông đường sắt:

1. Phạt tiền từ 500.000 đ đến 1.000.000 đ đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Khi thi công, sửa chữa mà không có giấy phép của cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền; không thông báo bằng văn bản cho đơn vị quản lý công trình giao thông đường sắt biết;

b. Không thông báo bằng văn bản cho đơn vị quản lý công trình giao thông đường sắt khi hết thời gian thi công, sửa chữa quy định trong giấy phép mà vẫn tiếp tục thi công;

c. Không tuân thủ quy trình kỹ thuật thi công, sửa chữa công trình giao thông đường sắt;

d. Không thu dọn ngay các biển phòng vệ và các vật liệu khác trong khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt khi thi công xong công trình;

đ. Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông đường sắt bị hư hỏng;

e. Không giải phóng kịp thời các vật cản hạn chế tầm nhìn tín hiệu của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a. Không đặt đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

b. Không có hoặc không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các địa điểm xung yếu, các đèo dốc và các đoạn đường nguy hiểm.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại Điều này còn phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy định.

Tuỳ theo mức độ vi phạm, người phụ trách thi công, thủ trường đơn vị quản lý công trình giao thông đường sắt còn bị xử lý kỷ luật; nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 54. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm công trình giao thông đường sắt.

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đ đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Trồng cây trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt;

b. Phơi rơm, rạ, nông sản và các vật phẩm khác trên đường sắt và các công trình giao thông đường sắt;

c. Để đất, cát rơi vãi trên đường sắt.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Mua bán hàng hoá, họp chợ, thả trâu bò, gia súc trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

b. Chứa chất vật liệu, hàng hoá, chất phế thải, phương tiện, thiết bị trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt (trừ vật liệu, thiết bị phục vụ thi công, sửa chữa công trình giao thông đường sắt);

c. Để đàn súc vật đi qua đường sắt không theo đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Neo đậu phương tiện vận tải thuỷ, bè, mảng trong phạm vi giới hạn bảo vệ cầu đường sắt;

b. Tự ý mở đường ngang qua đường sắt;

c. Xây dựng công trình, làm nhà, lều quán trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

d. Di chuyển chậm trễ các công trình, nhà ở, lều quán hoặc cố tình trì hoãn việc di chuyển gây trở ngại cho việc xây dựng, cải tạo, mở rộng và đảm bảo an toàn công trình giao thông đường sắt khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đ đồng đến 5.000.000 đ đối với một trong những hành vi sau đây:

a. Làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt;

b. Đặt, treo biển quảng cáo hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

c. Đào đất, lấy đá đường tàu;

d. Làm rơi gỗ, đá hoặc các vật phẩm khác gây tai nạn cho đoàn tàu chạy qua hoặc cho người đi trên tàu nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ. Làm hỏng tường rào ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ; di chuyển hoặc phá mốc chỉ giới phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

e. Sử dụng chất nổ khai thác đá, cát, sỏi; thải các chất độc hại làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt;

f. Để vật dễ cháy trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt.

5. Phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Đặt gây chướng ngại trên đường sắt;

b. Người không có trách nhiệm mà đưa phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy lên đường sắt;

c. Tháo dỡ, làm xê dịch ray, tà vẹt; trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, trang thiết bị, hệ thống thông tin tín hiệu của đường sắt nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

d. Tự ý khoan, đào, xẻ đường sắt, mở đường ngang.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm những quy định tại Điều này còn bị buộc phải thực hiện ngay:

a. Vi phạm điểm a Khoản 1 thì phải nhổ bỏ cây trồng.

b. Vi phạm điểm b Khoản 1 thì phải thu dọn rơm, rạ, nông sản, vật phẩm khác;

c. Vi phạm điểm c Khoản 1 thì phải thu dọn đất, cát rơi vãi trên đường sắt.

d. Vi phạm điểm b Khoản 2, điểm b, điểm f, khoản 4 thì phải tự dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép, rời chuyển phương tiện, thiết bị, vật liệu ra khỏi phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

đ. Vi phạm điểm a, điểm đ khoản 4, điểm c và d khoản 5 thì phải khôi phục trạng thái ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

e. Vi phạm điểm b khoản 5 thì bị tịch thu phương tiện tự tạo, phương tiện chạy trái phép trên đường sắt.

Điều 55. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng hoặc đưa vào sử dụng phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt không đủ tiêu chuẩn quy định;

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển đầu máy và các phương tiện tự chạy trên đường sắt thiếu còi, đèn, hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn quy định;

b. Sử dụng toa xe khách thiếu van hãm khẩn cấp, thiếu bình chữa cháy hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn quy định;

c. Sử dụng toa xe trưởng tàu thiếu van hãm khẩn cấp hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đ đến 10.000.000 đ đối với hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt mà chưa được kiểm định chất lượng kỹ thuật hoặc đã quá thời hạn sử dụng.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm Khoản 1, Khoản 3 Điều này thì phải đình chỉ ngay việc sử dụng phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt; vi phạm Khoản 2 Điều này thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu chạy về ga gần nhất để tìm biện pháp khắc phục ngay tồn tại.

Tuỳ theo mức độ vi phạm, Thủ trưởng các đơn vị kiểm định, quản lý phương tiện còn bị xử lý kỷ luật.

Điều 56. Xử phạt nhân viên đường sắt vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường sắt:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 đ đến 100.000 đ đối với hành vi để người trên nóc toa xe, đu bám toa xe, đầu máy, chỗ nối hai đầu toa; để người bán hàng rong trên tàu; cho người đi trên tàu hàng, để người lên, xuống tàu khi tàu đang chạy.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000đ đến 200.000 đ đối với hành vi vi phạm quy trình tác nghiệp kỹ thuật ảnh hưởng đến việc chạy tàu.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đ đến 2.000.000 đ đối với hành vi chở hành khách, hàng hoá quá trọng tải quy định của toa xe.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đ đến 5.000.000 đ đối với hành vi vi phạm quy trình tác nghiệp kỹ thuật để xẩy ra tai nạn giao thông đường sắt nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, nhân viên đường sắt có hành vi vi phạm khoản 1 điều này phải đưa người khỏi các vị trí nêu trên; vi phạm 3 điều này thì buộc phải hạ tải, đưa bớt hành khách, hàng hoá xuống khỏi toa xe.

Điều 57. Xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt:

1. Phạt tiền từ 500.000 đ đến 1.000.000đ đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển phương tiện giao thông đường sắt không có bằng hoặc giấy phép lái máy hợp lệ;

b. Cho người không có trách nhiệm lên đầu máy; chở hàng hoá trên đầu máy.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đ đến 5.000.000đ đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển tàu chạy quá tốc độ quy định;

b. Dùng tàu không đúng nơi quy định mà không có lý do chính đáng;

c. Điều khiển tàu chạy vượt quá tín hiệu dừng;

e. Điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà trong máu có độ cồn, rượu, bia vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở hoặc sử dụng các chất kích thích khác.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm điểm b khoản 1 điều này phải đưa người, dỡ hàng khỏi đầu máy; vi phạm khoản 2 điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái máy.

Điều 58. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến an toàn công trình giao thông đường sắt:

1. Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển xe cơ giới, xe bánh xích hoạt động trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt hoặc kéo vật nặng vượt qua đường sắt không theo đúng quy định;

b. Đặt đường ống cấp nước, thoát nước, dẫn xăng dầu, khí đốt; đặt cáp dẫn điện, cáp thông tin thiết bị chiếu sáng trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt mà không được phép của cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền.

2. Ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm điểm b khoản 1 điều này còn có thể bị buộc phải tháo dỡ ngay các đường ống, đường dây, các thiết bị trái phép.

Điều 59. Xử phạt cá nhân, có vi phạm khác về trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000đ đến 100.000đ đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Ném đất đá hoặc bất cứ một vật gì khác vào tàu;

b. Khi đi qua đường ngang, cầu chung mà không tuân theo chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu hoặc sự chỉ dẫn của nhân viên hướng dẫn giao thông;

c. Bán hàng rong trên tàu, dưới ga;

d. Không có trách nhiệm mà tự ý mở cửa toa tàu, thò đầu, chân, tay ra ngoài, lên hoặc xuống tàu khi tàu đang chạy, lên hoặc xuống tàu qua cửa sổ toa xe;

đ. Không có trách nhiệm mà tự ý leo trèo cột thông tin tín hiệu đường sắt trên nóc toa xe, chỗ nối hai đầu toa xe.

2. Phạt tiền từ 300.000đ đến 500.000 đ đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Đưa vật phẩm, hàng hoá lên tàu và từ trên tàu xuống khi tàu đang chạy, quăng ném vật phẩm, hàng hoá (lên hoặc xuống) qua cửa số toa xe;

b. Cố ý mở chắn đường bộ khi chắn đã đóng để vượt qua đường sắt.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Đưa lên tàu khách các chất độc hại, dễ nổ, dễ cháy, các chất nguy hiểm khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b. Bắt dừng tàu không có lý do chính đáng và tuỳ tiện khoá hãm, giật van dừng tàu nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c. Lợi dụng tai nạn giao thông để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và của công dân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, có hành vi vi phạm những quy định tại Điều này còn có thể phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; vi phạm điểm c, d, đ khoản 1 Điều này thì phải rời khỏi các vị trí nêu trên; Vi phạm điểm a khoản 3 Điều này thì phải chuyển giao toàn bộ vật phẩm nguy hiểm độc hại cho cơ quan có chức năng giải quyết; Vi phạm điểm c khoản 3 Điều này thì buộc phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt. 

III. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

Điều 60. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:

1. Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong phạm vi lãnh thổ thuộc địa phương mình quản lý.

2. Lực lượng Cảnh sát nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt được quy định trong Nghị định này.

3. Thanh tra giao thông đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt được quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57, 58, khoản 1, khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 59 của Nghị định này.

4. Trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì việc xử phạt do cơ quan thu lý đầu tiên thực hiện.

Điều 61. Thẩm quyền xử phạt của Uỷ ban nhân dân các cấp:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị đến 500.000 đồng;

d. Buộc bồi thường thiệt hại đến 500.000 đồng;

đ. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;

d. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

đ. Buộc bồi thường thiệt hại đến 1.000.000 đồng;

e. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;

d. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

đ. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

e. Buộc bồi thường thiệt hại đến 1.000.000 đồng.

Điều 62. Thẩm quyền xử phạt của lực lượng Cảnh sát nhân dân:

1. Chiến sĩ cảnh sát nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 100.000 đồng;

2. Đội trưởng Đội cảnh sát, Trạm trưởng Trạm cảnh sát bảo vệ trật tự an toàn giao thông đường sắt có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c. Buộc bồi thường thiệt hại đến 500.000 đồng.

3. Trưởng công an phường, thị trấn nơi có đường sắt đi qua được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Nghị định này.

4. Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường sắt thuộc Bộ Nội vụ, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông trật tự cấp tỉnh có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;

d. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

đ. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

e. Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng.

5. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trật tự, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

d. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

đ. Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc quyền, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Điều 63. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông đường sắt

1. Thanh tra viên giao thông đường sắt có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c. Tịch thu tang vật phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng.

d. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

đ. Buộc thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn giao thông.

2. Thủ trưởng cơ quan Thanh tra chuyên ngành giao thông đường sắt có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c. Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng;

d. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

đ. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

3. Thủ trưởng cơ quan Thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c. Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

d. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

e. Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng.

 

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 64. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 1996. Những quy định trước đây về trật tự, an toàn giao thông đường sắt trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 65. Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Nội vụ, Tài chính theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa phương mình xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị định này.

Điều 66. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.